Bản tin thời sự sáng 31/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt do nhiều điểm sạt lở tại Hà Tĩnh; tổ hợp hóa dầu hơn 5 tỷ USD vận hành thương mại năm 2024; khánh thành đường Đông - Tây TP. Buôn Ma Thuột; Hòa Phát đạt 3.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng; hợp long cầu hơn 900 tỷ đồng ở cửa ngõ TP.HCM; Bộ Công Thương muốn điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ Năm hàng tuần…

Đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt do nhiều điểm sạt lở tại Hà Tĩnh

Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đoạn đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Hà Tĩnh có nhiều điểm sạt lở, dẫn đến tuyến đường sắt này đang bị chia cắt.

Điểm sạt lở xuất hiện tại Km 354+900 đến Km 355+400 đoạn qua thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang

Điểm sạt lở xuất hiện tại Km 354+900 đến Km 355+400 đoạn qua thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang

Cụ thể, vào lúc 3 giờ 38 phút ngày 30/10, tại Km354+900 - 355+750 khu gian Yên Duệ - Hòa Duyệt (tỉnh Hà Tĩnh) bị sạt lở nền đường. Nhiều đoạn đất đá, cây xanh sạt lở tràn ra đường ray. Có đoạn đường ray bị trôi nền đường và “hở hàm ếch” trơ trọi nhìn rõ cả ray bê tông.

Đến sáng 6 giờ 30 phút, trời tiếp tục đổ mưa và thêm nhiều điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở thêm tiếp ở nhiều điểm.

Phát hiện sự cố, VNR đã cho dừng tàu SE1 tại nhà Ga Yên Trung và SE20 tại Ga Hòa Duyệt, đồng thời huy động hàng trăm cán bộ, công nhân viên đường sắt nhằm chi viện, khắc phục sự cố này.

Trong thời gian khắc phục sự cố, ngành đường sắt đã nhanh chóng thực hiện chuyển tải hành khách các tàu SE20 và SE21. Trong chiều 30/10, ngành đường sắt chuyển tải tiếp đôi tàu SE7/8 để tiếp tục hành trình bằng các tàu khách khác.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, các đơn vị đang tập trung khắc phục sự cố, đảm bảo mọi mặt để thông đường trong thời gian sớm nhất.

Tổ hợp hóa dầu hơn 5 tỷ USD vận hành thương mại năm 2024

Tổ hợp hóa dầu miền Nam với tổng mức đầu tư hơn 5,1 tỷ USD sẽ chạy thử nghiệm tháng 11 và vận hành thương mại vào đầu năm tới.

Tổ hợp hóa dầu miền Nam từ trên cao

Tổ hợp hóa dầu miền Nam từ trên cao

Tại buổi công bố kế hoạch vận hành Tổ hợp hóa dầu miền Nam (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), ông Kulachet Dharachandra, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (Chủ đầu tư) cho biết, sau 2 tháng chạy thử, đầu năm 2024 nhà máy sẽ vận hành thương mại.

Tổ hợp hóa dầu miền Nam có gần 1.000 nhân sự làm việc, trong đó 80% là người Việt Nam. Trong 5 năm qua, công ty đã chi hơn 2 triệu USD đào tạo nhằm chuyển giao phương thức, gia tăng tỷ trọng nhân sự trong nước trong giai đoạn vận hành chính thức.

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 5,1 tỷ USD, là một trong những tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam với quy mô lớn. Khi đi vào hoạt động ổn định sẽ sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin, đây là nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Dự kiến năm 2024, doanh thu của Tổ hợp hóa dầu miền Nam khoảng 1,5 tỷ USD và sẽ đóng thuế cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 150 triệu USD.

Khánh thành đường Đông - Tây TP. Buôn Ma Thuột

Sau 8 năm thi công, đường Đông - Tây dài gần 7 km, nối sân bay Buôn Ma Thuột đi trung tâm thành phố, vốn hơn 1.200 tỷ đồng, được khánh thành sáng 30/10.

Đường Đông - Tây thành phố Buôn Ma Thuột hoàn thành sau 8 năm thi công

Đường Đông - Tây thành phố Buôn Ma Thuột hoàn thành sau 8 năm thi công

Dự án đi qua 4 phường, xã của Thành phố, đầu từ phường Tự An (đường Lê Duẩn giao Đinh Tiên Hoàng), điểm cuối giao Quốc lộ 27 với đường vào Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.

Công trình khởi công năm 2015, tổng đầu tư ban đầu gần 1.000 tỷ đồng, do UBND TP. Buôn Ma Thuột thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng chậm tiến độ do vướng mặt bằng, vốn... Năm 2021, tỉnh Đăk Lăk điều chỉnh tổng đầu tư Dự án lên gần 1.240 tỷ đồng và được gia hạn đến cuối năm nay.

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy kết nối giao thông, tạo thành trục giao thông phía Đông Tây của Thành phố.

Đây cũng là dự án trọng điểm, tạo mạng lưới giao thông đô thị, góp phần hình thành khu đô thị mới phía Đông Nam TP. Buôn Ma Thuột, giúp rút ngắn khoảng 7 km từ sân bay đi trung tâm thành phố. Đồng thời, giảm bớt áp lực lưu lượng xe tập trung ở các tuyến đường trung tâm vào giờ cao điểm.

Hòa Phát đạt 3.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng

Quý III/2023, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.000 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ 2022 và 38% so với quý trước. Lũy kế 9 tháng của 2023, Hòa Phát đạt 85.430 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 3.830 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 48% kế hoạch năm.

Thép cuộn cán nóng HRC Hòa Phát đạt gần 2 triệu tấn sau 9 tháng

Thép cuộn cán nóng HRC Hòa Phát đạt gần 2 triệu tấn sau 9 tháng

Tập đoàn Hòa Phát cho biết, mặt bằng giá nguyên liệu trong quý III vừa qua giữ ở mức ổn định trong khi sản lượng bán hàng cải thiện dần qua từng quý. Bán hàng các sản phẩm thép quý III tăng 12% so với quý II và 24% so với quý đầu năm. Bên cạnh đó, việc duy trì quản trị hàng tồn kho mức thấp góp phần giúp biên lợi nhuận quý vừa qua được cải thiện tích cực.

Lũy kế trong 3 quý vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất tổng cộng 4,8 triệu tấn thép thô, giảm 21% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 4,6 triệu tấn, giảm 19%.

Qua 9 tháng đầu năm 2023, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát ghi nhận 2,57 triệu tấn, giảm 25% so với 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó, thị trường xuất khẩu đóng góp gần 490.000 tấn. Sản phẩm HRC đạt gần 2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2022. Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường 488.000 tấn ống thép, 240.000 tấn tôn mạ các loại, giảm tương ứng 14% và 3% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Hợp long cầu hơn 900 tỷ đồng ở cửa ngõ TP.HCM

Cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức, vốn đầu tư 919 tỷ đồng, được hợp long một nhánh sau nửa năm thi công trở lại.

Cầu Nam Lý được hợp long nhịp chính

Cầu Nam Lý được hợp long nhịp chính

Chiều 30/10, nhà thầu đổ bêtông phủ đoạn dầm thép cuối cùng, nối liền nhịp chính một nhánh cầu Nam Lý. Đây là nhánh cầu được triển khai trước sau khi Dự án khởi động lại từ tháng 3 năm nay, nhánh còn lại đang được đẩy nhanh thi công.

Chủ đầu tư cho biết, đơn vị thi công sẽ tập trung hoàn thiện các hạng mục như thảm mặt cầu, hệ thống an toàn giao thông... Dự kiến, toàn bộ công trình sẽ hoàn thành dịp lễ 2/9 năm sau, giúp thay cầu Cống Đập Rạch Chiếc nhỏ hẹp và xuống cấp.

Cầu Nam Lý là dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM, dài 450 m, chia làm hai nhánh rộng 20 m; còn lại là đường dẫn rộng 30 - 37 m. Dự án được khởi công từ năm 2016 nhưng đến tháng 3/2019 khi đạt khoảng 40% khối lượng thì phải dừng do vướng mặt bằng. Tháng 3 năm nay, công trình được thi công lại sau khi TP. Thủ Đức cơ bản hoàn tất đền bù, giao mặt bằng.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư) cho biết, sau 6 tháng khởi động lại, tiến độ toàn Dự án hiện đạt khoảng 60% và giải ngân 66% tổng vốn được giao. Đơn vị đặt mục tiêu cuối năm nay nâng tỷ lệ giải ngân ở công trình này hơn 95% theo yêu cầu của chính quyền Thành phố.

Bộ Công Thương muốn điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ Năm hàng tuần

Giá xăng dầu sẽ được thay đổi vào thứ Năm hàng tuần, không quy định chiết khấu "cứng" trong giá cơ sở và "siết" quản lý Quỹ bình ổn.

Người dân đổ nhiên liệu tại một cây xăng trên đường Nguyễn Thị Định, TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Người dân đổ nhiên liệu tại một cây xăng trên đường Nguyễn Thị Định, TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, gửi Chính phủ sau tiếp thu ý kiến các bộ, ngành. Theo đó, Nhà nước vẫn điều hành giá trong nước để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước. Thời gian điều chỉnh giữa hai đợt thay đổi giá bán lẻ được rút ngắn xuống còn 7 ngày, cố định vào thứ Năm hàng tuần.

Trường hợp thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán), lịch điều hành giá thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm trùng vào ngày mùng 1, 2 hoặc 3 Tết, thì thay đổi giá vào ngày mùng 4 Tết.

Nếu trùng ngày nghỉ lễ, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh vào thứ Tư liền kề. Nếu trùng các ngày nghỉ lễ còn lại, nhà chức trách sẽ điều hành vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng quyết định thời gian điều hành giá phù hợp nếu giá thế giới có biến động bất thường, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.

Để kịp thời cập nhật các chi phí trong giá, dự thảo Nghị định cũng quy định, ba tháng một lần doanh nghiệp phải gửi báo cáo tới Bộ Tài chính các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium với nguồn mua trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng. Việc này nhằm giúp các cơ quan quản lý thu thập số liệu, phục vụ cập nhật, tính toán giá cơ sở xăng dầu và điều hành giá.

Ngoài ra, trước ngày 31/3 hàng năm, doanh nghiệp đầu mối phải kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu, báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để công bố vào ngày 1/7 hàng năm và áp dụng trong công thức tính giá cơ sở.

Chi phí bồi thường Vành đai 3 TP.HCM giảm hơn 7.200 tỷ đồng

Kinh phí giải phóng mặt bằng Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM giảm hơn 7.200 tỷ đồng so với mức được duyệt, từ 18.900 tỷ xuống 11.700 tỷ đồng sau khi cập nhật lại.

Phối cảnh thiết kế Vành đai 3 TP.HCM

Phối cảnh thiết kế Vành đai 3 TP.HCM

Thông tin nêu trong công văn tình hình giải ngân vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan tuyến Vành đai 3 vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Ban Thường vụ Thành ủy cùng UBND TP.HCM.

Vành đai 3 ở địa bàn Thành phố dài hơn 47 km, đi qua TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 410 ha, hơn 1.700 trường hợp bị ảnh hưởng.

Trước đó, khi nghiên cứu tiền khả thi, Dự án được tính toán chi phí giải phóng mặt bằng đoạn qua TP.HCM là 25.600 tỷ đồng. Đến thời điểm Dự án được duyệt cuối năm 2022, nguồn vốn này cập nhật còn hơn 18.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi rà soát hồ sơ pháp lý đất của người dân và quỹ đất đền bù, các địa phương xác định tổng chi phí bồi thường, tái định cư cho Dự án còn 11.700 tỷ đồng, giảm hơn 7.200 tỷ đồng so với mức phê duyệt.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, vốn bồi thường giảm do ở thời điểm nghiên cứu tiền khả thi, các địa phương Vành đai 3 đi qua nhìn nhận nguồn vốn cho Dự án cần bố trí đủ, tránh thiếu hụt phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh.

Từ đó địa phương khái toán chi phí bồi thường dựa trên ranh bản đồ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư) cung cấp. Mức bồi thường được tính mức cao nhất trong khung hệ số giá đất.

Đến thời điểm dự án bồi thường được duyệt, người dân chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, dẫn đến việc xác định chi phí bồi thường cao hơn thực tế. Do vậy sau khi cập nhật lại cụ thể, tổng kinh phí bồi thường cho Dự án giảm thêm.

Kiên Giang cơ bản giải phóng mặt bằng xong Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, đoạn qua địa bàn Tỉnh.

Kiên Giang cơ bản giải phóng mặt bằng xong Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau

Kiên Giang cơ bản giải phóng mặt bằng xong Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau

Dự án cao tốc Bắc - Nam (thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025) qua tỉnh Kiên Giang nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận có chiều dài 23,3 km; trong đó, tuyến chính dài 17,1 km, tuyến nhánh dài 6,2 km với diện tích đất thu hồi 876.375,92 m2, tổng kinh phí bồi thường được duyệt hơn 182 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết, hiện có 409/426 hộ gia đình và cá nhân, tương ứng 444/462 phương án đã hoàn thành với số tiền hơn 171 tỷ đồng, đạt 93,71% kinh phí bồi thường, hỗ trợ và đạt tỷ lệ 96,8% diện tích thu hồi; trong đó, tuyến chính đạt 99,25% và đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận diện tích hơn 848.301 m2. Hiện nay, Huyện còn 17 hộ với 18 phương án chưa nhận bồi thường với số tiền hơn 11,5 tỷ đồng.

Cùng đó, huyện Vĩnh Thuận thu hồi diện tích đất xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc theo quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang có 12 hộ với 12 phương án, diện tích thu hồi là 48.921 m2, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 11, 4 tỷ đồng. Huyện đã hoàn thành, giải phóng mặt bằng đạt 100% kế hoạch và đang triển khai xây dựng khu tái định cư.

Công ty Bông Sen bị phạt 92,5 triệu đồng vì "ém" thông tin tài chính

Công ty CP Bông Sen, doanh nghiệp có liên quan đến Vạn Thịnh Phát, bị phạt 92,5 triệu đồng do không công bố thông tin tài chính theo quy định.

Khách sạn Palace Saigon (TP.HCM) thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Đầu tư Bông Sen, một công ty con của Bông Sen

Khách sạn Palace Saigon (TP.HCM) thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Đầu tư Bông Sen, một công ty con của Bông Sen

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Bông Sen (trụ sở tại 117 - 123 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM).

Theo đó, Bông Sen bị phạt tiền 92,5 triệu đồng do không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với tài liệu: Báo cáo tài chính 6 tháng năm 2021; Công bố thông tin không đúng thời hạn các tài liệu gồm Báo cáo tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu 6 tháng năm 2021; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu 6 tháng năm 2021; Về việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn đối với các mã trái phiếu: BSECH2122002, BSECH2122001.

Công ty CP Bông Sen là doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ tháng 1/2005, có vốn điều lệ ban đầu là 130 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6, vốn chủ sở hữu của Bông Sen là 6.973 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,94 lần. Tổng tài sản doanh nghiệp khoảng 13.500 tỷ đồng.

Công ty sở hữu và quản lý hàng loạt những thương hiệu như: Khách sạn Palace Saigon, Khách sạn Bông Sen Saigon, Khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen, Buffet chay Cỏ Nội, Cỏ Nội Vegetarian và công ty giặt ủi Viet Laundry. Các đơn vị này đều có vị trí ngay trung tâm TP.HCM.

Bên cạnh đó, Bông Sen còn nắm cổ phần chi phối Tổ hợp khách sạn Daewoo tại Hà Nội vào năm 2015 với số tiền bỏ ra hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án khách sạn 5 sao này từng là biểu tượng của Hà Nội.

Đáng lưu ý, Bông Sen đang nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Công ty Vạn Thịnh Phát, các nội dung và kết quả làm việc với cơ quan điều tra sẽ được báo cáo và cung cấp cho cổ đông sau khi có kết luận chính thức.

Ngày 31/10, Hà Nội cưỡng chế nhà tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính

UBND quận Thanh Xuân cho biết, vào ngày 31/10, Quận sẽ triển khai Kế hoạch số 228/KH-UBND, tổ chức cưỡng chế thu hồi 108,31 m2 diện tích nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại tầng 1 (nhà chung cư tái định cư N6A, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội).

Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh minh họa

Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh minh họa

Trước đó, tại Quyết định số 4932/QĐ-UBND ngày 2/10/2023, UBND TP. Hà Nội cũng đã bàn giao diện tích trên cho Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tiếp nhận, quản lý, sử dụng theo quy định. Đối tượng cưỡng chế là ông Trương Duy Hùng và các đối tượng đang sử dụng.

Cụ thể, vị trí, diện tích nhà cưỡng chế thu hồi là 108,31 m2, đây là diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu Nhà nước tại tầng 1 (nhà chung cư tái định cư N6A, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính).

Kế hoạch cũng nêu rõ, từ ngày 16 - 26/10/2023, UBND phường Nhân Chính sẽ chủ trì, phối hợp Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và các đơn vị, phòng ban của quận rà soát lại để đảm bảo việc thực hiện cưỡng chế đúng đối tượng.

Thông báo việc cưỡng chế tới đối tượng cưỡng chế, tuyên truyền, vận động đối tượng cưỡng chế tự giác bàn giao diện tích phải thu hồi.

Trường hợp đối tượng cưỡng chế tự giác bàn giao thì UBND Phường báo cáo UBND Quận, thông báo và phối hợp Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội để lập biên bản bàn giao, tiếp nhận.

Trường hợp thay đổi về đối tượng cưỡng chế so với quyết định cưỡng chế thì báo cáo UBND quận Thanh Xuân để tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng và UBND TP. Hà Nội.

Từ ngày 22 - 27/10/2023, UBND phường Nhân Chính, Công an phường Nhân Chính sẽ chủ trì, đảm bảo an ninh để Công ty Điện lực Thanh Xuân và Công ty CP Viwaco tiến hành cắt, ngừng dịch vụ cung cấp điện, nước sạch tại vị trí bị cưỡng chế thu hồi.

Hãng xe Thành Bưởi sẽ bị tước giấy phép tối đa 3 tháng

Với nhiều vi phạm trong hoạt động vận tải, nhà xe Thành Bưởi sẽ bị phạt 90 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh 1 - 3 tháng, theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM.

Cảnh sát khám xét trụ sở chính của Thành Bưởi trên đường Lê Hồng Phong, quận 10

Cảnh sát khám xét trụ sở chính của Thành Bưởi trên đường Lê Hồng Phong, quận 10

Thông tin được Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Bùi Hòa An cho biết ngày 30/10, sau khi làm việc với Công ty TNHH Thành Bưởi về xử phạt vi phạm hành chính theo kết luận kiểm tra đối với nhà xe này.

Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản đối với 8 hành vi vi phạm của hãng xe Thành Bưởi, gồm: không thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn; kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch không đúng quy định về đón, trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; bộ phận quản lý, theo dõi điều kiện an toàn không làm đúng nhiệm vụ; không cập nhật chính xác lý lịch xe, lý lịch hành nghề của tài xế.

Công ty Thành Bưởi cũng bị phạt vì kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch nhưng không có hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách kèm theo; tổ chức khám sức khỏe cho lái xe không đầy đủ theo quy định.

Lãnh đạo Sở GTVT Thành phố cho biết, tổng số tiền xử phạt các vi phạm trên là 90 triệu đồng. Trong đó, hai hành vi áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh vận tải 1 - 3 tháng.

Trước đó, nhà xe Thành Bưởi bị kiểm tra sau vụ tai nạn nghiêm trọng trên Quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, làm 5 người chết hồi cuối tháng 9. Cơ quan chức năng xác định tài xế Hoàng Văn Tính gây tai nạn khi đang bị tước bằng lái 3 tháng.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, nhà xe này để xảy ra nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải. Hiện, các vi phạm thuộc thẩm quyền được Sở GTVT xử lý. Những vi phạm liên quan lĩnh vực khác, Sở cũng đã chuyển Công an TP.HCM cùng các bên liên quan.

Chuyên đề