Bản tin thời sự sáng 28/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dự kiến thực hiện giao dịch lô lẻ trên HoSE từ ngày 12/9; hơn 43 triệu người đã có hộ chiếu vaccine; Khánh Hòa cách chức nhiều cán bộ huyện Cam Lâm liên quan phân lô hơn 2.300 nền đất; TP.HCM sắp có thêm hơn 2.000 căn nhà ở xã hội…

Dự kiến thực hiện giao dịch lô lẻ trên HoSE từ ngày 12/9

Sau nhiều lần lùi thời hạn, dự kiến ngày 12/9/2022 sẽ là thời điểm chốt cuối cùng để HoSE áp dụng thực hiện giao dịch lô lẻ...

Trong tháng 7 và 8/2022, HoSE và các công ty chứng khoán đã liên tục thử nghiệm giao dịch lô lẻ

Trong tháng 7 và 8/2022, HoSE và các công ty chứng khoán đã liên tục thử nghiệm giao dịch lô lẻ

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã báo cáo Ủy ban Chứng khoán về việc chốt thời hạn ngày 12/9 để thực hiện giao dịch lô lẻ.

Trước đó, HoSE dự kiến áp dụng thay đổi giao dịch lô lẻ trong tháng 7/2022. Vì vậy, Sở đã yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện thử nghiệm giao dịch lô lẻ trên toàn thị trường trong thời gian từ ngày 9/5 đến 20/5.

Sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm, HoSE yêu cầu các công ty chứng khoán thành viên phải gửi báo cáo kết quả về Sở trước ngày 25/5. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm có xuất hiện một vài lỗi, do đó chưa thể thực hiện được.

Tiếp đến, trong tháng 7 và 8/2022, HoSE và các công ty chứng khoán đã liên tục thử nghiệm với mục tiêu đảm bảo sự ổn định nhất để tránh rủi ro khi chính thức áp dụng giao dịch.

Trước đó, do tình trạng nghẽn lệnh, từ 4/1/2021, sàn HoSE đã buộc phải nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu. Đây là giải pháp tạm thời để giải quyết sự cố, giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh và hạn chế thiệt hại cho đa số nhà đầu tư, có lợi cho tổng thể thị trường.

Sau khi sự cố nghẽn lệnh được khắc phục, việc giao dịch lô lẻ (10 cổ phiếu) như trước đây vẫn chưa được thực hiện. Việc cho giao dịch lô lẻ trở lại sẽ giúp nhà đầu tư giải quyết được một số bất tiện trong giao dịch như bán cổ phiếu lẻ nhận từ các đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm...

Quảng Nam: Bắt tạm giam cựu Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Nam Giang

Ông Thái Minh Hoàng, cựu Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Nam Giang cùng đồng phạm bị cáo buộc nghiệm thu khống 3,1 tỷ đồng.

Cảnh sát đọc lệnh khởi tố và lệnh bắt ông Thái Minh Hoàng (bên trái) và Nguyễn Đình Tấn (ở giữa)

Cảnh sát đọc lệnh khởi tố và lệnh bắt ông Thái Minh Hoàng (bên trái) và Nguyễn Đình Tấn (ở giữa)

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Thái Minh Hoàng bị khởi tố, bắt tạm giam do vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đình Tấn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn giám sát Bách khoa.

Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Dự án Đường giao thông nối xã Zuôih, huyện Nam Giang với xã Lăng, huyện Tây Giang, dài 32 km, vốn đầu tư hơn 370 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 của Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng để mở tuyến đường dài 16 km.

Sau hơn 10 năm triển khai, Dự án còn ngổn ngang, toàn tuyến hơn 7 km đi lại trên đường sình lầy, nhiều đoạn cỏ cây mọc um tùm. Một số hạng mục như mương nước bị phủ kín bởi cây bụi, một số đoạn bị hư hỏng do sạt lở. Song công trình vẫn được nghiệm thu, giải ngân.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam cáo buộc, ông Hoàng (đại diện đơn vị chủ đầu tư) và ông Tấn (đại diện đơn vị tư vấn giám sát) đã nghiệm thu không đúng với thi công thực tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 3,1 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 7/2022, ông Thái Minh Hoàng đã bị khai trừ khỏi Đảng, buộc thôi việc.

Hơn 43 triệu người đã có hộ chiếu vaccine

Bộ Y tế đã bàn giao dữ liệu 17 triệu đối tượng tương ứng với 37 triệu mũi tiêm Covid-19 cần “làm sạch” dữ liệu cho Bộ Công an để rà soát, đối chiếu dữ liệu.

Đến nay, hơn 43 triệu người đã có hộ chiếu vaccine. Ảnh minh họa

Đến nay, hơn 43 triệu người đã có hộ chiếu vaccine. Ảnh minh họa

Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, đến nay đã có hơn 43 triệu người dân được ký xác nhận hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, về việc kết nối, chia sẻ, xác thực dữ liệu tiêm chủng Covid-19 với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện có khoảng 37 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 có mã số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân nhưng sai thông tin (họ tên, ngày sinh, thông tin khác…) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Nhằm hỗ trợ các cơ sở tiêm chủng trong việc “làm sạch” dữ liệu, Bộ Y tế đã thực hiện bàn giao dữ liệu 17 triệu đối tượng tương ứng với 37 triệu mũi tiêm Covid-19 cần “làm sạch” dữ liệu cho Bộ Công an để rà soát, đối chiếu dữ liệu và gửi lại Bộ Y tế để cập nhật lên hệ thống.

Khánh Hòa cách chức nhiều cán bộ huyện Cam Lâm liên quan phân lô hơn 2.300 nền đất

Nhiều lãnh đạo, cán bộ huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) bị kỷ luật do để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai, gây nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước.

Nhiều khu đất ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa bị chuyển đổi mục đích sử dụng trái quy định. Ảnh minh họa

Nhiều khu đất ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa bị chuyển đổi mục đích sử dụng trái quy định. Ảnh minh họa

Quyết định kỷ luật được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đưa ra trong cuộc họp xem xét sai phạm trong quản lý đất đai xảy ra ở huyện Cam Lâm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định cách chức ông Nguyễn Trí Tuân, Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm; bà Lê Phạm Thùy Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm; ông Lê Anh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lâm; cảnh cáo Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.

Ngoài ra, các ông Lương Dự, nguyên Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Cam Lâm; Nguyễn Hữu Hảo, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị xem xét kỷ luật.

Những cán bộ trên được xác định vi phạm quy chế làm việc và pháp luật đất đai, thiếu trách nhiệm lãnh đạo, kiểm tra ở giai đoạn 2018 - 2021 khi cho phép 114 trường hợp tặng, cho đất, hiến đất tự làm đường để tách 2.350 thửa với tổng diện tích hơn 57 ha.

Hơn một năm qua, huyện Cam Lâm trở thành điểm nóng phân lô, bán nền... Những sai phạm trên tác động xấu đến quy hoạch hạ tầng, quản lý đất đai, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước...

TP.HCM sắp có thêm hơn 2.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, cuối tháng 8, hai dự án nhà ở xã hội với 2.064 căn hộ sẽ được xây dựng ở Quận 7 và TP. Thủ Đức.

2.064 căn hộ nhà ở xã hội tại TP.HCM sẽ được xây dựng vào cuối tháng 8. Ảnh minh họa

2.064 căn hộ nhà ở xã hội tại TP.HCM sẽ được xây dựng vào cuối tháng 8. Ảnh minh họa

Tại Quận 7, dự án nhà ở xã hội nằm trong khu dân cư Tân Thuận Tây (phường Tân Thuận Tây và Bình Thuận) được động thổ ngày 30/8. Công trình có quy mô 1.300 căn hộ với tổng diện tích gần 12.800 m2. Nơi đây đã có các công trình hạ tầng kỹ thuật và giao thông kết nối.

Dự án tại TP. Thủ Đức nằm trong khu nhà ở thuộc phường Phú Hữu có tổng diện tích gần 19.000 m2, với 764 căn hộ giá rẻ. Vị trí này hiện đã có các khu nhà ở thương mại thấp tầng và hạ tầng kỹ thuật đầy đủ.

Ngoài hai công trình trên, cuối tháng 8, TP.HCM cũng triển khai ba dự án cải tạo, xây lại các chung cư cũ trên địa bàn Quận 1 và quận Tân Bình, quy mô gần 900 căn hộ. Trong đó, hai chung cư ở số 100 đường Cô Giang và số 23 Lý Tự Trọng, Quận 1; một chung cư ở số 350 đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình. Tổng diện tích ba dự án hơn 30.000 m2.

Các dự án nhà ở xã hội được TP.HCM triển khai nhằm giúp công nhân, lao động, người thu nhập thấp dễ tiếp cận do giá thấp. Việc này cũng nằm trong chương trình xây nhà giá rẻ thay thế chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, khu trọ...

Thống kê giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM xây được hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tại 19 dự án với gần 15.000 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho hơn 66.000 người. Giá trị đầu tư xây dựng được thẩm định cao nhất 15,5 triệu mỗi m2.

9 nhân viên y tế Lâm Đồng bị xác định nhận tiền của Việt Á

Bảy nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng và hai người ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng II bị xác định nhận gần 800 triệu đồng của Công ty CP Công nghệ Việt Á sai quy định.

Bảy nhân viên của CDC tỉnh Lâm Đồng bị xác định nhận tiền từ Công ty CP Công nghệ Việt Á sai quy định

Bảy nhân viên của CDC tỉnh Lâm Đồng bị xác định nhận tiền từ Công ty CP Công nghệ Việt Á sai quy định

Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, vừa kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Quốc Minh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CDC Lâm Đồng; khiển trách ông Huỳnh Ngọc Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng II. Lãnh đạo hai đơn vị này bị cho đã thiếu trách nhiệm để cán bộ, nhân viên nhận tiền của Công ty Việt Á.

Theo đó, trong quá trình mượn, mua, đấu thầu, chỉ định thầu kit test, sinh phẩm xét nghiệm, 7 nhân viên ở CDC tỉnh Lâm Đồng nhận của Công ty Việt Á hơn 753 triệu đồng (khắc phục 664 triệu đồng); 2 người ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng II nhận của công ty này 39,7 triệu đồng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định, khuyết điểm, vi phạm trên là nghiêm trọng, làm giảm sút uy tín tổ chức đảng, đơn vị, gây dư luận không tốt. Đảng ủy CDC tỉnh Lâm Đồng cũng bị cảnh cáo; Đảng ủy Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng II bị khiển trách. Một số cá nhân của hai đơn vị bị cảnh cáo.

Ngày 26/8, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Đạt và Nguyễn Thị Hoa, cán bộ Khoa Xét nghiệm của CDC Lâm Đồng về hành vi tham ô tài sản. Hai người bị cáo buộc có hành vi thông đồng chiếm đoạt kit xét nghiệm, vật tư tiêu hao, hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19, sau đó bán lại cho Công ty Việt Á nhằm thu lợi.

Chuyên đề