Bản tin thời sự sáng 30/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thêm gần 660.000 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam; Hà Nội cấp phép cho 14.270 shipper hoạt động; thông chốt cho xe có mã QR Code từ 0h đêm 30/7; shipper giao hàng thiết yếu tại TP.HCM được di chuyển liên quận; container tồn bãi tại cảng Cát Lái đã chạm ngưỡng 100% công suất…

Thêm gần 660.000 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam

AstraZeneca đã chuyển về TP.HCM thêm 659.900 liều vắc xin Covid-19 vào sáng 29/7. Đây là lần giao vắc xin thứ sáu và là lần thứ tư liên tiếp trong tháng 7 thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty CP Vacxin Việt Nam (VNVC), dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Thêm gần 660.000 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam

Thêm gần 660.000 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam

Hiện, thỏa thuận này đã mang về cho Việt Nam gần 3,8 triệu liều, tương đương với khoảng 41% tổng lượng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trong nước. Tổng cộng đã có gần 9,3 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa chính phủ các nước, hiện chiếm 62% nguồn cung vắc xin Covid-19 trên cả nước.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các Thị trường châu Á mới nổi cho biết: "Trong tháng 7 này, chúng tôi đã liên tiếp mang về Việt Nam gần 3,4 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc chiến chống lại đại dịch của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế, WHO, UNICEF và VNVC để đưa vắc xin về Việt Nam một cách nhanh chóng và an toàn nhất có thể, để người dân sớm được trở lại cuộc sống bình thường và đoàn tụ với gia đình”.

Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca là loại vắc xin Covid-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng và cung cấp với số lượng lớn tại Việt Nam, để hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia của Chính phủ và Bộ Y tế. Theo Bộ Y tế, tính đến sáng 29/7, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm hơn 5,3 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó tiêm 1 mũi là 4.825.209 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.

Hà Nội cấp phép cho 14.270 shipper hoạt động

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe shipper giao hàng trong số trên 15.000 người đăng ký.

Hà Nội cấp phép cho 14.270 shipper hoạt động

Hà Nội cấp phép cho 14.270 shipper hoạt động

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, cơ quan đã nhận được hơn 15.200 tài xế xe môtô hai bánh đăng ký vận chuyển hàng hóa. Trong đó, Sở Công Thương gửi danh sách 699 xe, Sở Thông tin và Truyền thông gửi thông tin 14.484 xe. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, từ chối 275 xe do biển số không phải là môtô hai bánh, còn 663 xe chờ duyệt.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác nhận thông tin phương tiện được phép hoạt động cho shipper qua tin nhắn điện thoại. Các shipper có thể chụp ảnh màn hình tin nhắn và xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra.

Các shipper được cấp phép là nhân viên vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bưu phẩm, bưu chính của các siêu thị, sàn giao dịch thương mại. Các đơn vị đăng ký cho nhân viên phải quản lý và giám sát công tác phòng dịch và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm Covid-19.

Theo Chỉ thị 17 của Hà Nội về giãn cách xã hội, các loại môtô công nghệ vận chuyển khách đều phải dừng hoạt động. Với các xe shipper giao hàng, Thành phố yêu cầu ngành Công Thương và Sở Giao thông vận tải thống nhất đối tượng cho phép vận chuyển hàng hóa trên địa bàn với điều kiện quản lý chặt chẽ.

Theo đó, ngoài shipper của hệ thống siêu thị, phân phối thì shipper của các sàn thương mại điện tử được xem xét tham gia vận chuyển hàng, nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt.

Thông chốt cho xe có mã QR Code từ 0h đêm 30/7

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện QR Code còn hạn, áp dụng với tất cả tuyến đường giao thông, cao tốc toàn quốc.

Từ 0h ngày 30/7, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện QR Code còn hạn

Từ 0h ngày 30/7, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện QR Code còn hạn

Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành được gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu không kiểm tra tại các chốt kiểm dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải (GTVT) cấp cho vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ những hàng hóa bị cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định), trên tất cả tuyến đường quốc lộ, cao tốc, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.

Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra phương tiện khi ra vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa như cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất... đảm bảo tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.

Tại các vùng có dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp, hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm để phòng, chống dịch bệnh, nhưng phải đảm bảo vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt qua địa bàn.

Shipper giao hàng thiết yếu tại TP.HCM được di chuyển liên quận

Shipper chở hàng thiết yếu cho người dân trong khu phong tỏa, cách ly, cơ sở y tế, điều trị bệnh nhân Covid-19 được di chuyển liên quận, huyện.

Shipper xếp hàng giao đồ trước Bệnh viện dã chiến số 6 (TP.Thủ Đức)

Shipper xếp hàng giao đồ trước Bệnh viện dã chiến số 6 (TP.Thủ Đức)

Đây là một trong những quy định về kiểm soát di chuyển trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 do UBND Thành phố ban hành. Thành phố cho phép shipper chỉ được hoạt động ở một quận huyện, cùng với rủi ro dễ nhiễm bệnh, bị xử phạt trong thời gian giãn cách xã hội, khiến lực lượng giao hàng gặp khó khăn. Nhiều shipper đã tắt ứng dụng, nghỉ việc.

Chính quyền Thành phố yêu cầu, ngoài các nhận diện như đồng phục, thùng hàng, logo, giấy thông hành doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng..., đội ngũ shipper phải có bảng tên kèm hình, xác nhận doanh nghiệp và mã nhận diện shipper thông qua QR Code; băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ "Shipper" màu trắng. Thời gian shipper hoạt động 6 - 18h hàng ngày.

Hà Nội nghiên cứu triển khai diện rộng dùng phiếu đi chợ

Nhiều phường ở Hà Nội bắt đầu phát phiếu đi chợ để hạn chế tập trung đông người.

Người dân phường Nhật Tân, quận Tây Hồ dùng phiếu vào chợ mua bán

Người dân phường Nhật Tân, quận Tây Hồ dùng phiếu vào chợ mua bán

Hai ngày qua, nhiều phường ở Hà Nội bắt đầu phát phiếu đi chợ dân sinh, siêu thị cho cư dân nhằm giãn cách mật độ người tập trung cùng thời điểm. Mỗi phường áp dụng mẫu phiếu khác nhau, song quy định người dân một tuần được đi chợ 3 - 4 lần vào các khung giờ cố định.

Cho rằng mô hình này là cần thiết để đảm bảo giãn cách, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai rộng. Mẫu phiếu do ngành công thương nghiên cứu áp dụng thống nhất toàn Thành phố.

Đánh giá sau bốn ngày áp dụng cách ly xã hội, chính quyền Thành phố cho rằng có nơi làm tốt, song có nơi còn lơ là, có hiện tượng người đứng đầu chưa sâu sát. Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu địa bàn nguy cơ cao được áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn chỉ thị mà Thành phố đang áp dụng.

Container tồn bãi tại cảng Cát Lái đã chạm ngưỡng 100% công suất

Lượng container tồn bãi tại cảng Cát Lái đã chạm ngưỡng 100% công suất, nhân sự làm việc giảm một nửa, khiến cảng có nguy cơ gián đoạn hoạt động.

Cảng Cát Lái container tồn bãi đã chạm ngưỡng 100% công suất

Cảng Cát Lái container tồn bãi đã chạm ngưỡng 100% công suất

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, lượng container xuất nhập tàu, giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với cùng kỳ khi chưa giãn cách, dẫn tới lượng hàng tồn tại cảng Cát Lái tăng cao.

Hiện lượng hàng, container tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất.

Lượng hàng nhập tồn tăng nhanh, theo lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn, nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động 14, 21 ngày do phong toả hoặc do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm".

Với đặc thù thường xuyên hoạt động tối đa công suất nên nếu hàng hoá chậm luân chuyển, tồn bãi tăng cao, nguy cơ cảng Cát Lái phải ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng như một số cảng tại Mỹ, châu Âu năm ngoái.

Trước thực tế này, Tân cảng Sài Gòn kiến nghị Tổng cục Hải quan có cơ chế cho phép chuyển hàng nhập khẩu và container tồn trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, giao cho khách hàng và thanh lý tại các cơ sở của Tân Cảng Sài Gòn là cảng Tân cảng Hiệp Phước (TP.HCM), các ICD (cảng nội địa) Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai) và ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Tân cảng Sài Gòn cam kết chịu trách nhiệm nguyên trạng của seal và hàng hoá khi chuyển, lưu trữ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư