Bản tin thời sự sáng 31/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là siêu bão Goni có đường đi và cường độ khó lường; hơn 680.000 hộ chưa có điện sau bão Molave; ngày 31/10, hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả tràn; Viettel, Mobifone được thử nghiệm thương mại 5G…

Siêu bão Goni có đường đi và cường độ khó lường

Khoảng ngày 2/11, sau khi càn quét qua Philippines, siêu bão Goni có thể suy yếu thành một cơn bão mạnh và đi vào biển Đông. Dự báo đường đi và cường độ của bão rất khó lường.

Bão Goni có thể vào biển Đông từ 2/11

Bão Goni có thể vào biển Đông từ 2/11

Bão Goni đã tăng cấp rất nhanh trong những giờ qua. Trung tâm Cảnh báo bão của Hải quân Mỹ nhận định, bão Goni có thể mạnh lên thành siêu bão trước khi đổ bộ vào đất liền Philippines vào khoảng ngày 1/11.

Qua phân tích điều kiện khí quyển, đại dương, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam nhận định, khi vào Biển Đông, do gặp không khí lạnh tràn xuống, bão Goni (trở thành bão số 10) sẽ suy yếu, ít khả năng duy trì sức mạnh như bão số 9 dù có thể đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta. Tuy vậy, đường đi và cường độ của bão số 10 sẽ rất phức tạp, khó lường.

Hơn 680.000 hộ chưa có điện sau bão Molave

Sau bão Molave 3 ngày, vẫn còn 685.000 hộ dân thuộc 409 xã, phường ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mất điện.

Trụ điện ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đổ la liệt sau bão

Trụ điện ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đổ la liệt sau bão

Ngày 30/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, số hộ dân này chiếm gần 18% tổng số khách hàng của EVN tại miền Trung, Tây Nguyên. Trong đó, Quảng Bình còn 2 trạm biến áp mất điện; Quảng Trị 19 xã; Thừa Thiên Huế 10 xã, phường; Đà Nẵng 7 xã, phường; Quảng Nam 193 xã; Quảng Ngãi 134 xã, phường, thị trấn; Bình Định 33 xã, phường, thị trấn; Phú Yên 1 xã, phường, thị trấn; Kon Tum 10 xã; Đắk Lắk 2 xã. Riêng Điện lực Gia Lai đã cấp điện lại cho 100% khách hàng.

Tổng công ty Điện lực miền Trung và một số đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam đã tăng cường 1.422 kỹ sư, công nhân cùng hàng trăm phương tiện, thiết bị đến các "điểm nóng" Quảng Ngãi, Quảng Nam khắc phục sự cố điện.

Đến 7h ngày 30/10, EVN đã khôi phục cấp điện cho toàn bộ 26 trạm biến áp và 41 đường dây 110 kV. Còn hai đường dây Quảng Ngãi 220 kV - Quảng Phú và Quảng Ngãi 220 kV - Tư Nghĩa đang mất điện nhưng không gây mất điện trạm biến áp.

Công ty Điện lực Quảng Ngãi, nơi quản lý hệ thống lưới điện chịu thiệt hại nặng nhất do bão, cho biết, trung tâm huyện Lý Sơn có điện 10h ngày 30/10, Ba Tơ có điện 12h, Trà Bồng 14h, huyện Minh Long chưa thể tiếp cận được do nước lớn.

Để tập trung khắc phục lưới điện, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã liên hệ với Công ty Truyền tải điện Quảng Ngãi đề nghị hỗ trợ xử lý các đoạn đứt đường dây 110 kV.

Bão Molave (bão số 9) đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định hôm 28/10, khiến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mưa to, gió cấp 12. Sau 7 tiếng hoành hành, bão đã làm 56.000 căn nhà bị tốc mái; hơn 1,7 triệu hộ bị mất điện...

Ngày 31/10, hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả tràn

Từ 6h sáng 31/10, hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả tràn từ 100 đến 300 m3/s.

Hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả lũ vào ngày 31/10

Hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả lũ vào ngày 31/10

Ngày 30/10, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh phát đi thông báo về việc tăng lưu lượng xả tràn hồ chứa nước Kẻ Gỗ.

Trong thông báo ghi rõ, mực nước hồ Kẻ Gỗ vào 17h ngày 30/10 là 30,78 m, tương ứng với dung tích 295 triệu m3. Lượng mưa từ 7h ngày 28/10 đến 17h ngày 30/10 là 424 mm và hồ đang xả với lưu lượng 10 m3/s.

Dự kiến đến 7h ngày 31/10, mực nước hồ sẽ vượt 31,50 m (cao trình được phép trữ nước 15/11) và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, từ 6h ngày 31/10 sẽ tăng lưu lượng xả từ 100 đến 300 m3/s.

Viettel, Mobifone được thử nghiệm thương mại 5G

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp giấy phép thử nghiệm 5G thương mại cho hai nhà mạng Viettel và Mobifone.

Viettel được thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại TP. Hà Nội

Viettel được thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại TP. Hà Nội

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) được thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại TP. Hà Nội, với quy mô không vượt quá 140 vị trí (trạm thu phát sóng BTS). Còn Tổng công ty Viễn thông MobiFone được thử nghiệm thương mại 5G tại TP.HCM, với quy mô không quá 50 trạm BTS.

Giấy phép thử nghiệm của hai nhà mạng đều có giá trị đến 30/6/2021. Động thái thử nghiệm này nhằm giúp các nhà mạng đánh giá công nghệ và thị trường trước khi chính thức kinh doanh dịch vụ 5G.

Hiện tại, đối tượng thử nghiệm là các thuê bao di động của nhà mạng và được kết nối với các mạng viễn thông công cộng; được sử dụng các mã, số viễn thông đã được phân bổ phục vụ việc thử nghiệm.

5G là viết tắt của Fifth Generation (Thế hệ thứ năm), tên của tiêu chuẩn tiếp theo trong giao tiếp di động sau tiêu chuẩn LTE (4G) hiện tại, nối tiếp UMTS (3G) và GSM (2G). Tốc độ của 5G nhanh gấp khoảng 10 lần so với 4G, cho phép kết nối nhiều thiết bị hơn với độ trễ thấp.

Bắt quả tang cơ sở “hô biến” hàng giả thành hàng hiệu

Chiều 30/10, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công Thương cho biết, Đội QLTT số 14 - Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện hành vi giả mạo nhãn hiệu trong quá trình đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh thời trang tại phòng 301 nhà 20 phố Chùa Quỳnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội do ông Nguyễn Văn Vũ làm chủ.

Biến hàng giả thành hàng hiệu bất chấp việc vi phạm pháp luật

Biến hàng giả thành hàng hiệu bất chấp việc vi phạm pháp luật

Thời điểm lực lượng kiểm tra ập đến, chủ cơ sở chỉ xuất trình được duy nhất một loại giấy tờ là chứng minh thư nhân dân.

Tại hiện trường, Đoàn kiểm tra bắt quả tang chủ cơ sở đang thực hiện hành vi đính nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu “Dior”, “Chanel” lên hàng hóa.

Bên cạnh đó là 79 sản phẩm quần, áo, váy các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 725 vỏ hộp bằng giấy mang nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 3.156 nhãn bằng giấy mang nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 1.800 vật phẩm bằng nhựa mang nhãn hiệu Dior, Gucci…

Đội QLTT số 14 đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định.

13 năm tù cho 2 đối tượng tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép

Các đối tượng tổ chức, môi giới đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TP. Móng Cái (Quảng Ninh) trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Đối tượng Phạm Mạnh Huynh và Phùng Quyết Sinh tại phiên tòa

Đối tượng Phạm Mạnh Huynh và Phùng Quyết Sinh tại phiên tòa

Sáng 30/10, Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử vụ án Phạm Mạnh Huynh (trú tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) và Phùng Quyết Sinh (trú tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) về hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép".

Trước đó, vào hồi 4h30 sáng 7/6/2020, tại Trạm kiểm soát liên hợp Km15 thuộc xã Hải Tiến, TP. Móng Cái, tổ công tác liên ngành làm nhiệm vụ phát hiện đối tượng điều khiển xe máy chạy hướng Móng Cái - Hạ Long chở theo một người Trung Quốc là Wu Ding Fu (SN 1985) không có giấy tờ nhập cảnh vào Việt Nam. Sau đó, tổ công tác bàn giao cho Công an TP. Móng Cái.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định đây là vụ việc có dấu hiệu tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Ngày 12/6/2020, Công an TP. Móng Cái phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt khẩn cấp đối với Phạm Mạnh Huynh và Phùng Quyết Sinh về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, đồng thời tiến hành khám xét khẩn cấp nơi làm việc của các đối tượng tại Công ty Shiper Móng Cái, địa chỉ K5-10 nội thất Hùng Cường, thuộc khu 3, phường Hải Hòa, TP. Móng Cái. Còn đối tượng Hiên Văn Tuấn đã bỏ trốn trước đó nên Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định truy nã đối tượng này.

Căn cứ vào lời khai, chứng cứ tại phiên tòa, Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt Phạm Mạnh Huynh 8 năm tù và Phùng Quyết Sinh 5 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

Chuyên đề