Bản tin thời sự sáng 29/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mỗi ngày có hơn 450 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu năm 2024; cất nóc công trình đầu tiên phục vụ quản lý bay tại sân bay Long Thành; Hà Nội đề nghị bổ sung ga kết nối với sân bay thứ hai Vùng Thủ đô; Bình Dương dự kiến đấu giá 59 khu đất, thu hơn 560.000 tỷ đồng…

Mỗi ngày có hơn 450 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu năm 2024

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 là 13.536 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý đây cũng là tháng 1 có doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất đoạn 2018 - 2024.

Tháng 1/2024 có số doanh nghiệp thành lập mới tăng đến gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái

Tháng 1/2024 có số doanh nghiệp thành lập mới tăng đến gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo số liệu được cung cấp từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 1/2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 27.335 doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2024 đạt 370.101 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 151.451 tỷ đồng, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Có 4.380 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong tháng 1/2024, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2023; số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 218.650 tỷ đồng, giảm 21,6%. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 1/2024 đạt 11,2 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có: hoạt động dịch vụ khác, tăng 64,4%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tăng 48,7%; vận tải kho bãi, tăng 44,3%...

Các ngành ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2023: thông tin và truyền thông, giảm 0,5%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, giảm 1,7%; sản xuất phân phối, điện, nước, gas, giảm 8,3%; dịch vụ lưu trú và ăn uống, giảm 10,2%… Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2024 là 13.799 doanh nghiệp, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 6/17 lĩnh vực. Trong đó, kinh doanh bất động sản với 645 doanh nghiệp, tăng 29,3%; thông tin và truyền thông với 355 doanh nghiệp, tăng 11,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.758 doanh nghiệp, tăng 6,9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với 216 doanh nghiệp, tăng 5,9%...

Cất nóc công trình đầu tiên phục vụ quản lý bay tại sân bay Long Thành

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam vừa tổ chức lễ cất nóc Nhà kỹ thuật thuộc khu vực cụm công trình trạm radar sơ cấp/thứ cấp và trạm phát sóng vô tuyến.

Cất nóc công trình tại hạng mục Nhà kỹ thuật thuộc khu vực cụm công trình Trạm radar sơ cấp/thứ cấp và Trạm phát sóng vô tuyến (PSR/SSR/Tx)

Cất nóc công trình tại hạng mục Nhà kỹ thuật thuộc khu vực cụm công trình Trạm radar sơ cấp/thứ cấp và Trạm phát sóng vô tuyến (PSR/SSR/Tx)

Nằm trong quần thể các công trình thuộc Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay, công trình nhà kỹ thuật được thiết kế gồm: các phòng lắp đặt thiết bị, phòng UPS (thiết bị cung cấp điện dự phòng), trực kỹ thuật, kho, phòng huấn luyện, phòng nghỉ ca, phòng khách và nhà bếp.

Công trình đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho hệ thống radar sơ cấp/thứ cấp cũng như trạm phát sóng vô tuyến thực hiện xác định vị trí, phương vị, độ cao, hướng bay, tốc độ… của tàu bay, góp phần bảo đảm hoạt động bay, hướng tới điều hành bay được an toàn, điều hòa, hiệu quả.

Theo lãnh đạo VATM, để tiến độ thi công được tối ưu hóa, từ thời điểm khởi công (9/2023) đến nay, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu thiết kế, thi công, tư vấn giám sát luôn phối hợp chặt chẽ, tập trung nguồn lực lập kế hoạch triển khai và tổ chức thi công.

Các hạng mục công trình luôn được sát sao từ giai đoạn thiết kế, dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Nhà nước và sự phù hợp, khả thi trên thực tế.

Công tác thi công, giám sát cũng liên tục được chủ đầu tư chỉ đạo, đôn đốc, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn.

Hà Nội đề nghị bổ sung ga kết nối với sân bay thứ hai Vùng Thủ đô

Hà Nội đề nghị tại khu vực phía Nam cần nghiên cứu, bổ sung 1 ga tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên trên tuyến đường sắt tốc độ cao để kết nối với cảng hàng không thứ hai Thủ đô và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực.

Đề nghị làm rõ quy hoạch hướng tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội

Đề nghị làm rõ quy hoạch hướng tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội

Theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội để thống nhất các nghiên cứu, làm cơ sở tổ chức triển khai, thực hiện.

Về hướng tuyến các tuyến đường sắt, phương án quy hoạch tuyến cần bổ sung làm rõ các nội dung như sau:

Đối với các tuyến đường sắt hướng tâm hiện có (5 tuyến, gồm: Hà Nội - TP.HCM; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên), tại Đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định nâng cấp thành đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa.

Tại dự thảo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối chưa xác định rõ phương án quy hoạch tuyến là đường sắt đơn/đôi, quy mô hành lang xây dựng tuyến.

Do vậy cần phải bổ sung làm rõ, xác định lộ trình, thời điểm phù hợp quy hoạch cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia để cập nhật vào các quy hoạch của Thành phố đang triển khai cũng như dự trữ quỹ đất hành lang bố trí các tuyến đường sắt quốc gia và triển khai dự án khi đủ điều kiện.

Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu từ ga Ngọc Hồi.

Đối với tuyến đường sắt vành đai phía Tây và đoạn tuyến vành đai phía Đông từ ga Ngọc Hồi đến cầu Mễ Sở, trên địa phận Hà Nội đã dự trữ quỹ đất dọc theo phía ngoài đường Vành đai 4 để xây dựng đường sắt.

Bình Dương dự kiến đấu giá 59 khu đất, thu hơn 560.000 tỷ đồng

Bình Dương đưa hơn 18.000 ha quỹ đất vào Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng còn nhiều quỹ đất có thể khai thác, đem về nguồn thu lớn

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng còn nhiều quỹ đất có thể khai thác, đem về nguồn thu lớn

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2024 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Đề án thiết lập 3 nguồn quỹ đất phục vụ phát triển đô thị, tổng cộng 59 khu đất với tổng diện tích hơn 18.000 ha. Từ đây, Bình Dương dự kiến có khoảng 560.359 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.

Trong đó, Tỉnh dự kiến thu khoảng 8.650 tỷ đồng từ 15 khu đất sạch với tổng diện tích gần 330 ha, có nguồn gốc thu hồi của tổ chức giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh tiếp nhận, đang quản lý.

Bên cạnh đó là 29 khu đô thị mới (kết hợp các điểm TOD) và khu vực phát triển đô thị, với tổng quy mô 17.650 ha. Phần lớn các dự án có vị trí dọc tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu, kết nối trực tiếp tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 và kết nối đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Tỉnh dự kiến thu được hơn 500.000 tỷ đồng (đã trừ giá trị bồi thường ước gần 590.000 tỷ đồng) từ các dự án này.

Ngoài ra, Đề án còn ước tính thu khoảng 630 tỷ đồng từ 8 khu đất có nguồn gốc là trụ sở các cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, với tổng quy mô 2,53 ha.

Đồng thời, 7 khu đất với tổng diện tích 187 ha, có nguồn gốc từ doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng, dự kiến đem về cho ngân sách gần 47.000 tỷ đồng.

Phấn đấu đưa ít nhất 130 km đường bộ cao tốc vào khai thác

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, trong năm nay, Bộ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; phấn đấu đưa vào sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc.

Trong năm nay, phấn đấu đưa vào sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc

Trong năm nay, phấn đấu đưa vào sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc

Theo chương trình này, Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia do Bộ là cơ quan chủ quản như các đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án thành phần 2 các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế dự toán để khởi công các dự án theo kế hoạch trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, nhất là các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền, các địa phương để nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công các dự án trọng điểm, có tính liên vùng như đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Dầu Giây - Liên Khương; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa – Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ sẽ phối hợp với UBND 2 thành phố để đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.

Khách qua bến xe tại Hà Nội dự kiến tăng 350% dịp tết Nguyên đán

Ước tính của 2 bến xe lớn Mỹ Đình, Giáp Bát, lượng hành khách dịp cao điểm tết Nguyên đán Giáp Thìn tăng 300 - 350%.

Dự kiến trong dịp Tết, các bến xe trên địa bàn Hà Nội sẽ đón hàng trăm nghìn lượt hành khách.

Dự kiến trong dịp Tết, các bến xe trên địa bàn Hà Nội sẽ đón hàng trăm nghìn lượt hành khách.

Ông Vương Duy Dũng - Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, đợt cao điểm vận chuyển sẽ diễn ra từ ngày 31/1 đến hết ngày 9/2.

Thông thường trong dịp này, khách sẽ dàn đều suốt đợt, tập trung cao hơn vào trước ngày 23 tháng Chạp và ngày bắt đầu nghỉ chính thức (8/2).

Theo ông Dũng, dự kiến trong thời gian phục vụ Tết, lượng khách qua bến sẽ tăng khoảng 300 - 350% so với ngày thường. Về cơ bản, lượng xe đang hoạt động hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu này. Tuy nhiên, một số tuyến như Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai… có thể xảy ra tình trạng tăng đột biến vào từng thời điểm.

Được biết, dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt phục vụ lễ, Tết là 1.400 xe. Riêng trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn tăng cường 982 xe. Trong đó, một số tuyến được bổ sung tăng cường lượng xe lớn gồm: Phú Thọ (70 xe), Cẩm Phả - Bãi Cháy - Móng Cái (70 xe), Yên Bái (125 xe) và Hòa Bình (125 xe).

Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng làm giảm tải lượng hành khách liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn.

Ở bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Hoàng Tùng - Giám đốc Bến xe nhận định, lượng hành khách dự kiến tăng khoảng 300% so với ngày thường. Để đáp ứng yêu cầu bến xe đã chủ động tăng 250 lượt xe/ngày, tăng 25%. Kiên quyết không cho xe nhồi nhét hành khách xuất bến.

Tại bến Gia Lâm lượt khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 300%, chủ yếu tập trung ở các tuyến như: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang...

Thông xe toàn tuyến đèo Prenn trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tỉnh báo cáo UBND Tỉnh thống nhất cho phép thông xe toàn tuyến đèo Prenn trước Tết Nguyên đán 2024.

Đèo Prenn sau khi được mở rộng

Đèo Prenn sau khi được mở rộng

Theo đó, sau khi kiểm tra điều kiện thông xe đoạn tuyến từ cầu Prenn đến thác Dantala thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng nhận thấy, đoạn tuyến từ cầu Prenn đến thác Dantala đã hoàn thành, bảo đảm chất lượng công trình theo đúng quy định và các điều kiện về an toàn lưu thông, chiếu sáng trên tuyến theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt đã hoàn thành.

Các hạng mục còn lại là giải pháp tăng cường hơn nữa công tác an toàn giao thông nên các điều kiện về an toàn giao thông, chiếu sáng trên tuyến cũng đảm bảo an toàn để thông xe toàn tuyến trước Tết Nguyên đán 2024 với tốc độ khai thác, vận hành trong giai đoạn trước mắt là 60 km/giờ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn từ 2 lên 4 làn đường, có tổng chiều dài 7,36 km, với tổng vốn đầu tư trên 552 tỷ đồng, được khởi công ngày 10/2/2023.

Vào ngày 14/12/2023, đoạn tuyến từ thác Dantala đến cuối tuyến đã được thông xe. Đoạn tuyến từ cầu Prenn đến thác Dantala dài 4,48 km được thông xe tạm thời trong thời gian từ ngày 29/12/2023 đến ngày 2/1/2024 để phục vụ dịp Tết Dương lịch và lễ kỷ niệm 130 năm TP. Đà Lạt hình thành và phát triển.

Chuyên đề