Bản tin thời sự sáng 30/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ngày 4/1/2021, xét xử nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng "vòi" tiền ở Vĩnh Phúc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp khẩn khắc phục vụ vỡ kênh thủy lợi 4.300 tỷ đồng; khai trương tuyến phà biển đầu tiên TP.HCM - Vũng Tàu vào đầu tháng 1/2021; sân bay Cam Ranh được chứng nhận kiểm chuẩn y tế…

Ngày 4/1/2021, xét xử nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng "vòi" tiền ở Vĩnh Phúc

Dự kiến ngày 4/1/2021 tới đây, TAND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đưa ra xét xử nhóm bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra xây dựng về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Bị can Nguyễn Thị Kim Anh khi còn đang công tác

Bị can Nguyễn Thị Kim Anh khi còn đang công tác

Các bị cáo gồm: Nguyễn Thị Kim Anh (cựu Phó trưởng Phòng Phòng chống tham nhũng); Đặng Hải Anh (chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng); Nguyễn Thị Kim Liên (cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng) và Nguyễn Thùy Linh (cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra) cùng bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo hồ sơ điều tra, tháng 4/2019, đoàn thanh tra do Nguyễn Thị Kim Anh làm trưởng đoàn được giao nhiệm vụ thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng tại một số dự án trên địa bàn UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, nhóm này đã thanh tra ngoài đối tượng, phạm vi theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trong quá trình thanh tra, đối tượng bị bắt quả tang nhận tiền để bỏ qua lỗi của doanh nghiệp.

Khám xét tại nơi làm việc của đoàn tại UBND huyện Vĩnh Tường, công an phát hiện 335 triệu đồng trong tủ do Nguyễn Thị Kim Anh quản lý cùng nhiều đồ vật liên quan khác. Theo cơ quan điều tra, chỉ sau hơn 1 tháng, nhóm các bị cáo đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng, riêng Nguyễn Thị Kim Anh làm trưởng đoàn chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp khẩn khắc phục vụ vỡ kênh thủy lợi 4.300 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã vào Thanh Hóa để kiểm tra, họp khẩn với các đơn vị để khắc phục việc tuyến kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã bất ngờ bị sạt trượt.

Khoảng 70m kênh bị sạt trượt

Khoảng 70m kênh bị sạt trượt

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết đã cùng đoàn công tác của Bộ trực tiếp vào khu vực sạt trượt tuyến kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã (Thanh Hóa) để kiểm tra và họp khẩn với các đơn vị liên quan.

Theo ông Hiệp, khoảng 70m kênh bị sạt trượt xảy ra vào thời điểm đơn vị quản lý (Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3) mở nước làm sạch kênh để chuẩn bị lấy nước cho sản xuất.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do đoạn kênh được đắp đất trên nền đất đá, lâu ngày bị phong hóa. Đoạn kênh cũng nằm trên cung sạt trượt và nằm bên cạnh quả đồi, khi xảy ra sạt trượt cả cung thì một phần quả đồi cũng sạt xuống dẫn tới bị sạt trượt cả 2 bờ kênh.

Ông Hiệp cho biết, trong cuộc họp khẩn đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục khẩn cấp tuyến kênh để người dân lấy nước phục vụ sản xuất, dự kiến trong vòng 3 ngày sẽ khắc phục xong.

Trước đó, khoảng 9h45 ngày 27/12, kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đoạn qua địa phận thôn Minh Lãi (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) bất ngờ bị sạt trượt khoảng 70m ở kênh chính, khiến tuyến kênh bị chia cắt, hư hỏng hoàn toàn. Khoảng 3 ha đất nông nghiệp và 0,5 ha ao cá bị vùi lấp.

Đoạn kênh bị sự cố từ K4+100,41 đến K5+305,84 trên tuyến kênh chính do Công ty CP Xây dựng Nam phương và Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Phúc Thành thi công từ năm 2011 - 2014.

Dự án kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa. Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã lấy nước từ hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân), có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng.

Đầu tháng 1/2021, khai trương tuyến phà biển đầu tiên TP.HCM - Vũng Tàu

Ngày 29/12, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã chạy thử nghiệm tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, dự kiến chính thức đưa tuyến này hoạt động từ ngày 4/1/2021.

Ngày 4/1/2021, phà biển đầu tiên từ TP.HCM - Vũng Tàu sẽ được khai trương

Ngày 4/1/2021, phà biển đầu tiên từ TP.HCM - Vũng Tàu sẽ được khai trương

Theo ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, hiện hai đầu bến của bến phà đã thi công hoàn thành 100%. Sáng 29/12, Sở GTVT Thành phố cùng các đơn vị đã tổ chức chạy thử nghiệm, kiểm tra kỹ thuật, thử nghiệm luồng tuyến lần nữa trước khi chính thức khai trương tuyến phà.

Ông Nguyễn Quốc Chánh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh (chủ đầu tư) cho biết sẽ tổ chức khai thác 2 phà biển chạy từ 4h sáng đến hết 22h đêm mỗi ngày. Mức giá vé trần dự kiến là 70.000 đồng/lượt, hành trình khoảng 30 phút. Phà có sức chở hơn 250 hành khách, 100 xe máy và 15 ôtô/xe tải, tần suất khai thác dự kiến 24 lượt/ngày.

Sở GTVT Thành phố cũng cho biết thêm, đây là tuyến phà biển đầu tiên từ TP.HCM đi Vũng Tàu được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, cũng như tạo điều kiện phát triển du lịch đường thủy.

Sân bay Cam Ranh được chứng nhận kiểm chuẩn y tế

Sáng ngày 29/12, tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra lễ trao Chứng nhận kiểm chuẩn y tế sân bay (Airport Health Accreditation - AHA) do Hội đồng các sân bay quốc tế (ACI) đánh giá.

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

Đây là sự công nhận của ACI đối với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh trong việc bảo đảm quy trình an toàn chống dịch trong hoạt động khai thác tại sân bay, khẳng định Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh là điểm đến an toàn, đạt đủ tiêu chuẩn về sức khỏe và phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.

Chương trình AHA của Tổ chức ACI được thiết lập để giúp các sân bay trên thế giới chứng minh với hành khách, nhân viên, cơ quan quản lý, chính phủ rằng sân bay đặt ưu tiên về sức khỏe và sự an toàn của hành khách lên hàng đầu thông qua việc xác lập các biện pháp an toàn cụ thể trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Để được cấp chứng nhận AHA, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh phải trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt đối với các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe tại sân bay.

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là Cảng hàng không quốc tế thứ 4 ở Việt Nam nhận chứng nhận AHA, sau Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.

Vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng ePass giai đoạn 2

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ePass) tại Trạm thu phí đường bộ Km17+100 đường Hòa Lạc- Hòa Bình ngày 29/12/2020 hướng đến xây dựng hệ sinh thái giao thông thông minh trên cả nước.

Vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng ePass để phổ cập trên cả nước

Vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng ePass để phổ cập trên cả nước

Như vậy, với tổng số 35 trạm thu phí ePass trong 6 tháng, Viettel đã hoàn thành dự án đúng thời hạn so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Để có thể đưa hệ thống đi vào hoạt động được đồng nhất, giúp giải quyết vấn đề về thu phí không dừng, Viettel đã đưa vào những công nghệ hiện đại nhất, theo tiêu chuẩn của các quốc gia phat triển trên thế giới như: Công nghệ nhận diện ảnh (OCR) giúp cho việc đăng ký sử dụng dịch vụ của khách hàng được nhanh và tiện lợi hơn; hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) do Viettel tự nghiên cứu phát triển, giúp cho việc thanh toán ngay lập tức...

Bộ GTVT và Viettel đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện dán thẻ ePass cao nhất trong khu vực.

Dự án ePass giai đoạn 2 theo hình thức hợp đổng Xây dựng - Sơ hữu - Kinh doanh (B00), triển khai tại 33 trạm thu phí trên toàn quốc, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư hơn 1.227 tỷ đồng, thực hiện trong 26 năm (từ năm 2020 đến năm 2045).

Từ 7h30 ngày 31/12, người dân có thể đi qua cầu sắt An Phú Đông thay phà

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết từ 7h30 ngày 31/12, người dân có thể đi qua cầu An Phú Đông nối Quận 12 và Gò Vấp, TP.HCM mà không phải đi phà.

Cầu sắt tạm An Phú Đông

Cầu sắt tạm An Phú Đông

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết hiện công trình cầu sắt tạm An Phú Đông nối quận Gò Vấp và Quận 12 đã hoàn thành. Theo đó, từ 7h30 ngày 31/12, Sở Giao thông vận tải Thành phố sẽ tổ chức cho cho các loại xe đi 2 chiều qua cầu, trừ xe tải và xe khách.

Ngoài ra, cầu cũng hạn chế xe có tải trọng toàn bộ trên 5 tấn và hạn chế chiều cao trên 2m qua cầu.

Cầu sắt tạm An Phú Đông được khởi công từ tháng 2/2020, là một công trình trọng điểm được người dân chờ đợi thay phà An Phú Đông hiện hữu.

Theo quy mô, cầu sắt An Phú Đông dài 238m. Dự án có tổng mức đầu tư 79,5 tỷ đồng. Tiến độ thông xe này trễ hơn so với kế hoạch ban đầu do vào tháng 10/2020, một sà lan va vào thành cầu.

Phát hiện nhiều người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam

Sáng 29/12, có 9 người Việt Nam, trong đó có 2 trẻ em, nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Đến khu vực mốc 783 biên giới Việt Nam - Trung Quốc thì bị lực lượng biên phòng phát hiện, đưa về cách ly theo quy định.

9 người, trong đó có 2 trẻ em nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua khu vực đường mòn ở biên giới Cao Bằng

9 người, trong đó có 2 trẻ em nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua khu vực đường mòn ở biên giới Cao Bằng

Khoảng 7h sáng 29/12, đồn biên phòng Ngọc Chung, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng phát hiện 9 người Việt Nam (trong đó có 2 trẻ em) trở về qua khu vực mốc 783.

Trung tá Ngôn Ngọc Vân, chính trị viên đồn biên phòng Ngọc Chung, cho biết nhóm người này khai nhận đi làm thuê ở Trung Quốc.

Xe từ Trung Quốc chở đến khu vực biên giới và chỉ đường đến mốc 783. Nhóm người này đã men theo khu vực đường mòn, lối mở để tìm đường về Việt Nam.

Hiện đơn vị đã lập danh sách nhóm người nhập cảnh trái phép, báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của huyện và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh đưa đi cách ly theo quy định.

Chuyên đề