Bản tin thời sự sáng 29/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam yêu cầu Đài Loan hủy bỏ diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình; khuyến cáo ô tô không đi vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dịp 2/9; Hà Nội thu hồi hơn 11.000 m2 đất dự án treo tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm; Bắc Ninh tồn hơn 1.000 căn nhà ở công nhân…

Việt Nam yêu cầu Đài Loan hủy bỏ diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động diễn tập trái phép bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Chiều 28/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việc tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này; đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn vi phạm tương tự.

Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Đài Loan chiếm giữ trái phép.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Khuyến cáo ô tô không đi vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dịp 2/9

Lo ngại tình trạng quá tải vào dịp lễ 2/9, mới đây, đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) có khuyến cáo các phương tiện chọn lộ trình thích hợp để di chuyển trong dịp lễ để giảm tải cho cao tốc trên.

Lo ngại tình trạng quá tải Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vào dịp lễ 2/9, VEC E có khuyến cáo các phương tiện chọn lộ trình thích hợp để di chuyển

Lo ngại tình trạng quá tải Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vào dịp lễ 2/9, VEC E có khuyến cáo các phương tiện chọn lộ trình thích hợp để di chuyển

Theo VEC E, lượng phương tiện chọn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây làm lộ trình di chuyển tăng lên ngày càng cao, đặc biệt là đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Km99 giữa đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Thống kê cho thấy, lưu lượng trung bình hiện nay khoảng 58.000 - 62.000 lượt xe/ngày đêm, ngày cao điểm đạt 70.000 - 73.000 lượt xe/ngày đêm.

Do đó, căn cứ vào lưu lượng trên cao tốc vừa qua và nhu cầu sử dụng dịch vụ tại Trạm dừng nghỉ Km41+100 trong dịp lễ, VEC E khuyến cáo người dân lựa chọn lộ trình thích hợp để di chuyển trong các ngày nghỉ lễ nhằm giảm tải cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khi sử dụng trạm dừng nghỉ; đồng thời không gây ảnh hưởng đến lịch trình di chuyển.

Hà Nội thu hồi hơn 11.000 m2 đất dự án treo tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản gửi các sở, ngành, địa phương liên quan về việc thu hồi các ô đất trên địa bàn các quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm để thực hiện đấu giá.

Hà Nội thu hồi hơn 11.000m2 đất dự án treo tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm. Ảnh minh họa

Hà Nội thu hồi hơn 11.000m2 đất dự án treo tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm. Ảnh minh họa

Theo đề xuất, Thành phố sẽ thu hồi 11.017,2 m2 tại ô đất A3/NO*, A4/NO, A5/NO2 và 4.401,9 m2 tại ô đất A5/CC1, A5/DX thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên trên địa bàn quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm.

Để triển khai công tác thu hồi đúng trình tự, đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc để bàn giao mặt bằng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội, báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố kết quả thực hiện và gửi Thanh tra Thành phố trước tháng 10/2023.

Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương làm thủ tục chấm dứt chủ trương thực hiện dự án tại các ô đất A3/NO*, A4/NO, A5/NO2 theo quy định; Cục Thuế Hà Nội xác định số tiền thuế phi nông nghiệp của các đơn vị đã sử dụng mặt bằng phục vụ mục đích kinh doanh tại các ô đất A3/NO*, A4/NO, A5/NO2, B5-CC1, C8 tại Khu đô thị Nam Trung Yên.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các đơn vị tiếp nhận mặt bằng các khu đất và lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất các ô đất này trong quý IV/2023.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo về 50 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ thực hiện trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Bắc Ninh tồn hơn 1.000 căn nhà ở công nhân

Bắc Ninh mới bán được 357 căn nhà ở công nhân, còn tồn hơn 1.320 căn, dù đây là tỉnh đông khu công nghiệp, công nhân hàng đầu miền Bắc.

Bắc Ninh mới bán được 357 căn nhà ở công nhân, còn tồn hơn 1.320 căn. Ảnh minh họa

Bắc Ninh mới bán được 357 căn nhà ở công nhân, còn tồn hơn 1.320 căn. Ảnh minh họa

Thông tin này vừa được UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết tại báo cáo về việc tháo gỡ một số khó khăn trong quá trình triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Hiện thủ phủ công nghiệp miền Bắc có 22 dự án nhà ở dành cho công nhân với tổng diện tích đất khoảng 107 ha. Tỉnh dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung ứng 2,4 triệu m2 sàn, tương đương 31.000 căn hộ cho 105.000 người. Trong đó, 15 dự án chuẩn bị được đầu tư xây dựng.

7 dự án đã hoàn thành, hoặc hoàn thành một phần với 4.000 căn hộ đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Thời gian qua, các chủ đầu tư đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân trong số này. Tuy nhiên, Bắc Ninh cho biết rất ít công nhân tại các khu công nghiệp đăng ký mua khi 7 dự án còn tồn 1.324 căn.

Theo đánh giá của UBND Tỉnh, sản phẩm này "ế" do đa số công nhân ở ngoài Bắc Ninh với tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí việc làm, cũng như thu nhập còn thấp và chưa có thói quen ở nhà cao tầng.

Bên cạnh 22 dự án nhà ở công nhân, Bắc Ninh cũng đang triển khai 29 dự án nhà ở xã hội trên diện tích 50 ha, với khoảng 15.500 căn hộ. Hiện tại, 21 dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành một phần, cung cấp ra thị trường 11.000 căn hộ. 8 dự án đang bồi thường, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị xây dựng.

Bắc Ninh hiện có 15 khu công nghiệp đang hoạt động, nhiều nhất miền Bắc và nằm trong top 5 toàn quốc. Đến cuối năm ngoái, các khu công nghiệp này sử dụng hơn 314.000 lao động, trong đó hơn 70% là người ngoài tỉnh. Đây là địa phương được Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cao thứ 3 toàn quốc, sau Bình Dương, Bắc Giang. Đến năm 2025, tỉnh này phải có ít nhất 30.700 căn nhà ở xã hội và thêm 41.500 căn đến năm 2030.

TP.HCM muốn khai thác 27 triệu m3 cát làm khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Chính quyền TP.HCM muốn khai thác 10 mỏ cát trên vùng biển Cần Giờ, trữ lượng 27 triệu m3 để làm nguồn san lấp dự án khu đô thị du lịch lấn biển.

Một phần huyện Cần Giờ từ trên cao

Một phần huyện Cần Giờ từ trên cao

Nội dung được chính quyền Thành phố nêu trong tờ trình vừa gửi Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM. Doanh nghiệp được phép khai thác là Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ cũng là chủ đầu tư dự án.

Khu đô thị lấn biển Cần Giờ đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng từ 600 ha thành 2.870 ha. Nơi xây dựng khu đô thị này ở xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với 5 phân khu, được khái toán tổng kinh phí hơn 76.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc.

Trước đó, từ năm 2006 - 2019, UBND TP.HCM đã cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản 10 mỏ cát nhiễm mặn cho doanh nghiệp này trên vùng biển Cần Giờ với tổng trữ lượng hơn 27 triệu m3. Trong đó, hai mỏ Long Hòa 1, 2 đã được cấp giấy phép khai thác, 8 mỏ còn lại mới được cấp phép thăm dò.

Theo UBND TP.HCM, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có quy mô lớn, là dự án trọng điểm của Thành phố. Dự án cần gần 138 triệu m3 cát san lấp, dự kiến được lấy từ các mỏ cát đã được khảo sát, thăm dò trên vùng biển Cần Giờ, lượng đất đào biển hồ nhân tạo, từ vùng biển lân cận và nguồn vật liệu từ nơi khác. Nếu 10 mỏ cát được khai thác sẽ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu Dự án.

Chính quyền Thành phố đánh giá, việc dùng cát cát nhiễm mặn tại các mỏ cát trên khu vực biển Cần Giờ đã được thăm dò sẽ thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Dự án. Tuy nhiên, Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ cần đánh giá tác động môi trường và một số thủ tục khác trước khi khai thác các mỏ cát.

Thuỷ điện Trị An xả lũ xuống hạ lưu 1.010 m3/s từ 15 giờ ngày 29/8

Ngày 28/8, Công ty Thuỷ điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) cho biết, mực nước hồ đã đạt 60,86 m (mực nước quy định trước lũ là 60,8 m). Do đó, sẽ tiến hành xả nước qua đập tràn điều tiết hồ chứa vào 15h chiều ngày 29/8 với lưu lượng nước xả qua tràn là 160m3/s, tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du từ 760 đến 1.010 m3/s.

Thuỷ điện Trị An sẽ xả lũ xuống hạ lưu 1.010 m3/s từ 15 giờ ngày 29/8

Thuỷ điện Trị An sẽ xả lũ xuống hạ lưu 1.010 m3/s từ 15 giờ ngày 29/8

Theo thông tin thủy văn hồ Thủy điện Trị An ngày 28/8, mực nước hồ đã đạt 60,86 m (mực nước quy định trước lũ là 60,8 m), lưu lượng nước về hồ dự kiến từ 800 - 900 m3/s; lưu lượng nước qua tuabin phát điện dự kiến từ 600 - 850 m3/s.

Dự kiến trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 tới, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia có khả năng khai thác lượng nước phát điện Nhà máy Thủy điện Trị An ở mức thấp. Do đó, để đảm bảo dung tích phòng lũ, công ty sẽ tiến hành xả nước qua đập tràn điều tiết hồ chứa.

Cụ thể, thời điểm xả nước là 15h ngày 29/8, lưu lượng nước xả qua tràn là 160 m3/giây, tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du từ 760 - 1.010 m3/giây.

Tuỳ theo diễn biến của thời tiết và sự huy động phát điện của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc Gia, Công ty Thuỷ điện Trị An có thể thay đổi lượng nước xả qua đập tràn để duy trì dung tích phòng lũ.

Công ty Thuỷ điện Trị An thông báo đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các cơ quan chính quyền địa phương được biết để chỉ đạo, phối hợp và thông báo cho nhân dân vùng hạ du hồ chứa chủ động có biện pháp phòng ngừa, nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

Cưỡng chế công trình vi phạm rừng phòng hộ Sóc Sơn

Huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội) cưỡng chế phá dỡ căn nhà 130 m2 cùng một số hạng mục xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ tại đồi Dõng Chum, xã Minh Phú.

Lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn phá dỡ căn nhà sáng 28/8

Lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn phá dỡ căn nhà sáng 28/8

Ngày 28/8, lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn đã cưỡng chế căn nhà ở điểm cao nhất trên đồi Dõng Chum cùng các hạng mục vi phạm như cổng, tường bao phân lô của một số công trình khác.

Theo lãnh đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Sóc Sơn, việc cưỡng chế được lên kế hoạch cách đây một năm, nhưng gia đình này có người bệnh nặng qua đời nên phải tạm hoãn. Đến nay, Huyện đã củng cố hồ sơ liên quan nên ra quân cưỡng chế dứt điểm.

Hôm 4/8, lũ quét kéo theo đất đá từ đồi Dõng Chum tràn xuống vùi lấp nhiều ôtô. Khoảng 10 ngày sau sự cố, huyện Sóc Sơn tổ chức hội nghị về xử lý vi phạm đất đai và trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại hai xã Minh Trí và Minh Phú.

Huyện giao Chủ tịch UBND xã Minh Phú trong tháng 8 phải xử lý dứt điểm 5 trường hợp vi phạm phát sinh năm 2023 và một số vi phạm trước đó chưa xử lý; giao Chủ tịch UBND xã Minh Trí cưỡng chế 6 công trình sai phép xung quanh hồ Đồng Đò trong tháng 8 và 9.

Lãnh đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Sóc Sơn cho biết, các hạng mục công trình vi phạm tại khu vực này phát sinh từ năm 2021 và 2022. Huyện đã ra quân xử lý được hai điểm nhưng sau đó phải tạm dừng vì một số hộ dân tại đây có đơn khiếu nại quy hoạch đất rừng năm 2008 chồng lấn với đất ở.

Huyện Sóc Sơn đang rà soát phần chồng lấn để đề xuất thành phố điều chỉnh quy hoạch rừng, dự kiến hoàn thành tháng 10. Sau khi điều chỉnh, công trình nào nằm trong đất rừng sẽ bị xử lý, công trình nằm ngoài thì cho chuyển đổi mục đích sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

TP.HCM tiêu hủy trên 30.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu gần 1,8 tỷ đồng

Thông tin từ Cục Quản lý Thị trường TP.HCM cho biết, đơn vị vừa tiêu hủy trên 30.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu trị giá gần 1,8 tỷ đồng.

Sản phẩm giả mạo, nhập lậu được cơ quan chức năng xử lí.

Sản phẩm giả mạo, nhập lậu được cơ quan chức năng xử lí.

Cụ thể, tại trạm xử lý của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM (số 1, Tống Văn Trân, Phường 5, Quận 11), Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện tiêu hủy hàng hóa đối với 2.495 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm.

Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy là hàng hóa nhập lậu gồm mỹ phẩm không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy 194,876 triệu đồng.

Phương thức tiêu hủy được áp dụng là xay nhuyễn, hủy hình dạng ban đầu hoặc đốt hủy trực tiếp trong lò đốt ở nhiệt độ cao.

Trước đó, ngày 4/8, tại Công ty TNHH SX-DV-TM Môi Trường Xanh, Lô H10E, KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, đơn vị cũng đã phối hợp tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về việc buộc tiêu hủy 27.627 đơn vị sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm: trên 6 tấn đường cát, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử... ngoại nhập không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 1,588 tỷ đồng.

Phương thức tiêu hủy được áp dụng là đốt hủy trực tiếp trong lò đốt hai cấp ở nhiệt độ cao, có hệ thống xử lý khói thải và hệ thống xử lý nước rửa khói đồng bộ. Riêng mặt hàng đường cát được tiêu hủy bằng hình thức hòa tan, sau đó đưa vào hệ thống xử lý nước thải.

Toàn bộ quá trình tiêu hủy hàng hóa có sự giám sát chặt chẽ của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, các đơn vị phối hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường.

Chuyên đề