Sáng ngày thứ 10 liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19
Sáng 30/8, Bộ Y tế cho biết, không có ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận. Việt Nam đã chữa khỏi 677 bệnh nhân. Đây là sáng ngày thứ 10 liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19. Hiện trong số các ca bệnh đang điều trị, có 11 bệnh nhân tiên lượng rất nặng và nguy kịch.
Sáng ngày thứ 10 liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19 |
Tính đến 6h ngày 30/8, Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 550 ca. Tính từ 18h ngày 29/8 đến 6h ngày 30/8 không có ca mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 54.392 người. Trong đó, 1.212 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 14.103 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 39.077 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 677 bệnh nhân COVID-19/1.040 ca mắc.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 45 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 51 ca, số ca âm tính lần 3 là 28 ca. Số ca tử vong ở nước ta là 32 ca.
Cảnh cáo, điều chuyển công tác Chủ tịch HĐTV VEC Mai Tuấn Anh
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC |
Theo quyết định do Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh ký, ông Mai Tuấn Anh bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm khuyết điểm trong thời gian giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc (từ tháng 5/2010 đến 3/2011), Tổng giám đốc (từ tháng 4/2011 đến tháng 5/2017), Chủ tịch HĐTV VEC (từ tháng 6/2017 đến nay).
Ủy ban cũng quyết định điều động ông Mai Tuấn Anh về công tác tại Tổ tái cơ cấu thúc đẩy sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả do các bộ, ngành chuyển giao về Ủy ban.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 44 đã xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy VEC và một số cá nhân.
Đề nghị mở chuyến bay đưa 600 người “mắc kẹt” ở Đà Nẵng về TP.HCM
UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam mở các chuyến bay từ sân bay Đà Nẵng đi TP.HCM để vận chuyển người dân.
Người dân và du khách rời Đà Nẵng vào cuối tháng 7, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng |
Ngày 29/8, UBND TP. Đà Nẵng cho biết vừa có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị phối hợp, hỗ trợ vận chuyển người dân từ Đà Nẵng về TP.HCM bằng đường hàng không.
Theo đó, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam mở các chuyến bay từ Sân bay Đà Nẵng đi TP.HCM. Đồng thời, ngành GTVT cử cán bộ làm đầu mối, phối hợp với Đà Nẵng để thống nhất về phương án tổ chức vận chuyển, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đã tổng hợp được khoảng 600 người có nhu cầu đăng ký từ Đà Nẵng về TP.HCM bằng đường hàng không. UBND TP.HCM cũng đã có công văn về việc hỗ trợ công dân đang tạm trú tại Đà Nẵng được trở về nơi cư trú.
TP.HCM: Tháng 11 cải tạo xong đường băng Tân Sơn Nhất
Dự án Cải tạo đường băng 25R/07L Tân Sơn Nhất đã đạt hơn 41% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong tháng 11, khai thác đầu năm 2021.
Máy móc, công nhân tập kết thi công đường băng 25R/07L Tân Sơn Nhất |
Đây là dự án mang tính khẩn cấp, vừa hoàn thiện hồ sơ thiết kế vừa tổ chức thi công. Hiện Tổng công ty Cửu Long là đơn vị thay Bộ Giao thông vận tải quản lý Dự án với liên danh 3 nhà thầu thực hiện, gồm: Tập đoàn Cienco4, Tổng công ty Xây dựng Hàng không (ACC) và Công ty 647.
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, mỗi ngày hiện có khoảng 500 công nhân, chia thành 12 mũi thi công ngày đêm. Máy móc, thiết bị và vật liệu cũng liên tục được tập kết. Kế hoạch đường băng 25R/07L đến 31/12 hoàn thành nhưng hiện thi công vượt tiến độ 18%. Dự kiến giữa tháng 11 hoàn thiện và một tháng rưỡi sau đó, đường băng được thử nghiệm để đưa vào khai thác đầu năm 2021.
Sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng song song. Trong lúc cải tạo Đường 25R/07L, máy bay sẽ cất hạ cánh trên đường băng còn lại là 25L/07R, dài 3,8 km, rộng 45 m. Quá trình thi công đường băng cũng được yêu cầu tuyệt đối an toàn, đảm bảo hoạt động tại sân bay liên tục.
Từ năm 2017 đến nay, các đường băng Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Nội Bài xuống cấp ngày càng nghiêm trọng do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn như Airbus A350-900, Boeing B787-9 và B787-10.
Sân bay Cần Thơ đón 230 người từ Đài Loan
Chiều 29/8, chuyến bay đưa 230 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Cần Thơ.
Hành khách trên chuyến bay là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn |
Chuyến bay do các cơ quan chức năng Việt Nam, Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc, Hãng hàng không Vietjet và các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) phối hợp thực hiện.
Hành khách trên chuyến bay là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gồm người cao tuổi, phụ nữ mang thai, lao động hết hạn hợp đồng, người bị bệnh nền, tai nạn lao động, học sinh, sinh viên đã kết thúc chương trình học, người đi du lịch, thăm thân và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc đã tích cực, chủ động hỗ trợ, hướng dẫn công dân hoàn thành các thủ tục và cử cán bộ trực tiếp phối hợp với hãng hàng không hỗ trợ công dân tại sân bay.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Hãng hàng không đã thực hiện nghiêm túc các quy định về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Cần Thơ, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Đưa hơn 350 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước an toàn
Ngay sau khi hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Cam Ranh, tổ bay và tất cả hành khách từ Nhật Bản đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Ngày 29/8, hơn 350 công dân Việt Nam từ Nhật Bản đã về nước an toàn |
Ngày 29/8, các cơ quan chức năng của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhật Bản đưa hơn 350 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước an toàn.
Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người ốm đau, người lao động hết hạn hợp đồng, sinh viên không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ công dân hoàn thành các thủ tục tại sân bay.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Vietnam Airlines đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Cam Ranh, tổ bay và tất cả hành khách đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Phạt tới 200 triệu đồng với kinh doanh đa cấp bất chính
Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bắt người tham gia phải đặt cọc, nộp một khoản tiền để được ký hợp đồng sẽ bị phạt tối đa 200 triệu đồng, từ 15/10 tới.
Phạt tới 200 triệu đồng với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bắt người tham gia phải đặt cọc để được ký hợp đồng |
Đây là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh đa cấp.
Theo đó, Nghị định quy định mức phạt 80 - 100 triệu đồng nếu doanh nghiệp ép buộc người tham gia phải đặt cọc tiền, phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp... Mức phạt tiền tăng gấp đôi nếu hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trung ương trở lên.
Doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng đa cấp tại địa phương nhưng chưa đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp sẽ bị phạt 5 - 10 triệu đồng.
Hành vi tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sẽ bị phạt tiền 20 - 30 triệu đồng.
Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng với hành vi kinh doanh đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký, thu lợi bất chính đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định mức phạt tới 60 triệu đồng với hành vi trả tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng vượt quá 40% doanh thu…