Bản tin thời sự sáng 29/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thi công cầu Tăng Long - cửa ngõ TP.HCM sau 4 năm ngưng trệ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Bắc Ninh bị đề nghị kỷ luật vì dùng bằng giả; Vietcombank lãi quý III hơn 9.000 tỷ đồng; người Việt chi gần 50 nghìn tỷ đồng mua điện thoại trong nửa năm…

Thi công cầu Tăng Long - cửa ngõ TP.HCM sau 4 năm ngưng trệ

Cầu Tăng Long vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng trên đường Lã Xuân Oai, TP. Thủ Đức được khởi động thi công lại sáng 28/10 sau 4 năm tạm ngưng.

Công trường cầu Tăng Long sau 4 năm ngưng trệ

Công trường cầu Tăng Long sau 4 năm ngưng trệ

Công trình được tái khởi động sau khi TP. Thủ Đức cơ bản hoàn tất đền bù hơn 30 hộ bị ảnh hưởng và giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư).

Cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu trên đường Lã Xuân Oai, dài 231 m, gồm hai nhánh, mỗi nhánh rộng 11 m cho hai làn xe và lề đi bộ. Hai đầu cầu là đường dẫn tổng chiều dài 559 m, cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước.

Công trình được khởi công từ cuối năm 2017 nhưng đến tháng 4/2019 khi đạt khoảng 30% khối lượng thì phải dừng thi công do vướng mặt bằng. Hơn 4 năm qua, các nhịp cầu đã xây xong nằm trơ trọi, sắt thép hoen gỉ.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cho biết, sau khi nhận mặt bằng, đơn vị sẽ di dời hạ tầng kỹ thuật, huy động nhân công, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, một nhánh cầu Tăng Long sẽ thông xe cuối tháng 3/2024 và hoàn thành toàn bộ sau đó một năm.

Cầu Tăng Long khi xây xong sẽ tăng kết nối giao thông trên đường Lã Xuân Oai giữa phường Tăng Nhơn Phú A, Long Trường, Trường Thạnh. Đồng thời, công trình cũng tạo thuận lợi cho tàu thuyền qua rạch Trau Trảu, phục vụ vận tải từ Khu công nghệ cao ra hướng sông Rạch Chiếc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Bắc Ninh bị đề nghị kỷ luật vì dùng bằng giả

Ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Bắc Ninh bị đề nghị kỷ luật do dùng văn bằng trình độ thạc sĩ giả.

Ông Nguyễn Công Thắng

Ông Nguyễn Công Thắng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh nêu kết luận trên tại Hội nghị ngày 26/10. Theo đó, ông Thắng khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ đã dùng bằng thạc sĩ giả, sau đó dùng bằng tiến sĩ thi nâng ngạch.

Ông Thắng bị đánh giá vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc sử dụng văn bằng không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Vi phạm này ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân ông Thắng.

Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh biểu quyết xem xét kỷ luật ông Thắng và báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Nguyễn Công Thắng 40 tuổi, quê tỉnh Bắc Ninh. Theo hồ sơ cán bộ, ông có trình độ cử nhân chuyên ngành tài chính ngân hàng; cử nhân luật; thạc sĩ kinh tế chuyên ngành quản trị kinh doanh; thạc sĩ luật chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự; tiến sĩ kinh tế chuyên ngành kinh tế - chính trị.

Ông từng làm Bí thư huyện ủy Tiên Du, rồi Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy trước khi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy từ tháng 6/2022.

Vietcombank lãi quý III hơn 9.000 tỷ đồng

Ngân hàng đứng đầu về lợi nhuận toàn hệ thống lãi hơn 9.000 tỷ đồng trong quý III, cao hơn mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm của nhiều nhà băng khác.

Vietcombank tiếp tục giữ ngôi đầu về lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng
Vietcombank tiếp tục giữ ngôi đầu về lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng.

Trong 3 tháng gần nhất, nhà băng này lãi trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietcombank lãi trước thuế gần 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% và tiếp tục giữ ngôi đầu về lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng. Động lực tăng trưởng chính đến từ việc giảm chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng.

Trong quý III, Vietcombank ghi nhận gần 12.600 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2022. Tương tự các ngân hàng khác, ảnh hưởng của giai đoạn chi phí vốn cao tác động đến "nồi cơm chính" là hoạt động tín dụng. Chi phí lãi và các khoản tương đương của Vietcombank tăng hơn 56%, trong khi các khoản thu từ lãi chỉ tăng 17%.

Thu từ dịch vụ cũng giảm so với cùng kỳ năm trước, trong khi hoạt động ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh giữ nhịp tương đương.

Điểm sáng là việc quản lý chi phí giúp chi phí hoạt động của Vietcombank quý III giảm gần 18%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng nhẹ so với năm trước lên hơn 10.500 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm gần 50%, xuống còn gần 1.500 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, các hoạt động kinh doanh chính của Ngân hàng không chênh lệch quá nhiều so với cùng kỳ 2022, thu nhập lãi thuần tăng lên hơn 40.000 tỷ đồng, thu từ dịch vụ gần 4.000 tỷ đồng. Nhờ giảm chi phí hoạt động và dự phòng, Vietcombank báo lãi trước thuế tăng hơn 18%.

Người Việt chi gần 50 nghìn tỷ đồng mua điện thoại trong nửa năm

Trong 6 tháng đầu năm, người Việt bỏ ra 2 tỷ USD (49,2 nghìn tỷ đồng) để mua điện thoại, thuộc nhóm chi tiêu mạnh tay trong khu vực châu Á.

Người dùng chuyển dữ liệu từ smartphone cũ lên iPhone 15 Pro

Người dùng chuyển dữ liệu từ smartphone cũ lên iPhone 15 Pro

Theo thống kê của Công ty phân tích GfK, thị trường công nghệ viễn thông và bán lẻ điện thoại của Việt Nam nửa đầu năm 2023 chưa có dấu hiệu phục hồi. Doanh số toàn ngành giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, điện thoại vẫn đóng góp tỷ trọng lớn nhất. Tính từ tháng 1 đến 6, tổng thị trường di động của châu Á đạt hơn 100 tỷ USD, ước tính kết thúc năm là 200 tỷ USD. Trong đó, người dùng ở Việt Nam chi 2 tỷ USD mua sắm điện thoại.

So với cùng kỳ năm ngoái, thị trường smartphone Việt giảm 23%, tuy nhiên phân khúc smartphone cao cấp từ 800 USD có tăng trưởng tốt. Điện thoại đắt tiền ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn, từ 5% vào năm 2019 dự kiến tăng lên 12% vào năm 2024. Con số này cao hơn Indonesia (3%), Philippines (6%), Ấn Độ (4%), nhưng thấp hơn Thái Lan (13%), Trung Quốc (21%), Singapore (42%), New Zealand (44%).

Các chuyên gia đánh giá, phân khúc di động cao cấp ở Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển. "Những biến động của kinh tế vĩ mô không tác động nhiều đến nhóm khách hàng cao cấp. Trong khi các sản phẩm đắt tiền vẫn ra mắt đều đặn, doanh số dòng giá rẻ đang bị ảnh hưởng do người dùng thắt chặt chi tiêu", bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc ngành hàng điện thoại và điện tử của GfK, nhận định.

Năm 2019, giá trung bình một chiếc smartphone ở Việt Nam là 254 USD (6,2 triệu đồng) và đến 2024 ước tính lên 339 USD (8,3 triệu đồng), tăng 134%. Tỷ lệ này cao thứ hai trong khu vực sau New Zealand (187%) và trước Ấn Độ (132%), Trung Quốc (128%), Thái Lan (123%).

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng lớn nhất Nghệ An được rót vốn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, đồng ý bố trí hơn 230 tỷ đồng để công trình đi vào hoạt động năm 2025.

Công trình hồ chứa nước Bản Mồng

Công trình hồ chứa nước Bản Mồng

Theo quyết định ngày 26/10, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cân đối trong phạm vi tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được giao, bố trí đủ số vốn nêu trên.

Với quyết định trên, vướng mắc lớn nhất của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng - công trình đại thủy nông lớn nhất Nghệ An, cấp nước tưới cho gần 19.000 ha và phát điện với công suất 45 MW - sẽ được tháo gỡ.

Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sắp tới, các bộ, ngành liên quan sẽ cân đối vốn để Dự án hoàn thành đảm bảo tiến độ. Công trình đầu mối cơ bản đã hoàn thành, thời gian tới tập trung giải phóng mặt bằng lòng hồ.

Hồ Bản Mồng được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc xã Yên Hợp, Quỳ Hợp. Lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa), sức chứa 225 triệu m3 nước.

Công trình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Theo kế hoạch phân bổ vốn, giai đoạn 2010 - 2020 là hơn 3.490 tỷ đồng, 2021 - 2025 hơn 2.050 tỷ đồng, song mới bố trí được 1.820 tỷ đồng, còn thiếu hơn 230 tỷ đồng.

Do thiếu vốn, Dự án khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng phải tạm dừng. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng khiến người dân chưa thể ổn định cuộc sống, các công trình giao thông, trường học, trạm xá... không được đầu tư.

Công an cảnh báo lừa đảo từ trào lưu tạo ảnh hoạt hình AI trên mạng xã hội

Mới đây, Công an TP.HCM phát đi cảnh báo về việc mất an toàn thông tin, mất tài sản, tiếp tay cho hoạt động tội phạm công nghệ từ các ứng dụng tạo ảnh hoạt hình đang là trào lưu trên mạng xã hội hiện nay.

Tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo trở thành trào lưu nhưng có nhiều nguy cơ, rủi ro

Tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo trở thành trào lưu nhưng có nhiều nguy cơ, rủi ro

Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện trào lưu mới là tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Có nhiều nền tảng mạng xã hội và ứng dụng xuất hiện phục vụ cho trào lưu này, nhưng ít người biết về nguy cơ, hậu quả diễn ra sau đó.

Công an TP.HCM chỉ ra những nguy cơ mà người tải, sử dụng các ứng dụng tạo ảnh hoạt hình có thể đối diện, gồm:

Một là lộ, lọt thông tin cá nhân kèm theo hình ảnh (có các thông tin về thiết bị, thời gian, vị trí chụp ảnh), thông tin trên thiết bị điện tử do tải và cấp một số quyền truy cập thiết bị cho ứng dụng.

Hai là, người dùng bị thu thập các bức ảnh chân dung, từ đó đối tượng xấu sử dụng tạo video giả mạo thông qua công nghệ Deepfake, thực hiện cuộc gọi video call lừa đảo cho người thân của nạn nhân.

Ba là, người dùng bị lợi dụng các hình ảnh chân dung để đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân có thiết bị xác lập tài khoản bằng khuôn mặt và một số nguy cơ mất an toàn thông tin khác.

Trên cơ sở điều tra về nguy cơ, phần tác hại của trào lưu tạo ảnh hoạt hình trên mạng xã hội, Công an TP.HCM khuyến cáo, người dùng nên chọn lọc và sử dụng các phương thức, ứng dụng uy tín được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá.

Bên cạnh đó, người dùng phải đọc kỹ, hiểu về các điều khoản, yêu cầu trước khi cài đặt, sử dụng ứng dụng.

Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cần phải xem xét những quyền mà ứng dụng yêu cầu được truy cập.

Ngoài ra, công an khuyến cáo, người dùng mạng xã hội hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội và đặc biệt không cung cấp những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư cho mạng xã hội.

Chung cư mini vượt 6 tầng ở Hà Nội xây trên đất nông nghiệp

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyễn Phong vừa có báo cáo về việc rà soát, xác minh kết quả kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh về chung cư mini 9 tầng trên đường Phú Hữu (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất).

Tòa chung cư mini vượt 6 tầng chủ yếu xây trên đất trồng cây lâu năm

Tòa chung cư mini vượt 6 tầng chủ yếu xây trên đất trồng cây lâu năm

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chung cư mini này nằm trên thửa đất số 152, tờ bản đồ số 14, Thôn 1 (xã Tân Xã). Bà N.T.Q.H. và ông V.M.C. là chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thửa đất này được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 18/10/2022, với diện tích 726,5 m2. Trong đó, chỉ có 225 m2 là đất ở, còn lại hơn 500 m2 là đất trồng cây lâu năm.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, chung cư mini trên được khởi công ngày 7/2/2023. Ở thời điểm đó, Chủ đầu tư chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Hơn một tháng sau, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Huyện kiểm tra hiện trạng và xác định công trình đang thi công ép cọc trên diện tích đất 700 m2 nên đề xuất UBND xã Tân Xã kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.

Với hành vi thi công công trình không có giấy phép xây dựng, ông V.M.C. bị UBND huyện Thạch Thất xử phạt 35 triệu đồng, còn UBND xã lập biên bản đình chỉ thi công.

Sở Xây dựng cho biết, đến thời điểm bị đình chỉ (ngày 26/3), công trình được đổ khung cột bê tông cốt thép tầng 5, quy mô diện tích 560 m2.

Sau nửa tháng bị đình chỉ xây dựng, đến ngày 17/4, huyện Thạch Thất cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho ông C và bà H. Diện tích xây dựng tầng 1 là hơn 150 m2, tổng diện tích sàn gần 492 m2; chiều cao công trình là 15,6 m với 3 tầng và tum.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 6, UBND xã Tân Xã tiếp tục lập biên bản đình chỉ thi công công trình vì vi phạm trật tự xây dựng, hiện trạng đang đổ khung cột bê tông cốt thép tầng 8, đang đổ cột tầng 9. Công trình đã được xây dựng quy mô diện tích 560 m2/sàn.

Sau đó, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc ông V.M.C thực hiện khắc phục hậu quả và ngày 26/6, ban hành quyết định thu hồi giấy phép xây dựng đối với công trình này.

Đồng Nai xin đầu tư Dự án sân bay Biên Hòa

Ngày 28/10, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND Tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư Dự án sân bay Biên Hòa.

Một khu vực trong sân bay Biên Hòa

Một khu vực trong sân bay Biên Hòa

Trong văn bản, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, theo Nghị quyết số 154 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng cấp 4E.

Nhằm sớm đưa vào khai thác hàng không dân dụng tại sân bay Biên Hòa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương và để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo, UBND Tỉnh báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận giao UBND Tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư Dự án sân bay Biên Hòa. Việc sớm đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác hàng không dân dụng là hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, vào tháng 6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, sân bay Biên Hòa và sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) được quy hoạch khai thác lưỡng dụng.

Sân bay Biên Hòa khi khai thác lưỡng dụng sẽ có công suất phục vụ 5 triệu hành khách mỗi năm trong thời kỳ 2021 - 2030. Tỉnh Đồng Nai đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.

Chuyên đề