Bản tin thời sự sáng 29/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị tỉnh Long An đóng băng toàn bộ tài sản Công ty Vạn Thịnh Phát để điều tra; sập giàn giáo công trình thuỷ điện, một người mất tích, hai người bị thương nặng; khai thác hơn 33.000 chuyến bay với 6,7 triệu ghế dịp Tết Nguyên đán 2023; kỷ luật Đảng ủy Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020; giải ngân vốn FDI đạt hơn 17 tỷ USD…

Đề nghị tỉnh Long An đóng băng toàn bộ tài sản Công ty Vạn Thịnh Phát để điều tra

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Long An khẩn trương xác minh, tạm dừng các giao dịch nhà đất có liên quan đến các cá nhân, bị can có liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trong số 65 dự án được Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xúc tiến, trao đổi với tỉnh Long An, chỉ có 5 dự án đang hoạt động

Trong số 65 dự án được Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xúc tiến, trao đổi với tỉnh Long An, chỉ có 5 dự án đang hoạt động

Theo công văn này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Kết quả điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2018 - 2019, các bị can, cá nhân tại các công ty liên quan đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án, kịp thời ngăn chặn các cá nhân tẩu tán tài sản, đảm bảo công tác thu hồi tiền, tài sản trong vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Long An phối hợp cung cấp thông tin; khẩn trương rà soát đối với các tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác, cũng như tình trạng pháp lý tài sản liên quan đến các bị can, cá nhân, công ty trong vụ án. Đồng thời tạm dừng các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng, cho... phát sinh đối với nhà, đất trên cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan đến các dự án của Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, giai đoạn 2015 - 2020, công ty này có xúc tiến, trao đổi 65 dự án, trong đó 35 dự án đã có chủ trương đầu tư và 30 dự án chưa có chủ trương. Qua rà soát thực tế, có 5 dự án đang triển khai, chủ yếu là các dự án tái định cư nằm trên địa bàn huyện Cần Giuộc.

Sập giàn giáo công trình thuỷ điện, một người mất tích, hai người bị thương nặng

Vụ sập giàn giáo công trình Thủy điện Bản Nhùng, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) đã khiến 1 người mất tích, 2 người bị thương nặng.

Công trình thi công Dự án Nhà máy Thủy điện Bản Nhùng thuộc xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn

Công trình thi công Dự án Nhà máy Thủy điện Bản Nhùng thuộc xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn

Khi đổ bê tông một hạng mục thuộc công trình Thủy điện Bản Nhùng, giàn giáo cao khoảng 4m bất ngờ bị sập khiến ba công nhân rơi xuống sông Kỳ Cùng. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm 1 người bị mất tích. Việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn bởi mực nước sâu do thủy điện tích nước để chuẩn bị cho việc khởi động phát điện.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, 2 công nhân còn lại là Bùi Văn Phong (quê tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) và Bùi Văn Nam (quê tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng khá nặng. Trong đó, 1 người đến thời điểm chiều ngày 28/10 sau ca phẫu thuật sức khỏe đang dần ổn định, còn 1 người đã phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân, điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.

Dự án Nhà máy Thủy điện Bản Nhùng được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2007, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Hải Lý. Dự án có quy mô 2 tổ máy với công suất lắp máy theo quy hoạch ban đầu là 13 MW; tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành xây lắp và phát điện thương mại trong quý II/2022.

Khai thác hơn 33.000 chuyến bay với 6,7 triệu ghế dịp Tết Nguyên đán 2023

Các hãng hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Các hãng hàng không đều dự kiến tăng chuyến bay trong dịp Tết Nguyên đán 2023

Các hãng hàng không đều dự kiến tăng chuyến bay trong dịp Tết Nguyên đán 2023

Tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân vào dịp Tết Quý Mão 2023, các hãng hàng không đã xây dựng kế hoạch tăng chuyến Tết (từ ngày 15 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết 15 tháng Giêng năm Quý Mão). Hiện tại, các hãng hàng không đã xây dựng kế hoạch khai thác 25.613 chuyến bay và dự kiến tăng thêm 8.079 chuyến, tương ứng 32% (từ 25.613 lên 33.691 chuyến).

Các chuyến bay trung bình/ngày tăng 260 chuyến/ngày (từ 826 lên 1.087 chuyến). Ghế cung ứng tăng 1,6 triệu ghế, tương ứng 33% (từ 5,1 triệu lên 6,7 triệu ghế). Trung bình ghế cung ứng tăng 53,9 nghìn ghế/ngày (từ 163 nghìn ghế lên 216,9 nghìn ghế).

Các đường bay tăng chuyến cao là: TP.HCM - Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Chu Lai, Hải Phòng, Quy Nhơn, Huế và ngược lại.

Cụ thể, chặng bay giữa TP.HCM - Hà Nội dự kiến có 1.901 chuyến vào dịp Tết, tăng 22% so với bình thường. Chặng bay giữa Hải Phòng - TP.HCM tăng tới 54%, dự kiến khoảng 1.618 chuyến bay.

Đáng chú ý, chặng bay giữa TP.HCM - Chu Lai dự kiến dịp Tết có 1.208 chuyến, tăng 131%. Chặng Huế - TP.HCM dự kiến tăng tới 122% với 1.867 chuyến vào dịp Tết Nguyên đán, hay chặng TP.HCM - Thanh Hóa cũng tăng 91% với dự kiến 1.660 chuyến.

Kỷ luật Đảng ủy Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020

Ngày 28/10, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TP.HCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Đảng ủy Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn 2019, 2020).

Thi hành kỷ luật Đảng ủy PC02 nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn 2019, 2020) bằng hình thức cảnh cáo

Thi hành kỷ luật Đảng ủy PC02 nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn 2019, 2020) bằng hình thức cảnh cáo

Theo đó, Đảng ủy Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn 2019, 2020) chưa thực hiện đúng quy chế làm việc của cấp ủy, nguyên tắc sinh hoạt Đảng, công tác cán bộ; không nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong Đảng; không chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp dưới thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, Đảng ủy PC02 còn thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, để cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, để xảy ra nhiều vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng, có vụ án đã bỏ lọt tội phạm; thiếu trách nhiệm trong điều tra vụ án, bỏ lọt hành vi có dấu hiệu tội phạm.

Mức độ vi phạm của Đảng ủy Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn 2019, 2020) là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của ngành Công an.

Do đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TP.HCM đã thi hành kỷ luật Đảng ủy Phòng PC02 nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn 2019, 2020) bằng hình thức cảnh cáo.

Trước đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TP.HCM đã thi hành kỷ luật đối với đại tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV05), nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) và thượng tá Trần Văn Phú, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.

Giải ngân vốn FDI đạt hơn 17 tỷ USD

10 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân ước đạt 17,45 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo giải ngân FDI năm nay có thể đạt 21 - 22 tỷ USD, tăng 6,4 - 11,5% so với năm ngoái

Dự báo giải ngân FDI năm nay có thể đạt 21 - 22 tỷ USD, tăng 6,4 - 11,5% so với năm ngoái

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 22,4 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân lại tăng 15,2%, ước đạt 17,45 tỷ USD. Dự báo giải ngân FDI năm nay có thể đạt 21 - 22 tỷ USD, tăng 6,4 - 11,5% so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư đăng ký mới giảm nhưng đã được cải thiện, vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng so với cùng kỳ 2021. Đơn cử, trong 10 tháng qua, có 1.570 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2021; tổng vốn đăng ký đạt gần 10 tỷ USD, giảm 23,7%...

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đã rót vốn vào 18 trên tổng số 21 ngành kinh tế, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đạt hơn 12,9 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng vốn đăng ký.

Trong 10 tháng qua, Singapore đứng đầu danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn hơn 5,34 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn. Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đứng thứ hai và ba với số vốn gần 4,2 tỷ USD và 3,9 tỷ USD.

Lũy kế đến 20/10, Việt Nam có gần 36.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 435 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 269 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chứng khoán Trí Việt (TVB) bị phạt 150 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán Trí Việt, địa chỉ tại 142 Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chứng khoán Trí Việt bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Chứng khoán Trí Việt bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cụ thể, phạt tiền 150 triệu đồng do vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng (Chứng khoán Trí Việt đã cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định).

Chứng khoán Trí Việt tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Thái Bình Dương được thành lập năm 2006. Công ty hoạt động trong lĩnh vực môi giới, lưu ký chứng khoán, tư vấn đầu tư và các dịch vụ chứng khoán liên quan. Chứng khoán Trí Việt trở thành công ty đại chúng từ năm 2015, được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) từ tháng 6/2018.

Tại Báo cáo tài chính quý III/2022, Chứng khoán Trí Việt cho biết, doanh thu hoạt động giảm đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 18,8 tỷ đồng do hầu hết các mảng hoạt động đều kém hiệu quả.

Trước đó, hồi đầu năm, UBCKNN thông báo xử phạt Chứng khoán Trí Việt tổng số tiền 310 triệu đồng. Trong đó, 250 triệu đồng phạt do công ty này cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng nhưng không báo cáo và không được UBCKNN chấp thuận. Khoản phạt còn lại do Công ty bố trí nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ chứng khoán. Ngoài ra, công ty này bị nhận hình phạt bổ sung là đình chỉ dịch vụ ứng trước tiền bán trong hai tháng.

Biển xâm thực đe dọa rừng phòng hộ tại Hà Tĩnh

2,5 km bờ biển ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) bị sạt lở, sóng đánh bật gốc cây phi lao trong rừng phòng hộ khiến người dân trong vùng bất an.

Nhiều cây phi lao tại rừng phòng hộ ven biển từ thôn Tân Ninh Châu đến Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bị sóng quật đổ

Nhiều cây phi lao tại rừng phòng hộ ven biển từ thôn Tân Ninh Châu đến Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bị sóng quật đổ

Cuối tháng 10, bờ biển thuộc các thôn Tân Ninh Châu, Hội Tiến và Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân bị sóng đánh mạnh, nước cuồn cuộn chảy vào rừng phòng hộ rộng hơn 10 ha. Biển đã xâm thực vào đất liền khoảng 50 m. Hiện có hơn 10 vị trí hở hàm ếch, chờ sập mỗi khi sóng lớn.

Dọc bờ biển, hàng chục cây phi lao và dứa dại trồng trước đê Hội Thống bị sóng đánh bật gốc, đổ ngổn ngang. Phi lao bật gốc cao 7 - 10 m, đường kính 15 - 30 cm, người dân đã cưa phần thân, còn gốc chưa thu dọn.

Theo ông Trịnh Quang Luật, Chủ tịch xã Xuân Hội, tình trạng biển xâm thực diễn ra từ tháng 10/2020 đến nay. Xã rất lo lắng, nhiều lần kiến nghị cấp trên để có phương án bảo vệ rừng phòng hộ và tuyến đê bên trong, song chưa có kết quả.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Xuân cho hay, ngoài rừng phòng hộ bị đe dọa, bờ biển bị xâm thực cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến đê Hội Thống dài gần 18 km. Tuyến đê này đóng vai trò bảo vệ cho hơn 22.000 người dân và gần 4.000 ha đất tự nhiên các xã ven biển Xuân Hội, Đan Trường, Xuân Phổ, Xuân Hải cùng một số vùng phụ cận. Huyện đã lên kế hoạch xây dựng đê biển giảm sóng tại bờ biển xã Xuân Hội, kinh phí hơn 15 tỷ đồng, đang gửi tờ trình lên Tỉnh phê duyệt. Đây được xem là một trong 4 công trình phòng chống thiên tai cấp bách của Huyện năm 2022.

Hoà Phát lỗ gần 1.800 tỷ đồng quý III

Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát lần đầu báo lỗ sau 13 năm khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III âm 1.786 tỷ đồng.

Quý III, Hoà Phát đạt doanh thu hơn 34.440 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái

Quý III, Hoà Phát đạt doanh thu hơn 34.440 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái

Trong quý III, Hoà Phát cho biết đạt doanh thu hơn 34.440 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó. Doanh thu của đại gia thép này liên tục đi xuống sau khi đạt đỉnh vào quý IV năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn âm 1.786 tỷ đồng quý III. Đây là lần đầu tiên Hoà Phát báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Lần gần nhất doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận một quý âm là cuối năm 2008.

Theo lý giải của Hoà Phát, kết quả kinh doanh đi xuống là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới; giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường. Tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của Công ty.

Sau giai đoạn thăng hoa, lợi nhuận của Hoà Phát bắt đầu giảm mạnh từ quý II/2022.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu, lợi nhuận của Hoà Phát lần lượt đạt gần 116.600 tỷ đồng (thép đóng góp 90%) và hơn 10.440 tỷ đồng. Các con số này tương ứng 76% và 39% kế hoạch năm.

Cuối tuần, người dân Hà Nội bị tạm cắt nước sạch sông Đà

Ngày 28/10, tại một số toà chung cư ở các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông…, ban quản lý các toà nhà bắt đầu dán thông báo về việc nguồn nước sinh hoạt bị gián đoạn để người dân chủ động có kế hoạch sinh hoạt.

Từ 20 giờ ngày 29/10 đến 15 giờ ngày 30/10, một số toà chung cư tại các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông… bị tạm cắt nước sạch sông Đà. Ảnh minh họa

Từ 20 giờ ngày 29/10 đến 15 giờ ngày 30/10, một số toà chung cư tại các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông… bị tạm cắt nước sạch sông Đà. Ảnh minh họa

Công ty CP Viwaco cho biết, đơn vị đã có thông báo gửi đến khách hàng về việc tạm ngừng cấp nước để đấu nối kỹ thuật tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Trước đó, Viwaco nhận được thông báo của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) là chủ đầu tư Nhà máy Nước sạch sông Đà về việc tạm ngừng cấp nước để đấu nối kỹ thuật, tiến tới vận hành một phần tuyến ống giai đoạn 2 của Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Dự kiến, thời gian tạm ngừng cấp nước từ 20 giờ ngày 29/10 đến 15 giờ ngày 30/10.

Đại diện Viwaco cho biết, sau khi cấp nước trở lại, một số khu vực dân cư ở địa thế cao hoặc cuối nguồn có thể có nước sạch chậm hơn thời gian dự kiến. Do vậy, người dân cần tích trữ nước để sử dụng tiết kiệm.

Chuyên đề