Bản tin thời sự sáng 30/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu bị kỷ luật do liên quan Việt Á; tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 12 năm; USD ngân hàng lên sát 24.000 đồng; đề xuất mở tuyến phà biển từ Cần Giờ đi Tiền Giang; TP.HCM cần hơn 500 tỷ đồng số hóa hồ sơ nhà đất…

Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu bị kỷ luật do liên quan Việt Á

Ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, bị cho thiếu kiểm tra, để cấp dưới sai phạm trong mua sắm kit test Việt Á, gây thất thoát ngân sách.

Ông Trần Hoài Đảo, Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu

Ông Trần Hoài Đảo, Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu

Quyết định kỷ luật khiển trách ông Đảo được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu triển khai ngày 29/9.

Theo kết luận cơ quan kiểm tra Tỉnh uỷ, ông Đảo là Chủ tịch Hội đồng thẩm định lựa chọn nhà thầu mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, ông đã thiếu kiểm tra, giám sát, để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bạc Liêu thực hiện 3 gói thầu mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á gây thất thoát ngân sách.

Liên quan vụ việc này, 6 ngày trước, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bạc Liêu đã kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Vĩnh An, Giám đốc CDC Bạc Liêu và 2 thuộc cấp là ông Phạm Thanh Hồng, Trưởng khoa Xét nghiệm và ông Trương Thái Hưng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch.

Theo kết luận của Thanh tra Bạc Liêu, CDC Bạc Liêu đã mua 44 gói thầu với tổng giá trị hơn 126 tỷ đồng. Qua kiểm tra, 35 gói thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống Covid-19 xảy ra nhiều sai phạm. Vi phạm nghiêm trọng nhất ở 3 gói thầu mua sinh phẩm, kit test, hóa chất, vật tư y tế của Công ty Việt Á với tổng giá trị hơn 23,7 tỷ đồng.

Thanh tra cho rằng, việc lập, trình dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu có dấu hiệu thiếu minh bạch, vi phạm các quy định, gây thiệt hại hơn 8,9 tỷ đồng. Cùng với đề nghị kỷ luật những người liên quan, cơ quan thanh tra Tỉnh đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an tỉnh Bạc Liêu.

Đầu tháng 6, Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Bạc Liêu.

Tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 12 năm

Quý III tăng trưởng 13,67%, giúp GDP 9 tháng đạt 8,83% và là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2011 - 2022.

Quý III tăng trưởng 13,67%, giúp GDP 9 tháng đạt 8,83%

Quý III tăng trưởng 13,67%, giúp GDP 9 tháng đạt 8,83%

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm nay ước tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước.

Trong các khu vực kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; dịch vụ tăng 10,57%. Kết quả này giúp GDP 9 tháng tăng 8,83%, cao nhất trong giai đoạn 2021 - 2022.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ ba năm gồm 2011, 2017, 2018. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%; ngành khai khoáng tăng 4,42%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Về vốn FDI thực hiện tại Việt Nam, GSO cho biết đã đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm kể từ 2018.

Với xuất nhập khẩu, số liệu cho thấy trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng đạt 163.300 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 36%.

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112.700 doanh nghiệp, tăng 24,8%.

USD ngân hàng lên sát 24.000 đồng

Giá USD trên thị trường chính thức tiếp tục tăng và lần đầu tiên lên mức kỷ lục gần 24.000 đồng.

USD ngân hàng lên sát 24.000 đồng

USD ngân hàng lên sát 24.000 đồng

Các ngân hàng liên tục điều chỉnh giá USD trong ngày 29/9 và tới 15h30, USD trên thị trường ngân hàng đồng loạt phá mốc 23.900 đồng. Có ít nhất 4 ngân hàng trên thị trường yết giá bán sát 24.000 đồng.

Tại Vietcombank, chỉ trong ngày 29/9, ngân hàng này gần chục lần điều chỉnh giá USD. Tới 16h, tỷ giá USD/VND tăng mạnh 60 đồng so với hôm trước lên 23.640 - 23.950 đồng. Đà tăng mạnh trong một tháng gần đây đã kéo tỷ giá USD/VND tại Vietcombank tăng hơn 4,5% so với đầu năm.

Tại Eximbank, giá USD chiều mua vào tăng 40 đồng lên 23.670 đồng, chiều bán tăng 60 đồng lên 23.950 đồng. ACB cũng nâng giá mua lên 50 đồng lên 23.650 và giá bán tăng 70 đồng lên 23.950 đồng.

Tại một số ngân hàng khác, giá bán USD đã lần đầu tiên sát ngưỡng 24.000 đồng. Cụ thể, VietinBank yết giá mua 23.560 và giá bán 24.000 đồng. Tại BIDV, giá USD lên 23.695 - 23.975 đồng, tăng 70 đồng so với hôm 28/9. Techcombank tăng hơn 50 đồng chiều mua và 70 đồng chiều bán lên tương ứng 23.678 - 23.990 đồng. Tại Sacombank, tỷ giá USD/VND cũng tăng 30 đồng lên 23.675 - 23.980 đồng.

Đà tăng của tỷ giá USD/VND trên thị trường ngân hàng bắt đầu mạnh lên từ cuối tháng 8 khiến tiền Đồng mất giá ít nhất 1,5% so với USD chỉ trong một tháng gần đây.

Trong khi đó, USD trên thị trường tự do biến động ít hơn trong giai đoạn này. Trên thị trường tự do, giá USD được mua bán quanh vùng 24.200 - 24.290 đồng, không đổi so với hôm 28/9.

Đề xuất mở tuyến phà biển từ Cần Giờ đi Tiền Giang

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất mở tuyến phà biển từ huyện Cần Giờ đi Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cự ly 12 km, để tăng kết nối hai địa phương.

Phà biển nối huyện Cần Giờ qua Vũng Tàu

Phà biển nối huyện Cần Giờ qua Vũng Tàu

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An cho biết, phương án đầu tư tuyến phà từ Cần Giờ đi Gò Công Đông đã được sở hoàn chỉnh và trình UBND Thành phố, sau khi thống nhất với ngành giao thông tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, đầu bến phà phía huyện Cần Giờ dự tính xây dựng ở khu vực cầu bến Đồng Hòa, trên sông Hà Thanh - Đồng Hòa (gần cửa sông Soài Rạp). Phía huyện Gò Công Đông, bến đặt gần bến bò Vàm Láng, hiện đã có đường ra, vào.

Trên tuyến sẽ có ít nhất hai phà hoạt động, mỗi phà chở tối thiểu 100 khách, 50 xe máy, 10 ôtô từ 4 đến 29 chỗ. Phà biển dự kiến chỉ chạy vào ban ngày (6 - 18h), tối thiểu 4 chuyến một ngày, mỗi chuyến mất khoảng 30 phút với cự ly 12 km (một chiều). Việc đầu tư tuyến phà không sử dụng ngân sách mà nhà đầu tư tự bỏ chi phí xây bến, phương tiện... Dự kiến, tuyến phà khai thác từ quý III năm sau.

Đề xuất đóng cửa sân bay Điện Biên 6 tháng để thi công

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải tạm thời đóng cửa sân bay Điện Biên từ 1/3/2023 đến 9/9/2023 để thi công đường băng, sân đỗ máy bay.

Máy bay tại sân bay Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Máy bay tại sân bay Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Theo Cục Hàng không Việt Nam, thời điểm đóng cửa sân bay là sau Tết Nguyên đán nên ít ảnh hưởng đến quá trình khai thác và cung cấp dịch vụ cho người dân. Thời gian này, Gói thầu số 19 Dự án xây dựng cảng hàng không Điện Biên sẽ triển khai giai đoạn 2 với hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ.

Đầu năm nay, Dự án mở rộng sân bay Điện Biên được khởi công. Dự án gồm mở rộng đường băng kích thước 2.400x45 m trên nền đường băng hiện tại, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 và tương đương; xây lề đường băng rộng mỗi bên 7,5 m, có đường lăn và hệ thống đèn tiếp cận đồng bộ.

Nhà ga hành khách được thiết kế hai tầng, tầng một là khu vực hành khách đi và đến; tầng hai là phòng chờ, phòng khách thương gia, dịch vụ thương mại và phụ trợ. Nhà ga được nâng công suất từ 300.000 lên 500.000 hành khách mỗi năm.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

TP.HCM cần hơn 500 tỷ đồng số hóa hồ sơ nhà đất

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề xuất được cấp 519 tỷ đồng lập Dự án quản lý hồ sơ giấy nhà đất từ trước 1975 đến nay "nếu trải ra dài 40.000 m".

Người dân làm thủ tục nhà đất tại TP. Thủ Đức

Người dân làm thủ tục nhà đất tại TP. Thủ Đức

Thông tin được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết. Việc duy trì hồ sơ giấy quá nhiều khiến việc giải quyết thủ tục hành chính đất đai cho người dân bị chậm trễ, như TP. Thủ Đức số lượng hồ sơ trễ hẹn lên tới 30 - 40%.

Theo ông Thắng, kế hoạch giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, Sở được bố trí 519 tỷ đồng lập Dự án quản lý 40.000 m hồ sơ từ trước 1975 đến nay. Ngoài ra, cơ quan này cũng đề xuất 483 tỷ đồng trang bị máy móc, thiết bị cho ngành. Tuy nhiên, các dự án này chưa được cấp kinh phí do không nằm trong danh mục được ưu tiên. Việc số hóa và trang bị máy móc được thực hiện sẽ giúp Thành phố giải quyết tình trạng chậm thủ tục nhà đất do nhân viên phải vô kho lấy hồ sơ.

Ông Thắng dẫn chứng nguồn thu từ đất đai trong 9 tháng đầu năm mà ngành tài nguyên môi trường đóng góp vào ngân sách Thành phố khoảng 33.000 tỷ đồng. Trong khi đó, hai dự án nêu trên tổng giá trị chưa tới 1.000 tỷ đồng.

TP.HCM là địa phương có số lượng hồ sơ nhà đất nhiều nhất nước. 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ chậm giải quyết tại hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường là 2,96%, tương ứng hơn 13.000 trường hợp. Từ tháng 4 đến nay, Thành phố có nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đất đai cho người dân, đặc biệt tại TP. Thủ Đức.

Thu ngân sách 9 tháng gần cán đích cả năm

Dù còn 3 tháng mới hết năm, tổng thu ngân sách đã đạt khoảng 94% dự toán.

Thu ngân sách 9 tháng đạt khoảng 94% dự toán

Thu ngân sách 9 tháng đạt khoảng 94% dự toán

Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách 9 tháng ước tính 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%; thu từ dầu thô đạt 213% dự toán, tăng 103,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, tăng 22,1%.

Với tình hình thu ngân sách 9 tháng và mức dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tăng trưởng GDP 7-7,5%, xuất nhập khẩu tăng và giá dầu giữ mức cao, Bộ Tài chính dự kiến thu ngân sách vượt dự toán - tức vượt 1,41 triệu tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực tăng khá sẽ là thu từ dầu thô, thu cân đối từ xuất nhập khẩu, từ tiền sử dụng đất...

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn 2 khoản thu gồm thuế bảo vệ môi trường và thu hồi vốn, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước chưa đảm bảo tiến độ.

Nguyên nhân tăng thu ngân sách, theo Bộ Tài chính, là nhờ các biện pháp tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh thanh kiểm tra các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại; đẩy mạnh thu hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; triển khai hoá đơn điện tử trên cả nước...

TP.HCM muốn quản lý đoạn Quốc lộ 1K đi qua địa bàn

TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bàn giao quyền quản lý đoạn Quốc lộ 1K dài 2 km qua địa bàn để chủ động duy tu, sửa chữa và tổ chức giao thông.

Đơn vị thi công sửa mặt đường trồi lún trên Quốc lộ 1K

Đơn vị thi công sửa mặt đường trồi lún trên Quốc lộ 1K

Đề xuất được đưa ra khi số vụ tai nạn trên đoạn quốc lộ qua TP.HCM tăng do hệ thống báo hiệu giao thông chưa đầy đủ, nhiều vị trí qua giao lộ thiếu đèn tín hiệu... Từ cuối năm 2021 đến tháng 9 năm nay, đoạn đường trên xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm ba người chết (tăng 300% so với cùng kỳ).

Quốc lộ 1K dài 21 km, điểm đầu tại ngã tư Linh Xuân, TP. Thủ Đức; điểm cuối ở ngã ba Hố Nai giao với Quốc lộ 1, thuộc TP. Biên Hoà, Đồng Nai. Đây là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ đông bắc TP.HCM, kết nối trực tiếp đến Bình Dương, Đồng Nai... nên có hàng chục nghìn xe qua lại mỗi ngày.

Quốc lộ 1K đang do Cục Quản lý đường bộ 4 thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý, sau khi dừng thu phí hoàn vốn Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường theo hợp đồng BOT từ tháng 10/2020. Tuy nhiên, đơn vị này chưa bố trí được kinh phí để duy tu, sửa chữa các khiếm khuyết về hạ tầng giao thông ở tuyến quốc lộ này.

Chuyên đề