Bản tin thời sự sáng 3/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khai trừ Đảng đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa; đường sắt Bắc - Nam thông tuyến sau 17 giờ gián đoạn; dừng kế hoạch tổ chức các chuyến bay quốc tế thu phí trọn gói; 494 tỷ đồng mở rộng sân đỗ máy bay ở Cảng hàng không Phú Bài; Hà Nội đề xuất xây dựng hai hầm chui qua đường Vành đai 3…

Khai trừ Đảng đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Bà Hồ Thị Kim Thoa

Bà Hồ Thị Kim Thoa

Ngày 2/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2010 - 2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến Dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM trong vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và có kết luận điều tra đề nghị truy tố. Sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ sinh hoạt đảng và đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Công Thương. Căn cứ Quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Đường sắt Bắc - Nam thông tuyến sau 17 giờ gián đoạn

Các tàu Bắc - Nam có thể chạy qua Khánh Hòa với tốc độ 10 - 15 km/h sau khi nước rút, nhiều đoạn đường ray bị trôi đá và tà vẹt được khắc phục.

Hành khách vật vờ chờ tàu bị trễ do mưa lũ tại ga Nha Trang

Hành khách vật vờ chờ tàu bị trễ do mưa lũ tại ga Nha Trang

Sáng ngày 2/12, ông Lê Hồng Sơn - Phó giám đốc Vận tải đường sắt Sài Gòn chi nhánh Nha Trang cho biết, 18h ngày 1/12, ngành đường sắt đã cho chạy tàu từ ga Cây Cầy đến ga Nha Trang (cách nhau 15 km), sau khoảng 17 giờ bị gián đoạn.

Các tàu đi qua những khu vực đường ray bị trôi đá với tốc độ 10 - 15 km/h. Hiện, các đơn vị đường sắt vẫn tăng cường máy móc, vật tư, nhân lực để khắc phục các đường ray, tà vẹt bị trôi, đảm bảo hoạt động bình thường.

Hơn 1.000 khách kẹt lại tại ga Nha Trang, lần lượt được ôtô chở đưa qua điểm ngập để đến các điểm tiếp theo vào ngày 1/12.

Dừng kế hoạch tổ chức các chuyến bay quốc tế thu phí trọn gói

Sau khi Thủ tướng quyết định dừng các chuyến bay quốc tế có tính chất thương mại chở khách về Việt Nam, Cục Hàng không đã dừng kế hoạch tổ chức các chuyến bay đón khách Việt Nam về nước có trả phí trọn gói.

Dừng kế hoạch tổ chức các chuyến bay quốc tế thu phí trọn gói

Dừng kế hoạch tổ chức các chuyến bay quốc tế thu phí trọn gói

Kế hoạch tổ chức các chuyến bay có thu phí trọn gói tạm thời phải dừng lại sau khi dịch Covid-19 tái lây nhiễm ra cộng đồng.

Trước khi dịch Covid-19 tái lây nhiễm trong cộng đồng tại TP.HCM, Cục Hàng không đã có kế hoạch gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) lấy ý kiến về tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước có thu phí trọn gói.

Theo kế hoạch này, mỗi tuần sẽ có khoảng 33 chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chỉ đưa công dân Việt Nam về nước. Thời gian thực hiện từ ngày 1/12/2020 đến ngày 15/1/2021. Hành khách đi các chuyến bay này sẽ phải trả trước trọn gói chi phí vé máy bay và cách ly ở khách sạn, xét nghiệm SARS-CoV-2 trong nước.

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng thực hiện các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân, Cục Hàng không đã tạm dừng kế hoạch bay trên.

Công dân Việt Nam ở các nước sẽ chỉ về nước trên các chuyến bay giải cứu thông qua Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Hiện, cơ quan chức năng ước tính có khoảng 60.000 công dân Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có nhu cầu về nước. Để đưa hết số công dân này về cần tổ chức 33 chuyến bay mỗi tuần và kéo dài trong 10 tuần.

Xem xét sa thải tiếp viên hàng không vi phạm quy định cách ly

Ngày 2/12, Vietnam Airlines đình chỉ công việc với nam tiếp viên hàng không là "bệnh nhân 1342" để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải.

Cơ sở cách ly nhân viên hàng không của Vietnam Airlines tại phường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP HCM đã tạm dừng hoạt động

Cơ sở cách ly nhân viên hàng không của Vietnam Airlines tại phường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP HCM đã tạm dừng hoạt động

Theo quyết định của Công ty CP Cung ứng và Xuất nhập khẩu lao động hàng không trực thuộc Vietnam Airlines, nam tiếp viên bị tạm đình chỉ công việc từ 2 - 31/12. Anh bị xác định đã có vi phạm trong cách ly y tế phòng, ngừa Covid-19, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 1/12, đoàn tiếp viên của Vietnam Airlines tạm dừng phân công công việc với tiếp viên này.

Vietnam Airlines cũng đình chỉ công tác với ông Phan Ngọc Linh, Đoàn trưởng Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines và ông Dương Quan Nhân, Phó đoàn, Trưởng Ban Quản lý cơ sở lưu trú, cách ly tập trung phía Nam để làm rõ trách nhiệm liên quan vi phạm quy định cách ly tại khu cách ly tập trung của tổ bay và cách ly tổ bay tại nhà.

Sở Y tế TP.HCM đã đóng cửa khu cách ly đoàn tiếp viên Vietnam Airlines - nơi bệnh nhân 1342 từng cách ly trước khi về cách ly tại nhà và lây nhiễm cho người khác.

494 tỷ đồng mở rộng sân đỗ máy bay ở Cảng hàng không Phú Bài

Ngày 2/12, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay ở Cảng hàng không Phú Bài được khởi công, nâng số vị trí đỗ hiện nay từ 8 lên 13.

Dự án mở rộng sân đỗ máy bay sân bay Phú Bài do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Theo ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV, hiện công suất thiết kế của sân bay Phú Bài chỉ đạt 1,5 triệu lượt hành khách và quy hoạch đến năm 2030, sân bay này sẽ đạt cấp 4E, công suất 9 triệu hành khách mỗi năm. Vì vậy, nhu cầu tiếp tục phát triển mở rộng cơ sở hạ tầng của là hết sức cần thiết.

Cùng với Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 cuối năm 2019, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay sẽ đảm bảo đồng bộ cho hoạt động khai thác, vận chuyển.

Theo Dự án mở rộng sân đỗ, giai đoạn một có 13 vị trí đỗ đáp ứng công suất 5 triệu hành khách mỗi năm, giai đoạn 2 sẽ nâng lên 14 vị trí đỗ đáp ứng công suất 9 triệu hành khách. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn một là 494 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

Hà Nội đề xuất xây dựng hai hầm chui qua đường Vành đai 3

Lãnh đạo thành phố Hà Nội giao các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án làm hầm chui tại nút giao Hoàng Quốc Việt và nút giao Cổ Nhuế.

Hầm chui Kim Liên được khánh thành hơn 10 năm trước và là hầm chui đầu tiên được xây dựng ở thủ đô

Hầm chui Kim Liên được khánh thành hơn 10 năm trước và là hầm chui đầu tiên được xây dựng ở thủ đô

Ngày 2/12, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, UBND Thành phố đã giao Sở chủ trì xem xét phương án trên, đưa ra ý kiến trước ngày 10/12.

Trước đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) đề nghị thành phố Hà Nội nghiên cứu đầu tư hai hầm chui tại nút giao Hoàng Quốc Việt và nút giao Cổ Nhuế, kinh phí từ nguồn vốn dư của Dự án xây dựng cầu cạn đường Vành đai 3. Việc đầu tư hai hầm chui này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông Thủ đô theo quy hoạch, kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh và bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc.

Theo đề xuất, nút giao thông Hoàng Quốc Việt được nghiên cứu theo hướng bố trí hầm dọc tuyến đường này, chui qua đường Vành đai 3. Phương án xây dựng bao gồm phần hầm kín nằm trong phạm vi nút giao với chiều dài khoảng 110 m, phần hầm hở với chiều dài mỗi chiều 95 m. Dự án cũng thiết kế mới đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với quy hoạch rộng 50 m đến nút giao với đường Trần Vỹ. Dự kiến tổng mức đầu tư phương án này hơn 880 tỷ đồng.

Với nút giao thông Cổ Nhuế, tư vấn đề xuất nghiên cứu phương án bố trí hầm dọc theo đường Tây Hồ Tây, chui qua đường vành đai 3; hầm kín được bố trí trong phạm vi nút giao với chiều dài khoảng 275 m; hầm hở dài mỗi chiều 100 m. Dự kiến tổng mức đầu tư phương án này hơn 1.010 tỷ đồng.

Chuyên đề