Bản tin thời sự sáng 4/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ giao Bộ KH&ĐT thẩm định Dự án Cảng hàng không Sa Pa; 1.600 tỷ đồng mở rộng đường kết nối sân bay Long Thành; Hà Nội sẽ khép kín 5 tuyến đường vành đai từ nay đến 2025; khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hơn 4.800 tỷ đồng…

Chính phủ giao Bộ KH&ĐT thẩm định Dự án Cảng hàng không Sa Pa

Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đạt tiêu chuẩn là cảng hàng không cấp 4C.

Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa

Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ KH&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Trước đó, ngày 4/5/2020, UBND tỉnh Lào Cai đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Cụ thể, cảng hàng không này được xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đạt tiêu chuẩn là cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm. Dự án do UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 1,5 triệu hành khách/năm; xây dựng đường giao thông kết nối Cảng hàng không với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có quy mô 2 làn xe.

Dự án áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả với tổng mức đầu tư lên tới gần 4,2 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư được xác định gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng. Trong số này, vốn Ngân sách nhà nước gần 1.200 tỷ đồng dùng để hỗ trợ cho các hạng mục giải phóng mặt bằng, đường trục vào cảng, tháp không lưu và một phần san tạo mặt bằng (bao gồm cả phần xây lắp và các chi phí liên quan).

Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Đồng Nai: 1.600 tỷ đồng mở rộng đường kết nối sân bay Long Thành

Tỉnh lộ 769 từ nút giao Dầu Giây đến Quốc lộ 51 sẽ được đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng để mở rộng, đón đầu kết nối sân bay Long Thành.

Tỉnh lộ 769 đi qua thị trấn Dầu Giây đang quá tải, thường xuyên kẹt xe, tai nạn

Tỉnh lộ 769 đi qua thị trấn Dầu Giây đang quá tải, thường xuyên kẹt xe, tai nạn

Sở Giao thông vận tải Đồng Nai vừa trình UBND Tỉnh phê duyệt đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 đi qua hai huyện Thống Nhất và Long Thành. Dự án là công trình giao thông chiến lược trong 5 năm tới nhằm kết nối các quốc lộ trọng yếu đi qua Đồng Nai như Quốc lộ 1A, 20 và 51.

Theo phương án đầu tư, đường 769 dài gần 31 km được chia thành hai đoạn, gồm: đoạn một từ Quốc lộ 1A đến đường Vành đai 4 dài gần 16 km được nâng cấp, mở rộng thành 4 làn ôtô và 2 làn xe hỗn hợp; đoạn hai từ đường Vành đai 4 đến Quốc lộ 51 dài hơn 15 km được đầu tư nâng cấp, mở rộng với 6 làn ôtô và 2 làn xe hỗn hợp.

Sở Giao thông vận tải Đồng Nai đề xuất lập và trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2021. Dự án được xây dựng giai đoạn 2022 - 2025, từ vốn ngân sách. Quá trình thực hiện Dự án, quỹ đất hai bên đường của những đoạn vừa xây dựng sẽ được đưa vào khai thác tăng thu ngân sách.

Hà Nội sẽ khép kín 5 tuyến đường vành đai từ nay đến 2025

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện, khép kín các tuyến đường vành đai trên địa bàn.

Đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) vừa đưa vào sử dụng

Đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) vừa đưa vào sử dụng

Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo đề xuất Thành ủy Hà Nội về nhóm 7 công trình đường vành đai nằm trong danh mục các nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể: Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục với chiều dài 2,27km, tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố đang triển khai thực hiện bằng nguồn ngân sách thành phố.

Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng phần đi bằng từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đang thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký kết giữa UBND TP. Hà Nội và Tập đoàn Vingroup.

Vành đai 2,5 bao gồm 3 đoạn để khép kín bao gồm: đoạn từ Khu đô thị mới Dịch Vọng - đường Dương Đình Nghệ (dài 720m), đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng (dài 580m) và đoạn Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng (dài 1.890m), tổng mức đầu tư khoảng 7.353 tỷ đồng.

Vành đai 3 bao gồm 2 đoạn: đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8km) và đoạn từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh (dài 5km), tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.

Vành đai 3,5 bao gồm 2 đoạn: đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 (dài 3,8km) và đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (dài 10,8km), tổng mức đầu tư khoảng 5.670 tỷ đồng.

Khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hơn 4.800 tỷ đồng vào ngày 4/1

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.826 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công chính thức khởi công vào hôm nay (4/1)…

Tuyến cao tốc Mỹ thuận - Cần Thơ đài khoảng 23km sẽ chính thức khởi công vào ngày 4/1

Tuyến cao tốc Mỹ thuận - Cần Thơ đài khoảng 23km sẽ chính thức khởi công vào ngày 4/1

Ngày 4/1/2021, tại xã Thuận An (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.

Bộ GTVT cho biết, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài khoảng 23km. Điểm đầu Dự án tại Km107+363,08 thuộc địa phận phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối QL1 hiện hữu), thuộc địa phận xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Dự án được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100km/h, giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m. Trước mắt, giai đoạn 1 của Dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 4.826 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công. Thời gian thực hiện Dự án khoảng 2 năm, hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1 trong năm 2023.

Chi 350 USD cho đối tượng ở Campuchia để nhập cảnh trái phép về Việt Nam bằng đường biển

Sáu người nhập cảnh trái phép trong đó có 4 người phụ nữ người Việt, 2 người đàn ông Campuchia. Để được về nước, 4 người phụ nữ này mỗi người đã chi 350 USD cho một số đối tượng bên Campuchia.

6 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường biển được lực lượng chức năng phát hiện

6 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường biển được lực lượng chức năng phát hiện

Chiều ngày 3/1, theo tin từ Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang), đơn vị phát hiện 6 người nhập cảnh trái phép từ Camphuchia về Việt Nam bằng đường biển.

Trước đó, tại khu vực thuộc vùng biển TP. Hà Tiên, Tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phát hiện 1 phương tiện chạy từ hướng Campuchia vào Việt Nam có biểu hiện nghi vấn.

Tổ công tác kiểm tra, phát hiện trên phương tiện có 2 người đàn ông Campuchia và 4 người phụ nữ Việt Nam. Qua làm việc, 4 người phụ nữ Việt Nam, gồm: Lê Cẩm Nguyên và Trương An Kiều cùng thường trú Quận 6, TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Huỳnh Như (thường trú tại Tân Châu, An Giang), Nông Huệ Anh (thường trú huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).

Những người này khai báo sang Campuchia làm việc nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đã tìm cách để về nước. Bốn người phụ nữ này mỗi người đã chi 350 USD cho một số đối tượng bên Campuchia để được đưa về Việt Nam bằng đường biển.

Khi được 2 người đàn ông Campuchia tên là Po và Phua Lô, cùng thường trú tỉnh Kampot, Campuchia dùng thuyền chở về Việt Nam thì bị tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phát hiện, bắt giữ.

Hiện Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên bàn giao 6 người trên cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Tiên để đưa đi cách ly tập trung.

Bình Định: Cháy công ty may Tam Quan thiệt hại ước tính 10 tỷ đồng

Hai khu nhà xưởng rộng 3.000 m2 của Công ty CP May Tam Quan ở phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn bị cháy, thiệt hại ước tính 10 tỷ đồng, vào sáng ngày 3/1.

Cảnh sát dập lửa ở nhà xưởng Công ty CP May Tam Quan, Bình Định

Cảnh sát dập lửa ở nhà xưởng Công ty CP May Tam Quan, Bình Định

Đám cháy bùng lên từ khu văn phòng công ty lúc 3h. Khi bảo vệ phát hiện, dãy nhà đã bị khói lửa bao trùm, đang lan ra khu vực nhà xưởng. Họ dùng bình cứu hỏa, phương tiện tại chỗ dập lửa song bất thành, phải gọi lực lượng chữa cháy.

Hơn 7 xe cứu hỏa với 60 cảnh sát được huy động để dập lửa. Tuy nhiên, do khu nhà xưởng chứa nhiều vật liệu, thành phẩm bằng vải, dễ bắt lửa nên đám cháy bùng lên suốt nhiều giờ. Mái của xưởng lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời cũng bị giật sập, cháy đen.

Đến 11h30 trưa ngày 3/1, đám cháy được khống chế. Nguyên nhân sự cố đang được cơ quan chức năng làm rõ, nhưng ban đầu xác định có thể do chập điện.

Chuyên đề