Bản tin thời sự sáng 30/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM khai thác 15 km đoạn trên cao Vành đai 3 vào năm 2025; số định danh cá nhân thay mã số thuế từ 1/7/2025; doanh thu phí bảo hiểm đi lùi năm thứ 2 liên tiếp; xuất khẩu da giày có thể đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm 2024; cổ phiếu công ty dệt may gần 50 năm tuổi bị hủy niêm yết…

TP.HCM khai thác 15 km đoạn trên cao Vành đai 3 vào năm 2025

Thay vì chỉ thông xe kỹ thuật, lãnh đạo TP.HCM đề nghị rút ngắn tiến độ đưa vào khai thác gần 15 km cầu cạn Vành đai 3, đoạn qua TP. Thủ Đức cuối năm 2025.

Một đoạn cầu cạn của Vành đai 3 qua TP. Thủ Đức đã thành hình

Một đoạn cầu cạn của Vành đai 3 qua TP. Thủ Đức đã thành hình

Yêu cầu được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đưa ra tại buổi phát động thi đua 365 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công Vành đai 3, đoạn qua địa bàn Thành phố, sáng 29/12. Tuyến vành đai qua TP.HCM có tổng chiều dài hơn 47 km, trong đó có 14,7 km xây trên cao (cầu cạn), kết nối từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn.

Ông Bùi Xuân Cường tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Vành đai 3 khi là trục giao thông chiến lược, kết nối liên vùng. Với mốc tiến độ được chủ đầu tư đưa ra cuối năm 2025 sẽ thông xe kỹ thuật đoạn trên cao nêu trên, ông đề nghị tiến độ cần rút ngắn hơn, đưa vào sử dụng vào khoảng thời gian này. Đoạn đường trên khi khai thác giúp giảm áp lực giao thông cho khu Đông Thành phố, đồng thời góp phần vào mục tiêu quốc gia là năm 2025 cả nước sẽ có 3.000 km cao tốc.

"Riêng khu vực gần nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dịp 30/4/2025 phải hoàn thành các hạng mục liên quan để kết nối đồng bộ với Dự án cầu Nhơn Trạch do Bộ Giao thông vận tải đang triển khai, phát huy hiệu quả các công trình", ông Cường nói.

Trước đó, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, tiến độ chung Vành đai 3 qua địa bàn Thành phố hiện đạt khoảng 30%. Dự án có 10 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 4 gói khởi công năm 2023, còn lại bắt đầu triển khai trong năm 2024. Toàn bộ 10 gói thầu đang được thi công đồng loạt, tập trung các hạng mục kết cấu cầu cạn, xử lý nền đất yếu...

Ngoài khu vực đoạn trên cao qua TP. Thủ Đức, phần còn lại của tuyến vành đai ở Thành phố trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, dài gần 33 km sẽ được thông xe kỹ thuật cuối tháng 4/2026, trước khi đưa vào khai thác toàn tuyến sau đó 2 tháng.

Số định danh cá nhân thay mã số thuế từ 1/7/2025

Từ 1/7/2025, mã số thuế hiện hành sẽ không còn sử dụng mà thay bằng số định danh cá nhân.

Số định danh cá nhân thay mã số thuế từ 1/7/2025

Số định danh cá nhân thay mã số thuế từ 1/7/2025

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 86, quy định về đăng ký thuế, thay thế Thông tư 105, có hiệu lực từ 6/2/2025.

Theo đó, mã số thuế do cơ quan thuế cấp cho cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ được sử dụng đến hết 30/6/2025. Kể từ 1/7/2025, số định danh cá nhân sẽ được thay cho mã số thuế của hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân và người phụ thuộc.

Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam là dãy 12 chữ số do Bộ Công an cấp. Đồng thời, số định danh cá nhân của người đại diện hộ gia đình, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được sử dụng thay cho mã số thuế của hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đó.

Nếu cá nhân là công dân Việt Nam chưa được cấp số định danh cá nhân thì cần liên hệ với cơ quan công an cấp xã để thu thập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân trước khi làm thủ tục đăng ký thuế.

Lâu nay, có nhiều trường hợp một người có nhiều mã số thuế, do sử dụng giấy tờ tuỳ thân khác nhau, nên gặp khó khăn trong việc quyết toán, hoàn thuế. Với việc sử dụng mã số định danh duy nhất, tình trạng này sẽ được giải quyết.

Doanh thu phí bảo hiểm đi lùi năm thứ 2 liên tiếp

Doanh thu phí thị trường bảo hiểm tiếp tục sụt giảm năm thứ 2 liên tiếp nhưng tốc độ đi lùi đã chậm hơn so với năm ngoái.

Doanh thu phí bảo hiểm đi lùi năm thứ 2 liên tiếp

Doanh thu phí bảo hiểm đi lùi năm thứ 2 liên tiếp

Theo báo cáo từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm vẫn chưa phục hồi, ước đạt 227.495 tỷ đồng, giảm 0,26% so với năm 2023.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ khoảng 78.291 tỷ đồng, tăng 10,21% so với năm 2023. Trong khi, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 149.204 tỷ đồng, giảm 5%.

Thị trường bảo hiểm phục hồi chậm nhưng đã có những tín hiệu tích cực hơn khi đà đi lùi đã chậm lại so với năm 2023. Năm ngoái, doanh thu phí toàn thị trường này giảm tới 8,33%, lần đầu tiên đi lùi sau 10 năm tăng trưởng liên tục.

Cùng đó, tổng tài sản toàn thị trường năm nay vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chiếm hơn 86%, ước đạt 861.788 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng 6,45% so với năm trước, ước đạt 210.124 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 850.000 tỷ đồng, tăng 13,17%.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng gần 18%, ước đạt 93.900 tỷ đồng. Số này gồm 22.519 tỷ đồng chi trả từ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 71.387 tỷ đồng từ bảo hiểm nhân thọ.

Hiện, thị trường bảo hiểm có 85 doanh nghiệp kinh doanh. Trong đó, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, gồm 2 công ty trong nước (Bảo Việt, Bảo Minh), còn lại là đơn vị nước ngoài, liên doanh. Hai năm qua, 10 đơn vị bảo hiểm nhân thọ có gần 97% doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đã bị thanh tra, và hiện 5 kết luận được cơ quan quản lý hoàn thành.

Xuất khẩu da giày có thể đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm 2024

Xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng và năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD, tăng thêm 3 tỷ USD so với năm 2023.

Sản xuất giày da

Sản xuất giày da

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhờ đó, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng và năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD, tăng thêm 3 tỷ USD so với năm 2023.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép.

Ngành da giày vẫn tập trung vào các thị trường chính chiếm 97,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm: Bắc Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất (giày dép 41,4%, túi xách 47%), tiếp đến là EU (giày dép 29,5%, túi xách 25,4%). Châu Á hiện chiếm 22,2% về giày dép và 24,5% về túi xách.

Tổng xuất khẩu da giày sang 16 thị trường lớn nhất gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Đức, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Australia, Mexico, UAE và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm trên 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết thêm, thách thức lớn nhất với ngành da giày lúc này là đáp ứng các quy tiêu chuẩn mới mà nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra, đó là tính bền vững trong sản xuất, yêu cầu về trách nhiệm xã hội...

Điển hình như thị trường EU, từ quý II/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững hay vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng.

Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, chúng ta sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất, bà Xuân cho biết.

Cổ phiếu công ty dệt may gần 50 năm tuổi bị hủy niêm yết

Cổ phiếu Garmex Sài Gòn sẽ bị hủy niêm yết trên HoSE do ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong một năm.

Công nhân đang làm việc tại nhà máy may của Garmex Sài Gòn

Công nhân đang làm việc tại nhà máy may của Garmex Sài Gòn

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo sẽ hủy niêm yết với cổ phiếu GMC của Công ty CP Garmex Sài Gòn. Nguyên nhân công ty này ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong một năm.

Trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2024, Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (AASCS) cũng xác nhận Garmex Sài Gòn đã ngưng sản xuất từ tháng 5/2023 đến ngày 15/8/2024. Cụ thể AASCS cho biết, công ty này không phát sinh doanh thu và chi phí sản xuất đơn hàng, chỉ phát sinh một số chi phí không đáng kể cho nhân viên.

Cổ phiếu GMC lần đầu niêm yết trên HoSE năm 2006. Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/12, cổ phiếu GMC có mức giá 7.400 đồng một cổ phiếu.

Garmex Sài Gòn thành lập năm 1976, là một doanh nghiệp dệt may nổi tiếng tại TP.HCM. Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, Công ty đã duy trì mức doanh thu nghìn tỷ trong suốt một thập kỷ (giai đoạn 2012 - 2021).

Tuy nhiên cuối năm 2022, một đối tác lớn của Garmex Sài Gòn là Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất khẩu Bình Thạnh (Gillimex, mã CK: GIL) bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt sản lượng trong khi đã đầu tư về cơ sở vật chất, hàng tồn kho... Sự kiện này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn đánh dấu cho sự đi xuống của Garmex Sài Gòn.

Năm 2022, doanh thu của Garmex Sài Gòn giảm 80% còn 292 tỷ đồng, và liên tiếp báo lỗ từ đó đến nay. Từ tháng 5/2023, GMC tạm ngưng sản xuất (bao gồm may trang phục và tủ vải) do chưa nhận được đơn hàng.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Garmex Sài Gòn ghi nhận 475 triệu đồng doanh thu, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ ròng gần 8 tỷ đồng. Hết quý III, khoản lỗ lũy kế là gần 82 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh đi xuống cũng kéo theo việc công ty này phải cho nghỉ hàng nghìn người lao động. Trước năm 2021, Garmex Sài Gòn vẫn duy trì khoảng 3.000 - 4.000 lao động, đến ngày 30/9 năm nay chỉ còn lại 31 người.

Thừa Thiên Huế có thêm khu du lịch ven biển hơn 300 ha

Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình có tổng diện tích hơn 300 ha vừa được duyệt quy hoạch.

Phối cảnh Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình

Phối cảnh Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình

Theo quy hoạch phân khu xây dựng vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình có tổng diện tích gần 330 ha. Trong đó gần 250 ha thuộc xã Lộc Bình, còn lại thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc.

Dự án giáp biển ở phía Bắc và Đông Bắc, giáp khu nghỉ dưỡng Banyan Tree Lăng Cô ở phía Đông.

Khu vực lập quy hoạch gồm 4 phân khu. Khu A rộng gần 74 ha, dự kiến phát triển dịch vụ du lịch kết hợp hoạt động thể thao, du lịch mạo hiểm. Khu B gần 90 ha sẽ xây dựng khu dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng ven biển và khu dịch vụ du lịch trải nghiệm đầm phá Hải Phú.

Khu C có quy mô hơn 84 ha, là khu vực nghỉ dưỡng cao cấp ven núi kết hợp du lịch chăm sóc sức khỏe giáp với khu du lịch Laguna. Khu D rộng 80 ha được quy hoạch khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch trải nghiệm, khu vui chơi giải trí.

Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ vui chơi, thể thao cao cấp với mục tiêu phục vụ khoảng 9.500 người.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng duyệt quy hoạch 2 khu du lịch sân golf quy mô hàng trăm ha tại huyện Phong Điền.

Mỗi sim rác phát tán hơn 200 cuộc gọi tại Việt Nam

Mỗi sim rác phát tán trung bình 387 cuộc gọi vào tháng 1, nhưng đã bị chặn và hiện giảm xuống 203 cuộc, theo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Một người đang nghe điện thoại
Một người đang nghe điện thoại

Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, sáng 29/12 ở Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác chưa được xử lý triệt để. Một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm cũng như chú trọng đến chất lượng dịch vụ của mình.

Thống kê cho thấy, mỗi sim rác hiện phát tán trung bình 203 cuộc gọi. Con số này giảm 46% so với mức 387 cuộc gọi hồi tháng 1. Tổng số cuộc gọi rác và số sim rác chưa được công bố.

Bộ cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn vấn nạn như thanh kiểm tra doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong việc chấp hành quy định, kiểm tra sim chính chủ với người sử dụng hơn 10 sim. Đặc biệt trong giai đoạn tháng 6 - 8, Bộ đình chỉ phát triển mới với ba nhà mạng do vi phạm về sim rác. Sang năm 2025, Bộ sẽ tiếp tục thanh kiểm tra sim rác theo kế hoạch được phê duyệt.

Trước đó, trong báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội tháng 11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, trong điều kiện dịch vụ viễn thông phát triển với giá rẻ, nhiều người lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như quảng cáo rác, cuộc gọi lừa đảo. Trong 7 tháng đầu năm, hơn 394.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác, lừa đảo bị chặn. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp viễn thông và cơ quan chức năng chặn 40.000 - 65.000 thuê bao, trong khi con số trung bình tháng vào năm 2023 là 50.000.

Trong 10 tháng đầu năm nay, tổng đài phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác và lừa đảo (156/5656) của Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận gần 850.000 lượt phản ánh của người sử dụng. Trong đó, có khoảng 185.000 lượt liên quan đến tin nhắn rác, chiếm 22%; 441.000 lượt về cuộc gọi rác, chiếm 52% và 222.000 lượt về cuộc gọi lừa đảo, chiếm 26%.

Trong số này, 25% là cuộc gọi nháy máy làm phiền, 20% liên quan đến đòi nợ, tín dụng, 20% quảng cáo dịch vụ du lịch, bất động sản, và khoảng 15% liên quan đến các vụ lừa đảo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ làm việc online, điểm danh nhận quà, đầu tư chứng khoán, mạo danh cơ quan nhà nước.

Khởi công hạng mục đầu tiên thuộc Dự án mở rộng thủy điện Trị An

Ngày 29/12, Ban Quản lý dự án điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Nai khởi công cầu Hiếu Liêm, thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Khu vực xây dựng cầu Hiếu Liêm

Khu vực xây dựng cầu Hiếu Liêm

Đây là hạng mục đầu tiên của Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An được khởi công. Cầu Hiếu Liêm có chiều dài gần 250 m, rộng 9 m, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025. Trước mắt, công trình phục vụ việc vận chuyển vật tư, thiết bị trong quá trình thi công mở rộng thủy điện Trị An.

Về lâu dài, cầu sẽ thay thế phà Hiếu Liêm, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; kết nối giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trong khu vực. Đồng thời tránh phương tiện giao thông đi lại trên công trình hồ đập, đảm bảo an toàn cho nhà máy thủy điện Trị An trước và sau khi mở rộng.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng có vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 200MW, dự kiến hoàn thành và phát điện vào cuối năm 2027. Dự án sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt trong những giờ cao điểm, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện.

Qua đó giúp giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia; tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm; giảm phát thải CO2; giảm bớt cường độ làm việc tại các tổ máy của nhà máy hiện hữu, kéo dài tuổi thọ thiết bị.

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai bị phạt và truy thu thuế gần 1 tỷ đồng

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của Công ty.

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai bị phạt và truy thu thuế gần 1 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai bị phạt và truy thu thuế gần 1 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT vừa thông báo nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ Cục Thuế tỉnh Gia Lai.

Nguyên nhân là Công ty có hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế giá trị gia tăng năm 2023, thiếu thuế thu nhập cá nhân năm 2022 và 2023, thiếu tiền thuê đất năm 2022 và 2023 phải nộp; khai sai nhưng không dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 và 2023 phải nộp... Các vi phạm này xảy ra trong niên độ kế toán các năm 2022 và 2023.

Công ty bị áp tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần (đối với hành vi khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp).

Theo đó, Cục Thuế tỉnh Gia Lai xử phạt Hoàng Anh Gia Lai số tiền 159 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty phải khắc phục hậu quả, bao gồm truy thu 722 triệu đồng tiền thuế và nộp gần 93 triệu đồng tiền chậm nộp thuế. Tổng cộng là 974 triệu đồng.

Trong ngày 29/12, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của Công ty.

Cụ thể, trong quý IV/2024, Công ty sẽ phải thanh toán tiền lãi lô trái phiếu HAGLBOND16.26 là 135 tỷ đồng (ngày thanh toán thực tế vào 30/12), nhưng Công ty chưa thể thanh toán đúng hạn.

Tính đến ngày 29/12/2024, số tiền lãi chưa thanh toán lũy kế gần 3.621 tỷ đồng. Về tiền gốc, Công ty còn nợ 1.590 tỷ đồng sau khi đã thanh toán đúng hạn 206 tỷ đồng. Tổng số tiền chưa thanh toán là 5.211 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, nguyên nhân chưa thanh toán là do chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (hiện tại đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của Công ty. Công ty dự kiến sẽ thanh toán phần còn lại trong quý I/2025.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 4.193 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí nên sau khi khấu trừ lợi nhuận sau thuế đạt 851 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư