Bản tin thời sự sáng 3/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam phản đối cách hành xử thô bạo của Trung Quốc với tàu cá tại Hoàng Sa; Metro số 1 TP.HCM chính thức tiến hành vận hành thử; rút báo động lũ sông Bùi, ngoại thành Hà Nội hết ngập; khởi công cầu Ba Lai 8 hơn 2.255 tỷ đồng ở Bến Tre…

Việt Nam phản đối cách hành xử thô bạo của Trung Quốc với tàu cá tại Hoàng Sa

Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Ngày 2/10, liên quan đến việc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 29/9/2024, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:

“Hành động nêu trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đi ngược nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển. Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự.

Metro số 1 TP.HCM chính thức tiến hành vận hành thử

Ngày 2/10, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Chủ đầu tư) cho biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức tiến hành công tác vận hành thử (trial run) từ ngày 1/10, sau một thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành cho nhân viên Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1).

Việc vận hành thử được tiến hành từ nay đến ngày 17/11/2024 với 47 kịch bản khác nhau

Việc vận hành thử được tiến hành từ nay đến ngày 17/11/2024 với 47 kịch bản khác nhau

Việc vận hành thử (trial run) sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 được chủ trì bởi các chuyên gia tư vấn NJPT của Nhật Bản, giai đoạn 2 sẽ được thực hiện bởi nhân viên của Công ty HURC1.

Việc vận hành thử được tiến hành từ nay đến ngày 17/11/2024 với 47 kịch bản khác nhau, từ việc vận hành thông thường cho đến các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ, mất điện, ngập nước, mất tín hiệu,…ở các vị trí khác nhau trên phạm vi toàn tuyến metro số 1 (bao gồm đoạn trên cao và trong đường hầm).

Trước khi vận hành thử, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã hoàn thành việc ký kết các thỏa thuận với nhà thầu Hitachi và các nhà thầu xây dựng về việc sử dụng các trang thiết bị của các nhà thầu phục vụ cho công tác đào tạo và vận hành thử.

Trong quá trình vận hành thử, các đoàn tàu sẽ chạy giống như vận hành thương mại sau này với khoảng cách giữa các chuyến tàu là 4 phút 30 giây/chuyến

Nhân viên vận hành của tất cả các vị trí đều được huy động bao gồm nhân viên lái tàu, điều độ ở trung tâm điều khiển (OCC), nhân viên ở các nhà ga… Tổng cộng sẽ có 71 nhân viên tham gia vận hành thử trong mỗi ca làm việc. Dự kiến mỗi ngày có 2 ca làm việc.

Song song với quá trình vận hành thử, các chuyên gia tư vấn đánh giá an toàn hệ thống BVT (Liên danh Bureau Veritas của Pháp và TEDI của Việt Nam) sẽ tiến hành theo dõi, chứng kiến và đánh giá sự thành thạo của các nhân viên Công ty HURC1 trong các tình huống khẩn cấp.

Dự kiến, từ ngày 18 - 30/11/2024, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sẽ hoàn thành các báo cáo đánh giá an toàn để trình nộp cho Cục Đường sắt, thực hiện công tác thẩm định an toàn theo quy định của Luật Đường sắt.

Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng sẽ tiến hành nghiệm thu để chấp thuận đưa Dự án vào vận hành khai thác thương mại, dự kiến trong tháng 12/2024.

Rút báo động lũ sông Bùi, ngoại thành Hà Nội hết ngập

Nước sông Bùi xuống dưới báo động một, TP. Hà Nội rút báo động lũ, người dân vùng trũng các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất trở về nhà.

Phun vệ sinh khử khuẩn trường học tại xã Nam Phương Tiến

Phun vệ sinh khử khuẩn trường học tại xã Nam Phương Tiến

Sáng 2/10, nước sông Bùi tại Yên Duyệt, huyện Chương Mỹ xuống 5,94 m, dưới báo động một 6 cm. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã rút báo động lũ cấp I tại các xã ven đê của huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Tại các khu dân cư ven sông, nước cơ bản rút hết. Rốn lũ Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, nước rút chậm nhất, chính quyền phải bơm cưỡng bức nước trở ngược ra sông Bùi. Đến chiều nay, hầu hết hộ dân trong xã đã hoàn thành việc dọn dẹp, trở lại cuộc sống bình thường. Chỉ còn một số ít hộ ở gần đồng, gần sông, nhà vẫn bị ngập khoảng 20 - 50 cm.

Hơn 30 chiến sĩ Công an huyện Chương Mỹ, Lữ đoàn 201 mấy ngày qua đã đưa phương tiện, máy bơm để cọ rửa đường sá, khu vực công cộng. Với trường học, chính quyền Nam Phương Tiến huy động toàn bộ cán bộ, hội viên các đoàn thể hỗ trợ thầy cô thu gom rác thải, bùn đất, cọ rửa lớp học, hành lang, sân trường, kê lại bàn ghế và phun hóa chất khử khuẩn môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Năm nay, vùng trũng thấp ngoại thành Hà Nội đã hai lần trải qua ngập úng diện rộng do lũ sông Bùi từ Hòa Bình đổ về, đợt thứ nhất kéo dài khoảng hai tuần cuối tháng 7, đầu tháng 8. Đợt thứ hai sau bão Yagi kéo dài 20 - 25 ngày tùy khu vực.

Khởi công cầu Ba Lai 8 hơn 2.255 tỷ đồng ở Bến Tre

Cầu Ba Lai 8 là một phần thuộc dự án đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh chính thức được khởi công.

Dự án cầu Ba Lai 8 thuộc hạng mục dự án tuyến đường ven biển tỉnh Bến Tre

Dự án cầu Ba Lai 8 thuộc hạng mục dự án tuyến đường ven biển tỉnh Bến Tre

Sáng 2/10, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ khởi công cầu Ba Lai 8 thuộc Dự án đường ven biển. Dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, có tổng chiều dài khoảng 53 km, kết nối ba tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh.

Dự án cầu Ba Lai 8 đi qua địa bàn của hai huyện Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre), có 149 hộ bị ảnh hưởng. Hiện huyện Bình Đại đã chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được 43 hộ với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng.

Còn 106 hộ, chính quyền địa phương hai huyện Bình Đại, Ba Tri đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền bàn giao mặt bằng cho Dự án. Cầu Ba Lai 8 được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Cầu có chiều dài hơn 536 m, bề rộng mặt cầu 22,5 m, đường dẫn vào cầu khoảng 12 km, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án còn xây dựng hai nút giao tại vị trí Đường tỉnh 886, nút giao Quốc lộ 57B với tổng mức đầu tư khoảng 2.255 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng việt Nam (Vinaconex).

Thông xe cầu hơn 700 tỷ giảm kẹt xe cửa ngõ phía Đông TP.HCM

Cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức (TP.HCM), vốn đầu tư gần 732 tỷ đồng thông xe sáng 2/10 góp phần giảm ùn tắc, chỉnh trang đô thị khu Đông Thành phố.

Xe chạy qua cầu Nam Lý

Xe chạy qua cầu Nam Lý

Cầu bắc qua sông Rạch Chiếc, dài gần 450 m, chia làm hai nhánh cách nhau nửa mét, mỗi nhánh rộng 10 m cho hai làn xe và lề đi bộ. Hai đầu cầu được xây dựng đường dẫn rộng 30 - 37 m cùng hệ thống đường gom dân sinh, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng...

Khởi công tháng 10/2016, cầu Nam Lý được xây dựng nhằm thay cầu cống đập Rạch Chiếc nhỏ hẹp, xuống cấp. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp vướng mắc kéo dài do vướng mặt bằng. Năm 2019, công trình phải tạm ngưng thi công khi đạt khoảng 40% khối lượng và tới tháng 3/2023 mới khởi động lại khi địa phương hoàn tất đền bù, giải tỏa.

Ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, sau hơn một năm thi công trở lại, đến nay toàn bộ phần cầu và đường dẫn ở hai đầu đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác. Riêng đường gom dân sinh cùng một số hạng mục nhỏ còn lại, nhà thầu sẽ tiếp tục thi công để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm nay.

"Ngoài góp phần giảm ùn tắc, tăng kết nối giao thông 5 phường ở TP. Thủ Đức, cầu Nam Lý hoàn thành giúp tàu thuyền thuận lợi di chuyển qua sông rạch Chiếc phía dưới", ông hùng nói.

Vĩnh Phúc phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95%

Đến tháng 9, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại Vĩnh Phúc mới đạt hơn 3.998 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024 đang là thách thức lớn.

Dự án cầu vượt đường sắt nút giao Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện. Ảnh minh họa
Dự án cầu vượt đường sắt nút giao Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư công tỉnh Vĩnh Phúc được giao năm 2024 là hơn 7.895 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương giao hơn 7.776 tỷ đồng; vốn ngân sách Tỉnh giao bổ sung là hơn 118,8 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2024, cấp tỉnh đã phê duyệt quyết định đầu tư 3 dự án, với tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng. Cấp huyện, xã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 21 dự án, tổng mức đầu tư trên 188,5 tỷ đồng; phê duyệt quyết định đầu tư cho 67 dự án, tổng mức đầu tư là 559 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 4.462 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao cho 44 dự án hoàn thành, quyết toán và 100 dự án chuyển tiếp năm 2024; cấp huyện, cấp xã phân bổ hơn 3.433 tỷ đồng cho các công trình, dự án, đạt 100% kế hoạch vốn do Tỉnh giao.

Tính đến ngày 15/9/2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân được trên 3.998 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 48,4% tổng số vốn kế hoạch năm. Trong đó, cấp tỉnh giải ngân đạt 32,5% kế hoạch giao; cấp huyện, xã giải ngân đạt 70,8%, và tất cả 5 ban quản lý dự án đều có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt 40%.

Ở cấp huyện, Bình Xuyên là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 97,6%; tiếp theo là huyện Yên Lạc đạt 90,5%; thành phố Vĩnh Yên đạt 74,3%; huyện Lập Thạch đạt 73,8%; huyện Sông Lô đạt 67,3%; huyện Vĩnh Tường đạt 62,4%. Thành phố Phúc Yên là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất Tỉnh, mới đạt 48,7%.

Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế khôi phục hoàn toàn trong tháng này

Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp quang biển IA đã được khôi phục hoàn toàn. Với các sự cố xảy ra trên 2 tuyến cáp APG và AAE-1, đối tác quốc tế dự kiến hoàn thành việc khắc phục trong tháng 10.

Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế khôi phục hoàn toàn trong tháng này

Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế khôi phục hoàn toàn trong tháng này

Theo thống kê của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, bên cạnh 2 tuyến cáp đất liền kết nối tới Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore có tổng dung lượng 5 Tbps, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế hiện đi qua 5 tuyến cáp quang biển quốc tế với tổng dung lượng đang sử dụng hơn 20 Tbps, tổng dung lượng khả dụng 34 Tbps, bao gồm: Asia America Gateway (AAG), APG (Asia Pacific Gateway), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á) và Asia - Africa - Euro 1 (AAE-1).

Trong năm nay, lần lượt vào các ngày 15/3, 23/5 và 13/6, 3 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế các nhà mạng Việt Nam đang khai thác, đã gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến.

Theo các nhà cung cấp dịch vụ Internet, tuyến cáp quang biển IA hiện tại đã khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối trên tuyến. Thời gian sự cố trên 2 nhánh S1 và S5 của tuyến cáp biển này được khắc phục lần lượt vào trung tuần tháng 7 và cuối tháng 9 vừa qua.

Với hướng kết nối qua tuyến cáp quang biển APG, trong thời gian từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8, sự cố trên các nhánh cáp S3, S8 và S9 đã được khắc phục; hiện chỉ còn nhánh cáp S1.9 gần trạm cập bờ tại Malaysia đang được sửa chữa và dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần đầu tháng 10.

Tương tự như APG, một phần dung lượng kết nối Internet đi quốc tế trên tuyến cáp quang biển AAE-1 đã được khôi phục, do khắc phục xong sự cố trên nhánh S1H3 hướng HongKong (Trung Quốc) vào ngày 23/9. Tuy nhiên, theo kế hoạch, phải đến ngày 26/10, lỗi rò nguồn xảy ra trên nhánh S1H5 của tuyến cáp mới được sửa xong.

Như vậy, theo tiến độ khắc phục sự cố trên những tuyến cáp quang biển mới cập nhật, dự kiến toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ được khôi phục hoàn toàn ngay trong tháng 10/2024 này.

Hà Nội phấn đấu năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tăng 5 - 5,5%

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố năm 2025. Kế hoạch nêu rõ, mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2025 trên địa bàn Thành phố tăng 5 - 5,5% so với thực hiện năm 2024.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn)
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn)

Để hoàn thành mục tiêu này, UBND TP. Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới; xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, trong đó chú trọng tới chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, hệ thống dịch vụ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu; nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới.

TP. Hà Nội giao Sở Công thương, Cục Hải quan Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức các chương trình tập huấn, hội nghị đối thoại cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu, cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo hộ mậu dịch của các nước, khu vực cũng như các vụ điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường; nâng cao năng lực của doanh nghiệp logistics; nghiệp vụ thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc về quy trình, thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.

Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2025; triển khai Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực sản xuất thử nghiệm, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất...

Được biết, trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nợ thuế quá hạn 90 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh

Ngành thuế yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh với người có khoản nợ thuế quá hạn đang bị cưỡng chế, nhất là doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

Nợ thuế quá hạn 90 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh minh họa

Nợ thuế quá hạn 90 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh minh họa

Tại công văn gửi các địa phương, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế tỉnh, thành áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế, công khai thông tin người nợ thuế trên 90 ngày. Các biện pháp này có thể được xem xét áp dụng đồng thời nhằm tăng hiệu quả quản lý thuế.

Cùng với đó, cơ quan này đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với người có khoản nợ thuế quá hạn bị cưỡng chế, đặc biệt doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh có thể tra cứu trên website của ngành thuế và các ứng dụng etax, etaxmobile. Cơ quan thuế sẽ thường xuyên rà soát để kịp thời gia hạn hoặc hủy bỏ quyết định này.

Các biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, từ đầu năm đến nay trên 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, gấp 3 lần so với năm ngoái. Nhà chức trách đã thu 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi.

Tại họp báo tuần trước, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định Luật không quy định khoản nợ thuế nhỏ hay lớn. Do đó, người nộp thuế có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế, bất kể giá trị của khoản này.

Bắt giữ tàu vận chuyển hơn 70.000 lít dầu DO trái phép trên vùng biển Tây Nam

Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu KG 95666 TS vận chuyển hơn 70.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện một tàu vận chuyển trái phép dầu DO

Lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện một tàu vận chuyển trái phép dầu DO

Ngày 2/10, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, lực lượng chức năng vừa bắt giữ tàu vận chuyển hơn 70.000 lít dầu DO trái phép trên vùng biển Tây Nam.

Trước đó, ngày 30/9, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, kiểm tra tàu KG 95666 TS.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên, do ông Phạm Hoàng Đại (sinh năm 1980, thường trú tại phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng.

Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển hơn 70.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm; dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 tại thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề