Bản tin thời sự sáng 30/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bụi sân bay Long Thành bay xa 10 km; hơn 10.000 căn officetel, shophouse không được cấp sổ hồng; Bảo hiểm Bưu điện phải nộp phạt hơn 270 triệu đồng do khai sai thuế; nguyên Cục phó Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh bị truy tố; 43 chung cư ở TP.HCM tranh chấp phí bảo trì…

Bụi sân bay Long Thành bay xa 10 km

Dự án sân bay Long Thành không chỉ gây bụi cho khu vực xung quanh mà còn bay tới địa bàn ở xa hơn 10 km, theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai.

Bụi bay mù trời tại trung tâm xã Bình Sơn
Bụi bay mù trời tại trung tâm xã Bình Sơn

Chiều 29/3, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) liên quan bụi đỏ mù mịt ở Dự án sân bay Long Thành, ảnh hưởng nhiều hộ dân xunh quanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Đức cho biết, bụi ở Dự án không chỉ tác động người dân huyện Long Thành mà khi có gió bay mấy chục km, đến Nhơn Trạch, TP. Biên Hòa. ACV cần chỉ đạo các đơn vị thi công cần có biện pháp khắc phục.

Ngoài giải pháp thi công, ACV nhắc nhở các đơn vị tăng cường tưới nước mùa khô, nhà thầu phối hợp địa phương thăm hỏi người dân bị ảnh hưởng.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai Nguyễn Ngọc Hưng, sân bay là đại công trường lớn nên để đảm bảo sạch môi trường 100% rất khó. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải cố gắng làm sao giảm tình trạng này vì thời gian thi công còn kéo dài.

Trước đó, thông qua việc thực hiện quan trắc môi trường không khí định kỳ (từ tháng 4 đến tháng 10/2022) tại Dự án sân bay Long Thành, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai phát hiện ô nhiễm bụi tại đây vượt quy chuẩn gần 20 lần. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại Dự án.

Hiện, Đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường chờ kết quả kiểm định mẫu để có báo cáo cuối cùng, sau đó mới có hướng xử lý.

Hơn 10.000 căn officetel, shophouse không được cấp sổ hồng

TP.HCM hiện có 10.019 căn officetel, shophouse nằm trong nhóm nhà ở thuộc loại hình bất động sản mới, chưa đủ quy định cấp giấy chứng nhận (sổ hồng).

The Manor, một trong những dự án đầu tiên phát triển loại hình căn hộ officetel tại quận Bình Thạnh, TP.HCM

The Manor, một trong những dự án đầu tiên phát triển loại hình căn hộ officetel tại quận Bình Thạnh, TP.HCM

Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM vừa báo cáo Ban Đô thị HĐND TP.HCM về kế hoạch giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn, trong đó nhắc đến khó khăn về pháp lý của nhóm tài sản officetel và shophouse.

Cụ thể, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 110.016 căn nhà gồm chung cư, nhà riêng lẻ trên tổng số 191.348 căn nộp hồ sơ. Hiện còn 81.332 căn chưa được cấp giấy chứng nhận vì nhiều lý do, đáng chú ý có 10.019 căn officetel, shophouse không được cấp sổ do rơi vào nhóm nhà ở thuộc loại hình bất động sản mới, chưa đủ quy định cấp giấy chứng nhận.

Cơ quan này giải thích, hiện nay thị trường tồn tại nhiều dự án, hạng mục công trình được thiết kế, cấp phép xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp như làm căn hộ lưu trú (căn hộ cho thuê) hoặc văn phòng kết hợp lưu trú (officetel, condotel, shophouse). Tuy nhiên, pháp luật về đất đai không quy định về các loại hình bất động sản này.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất trong việc xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sở hữu công trình, đối tượng được cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư hay người mua. Vì vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận trên địa bàn.

Bảo hiểm Bưu điện phải nộp phạt hơn 270 triệu đồng do khai sai thuế

Chỉ trong 4 tháng, Bảo hiểm Bưu điện đã có 2 lần bị Cục Thuế nêu tên vì vi phạm hành chính thuế với số tiền truy thu thuế, tiền phạt và chậm nộp lên tới gần 4,6 tỷ đồng.

Bảo hiểm Bưu điện phải nộp phạt hơn 270 triệu đồng do khai sai thuế. Ảnh minh họa

Bảo hiểm Bưu điện phải nộp phạt hơn 270 triệu đồng do khai sai thuế. Ảnh minh họa

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán: PTI), do doanh nghiệp này đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng phải nộp ngân sách nhà nước của năm 2018 là hơn 1,05 tỷ đồng.

Với hành vi này, Bảo hiểm Bưu điện bị xử phạt hành chính, với mức phạt hơn 210 triệu đồng.

Nội dung Quyết định nêu rõ, Bảo hiểm Bưu điện phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thiếu năm 2018 là hơn 60,6 triệu đồng và thuế giá trị gia tăng thiếu năm 2018 là hơn 989,4 triệu đồng.

Ngoài ra, Bảo hiểm Bưu điện phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế hơn 63 triệu đồng. Số tiền chậm nộp tiền thuế nêu trên được tính đến hết ngày doanh nghiệp nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước (đơn vị đã nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thu hơn 60,6 triệu đồng ngày 13/8/2019, nộp tiền thuế giá trị gia tăng tăng thu hơn 989,4 triệu đồng ngày 12/9/2019).

Như vậy, tổng số tiền thuế tăng thu, tiền phạt và tiền chậm nộp là hơn 1,323 tỷ đồng. Sau khi bù trừ với số tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp thì doanh nghiệp phải nộp tổng số tiền phạt, tiền chậm nộp hơn 273 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu Bảo hiểm Bưu điện bị Cục Thuế TP. Hà Nội bêu tên. Trước đó, đầu tháng 11/2022, doanh nghiệp này cũng đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Cụ thể, Tổng công ty xuất sai thuế suất, xuất chậm hóa đơn quà tặng, kê khai khấu trừ hóa đơn mua vào của doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh.

Nguyên Cục phó Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh bị truy tố

Nguyên Cục phó Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh bị cáo buộc đã trực tiếp ký duyệt 15 quyết định hoàn thuế cho Thuduc House. Hành vi của bà Hạnh bị cáo buộc gây thất thoát số tiền hơn 331 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thời điểm chưa bị khởi tố

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thời điểm chưa bị khởi tố

Ngày 29/3, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục thuế TP.HCM và các đơn vị có liên quan. Theo đó cơ quan tố tụng đã truy tố 67 bị can cùng nhiều tội danh khác nhau.

Trong số này, VKSND Tối cao truy tố 18 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Cục thuế TP.HCM, trong đó bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh (nguyên Phó Cục trưởng) về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Các bị can khác bị truy tố 2 tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

7 người thuộc Cục Hải quan TP.HCM, gồm: Phạm Duy Bình, Hoàng Trung Kiên, Hồ Hoàng Hải, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Nguyễn Hữu Trên và Nguyễn Lê Hùng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh đã được báo cáo các dấu hiệu rủi ro về thuế liên quan đến các hồ sơ của Thuduc House nhưng "không chỉ đạo các bộ phận tiến hành xác minh". Cùng với đó, Hạnh cũng không chỉ đạo trao đổi giải quyết giữa các bộ phận khi có ý kiến chưa thống nhất và bỏ qua các dấu hiệu rủi ro mà cấp dưới đã báo cáo.

Cựu Cục phó Cục Thuế TP.HCM bị xác định đã trực tiếp ký duyệt 15 quyết định hoàn thuế cho Thuduc House. Hành vi của bà Hạnh bị cáo buộc gây thất thoát số tiền hơn 331 tỷ đồng.

43 chung cư ở TP.HCM tranh chấp phí bảo trì

Nhiều chung cư xảy ra tranh chấp phí bảo trì vì chủ đầu tư chậm hoặc không bàn giao theo quy định.

43 chung cư ở TP.HCM tranh chấp phí bảo trì. Ảnh minh họa

43 chung cư ở TP.HCM tranh chấp phí bảo trì. Ảnh minh họa

UBND TP.HCM cho biết, việc tranh chấp kinh phí do chủ đầu tư cố tình né tránh, chiếm dụng kinh phí bảo trì mà không giao cho ban quản trị. Không ít trường hợp chủ đầu tư và ban quản trị chưa thống nhất với nhau về kinh phí bảo trì dẫn tới mâu thuẫn. Nhiều chủ đầu tư khi hoàn thành xong công trình chậm hoặc không tổ chức hội nghị bầu ban quản trị.

Hiện, người mua nhà phải đóng phí bảo trì tương ứng với 2% giá trị căn hộ. Với dự án hàng nghìn căn hộ, tổng mức phí có thể lên tới vài chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Theo quy định, phí bảo trì được dùng để bảo trì các hạng mục thuộc sở hữu chung tại tòa nhà bị xuống cấp trong khi sử dụng. TP.HCM có đang có hơn 1.600 chung cư.

Đồng Nai đầu tư khu đô thị 72.000 tỷ đồng giữa sông

Khu đô thị Hiệp Hòa nằm giữa cù lao Phố dự kiến rộng gần 300 ha, thu hút 31.600 người với nhiều dịch vụ hiện đại.

Một góc cù lao Phố, nơi dự kiến đầu tư Khu đô thị Hiệp Hòa

Một góc cù lao Phố, nơi dự kiến đầu tư Khu đô thị Hiệp Hòa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa. Tỉnh cũng phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất đối với khu đô thị trên để đấu thầu.

Khu đô thị Hiệp Hòa nằm ở vị trí đắc địa trên cù lao giữa sông Đồng Nai, kết nối trung tâm TP. Biên Hòa bằng những cây cầu. Trong tổng số diện tích Khu đô thị, đất của Dự án hơn 84 ha, chiếm 28,8%; đất cây xanh hơn 110 ha, chiếm 38,4%; đất hỗn hợp gần 35 ha; đất giao thông 43 ha...

Dự án được cho sẽ tạo kiến trúc đô thị ven sông, hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, Dự án hướng đến phát triển du lịch bền vững, kết hợp nhiều loại hình nhà ở với trung tâm thương mại, du lịch.

Tổng số vốn đầu tư Dự án hơn 72.229 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong 12 năm (từ 2023 - 2035), phân kỳ giai đoạn theo 5 dự án thành phần.

Lâm Đồng thu hồi phù hiệu của 107 phương tiện giao thông

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Đồng vừa có văn bản về việc lập biên bản thu hồi phù hiệu của 107 phương tiện giao thông.

Lâm Đồng thu hồi phù hiệu của 107 phương tiện giao thông. Ảnh minh họa

Lâm Đồng thu hồi phù hiệu của 107 phương tiện giao thông. Ảnh minh họa

Sở GTVT Lâm Đồng vừa có văn bản đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông Tỉnh và các huyện, thành phố trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện thì lập biên bản thu hồi phù hiệu của 107 phương tiện giao thông. Đây là các phương tiện đã tự ý rời khỏi hợp tác xã hoặc phương tiện đã bán, nhưng không chấp hành nộp trả phù hiệu.

Theo danh sách kèm theo Văn bản số 167 của Sở GTVT Lâm Đồng, đơn vị có số lượng xe buộc phải thu hồi lớn nhất là Hợp tác xã Vận tải ô tô Đức Trọng với 49 phương tiện, chủ yếu là xe tải cùng 2 xe hợp đồng và 2 xe chạy tuyến cố định.

Các đơn vị khác là Hợp tác xã số 1 Bảo Lộc với 14 xe, Hợp tác xã Vận tải Lâm Hà có 15 xe, Hợp tác xã Vận tải Di Linh với 13 xe…, chủ yếu là xe tải. Ngoài ra còn có Công ty TNHH Thương mại Nhân Trí Dũng cũng có 4 xe taxi thuộc diện phải thu hồi phù hiệu.

Theo thông báo của Sở GTVT Lâm Đồng, từ ngày 23/3/2023, phù hiệu của các xe nằm trong danh sách này (bao gồm biển kiểm soát, số phù hiệu, thời hạn phù hiệu) không còn hiệu lực sử dụng. Tất cả các tổ chức, cá nhân tiếp tục sử dụng phù hiệu trong danh sách trên để kinh doanh vận tải là trái quy định của pháp luật.

Xe điện bốn bánh ở Cửa Lò sẽ dừng hoạt động từ 20/4

Do thiếu đăng ký, đăng kiểm, toàn bộ 558 xe điện 4 bánh phục vụ khách du lịch ở thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) sẽ phải dừng hoạt động từ ngày 20/4.

Xe điện hoạt động tại tuyến đường cho phép ở thị xã Cửa Lò

Xe điện hoạt động tại tuyến đường cho phép ở thị xã Cửa Lò

Ngày 29/3, ông Doãn Tiến Dũng - Chủ tịch thị xã Cửa Lò cho biết, chính quyền giữ nguyên quan điểm xe điện muốn hoạt động phải đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm. Mục đích là đảm bảo an toàn giao thông, góp phần đem lại hình ảnh du lịch địa phương tới du khách. Những xe không đủ điều kiện phải dừng lưu thông từ ngày 20/4 theo kế hoạch đã thông báo.

Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh vẫn mong muốn chính quyền gia hạn thời gian lưu hành để chờ sửa chữa hoặc mua xe mới, đáp ứng yêu cầu đăng ký, đăng kiểm.

Xe điện 4 bánh xuất hiện ở thị xã Cửa Lò từ năm 2011, khi Chính phủ cho phép thí điểm phục vụ khách du lịch với 110 chiếc, thời gian đến 2014 và do một công ty tư nhân quản lý. Địa bàn hoạt động là một số tuyến đường nội thị được niêm yết. Sau 4 năm, số xe điện tăng lên 447 chiếc do nhiều hộ dân tự mua. Năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An giao chính quyền thị xã Cửa Lò trực tiếp quản lý phương tiện này, cho phép gia hạn hoạt động từng năm một.

Đến năm 2022, chính quyền rà soát số xe tăng lên 558. Xe điện có ưu điểm phục vụ du khách đi lại trong vùng nội thị thuận tiện, thay thế xe ôm, nhưng cũng tồn tại nhược điểm: nhiều xe xuống cấp không đảm bảo an toàn, mỹ quan; không đủ giấy tờ; quá trình hoạt động xảy ra tình trạng dừng đỗ sai quy định, chèo kéo khách hoặc nâng giá cước.

TP.HCM hạn chế thi công đào 154 tuyến đường trong năm 2023

Đây là các trục đường chính có mật độ giao thông cao hoặc đã được thảm mặt đường sau khi thực hiện dự án ngầm hóa, cải tạo hệ thống thoát nước, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật,…

TP.HCM hạn chế thi công đào 154 tuyến đường trong năm 2023

TP.HCM hạn chế thi công đào 154 tuyến đường trong năm 2023

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa ban hành danh mục gồm 154 tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công đào đường trong năm 2023 do Sở quản lý.

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện trạng các tuyến đường này đang khai thác tốt và mới nâng cấp sửa chữa, cần được bảo trì để sử dụng lâu dài.

Đơn cử, Quốc lộ 1 (từ cầu Đồng Nai đến ranh giới tỉnh Long An), Quốc lộ 1K (từ nút giao thông Linh Xuân đến ranh giới tỉnh Bình Dương), Quốc lộ 13 (từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Quốc lộ 1), Quốc lộ 22 (từ Vòng xoay An Sương đến ranh giới tỉnh Tây Ninh), Quốc lộ 50 (từ cầu Nhị Thiên Đường đến ranh giới tỉnh Long An), đường Kinh Dương Vương (từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) bị hạn chế thi công đào đường do đây là các tuyến đường trục đường chính, có mật độ giao thông cao.

Ngoài ra, đường Võ Văn Kiệt (từ hầm sông Sài Gòn đến Quốc lộ 1), Đường Mai Chí Thọ (từ nút giao thông Cát Lái đến hầm sông Sài Gòn), đường Phạm Văn Đồng (từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đến nút giao thông Linh Xuân), Xa Lộ Hà Nội (từ cầu Sài Gòn đến cầu vượt nút giao Thủ Đức) bị hạn chế thi công đào đường do đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Các đoạn đường, tuyến đường nằm trong danh mục nói trên được phép đào đường, thi công khi xử lý các sự cố đột xuất về kỹ thuật nhưng phải chấp hành theo đúng quy định.

Chuyên đề