Bản tin thời sự sáng 30/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cơn mưa chiều 29/5 vượt gấp đôi năng lực hạ tầng thoát nước Hà Nội; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẵn sàng chỉ thu phí không dừng ETC từ ngày 1/6; giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5 tăng; kiến nghị khẩn lên Thủ tướng về 5 trạm BOT trên địa bàn TP.HCM; Bộ Công thương thúc Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp xăng dầu theo cam kết…

Cơn mưa chiều 29/5 vượt gấp đôi năng lực hạ tầng thoát nước Hà Nội

Cơn mưa chiều ngày 29/5 xảy ra trong thời gian ngắn gây ngập sâu trên nhiều tuyến phố Hà Nội.

Mưa ngập trên đường Hà Nội

Mưa ngập trên đường Hà Nội

Thông tin nhanh về trận mưa chiều ngày 29/5, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát Nước) cho biết, cơn mưa đã vượt gấp đôi năng lực thiết kế của hệ thống thoát nước Thành phố.

Do ảnh hưởng của các vùng mây đối lưu, trong khoảng thời gian từ 13h30 đến 15h30 trên địa bàn Thành phố xảy ra mưa trên diện rộng. Lượng mưa trung bình đo được đạt từ 70 - 180mm, trong khi hệ thống thoát nước của Thành phố chỉ đáp ứng cho các trận mưa có cường độ trung bình khoảng 70 mm/2 giờ.

Theo Công ty Thoát Nước, một số khu vực có lượng mưa lớn, gồm: Ba Đình 114,5 mm; Hoàng Mai 110,1 mm; Thanh Xuân 111,0 mm; Cầu Giấy 181,5 mm; Tây Hồ 160,0 mm; Hai Bà Trưng 104,6 mm; Nam Từ Liêm 130,4 mm; Thanh Trì 123,7 mm...

Đề cập đến các khu vực ngập úng, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội thông tin, với cường độ mưa lớn như trên, địa bàn Thành phố đã xuất hiện ngập trên một số tuyến phố. Với khu vực các quận trung tâm, ngập úng đã xảy ra trên các tuyến phố: Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Liễu Giai, Tôn Đản, Thụy Khuê, Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương; Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chính, Yên Duyên (đường Vành đai 3), Trương Định, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Thái Hà, Nguyễn Khuyến, Bùi Xương Trạch, Phùng Khoang, Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Quan Nhân, Triều Khúc, Ngọc Hồi, Nguyễn Xiển… Khu vực Phú Xá (ngã 3 Phú Xá - Phúc Hoa), Trần Cung, Phan Văn Trường, Trần Bình, Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên (sau Keangnam), Đỗ Đức Dục.

Về giải pháp ứng phó với mưa ngập, đại diện Công ty Thoát Nước cho biết, ngay khi có mưa, Công ty đã triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý; đồng thời mở các cửa xả tại hồ Bảy Mẫu, Đầm Chuối, Hố Mẻ… vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẵn sàng chỉ thu phí không dừng ETC từ ngày 1/6

Đúng 9h sáng 1/6, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức thí điểm chỉ thu phí không dừng ETC đối với các phương tiện qua trạm.

Sáng ngày 1/6, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức thực hiện thí điểm 100% thu phí không dừng ETC

Sáng ngày 1/6, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức thực hiện thí điểm 100% thu phí không dừng ETC

Việc thí điểm chỉ thu phí không dừng ETC sẽ thực hiện tại 32/62 làn thu phí trên 6/6 trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tại mỗi trạm sẽ duy trì 1 làn/chiều xe chạy để xử lý các phương tiện gặp sự cố trong quá trình thu phí. Khi đó, chỉ các xe đủ điều kiện như có dán thẻ và đủ tiền trong tài khoản giao thông mới được phép đi trên tuyến cao tốc này.

Những xe chưa dán thẻ ETC sẽ được nhân viên thu phí tuyên truyền dán thẻ thu phí không dừng để sử dụng dịch vụ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trường hợp cố tình di chuyển vào làn ETC từ ngày 1/6 sẽ bị xử nghiêm theo quy định pháp luật, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Từ ngày 1/6 tới đây, tại trạm thu phí tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ không còn làn thu phí hỗn hợp như hiện nay, thay vào đó tất cả các làn sẽ triển khai thu phí ETC, trừ 1 làn dành riêng cho việc giải quyết sự cố.

Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5 tăng

Xăng dầu, lương thực, hàng hoá thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 5 tăng 0,38%.

Giá xăng dầu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 5 tăng

Giá xăng dầu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 5 tăng

Thông tin này vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng này tăng 2,86%.

Nguyên nhân đến từ giá xăng dầu trong nước bị đẩy lên theo giá thế giới, cộng với giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng do ảnh hưởng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Cụ thể, trong tháng 5, các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu tăng lần lượt 5,93% và 3,99% khiến CPI của nhóm giao thông có mức bật cao nhất với 2,34%. Điều này tác động đáng kể đến CPI nói chung.

Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,74% do nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng của người dân quay trở lại. Nhóm đồ uống, thuốc lá hay các mặt hàng lương thực cũng có sự điều chỉnh về giá do nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng...

Chỉ số giá nhiều nhóm hàng hoá trong tháng đi lên là lý do khiến CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức này lại thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2020. Còn lạm phát cơ bản tăng 1,1%, thấp hơn mức CPI bình quân chung.

Kiến nghị khẩn lên Thủ tướng về 5 trạm BOT trên địa bàn TP.HCM

TP.HCM vừa gửi kiến nghị khẩn lên Thủ tướng sau khi báo cáo về tiến độ triển khai đầu tư, nâng cấp hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí trên địa bàn.

Trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh

Trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh

TP.HCM hiện có 5 trạm thu phí, bao gồm: An Sương - An Lạc, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phú Hữu (chưa tổ chức thu phí).

Trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7) có 20 làn thu phí, thời gian thu trong 30 năm, kết thúc vào tháng 4/2028. Bên cạnh mục đích duy tu, bảo trì tuyến đường, nếu sử dụng không hết doanh thu từ thu phí, phần dư được để lại 70% cho TP.HCM và 30% cho doanh nghiệp.

Trong công văn gửi Thủ tướng, UBND TP.HCM giải thích do thời gian thu phí còn lại ngắn, trong khi đầu tư hệ thống ETC chi phí cao và giá thu phí thấp nên kiến nghị cho phép không lắp đặt trạm thu phí ETC, chỉ thu phí thủ công đến khi kết thúc thời gian thu phí.

Trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (TP. Thủ Đức) hiện có 8/18 làn thu phí ETC. Thời gian thu phí chỉ còn khoảng 4 năm, kết thúc vào tháng 4/2026. 8 làn thu phí ETC này đáp ứng năng lực lưu thông với 362.880 lượt xe/ngày, trong khi lưu lượng xe thực tế chỉ đạt 6,6% công suất.

Do đó, TP.HCM kiến nghị lãnh đạo Chính phủ cho phép tiếp tục khai thác 8 làn thu phí ETC hiện hữu, không nâng cấp hệ thống thu phí ETC 8 làn còn lại.

Với trạm thu phí An Sương - An Lạc trên tuyến Quốc lộ 1 (quận Bình Tân), nhà đầu tư đã nâng cấp thu phí ETC là 21/25 làn (đạt 84%). Tuy nhiên, số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC qua trạm trên tổng số phương tiện chỉ đạt 16%.

Tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội trên tuyến xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức), nhà đầu tư, 8/16 làn thu phí được nâng cấp ETC. Trong đó, lượng phương tiện sử dụng thu phí không dừng đạt tỷ lệ trung bình 34%.

Riêng trạm thu phí BOT Phú Hữu (TP. Thủ Đức) có 6 làn thu phí nhưng chưa tổ chức thu. Nhà đầu tư đang triển khai đầu tư hệ thống thu phí ETC trước khi bắt đầu thu phí.

Bộ Công thương thúc Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp xăng dầu theo cam kết

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) về việc hoạt động của Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Bộ Công thương đề nghị NSRP cùng các bên tham gia góp vốn vào liên doanh này khẩn trương thống nhất giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, hiệu quả.

Bộ Công thương nhấn mạnh, với vai trò là một thương nhân sản xuất xăng dầu, NSRP có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Nghị định 83 năm 2014 và Nghị định 95 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các cam kết theo hợp đồng cung cấp sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước đã ký kết.

Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà sản xuất lớn nhất về xăng dầu để cung cấp cho thị trường trong nước (với khoảng 35%). Tuy nhiên, việc trục trặc nội bộ đã khiến công suất nhà máy giảm mạnh từ đầu năm nay, có lúc chỉ còn 55%, khiến cho nguồn cung xăng dầu nội địa bị khan hiếm. Trước tình thế đó, Bộ Công thương đã yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối lớn tăng lượng nhập khẩu thêm khoảng 2,4 triệu m3 trong quý II, và nhờ vậy nhà điều hành đã tính tới tình huống không tính lượng cung ứng từ Nghi Sơn cho kịch bản điều hành thị trường xăng dầu trong quý II.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng yêu cầu NSRP trong tháng 5 phải có cam kết về sản lượng cung ứng trong 2 quý cuối năm để cơ quan quản lý có phương án điều hành chủ động trong nguồn hàng.

Gần 50.000 thuê bao tiếp tục rời Vietnamobile trong tháng 5

Theo thống kê mới nhất của Cục Viễn thông, Vietnamobile tiếp tục là nhà mạng có lượng thuê bao chuyển đi cao nhất, trong khi Viettel tiếp tục dẫn đầu về lượng thuê bao chuyển đến.

Thị trường viễn thông Việt Nam đã ghi nhận nhiều biến động về thị phần

Thị trường viễn thông Việt Nam đã ghi nhận nhiều biến động về thị phần

Số liệu từ Cục Viễn thông trong giai đoạn từ 1 - 24/5 cho thấy, đã có 49.326 thuê bao của Vietnamobile chuyển đi thành công sang nhà mạng khác thông qua dịch vụ chuyển mạng giữ số thuê bao (MNP), con số cao hơn những tháng trước đó. Nhà mạng này chỉ đón về thành công 5 thuê bao, khiến tổng lượng thuê bao của Vietnamobile giảm 49.321 thuê bao trong tháng 5.

Ở chiều ngược lại, nhà mạng tăng thuê bao qua MNP mạnh nhất vẫn là Viettel khi có tới 43.055 thuê bao chuyển đến thành công trong tháng 5. Cùng giai đoạn, Viettel đã chấp thuận cho 627 thuê bao chuyển sang nhà mạng khác.

Một nhà mạng khác hưởng lợi qua dịch vụ MNP trong tháng 5 là VinaPhone khi đón thành công 7.964 thuê bao và chỉ mất 2.644 thuê bao trong tháng. Trong khi đó MobiFone cũng thêm thuê bao qua MNP khi đón thành công 2.231 thuê bao và mất 675 thuê bao. Nhà mạng mới Reddi có biến động thuê bao không đáng kể khi có 18 thuê bao chuyển đến thành công và chỉ 1 thuê bao chuyển đi.

Tính từ thời điểm 16/11/2018 tới 24/5/2022, nhà mạng mất nhiều thuê bao nhất qua dịch vụ MNP là Vietnamobile khi ghi nhận lượng thuê bao chuyển đi thành công là hơn 1,3 triệu thuê bao trong khi chuyển đến chỉ ở mức 361 thuê bao. Hưởng lợi lớn từ MNP là Viettel với hơn 621.000 thuê bao chuyển đi nhưng có tới hơn 1,6 triệu thuê bao chuyển đến.

Chuyên đề