Bản tin thời sự sáng 4/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sẽ chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng kiểm soát đặc biệt; hàng trăm nghìn tấn nông sản xuất sang Trung Quốc dịp nghỉ lễ; Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế VAT vào tháng 5; làm rõ thẩm quyền giao đất đối ứng của tỉnh Thái Nguyên cho 3 dự án BT…

Sẽ chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng kiểm soát đặc biệt

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank).

Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước nêu tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phục vụ thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 22/5 tới).

Trong quá trình cơ cấu hệ thống ngân hàng, 3 nhà băng bị mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank). Cùng năm này, Ngân hàng Đông Á bị kiểm soát đặc biệt.

Khó khăn lớn nhất khi xử lý các ngân hàng bị mua lại 0 đồng lâu nay là các khoản nợ và lỗ lũy kế. Chẳng hạn, đến cuối 2019, OceanBank lỗ lũy kế hơn 17.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 4 năm gần đây, các ngân hàng này liên tục giảm lỗ lũy kế, năm 2021 cũng là năm lỗ thấp nhất từ 2016 đến nay.

Các nhà băng này đều nhận được sự hỗ trợ quản trị, chiến lược từ Vietcombank và VietinBank... sau khi bị mua lại 0 đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện các nội dung tiếp theo đang được các bên liên quan thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng nói trên theo trình tự, thủ tục quy định.

Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trường hợp được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nửa năm sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, theo cơ quan quản lý, hoạt động của SCB "trong tầm kiểm soát, dần ổn định".

Hàng trăm nghìn tấn nông sản xuất sang Trung Quốc dịp nghỉ lễ

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tại các cửa khẩu Lạng Sơn diễn ra hanh thông, sôi động với hàng trăm nghìn tấn nông sản được xuất bán sang Trung Quốc.

Xe chở hàng chờ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh

Xe chở hàng chờ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh

Mặc dù ngày nghỉ song các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn vẫn bố trí đảm bảo nhân lực, phương tiện làm việc bình thường. Hiện tại, Lạng Sơn duy trì thông quan xuất nhập khẩu hàng hoá tại 4 cửa khẩu gồm: cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc); cửa khẩu song phương Chi Ma (huyện Lộc Bình); cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) và cửa khẩu phụ Tân Thanh (huyện Văn Lãng).

Ông Bế Thái Hưng - Phó Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh cho biết, riêng ngày 29/4, phía Trung Quốc thông báo hỏng hệ thống mạng, đến 16h cùng ngày phía bạn mới khắc phục được và làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện qua biên giới nên hàng xuất khẩu mới được 125 xe, nhập khẩu 34 xe. Ngày 1/5 và 2/5, hàng xuất khẩu được gần 250 xe/ngày và hàng nhập khẩu là khoảng 80 xe/ ngày.

Theo ông Hưng, hàng xuất khẩu chủ yếu là thanh long, mít, xoài, dưa hấu, chuối quả tươi, tinh bột sắn. Hàng nhập là rau, củ, quả các loại như nấm, cà rốt, hành tây, quýt, lê, dưa vàng…

Theo thống kê từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ ngày 28/4 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 1.000 phương tiện được các lực lượng chức năng cửa khẩu giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu.

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế VAT vào tháng 5

Chính phủ vừa đề nghị xây dựng Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT

Trong Nghị quyết ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Chính phủ cũng quyết nghị giao Bộ trưởng Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bổ sung Dự án Nghị quyết về giảm thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chính phủ cũng đề nghị UBTVQH cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5 tới.

"Tờ trình báo cáo UBTVQH cần nêu nội dung đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương giảm thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn hiện nay", Chính phủ lưu ý với Bộ Tư pháp.

Giữa tháng 4, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT với hàng hoá, dịch vụ có thuế suất 10%. Cơ sở kinh doanh khi xuất hoá đơn sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế. Chính sách này dự kiến áp dụng đến hết năm 2023.

Năm ngoái, giảm thuế VAT về 8% cũng được Chính phủ áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này năm nay là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách.

Cơ quan này ước tính, ngân sách giảm thu 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay.

Hà Nội quản lý, sử dụng hơn 1.100 xe ô tô công

Liên quan thực trạng quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công là ô tô, theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố đang quản lý, sử dụng 1.133 xe ô tô.

Trụ sở UBND thành phố Hà Nội

Trụ sở UBND thành phố Hà Nội

Trong số này, có 655 xe ô tô chuyên dùng; 28 xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; 450 xe ô tô phục vụ công tác chung.

Cụ thể, theo thông tin công bố, khối sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố quản lý, sử dụng hơn 900 xe, gồm: 572 xe ô tô chuyên dùng; 28 xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; 307 xe ô tô phục vụ công tác chung.

Khối quận, huyện, thị xã quản lý, sử dụng 223 xe, gồm: 80 xe ô tô chuyên dùng; 143 xe ô tô phục vụ công tác chung.

Theo thông tin chi tiết, Văn phòng UBND Thành phố có 11 xe ô tô phục vụ công tác các chức danh, 3 xe chuyên dùng; Văn phòng Thành ủy có 5 xe ô tô phục vụ công tác các chức danh, 11 xe phục vụ công tác chung và 9 xe chuyên dùng.

Có 5 ban Đảng thuộc Thành ủy, mỗi ban có 1 xe phục vụ công tác chức danh, gồm: Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Nội chính, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận.

Một số đơn vị có số lượng xe chuyên dùng lớn, trong đó, nhiều nhất là Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội (85 xe), Thanh tra Sở Giao thông vận tải (53 xe), Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội (29 xe), Đài PTTH Hà Nội (27 xe), Trung tâm Cấp cứu 115 (21 xe).

Tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của Thành phố được phê duyệt tại Quyết định số 11/2021 ngày 21/7/2021, làm cơ sở UBND TP. Hà Nội xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý xe ô tô tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

Làm rõ thẩm quyền giao đất đối ứng của tỉnh Thái Nguyên cho 3 dự án BT

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên về việc UBND tỉnh Thái Nguyên sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư 3 dự án theo hình thức hợp đồng BT.

Dự án đường Bắc Sơn kéo dài thực hiện theo hình thức BT với vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng

Dự án đường Bắc Sơn kéo dài thực hiện theo hình thức BT với vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng

Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ về sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư 3 dự án theo hình thức hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Các dự án này gồm: Dự án Đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài đoạn từ Km 0 + 00 - Km 3 + 350; Dự án Đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài đoạn từ Km 3 + 500 - Km 9 + 500; Dự án Đường nối từ đường Minh Cầm vào Dự án nhà ở xã hội TNG.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ý kiến giải trình của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Đồng thời, báo cáo và khẳng định rõ về điều kiện và thẩm quyền của việc giao đất đã giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện 3 dự án nêu trên đã đúng quy định pháp luật chưa? Đề xuất cụ thể giải quyết kiến nghị nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, Dự án đường Bắc Sơn kéo do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 7/2018, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) - Hợp đồng BT.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng với tổng chiều dài tuyến đường 9,5 km, điểm đầu tuyến giao với đường Lương Ngọc Quyến, phường Quang Trung, điểm cuối tuyến giao với ngã ba xóm Cao Trăng, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên).

Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, doanh nghiệp đã nhiều lần xin gia hạn hợp đồng để kéo dài thời gian thi công.

Doanh nghiệp ở Bắc Giang dự kiến tuyển hơn 20.000 lao động

Dự kiến trong quý II, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng hơn 20.000 lao động.

Các doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Bắc Giang dự kiến tuyển dụng 20.000 lao động trong quý II

Các doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Bắc Giang dự kiến tuyển dụng 20.000 lao động trong quý II

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, trước và sau Tết Nguyên đán, một số doanh nghiệp trong KCN hoạt động trong lĩnh vực gia công lắp ráp linh kiện điện tử do giãn đơn hàng đã phải giảm lao động. Tổng số lao động giảm hơn 20.000 người so với tháng 12/2022.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động trở lại. Dự kiến trong quý II, các doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng trên 20.000 lao động. Trong đó, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải dự kiến tuyển 6.000 lao động, Tập đoàn Luxshare - ICT tuyển dụng 10.000 lao động, Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam cần 2.000 lao động.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến tháng 4, Tỉnh thu hút được trên 1 tỷ USD vốn đầu tư, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, tỉnh Bắc Giang cấp mới 3 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 402,8 tỷ đồng; 17 dự án FDI, với số vốn đăng ký 943,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 8 dự án đầu tư trong nước với số vốn bổ sung đạt 364,9 tỷ đồng và 9 dự án FDI, tổng vốn tăng thêm là 41,8 triệu USD.

Bộ GTVT đề nghị thanh tra, phát hiện kẽ hở trong đào tạo thuyền viên

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị, TP.HCM chấn chỉnh công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, nhằm ngăn ngừa sai phạm.

Bộ GTVT đề nghị TP.HCM chấn chỉnh công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, tăng cường thanh tra, kiểm tra

Bộ GTVT đề nghị TP.HCM chấn chỉnh công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, tăng cường thanh tra, kiểm tra

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa tại các cơ sở đào tạo thuộc thành phố quản lý.

Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, công tác đào tạo, cấp mới, cấp lại, chuyển đổi Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM), Chứng chỉ chuyên môn (CCCM) thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đã từng bước được thể chế hóa chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa trên địa bàn cũng như của ngành.

Tuy nhiên, qua phản ánh từ dư luận và một số thông tin nắm bắt ban đầu, có kẽ hở trong công tác quản lý và hoạt động đào tạo, huấn luyện tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (là đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM) có thể dẫn tới sai sót, sai phạm.

Từ đây, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố thực hiện các biện pháp để kịp thời khắc phục các sơ hở, chấn chỉnh hoạt động đào tạo, thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM, đồng thời sớm phòng ngừa, ngăn chặn các khả năng, nguy cơ phát sinh hành vi tiêu cực có thể xảy ra.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư