Bản tin thời sự sáng 4/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhà thầu cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn lo thiếu vật liệu; 93% lao động trong khu công nghiệp ở Bình Dương trở lại làm việc sau Tết; Công an đề nghị giám định giá mua sắm loạt máy móc y tế tại Gia Lai; hàng trăm doanh nghiệp xăng dầu gửi kiến nghị tới Thủ tướng; chiều 3/2, mạng VinaPhone mất sóng hơn 1 giờ không thể kết nối…

Nhà thầu cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn lo thiếu vật liệu

Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cần khoảng 13,9 triệu m3 vật liệu như đất, cát, đá, song trữ lượng các mỏ ở địa phương hiện không đáp ứng nhu cầu.

Tình trạng thiếu nguồn vật liệu diễn ra ở nhiều dự án hạ tầng

Tình trạng thiếu nguồn vật liệu diễn ra ở nhiều dự án hạ tầng

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là một trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021-2025). Gói thầu đầu tiên trị giá 3.800 tỷ đồng được khởi công ngày 1/1, do Liên danh Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco thực hiện.

Ngay sau khi khởi công, Liên danh nhà thầu đã huy động 50 đầu thiết bị cùng hàng trăm lao động triển khai 5 mũi thi công.

Đại diện Ban điều hành Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, lo ngại lớn nhất là thiếu vật liệu. Nhà thầu đã khảo sát 34 mỏ đất, 19 mỏ đá và 12 mỏ cát ở địa phương, nhưng trữ lượng không đủ. 4 mỏ với khoảng 1,23 triệu m3 vật liệu vẫn chưa được Tỉnh phê duyệt quy hoạch để nhà thầu làm thủ tục khai thác.

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo giao nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ vật liệu, đến nay, các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ. Với mỏ thương mại, một số chủ mỏ đang có hiện tượng găm hàng.

Tình trạng thiếu nguồn vật liệu diễn ra ở nhiều dự án hạ tầng. Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu thử nghiệm cát biển thay thế, dự kiến cuối năm nay có đánh giá. Trong hai năm tới, nguồn vật liệu san lấp vẫn là cát sông.

93% lao động trong khu công nghiệp ở Bình Dương trở lại làm việc sau Tết

Tình hình lao động tại Bình Dương sau Tết không có biến động lớn, 93% lao động trong các khu công nghiệp đã trở lại nhà máy làm việc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức dây chuyền sản xuất.

Một số doanh nghiệp tại Bình Dương đang tuyển dụng lao động, chủ yếu để bù đắp số lao động nghỉ việc

Một số doanh nghiệp tại Bình Dương đang tuyển dụng lao động, chủ yếu để bù đắp số lao động nghỉ việc

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến ngày 3/2 đã có 2.773/3.357 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở hoạt động trở lại sau Tết (đạt tỷ lệ 82%).

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đã có 680.160 lao động trở lại nhà máy làm việc sau Tết (đạt tỷ lệ 87%). Đáng chú ý, trong khu công nghiệp, số người lao động trở lại làm việc đạt 93%.

Theo đánh giá của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tình hình lao động trở lại làm việc những ngày đầu năm tương đối ổn định, đáp ứng được dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và sẽ không có biến động lớn về lao động. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại sau Tết. Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương liên tục cập nhật nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên các kênh thông tin. Bên cạnh đó, đẩy nhanh giải quyết các thủ tục bảo hiểm xã hội và giới thiệu việc làm cho lao động bị thất nghiệp trong Tết.

Cập nhật từ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, dịp đầu năm, trên địa bàn Tỉnh có 95 doanh nghiệp cần tuyển thêm 13.350 lao động. Theo ghi nhận, số doanh nghiệp tuyển mới để mở rộng sản xuất ít, chủ yếu tuyển dụng bù đắp số lao động nghỉ việc. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trung bình từ 50 - 200 lao động. Số doanh nghiệp tuyển ồ ạt từ 500 - 2.000 lao động rất ít.

Công an đề nghị giám định giá mua sắm loạt máy móc y tế tại Gia Lai

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Tài chính tỉnh Gia Lai tổ chức định giá tài sản đối với 8 loại máy móc, vật tư y tế mà Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tỉnh mua sắm.

8 loại máy móc, vật tư y tế phải định giá được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai mua tháng 4/2020

8 loại máy móc, vật tư y tế phải định giá được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai mua tháng 4/2020

Đó là, máy thở chức năng cao, máy thở cao tần, máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy hút dịch liên tục áp lực thấp, máy tạo ô xy, bộ khí dung kết nối máy thở.

Các loại máy móc trên được BVĐK Gia Lai mua sắm vào thời điểm tháng 4/2020. Cơ quan CSĐT đề nghị so sánh giá mua các máy móc trên với giá thị trường cùng thời điểm. Để việc định giá được khách quan, chính xác, Sở Tài chính Gia Lai đề nghị các sở: Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Y tế cử thành viên tham gia Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Ông Lý Minh Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Gia Lai cho biết, 8 loại máy móc trên do BVĐK tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư, thực hiện mua sắm. Việc giám định đang được các cơ quan chức năng thực hiện, chưa có kết quả.

Trước đó, Tỉnh ủy Gia Lai có văn bản đốc thúc Sở Tài chính khẩn trương giám định Gói thầu Mua sắm máy thở chức năng cao, chênh lệch so với giá thị trường 600 triệu đồng (dù cùng một loại máy).

Theo báo cáo của Sở Tài chính Gia Lai, qua tham khảo việc mua sắm của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa tại thời điểm tháng 8/2019 đối với máy thở chức năng cao có cùng model “Carescape R860”, cùng hãng sản xuất “Healthcare (Datex Ohmeda)”, cùng xuất xứ “Mỹ”, cùng năm sản xuất "2019” thì có sự chênh lệch về giá (Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa mua tại thời điểm tháng 2/2019 là 789,5 triệu đồng, BVĐK Gia Lai mua tại thời điểm tháng 4/2020 là 1,45 tỷ đồng).

Hàng trăm doanh nghiệp xăng dầu gửi kiến nghị tới Thủ tướng

Trong đơn kiến nghị khẩn gửi Văn phòng Chính phủ, 250 chủ doanh nghiệp xăng dầu cho biết, một số quy định về kinh doanh xăng dầu đang khiến họ lỗ nặng, kiệt quệ.

Các kiến nghị xoay quanh việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu

Các kiến nghị xoay quanh việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu

Hơn 250 đơn kiến nghị khẩn cấp về những bất ổn của thị trường vừa được các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi tới Thủ tướng. Các doanh nghiệp này đang sở hữu gần 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Các kiến nghị xoay quanh việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu (tại Nghị định số 83/2014 và Nghị định số 95/2021).

Trong đơn kiến nghị, 250 chủ doanh nghiệp đề xuất được lấy hàng từ 3 nguồn khác nhau như thương nhân phân phối để tránh bị khan và thiếu hàng cục bộ.

Ngoài bất cập về nguồn hàng, các doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi quy định về công thức tính giá cơ sở, mức chiết khấu... để đảm bảo công bằng, sớm chấm dứt tình trạng mở bán thì thua lỗ, đóng cửa thì bị cơ quan chức năng xử phạt.

Ông Huỳnh Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH MTV Huy Phi Long chia sẻ, từ tháng 9/2021 đến nay, doanh nghiệp của ông liên tục bị thua lỗ do bất công trong quy định về chiết khấu. Cả năm qua, Công ty chỉ nhận được mức chiết khấu 100 - 200 đồng một lít xăng, trong khi chi phí đầu vào để phân phối cao khiến doanh nghiệp lỗ nửa tỷ đồng.

Tương tự, hàng trăm doanh nghiệp khác cho biết đang thua lỗ nặng, có những đơn vị lỗ tới chục tỷ đồng.

Theo quy định tại công thức tính giá cơ sở có chi phí kinh doanh định mức đối với mỗi lít xăng dầu (1.000 - 1.250 đồng/lít tùy loại), nhưng tại nhiều thời điểm, theo các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp đầu mối giữ lại toàn bộ số tiền trên, chiết khấu 0 đồng khiến nhiều đơn vị phân phối lỗ nặng trong thời gian qua.

TP.HCM giải ngân đầu tư công cho 44 dự án lưới điện

Trong 44 dự án, có 16 dự án trọng điểm khởi công và đóng điện ngay trong năm 2023.

Công trình lắp đặt máy biến áp thứ 3 tại trạm biến áp 110 kV Trường đua

Công trình lắp đặt máy biến áp thứ 3 tại trạm biến áp 110 kV Trường đua

Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) vừa công bố triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2023 nhằm phát triển hệ thống lưới điện, nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp điện, đồng thời thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, năm 2023, EVNHCMC sẽ thực hiện đầu tư 44 dự án lưới điện 110kV, 220kV. Trong đó có 16 dự án trọng điểm khởi công và đóng điện ngay trong năm; đồng thời chuẩn bị đầu tư hơn 60 dự án lưới điện 110kV, 220kV cho những năm tiếp theo.

Nhằm đạt được kế hoạch theo đúng tiến độ đã đề ra, ngay từ những ngày đầu năm 2023, lãnh đạo Tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai ngay và quyết liệt các dự án được giao.

Việc tăng cường công tác lập kế hoạch và kiểm tra, giám sát công tác đầu tư xây dựng là một trong 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Tổng công ty đề ra nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư xây dựng.

Hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án cầu Rạch Miễu 2 trong quý I

Ngay sau Tết Nguyên đán, các đơn vị thi công cầu Rạch Miễu 2 đã triển khai ồ ạt nhiều mũi thi công, tập trung tối đa nhân lực, thiết bị trên phạm vi đã bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2
Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tỉnh tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án cầu Rạch Miễu 2, phấn đấu trong quý I/2023 hoàn thành giải phóng mặt bằng ở phía Bến Tre và đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2.

Sau thời gian nghỉ Tết, cán bộ kỹ thuật, công nhân tại công trình trọng điểm Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 đã trở lại công trường làm việc với tinh thần khẩn trương.

Các đơn vị đang triển khai ồ ạt nhiều mũi thi công, tập trung tối đa nhân lực, thiết bị trên phạm vi đã bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.

Theo ông Trần Ngọc Tam, việc giải phóng mặt bằng Dự án cầu Rạch Miễu 2 ở phía Bến Tre đã thực hiện được hơn 90%.

Đến nay, vốn bố trí cho Tiểu dự án giải phóng mặt bằng cầu Rạch Miễu 2 là hơn 716 tỷ đồng.

Hiện đã phê duyệt phương án bồi thường và tạm ứng chi trả cho dân với tổng cộng 711,328 tỷ đồng/339.807,9 m2/545 hộ dân. Đến nay, đã chi trả cho 493/545 hộ với số tiền 620,860 tỷ đồng.

Tổng diện tích đất cần bàn giao là gần 362.790 m2. Hiện đã bàn giao được 289.142 m2, bao gồm 262.479 m2 đất cá nhân và hơn 26.660 m2 đất công cộng; chiều dài đoạn tuyến bàn giao liên tục, đủ điều kiện thi công khoảng 7,73 km/9,42 km.

Phục dựng khu căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong rừng sâu

Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận thời kháng chiến chống Mỹ rộng hơn 10 ha được phục dựng trong khu rừng Sa Lôn, huyện Hàm Thuận Bắc với kinh phí gần 130 tỷ đồng.

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận thời kháng chiến chống Mỹ vừa được khánh thành, đưa vào hoạt động tại xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc). Khu vực này được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, tán cây che phủ, mát rượi. Để vào đây, người tham quan phải đi trên con đường xuyên rừng hơn 8 km từ khu rẫy của người K’Ho.

Tại khu di tích, chỗ ăn ở, sinh hoạt và làm việc của các lãnh đạo (Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy), cán bộ giúp việc, cơ yếu, cảnh vệ, bộ phận y tế, cấp dưỡng... được phục dựng theo các vị trí cũ. Cùng với đó, di tích còn lưu dấu các hầm trú ẩn, lán trại, chòi hội trường, bếp Hoàng Cầm (khoảng 30 vị trí).

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, thời chiến tranh ác liệt, căn cứ của Tỉnh ủy địa phương đã phải di chuyển nhiều nơi. Trong đó, rừng Sa Lôn là vị trí được chọn lâu nhất, với 3 lần, trong thời gian 8 năm không liền mạch từ khoảng 1954 đến 1970.

Tại đây đã có 6 vị Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận từng ở, làm việc để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Căn cứ này cũng từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969, Đại hội Đảng bộ Tỉnh vào tháng 7/1970...

Chiều 3/2, mạng VinaPhone mất sóng hơn 1 giờ

Người dùng mạng di động VinaPhone tại một số khu vực ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho biết, điện thoại mất sóng không thể nhắn tin, gọi điện hay dùng 4G.

Nhiều người dùng mạng di động VinaPhone cho biết, điện thoại mất sóng, không thể nhắn tin, gọi điện hay dùng 4G. Ảnh minh họa

Nhiều người dùng mạng di động VinaPhone cho biết, điện thoại mất sóng, không thể nhắn tin, gọi điện hay dùng 4G. Ảnh minh họa

Chiều ngày 3/2, nhiều khách hàng sử dụng mạng di động VinaPhone phản ánh tình trạng mất sóng, không thể kết nối.

Phạm vi ảnh hưởng hiện chưa được xác định rõ ràng, nhưng nhiều người dùng tại một số quận, huyện thuộc Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phản ánh tình trạng này.

Cụ thể, từ 15 giờ ngày 3/2, nhiều người dùng đã chia sẻ trên mạng xã hội tình trạng không thể sử dụng dịch vụ viễn thông của nhà mạng VinaPhone. Thiết bị của họ liên tục báo "không có dịch vụ" kèm theo tình trạng mất sóng hoàn toàn.

Tình trạng này cũng diễn ra với các thuê bao sử dụng chung hạ tầng của VinaPhone như Wintel hay iTel.

Đại diện VinaPhone xác nhận gặp sự cố mạng di động gây gián đoạn liên lạc tại một số khu vực. Nhà mạng này gửi lời xin lỗi khách hàng và tập trung xử lý sự cố.

Tới gần 18 giờ, phía VinaPhone cho biết, tình trạng mất sóng nói trên đã được khắc phục...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư