Ủy ban chứng khoán được yêu cầu sớm hoàn thiện hệ thống KRX
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, người đang trực tiếp điều hành Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống KRX.
Ủy ban chứng khoán được yêu cầu sớm hoàn thiện hệ thống KRX. Ảnh minh họa |
Theo ông Chi, việc đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường chứng khoán.
Hệ thống này nằm trong hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin trị giá hơn 600 tỷ đồng giữa Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012. Đây là hệ thống được kỳ vọng cung cấp nhiều tiện ích mới như giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng, giao dịch trong ngày (T+0)...
Việc vận hành hệ thống KRX luôn được HoSE xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Giữa năm ngoái, lãnh đạo cơ quan này cho biết, hệ thống dự kiến vận hành đầu 2022 nhưng thực tế lại trễ hẹn.
Thứ trưởng Chi cũng chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường. Cơ quan này được yêu cầu nghiên cứu và đề xuất sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mới trải qua đợt điều chỉnh mạnh từ đỉnh hơn 1.500 điểm về dưới quanh 1.170 điểm chỉ trong một tháng rưỡi. Đợt bán tháo này, theo nhận định của một số quỹ đầu tư nước ngoài, là điều bất ngờ vì ngay trước đó đã có nhiều tin tức tốt về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Đăk Nông muốn quy hoạch sân bay Nhân Cơ
UBND tỉnh Đăk Nông vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Kiến nghị bổ sung sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch với tư cách là sân bay lưỡng dụng. Ảnh minh họa |
Theo lãnh đạo tỉnh Đăk Nông, địa phương này chỉ có một phương thức vận tải là đường bộ. Đường thủy không khai thác được, đường sắt, hàng không chưa được đầu tư. Đây là hạn chế rất lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Nằm ở cửa ngõ phía nam của Tây Nguyên, Đăk Nông là đầu mối kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và duyên hải Nam Trung Bộ. Tỉnh này còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó trữ lượng lớn khoáng sản bô xít mang đến cho Đăk Nông tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Sân bay Nhân Cơ nằm xã Nhân Cơ, huyện Đăk R'Lấp, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 20 km, hiện phục vụ quốc phòng.
Trước đó đầu năm 2021, tỉnh Đăk Nông từng đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch Cảng hàng không lưỡng dụng Nhân Cơ, trước mắt đầu tư mở rộng sân bay để phục vụ cho mục đích quốc phòng và dân sự.
Hiện dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Giao thông vận tải hoàn tất. Trong dự thảo này không có sân bay Nhân Cơ.
Thông quan lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (Quảng Ninh)
Ngay khi lối mở cầu phao tạm này thông quan trở lại, Trung Quốc và Việt Nam khẩn trương thông quan đối hơn 400 xe không đang tồn đọng tại Cảng ICD Thành Đạt và Đông Hưng, tiếp đến là mặt hàng khác.
Thông quan trở lại Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên |
Ngày 30/5, lối mở cầu phao tạm Km3+4, Hải Yên (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chính thức thông quan trở lại sau hơn 3 tháng tạm dừng (từ ngày 26/2). Thời gian thông quan mỗi ngày là từ 9 giờ đến 17 giờ (giờ Bắc Kinh); tức 8 giờ đến 16 giờ (giờ Hà Nội).
Ngay khi lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên thông quan trở lại, cùng với các mặt hàng tạp, vải may mặc nhập khẩu về Việt Nam, phía Trung Quốc và Việt Nam khẩn trương thông quan đối với hơn 400 xe không đang tồn đọng tại Cảng ICD Thành Đạt (Việt Nam) và phía Đông Hưng (Trung Quốc); tiếp đến là các mặt hàng khô và hàng thuỷ sản tươi sống, ướp đá, hoa quả, thuỷ sản đông lạnh và nông sản.
Kinh phí làm đường trên cao ở TP.HCM lên hơn 38.000 tỷ đồng
Tuyến đường dài 14,1 km theo trục Bắc - Nam, kết nối khu vực trung tâm Thành phố (Quận 1, 3, 4, 5) với khu đô thị Nam Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất.
Đường trên cao có chiều rộng 30 m |
Theo quy hoạch, TP.HCM có 5 đường trên cao, nhưng đến nay các tuyến này vẫn chưa được triển khai.
Trong bối cảnh TP.HCM gặp khó khăn về nguồn vốn và phương án hoàn vốn, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất dùng nguồn vốn xã hội xây đường trên cao trục Bắc - Nam (từ đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh). Tuyến trên cao này kết nối trung tâm Thành phố với khu đô thị Nam Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất.
Đường trên cao trục Bắc - Nam dài 14,1 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 38.000 tỷ đồng. So với báo cáo đầu kỳ trước đó, tổng vốn đầu tư lần này tăng hơn 8.000 tỷ đồng, chi phí tăng phần lớn do bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án chia làm 3 đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 dài 3,4 km (từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh, đi dọc theo đường Cộng Hòa đến nút giao Lăng Cha Cả); giai đoạn 2 dài 2,6 km (từ nút giao Lăng Cha Cả, dọc theo Bùi Thị Xuân đến vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, qua hẻm số 656 Cách Mạng Tháng Tám - ngã ba Bắc Hải - Thành Thái).
Dự kiến, tổng diện tích giải phóng mặt bằng 121.290 m2 đi qua 6 quận (1, 3, 5, 8, 10 và Tân Bình), chi phí bồi thường gần 19.000 tỷ đồng. Trong đó có 1.186 hộ thuộc diện giải tỏa trắng.
Giai đoạn 3 dài 8,1 km, từ ngã ba Bắc Hải - Thành Thái theo Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn đến đường Nguyễn Văn Linh (tại vị trí tiếp giáp giữa nút giao cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé trên đường Nguyễn Văn Linh).
Du khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục tăng
Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,8%, gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước; đường bộ tăng 47%; bằng đường biển giảm 50,8%.
Du khách trải nghiệm phố cổ Hội An |
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2022 tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 5 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến nước ta tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,8%, gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước; đường bộ tăng 47%; bằng đường biển giảm 50,8%...
Cũng theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2022 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu của người dân tăng cao. Bên cạnh đó, chuỗi sự kiện SEA Games 31 đã giúp doanh thu của ngành này trong tháng 5/2022 tăng 69,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành trong 5 tháng qua cũng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, sự kiện SEA Games 31 đã thu hút nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam.
Thống nhất giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền để đầu tư nâng cấp sân bay Nà Sản
Bộ Giao thông vận tải ủng hộ việc chuyển giao hạ tầng sân bay Nà Sản về cho UBND tỉnh Sơn La quản lý và nâng cấp thành sân bay dân dụng.
Sân bay Nà Sản đóng cửa suốt nhiều năm vì đường băng xuống cấp |
Sau 18 năm đóng cửa vì đường băng xuống cấp, sân bay Nà Sản thuộc tỉnh Sơn La đang có cơ hội hồi sinh. Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền để đầu tư nâng cấp sân bay này theo phương thức đối tác công tư PPP.
Để sớm đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản theo quy hoạch được duyệt, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Sơn La rà soát quy định liên quan để báo cáo Thủ tướng xem xét. Địa phương cũng cần chủ động làm việc với Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và ACV để nhận được sự đồng thuận về các nội dung có liên quan.
Trước đó, UBND tỉnh Sơn La có công văn gửi Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng cảng hàng không Nà Sản. Theo đó, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng chấp thuận về chủ trương đầu tư Nà Sản theo hình thức PPP và giao cho UBND tỉnh Sơn La triển khai thực hiện dự án.
Sân bay Nà Sản được xây dựng vào năm 1950. Những năm 1960 sân bay này duy trì hoạt động nhưng sau một thời gian dừng khai thác do ít khách. Năm 1994, sân bay Nà Sản được khai thác trở lại. Năm 2004, sân bay Nà Sản tiếp tục đóng cửa do đường cất hạ cánh xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác.
Theo định hướng quy hoạch mà Bộ Giao thông vận tải đang trình Thủ tướng phê duyệt, sân bay Nà Sản nằm trong quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030 là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu khách/năm. Giai đoạn định hướng đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 2 triệu khách/năm.