Bản tin thời sự sáng 30/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiểm điểm đơn vị liên quan gói thầu nhà ga sân bay Long Thành bị huỷ; tháng đầu năm 2023, ước xuất siêu 3,6 tỷ USD; nhiều doanh nghiệp dược phẩm lãi kỷ lục; cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội chậm tiến độ; kê biên 13 bất động sản của ông Nguyễn Quang Tuấn và 5 đồng phạm…

Kiểm điểm đơn vị liên quan gói thầu nhà ga sân bay Long Thành bị huỷ

Thủ tướng nói, Gói thầu nhà ga hành khách bị hủy, Tổng công ty Cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.

Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ kiểm điểm ACV, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước liên quan gói thầu nhà ga sân bay Long Thành bị huỷ

Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ kiểm điểm ACV, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước liên quan gói thầu nhà ga sân bay Long Thành bị huỷ

Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi cùng đoàn công tác Chính phủ kiểm tra tiến độ Dự án Xây dựng sân bay Long Thành, ngày 29/1.

Sân bay Long Thành khởi công đầu năm 2021 và dự kiến về đích năm 2025. Trong số công việc được triển khai, Gói thầu xây nhà ga hành khách tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng được xem hạng mục quan trọng nhất sân bay ở giai đoạn 1. Tháng 9 năm ngoái, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư) mời thầu, song tất cả hồ sơ gửi đến không đáp ứng yêu cầu của Dự án theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Luật Đấu thầu. Gói thầu xây nhà ga bị huỷ khiến tiến độ dự án sân bay lớn nhất nước nguy cơ trễ hẹn.

Tại cuộc làm việc sáng 29/1, Thủ tướng nói, Gói thầu nhà ga hành khách bị hủy thầu, ACV phải trách nhiệm khắc phục hậu quả, trong đó có việc chuẩn bị các phương án để đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo thẩm quyền.

Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ kiểm điểm ACV, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước liên quan vấn đề này.

Tháng đầu năm 2023, ước xuất siêu 3,6 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu năm mới 2023 ước đạt 46,56 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư 3,6 tỷ USD.

Tháng đầu năm 2023, ước xuất siêu 3,6 tỷ USD

Tháng đầu năm 2023, ước xuất siêu 3,6 tỷ USD

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm.

Nguyên nhân là do tháng 1/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022. Năm ngoái, Tết Nguyên đán rơi vào tháng Hai.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%).

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2022 đạt 62,1 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 31,9 tỷ USD, tăng 11,6%; nhập khẩu đạt 30,2 tỷ USD, tăng 13,7%.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%.

Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 giảm 21,3%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 27,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 19%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,48 tỷ USD, giảm 26,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, giảm 18,1%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 giảm 28,9%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 25,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 30,4%.

Tuy cả xuất nhập khẩu đều giảm, nhưng nhập khẩu giảm mạnh hơn nên cán cân thương mại đã thặng dư trong tháng đầu năm, ước tính lên tới 3,6 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp dược phẩm lãi kỷ lục

Dược Hậu Giang, OPC, Imexpharm… báo lãi kỷ lục trong năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn về thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sau dịch.

Nhân viên một công ty dược đang điều chế sản phẩm

Nhân viên một công ty dược đang điều chế sản phẩm

Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) vừa báo lãi khoảng 988 tỷ đồng trong năm 2022. Con số trên tăng 27% so với năm trước đó và vượt 29% kế hoạch đề ra. Đây cũng là mốc lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2005.

Tương tự, Công ty CP Dược phẩm OPC và Công ty CP Dược phẩm Imexpharm cũng thiết lập mức lãi kỷ lục trong năm ngoái. Dược phẩm OPC có lợi nhuận sau thuế hơn 140 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021. Trong khi đó, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (IMP) lãi hơn 230 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước đó và vượt 10% kế hoạch cả năm.

Một số doanh nghiệp khác cũng có năm kinh doanh thuận lợi. Domesco lãi 200 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 và lấy lại mặt bằng lợi nhuận trước dịch. SPM ghi nhận gần 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao nhất từ năm 2015 tới nay.

Nhu cầu tiêu thụ thuốc và các sản phẩm kháng sinh, phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch tăng mạnh sau dịch là nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp lý giải cho kết quả kinh doanh thuận lợi. Ngoài ra, những công ty lãi kỷ lục như Dược Hậu Giang, Imexpharm cũng chủ động dự trữ nguyên liệu và thành phẩm để đáp ứng thị trường…

Khảo sát trong tháng 10 - 11/2022 cho thấy, gần 90% doanh nghiệp sản xuất, phân phối và kinh doanh dược phẩm cho biết doanh thu tăng lên, gần 80% doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội chậm tiến độ

Theo Ban Chỉ đạo chương trình chỉnh trang đô thị Hà Nội, năm 2022, Thành phố đã hoàn thành một số nội dung cải tạo chung cư cũ nhưng tiến độ còn chậm.

Khu tập thể Hóa chất và Rau quả nông sản dự kiến được phá dỡ, cải tạo trong năm 2023

Khu tập thể Hóa chất và Rau quả nông sản dự kiến được phá dỡ, cải tạo trong năm 2023

Ban Chỉ đạo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội vừa có báo cáo về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nêu việc kiểm định, quy hoạch các khu chung cư, nhà chung cư chưa đạt tiến độ. Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời chưa được thành lập. Quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Thành phố cũng chưa được ban hành.

Trong năm 2022, Hà Nội đã hoàn thành chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Thành phố cũng rà soát 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trong đó, 10 chung cư cũ đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại và 1 chung cư đang trình UBND Thành phố chấp thuận chủ đầu tư.

Cũng trong năm 2022, hai dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành thi công xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác gồm: Nhà 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; khu chung cư cũ L1, L2 Nam Thành Công, quận Đống Đa.

Bảy dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện gồm: Nhà A&B Khu tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng; Khu tập thể X1-26 Liễu Giai, quận Ba Đình; Khu tập thể dịch vụ vận tải Đường sắt, quận Hoàng Mai; Chung cư số 148-150 Sơn Tây, quận Ba Đình; Khu tập thể Viện tư liệu phim Việt Nam, quận Ba Đình; Chung cư số 23 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.

Thành phố cũng đã kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ; đánh giá, phân loại cụ thể 19 ý tưởng quy hoạch do các nhà đầu tư đề xuất; 14/15 quận, huyện có chung cư cũ thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, ban hành kế hoạch để triển khai...

Thống kê đến năm 2020, TP. Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960 - 1994 và trước năm 1954.

Kê biên 13 bất động sản của ông Nguyễn Quang Tuấn và 5 đồng phạm

Quá trình điều tra vụ án, các bị can đã nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 21 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Quang Tuấn nộp hơn 6,2 tỷ đồng.

Các bị can Nguyễn Quang Tuấn (phải) và Nguyễn Đức Đảng

Các bị can Nguyễn Quang Tuấn (phải) và Nguyễn Đức Đảng

Trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) và 11 bị can khác bị VKSND Tối cao truy tố theo Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt 10 - 20 năm tù giam.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, ông Tuấn cùng các bị can tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Công ty Hoàng Nga, Công ty CP Đầu tư và định giá AIC, Công ty Kim Hòa Phát, đã thông đồng, gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại cho Viện Tim Hà Nội và Quỹ Bảo hiểm xã hội gần 54 tỷ đồng.

VKS xác định nhóm bị can này đã có sai phạm trong 5 gói thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch có giá trị gần 600 tỷ đồng, của Bệnh viện Tim Hà Nội.

Hành vi của ông Tuấn và đồng phạm đã giúp Công ty Hoàng Nga hưởng lợi trái phép hơn 47 tỷ đồng, Công ty Kim Hòa Phát hơn 6,5 tỷ đồng. Từ lời khai của các bị can, VKS cáo buộc, mỗi dịp trước Tết Âm lịch các năm 2016, 2017, tại phòng làm việc của ông Tuấn, Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch Công ty Hoàng Nga) đã biếu tổng 10.000 USD với mục đích "cảm ơn" Giám đốc Bệnh viện đã tạo điều kiện cho Hoàng Nga trúng thầu…

Trong quá trình điều tra vụ án, các bị can đã nộp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra đang tạm giữ 420 triệu đồng thu giữ được khi thi hành lệnh khám xét nơi làm việc của bị can Kim Oanh tại Công ty Hoàng Nga; phong tỏa tài khoản của 4 bị can với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng và 16.800 USD; kê biên 13 bất động sản của ông Nguyễn Quang Tuấn, Hoàng Thị Ngọc Hưởng, Nguyễn Thị Dung Hạnh, Đoàn Trọng Bình, Phạm Huy Lập và Nguyễn Đức Đảng.

Bộ GTVT ủng hộ Bình Phước quy hoạch sân bay chuyên dùng Hớn Quản

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết ủng hộ việc Bình Phước quy hoạch sân bay Hớn Quản thành sân bay chuyên dùng phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ GTVT ủng hộ quy hoạch sân bay Hớn Quản của Bình Phước thành sân bay chuyên dùng. Ảnh minh hoạ.

Bộ GTVT ủng hộ quy hoạch sân bay Hớn Quản của Bình Phước thành sân bay chuyên dùng. Ảnh minh hoạ.

Bộ GTVT cho hay, thẩm quyền quyết định vị trí sân bay chuyên dùng thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ GTVT ủng hộ chủ trương quy hoạch sân bay chuyên dùng Hớn Quản nhằm phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước.

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục chủ động làm việc với Bộ Quốc phòng để hoàn thiện các thủ tục chấp thuận vị trí quy hoạch sân bay chuyên dùng Hớn Quản theo quy định. Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan.

Trước đó, cử tri Bình Phước đã gửi kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ngành sớm xem xét, chấp thuận về quy hoạch sân bay Hớn Quản của tỉnh Bình Phước. Theo quy hoạch bố trí đất quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc, sân bay Hớn Quản được quy hoạch nằm trong khu vực địa hình đặc biệt quan trọng, ưu tiên dành riêng cho nhiệm vụ phòng thủ trên địa bàn Quân khu 7 với tổng diện tích 300 ha.

UBND tỉnh Bình Phước đã tiến hành khảo sát sân bay quân sự Hớn Quản và đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT cho phép quy hoạch sân bay. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã làm việc với Bộ Quốc phòng để cho phép đưa sân bay Hớn Quản (sân bay TecNic cũ) vào quy hoạch sân bay toàn quốc.

Hải quan Thanh Hóa làm thủ tục cho 11 tàu cập cảng Nghi Sơn dịp Tết Quý Mão 2023

Theo Cục Hải quan Thanh Hoá, trong 7 ngày nghỉ Tết 2023, đơn vị đã bố trí nhân lực đảm bảo làm thủ tục cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Đặc biệt, trong dịp này, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn đã làm thủ tục cho 11 tàu cập cảng Nghi Sơn.

Hải quan Thanh Hóa làm thủ tục cho 11 tàu "xông đất" cảng Nghi Sơn dịp Tết Quý Mão 2023

Hải quan Thanh Hóa làm thủ tục cho 11 tàu "xông đất" cảng Nghi Sơn dịp Tết Quý Mão 2023

Cụ thể, dịp Tết Quý Mão 2023, có 11 tàu cập bến cảng Nghi Sơn để bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, với sản lượng hàng hóa lưu thông qua cảng đạt 18.000 tấn, giá trị hàng hóa đạt 783.000 USD.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn, ngoài các cảng chuyên dùng của phục vụ hoạt động của các dự án lớn: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Xi măng Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Công ty TNHH Cảng quốc tế Nghi Sơn cũng thực hiện vận hành Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn từ ngày 23/1 (tức ngày mùng 2 Tết), nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng của các doanh nghiệp trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Sân bay Tân Sơn Nhất có gần 920 chuyến bay trong ngày mùng 8 tháng Giêng

Trong ngày 29/1 (mùng 8 tháng Giêng), lượng hành khách đi qua sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ở mức rất cao.

Sân bay Tân Sơn Nhất có gần 920 chuyến bay trong ngày mùng 8

Sân bay Tân Sơn Nhất có gần 920 chuyến bay trong ngày mùng 8

Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong ngày 29/1, sân bay có 919 chuyến bay cất hạ cánh với khoảng 142.000 hành khách qua sân bay. Chuyến bay đến có 460 chuyến với hơn 91.000 hành khách, trong khi chuyến bay đi có 459 chuyến với gần 51.000 hành khách.

Phần lớn hành khách là từ các địa phương bay đến TP.HCM nhằm chuẩn bị làm việc và học tập trong năm mới Quý Mão 2023. Cụ thể, khách trong nước đến có khoảng 70.500 hành khách, trong khi khách quốc tế đến TP.HCM gần 21.000 hành khách.

Theo dự báo trước đó của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ước tính trong cả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 3,8 triệu hành khách, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

Sản lượng hành khách trong đợt cao điểm phục vụ Tết tăng rất cao, với khoảng 130.000 người/ngày (gần 1.000 chuyến bay mỗi ngày). Khách đông nhất giai đoạn sau Tết được dự báo là ngày 29/1 (mùng 8 tháng Giêng), lượng khách lên đến hơn 144.000 người.

Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, sân bay Tân Sơn Nhất luôn đón lượng khách vượt mức dự báo trước đó. Ngày 26/1, khách qua sân bay đạt gần 145.000 người; đặc biệt trong ngày 27/1 có 916 chuyến bay với 149.177 hành khách.

Dù lượng hành khách trong suốt những ngày qua luôn đạt mức "kỷ lục", nhưng khu vực bên trong và bên ngoài Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khá thông thoáng, không xảy ra ùn tắc kéo dài.

Chuyên đề