Bản tin thời sự sáng 28/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông xe kỹ thuật đường nghìn tỷ nối Khu kinh tế Vân Phong với Quốc lộ 1; đề xuất thí điểm mua nhà ở xã hội không cần điều kiện thường trú, tạm trú; vốn FDI của tỉnh Đồng Nai trong 3 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần; Chính phủ đề xuất cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước; đến hết năm 2021, cả nước còn gần 1,2 triệu ha đất chưa sử dụng...

Thông xe kỹ thuật đường nghìn tỷ nối Khu kinh tế Vân Phong với Quốc lộ 1

Tuyến đường nối từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, giúp thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Tuyến đường nối Quốc lộ 1 đi vào Khu kinh tế Vân Phong

Tuyến đường nối Quốc lộ 1 đi vào Khu kinh tế Vân Phong

Đường nối từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn được Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (chủ đầu tư) thông xe sáng 27/3, sau 7 năm thực hiện. Tuyến gồm 6 làn xe, dài hơn 14 km, rộng 34 m, hệ thống điện chiếu sáng và các hạng mục khác. Điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 1, điểm cuối tại xã Vạn Thạnh, đều thuộc huyện Vạn Ninh. Trong tổng mức đầu tư hơn 998 tỷ đồng, vốn Trung ương là 715 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, Dự án giúp kết nối giao thông khu vực, thu hút đầu tư các dự án lớn vào Khu kinh tế Vân Phong.

Khu kinh tế Vân Phong là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của Khánh Hòa. Nơi này hội tụ điều kiện thuận lợi và nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đa ngành, trở thành trung tâm kinh tế biển cả nước. Sau dự án nói trên, Khu kinh tế tiếp tục được đầu hệ thống giao thông dài 40 km, tổng vốn 3.000 tỷ đồng.

Đề xuất thí điểm mua nhà ở xã hội không cần điều kiện thường trú, tạm trú

Bộ Xây dựng đề xuất bỏ quy định người dân muốn mua nhà xã hội phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình.

Đề nghị bỏ điều kiện thường trú, tạm trú khi mua nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Đề nghị bỏ điều kiện thường trú, tạm trú khi mua nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Theo Bộ Xây dựng, việc quy định điều kiện về cư trú đã không còn phù hợp trong tình hình mới, đồng thời phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết. Chính vì vậy, Bộ đề xuất thí điểm bỏ quy định người dân muốn mua nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình.

Theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập.

Bộ Xây dựng cho rằng, việc này dẫn đến bất cập là những người thu nhập thấp, để thuê nhà ở xã hội (không mua bán, chuyển quyền sở hữu nhà ở) cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ chứng minh 3 điều kiện nêu trên.

Trong đó, việc quy định điều kiện về cư trú "phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này" đã không còn phù hợp trong tình hình mới, đồng thời phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Với những lý do như nêu trên, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng: Trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không cần đáp ứng các điều kiện như trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đảm bảo đồng thời 2 điều kiện về nhà ở (chưa có nhà ở, đất ở hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 10 m2), về thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân…

Vốn FDI của tỉnh Đồng Nai trong 3 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần

Trong số hơn 500 triệu USD vốn FDI của tỉnh Đồng Nai trong 3 tháng đầu năm, có 11 dự án cấp mới với số vốn đăng ký gần 50 triệu USD và 22 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 451 triệu USD.

Vốn FDI của tỉnh Đồng Nai trong 3 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần. Ảnh minh họa

Vốn FDI của tỉnh Đồng Nai trong 3 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần. Ảnh minh họa

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, 3 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đồng Nai đạt hơn 500 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tổng vốn FDI nêu trên, có 11 dự án cấp mới với số vốn đăng ký gần 50 triệu USD và 22 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 451 triệu USD.

Các dự án cấp mới, tăng vốn hầu hết từ các quốc gia châu Á, châu Âu. Đây đều là những dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề và thuộc lĩnh vực Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư. Đặc biệt, trong 11 dự án FDI cấp mới có 6 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, những tháng qua, thu hút FDI của Tỉnh khởi sắc, số dự án, số vốn đều tăng.

Theo ông Phạm Văn Cường, khó khăn lớn nhất trong thu hút FDI ở Đồng Nai là quỹ đất công nghiệp của Tỉnh còn rất ít. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Đồng Nai có 40 khu công nghiệp với diện tích khoảng 19.000 ha.

Đến nay, Tỉnh có 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy hơn 85%. Trong khi đó, 8 khu công nghiệp còn lại chưa thể xây dựng vì gặp các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu.

Chính phủ đề xuất cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước

Thường trực Chính phủ thống nhất sẽ đề xuất Quốc hội cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả nước và vùng lãnh thổ nhập cảnh Việt Nam.

Chính phủ đề xuất cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước

Chính phủ đề xuất cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề xuất Quốc hội nâng thời hạn e-visa từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước và vùng lãnh thổ. Thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh thuộc diện đơn phương miễn thị thực cũng được đề xuất nâng từ 15 lên 45 ngày.

Hiện e-visa do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Việt Nam đang cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước.

Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó đề xuất kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 3 tháng nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu dự kiến 650.000 tỷ đồng.

Đến hết năm 2021, cả nước còn gần 1,2 triệu ha đất chưa sử dụng

Việc thống kê diện tích đất đai được thực hiện và báo cáo trên phần mềm thống kê, kiểm kê đất đai (TK-Online và TK-Desktop) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đến hết năm 2021, cả nước còn gần 1,2 triệu hécta đất chưa sử dụng. Ảnh minh họa

Đến hết năm 2021, cả nước còn gần 1,2 triệu hécta đất chưa sử dụng. Ảnh minh họa

Ngày 27/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết quả thống kê diện tích đất đai trên phạm vi toàn quốc (tính đến ngày 31/12/2021).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, tổng diện tích tự nhiên cả nước tính đến hết năm 2021 là 33.134.480 ha.

Trong số đó, có 1.191.003 ha thuộc nhóm đất chưa sử dụng, bao gồm: 877.948 ha đất đồi núi chưa sử dụng; 194.103 ha đất mặt bằng chưa sử dụng; 118.952 ha núi đá không có cây rừng.

Phần diện tích 31.943.477 ha đất còn lại thuộc nhóm đất nông nghiệp (27.994.319 ha) và đất phi nông nghiệp 3.949.158 ha.

Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, hiện đất ở tại nông thôn có diện tích là 564.451 ha; đất ở tại đô thị có diện tích là 195.094 ha.

Để đảm bảo các loại đất trên được quản lý và sử dụng hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc công khai và cung cấp kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2021 của địa phương cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng thống nhất theo quy định.

Số liệu thống kê diện tích đất đai năm 2021 phải được thường xuyên kiểm tra, rà soát để cập nhật, chỉnh lý biến động vào kết quả thống kê đất đai năm 2022.

Việc thống kê diện tích đất đai được thực hiện và báo cáo trên phần mềm thống kê, kiểm kê đất đai (TK-Online và TK-Desktop) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hoãn xuất cảnh 2 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế gần 17 tỷ đồng

Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, việc hoãn xuất cảnh đối với lãnh đạo các doanh nghiệp là do doanh nghiệp còn nợ thuế.

Hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Ngày 27/3, đại diện Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị này đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 2 lãnh đạo doanh nghiệp do công ty chưa nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 24/3 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Nam, Giám đốc Công ty CP Sản xuất - Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Thành Tài Long An, thuộc Cụm Công nghiệp Long Định (xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Bà Nam là đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với số tiền nợ thuế gần 4,9 tỷ đồng. Số tiền trên chưa bao gồm tiền phạt chậm nộp tính từ thời điểm phát sinh nợ thuế đến thời điểm người nộp thuế nộp tiền theo quy định.

Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư cũng ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trương Hiếu, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Thành Tài.

Ông Hiếu đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Số tiền này chưa bao gồm tiền phạt chậm nộp tính từ thời điểm phát sinh nợ thuế đến thời điểm người nộp thuế nộp tiền thuế theo quy định.

Đại diện Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư cho biết thêm, các thông báo tạm hoãn xuất cảnh nêu trên đã được gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, nơi cư trú của hai giám đốc và địa chỉ đăng ký kinh doanh của hai doanh nghiệp.

Đề xuất thuê nhà từ 15 m2 mới được đăng ký thường trú Hà Nội

Trong dự thảo đang lấy ý kiến, Hà Nội quy định người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú trong nội thành phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2.

Dân số tăng dẫn đến quá tải hạ tầng, nhiều tuyến đường ở Hà Nội thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm

Dân số tăng dẫn đến quá tải hạ tầng, nhiều tuyến đường ở Hà Nội thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm

Hơn 3 tháng sau khi xin lùi thời gian thông qua dự thảo lần một, Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến lần hai vào dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Theo dự thảo mới, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2, giảm 5 m2 so với dự thảo lần một; khu vực ngoại thành là 8 m2 (17 huyện và thị xã Sơn Tây). Diện tích nhà ở tối thiểu tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.

Hà Nội lý giải quy định nói trên nhằm cụ thể hóa Luật Cư trú 2020, tạo cơ sở pháp lý để Thành phố quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố kỳ vọng thông qua nghị quyết này sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự, đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân.

Theo UBND TP. Hà Nội, ở một số tỉnh hoặc huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn. Số người đăng ký cư trú ở những khu vực này tăng nhanh và biến động nhiều ở nhóm có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ. Do đó, Luật Cư trú 2020 giao HĐND cấp tỉnh quyết định diện tích bình quân chỗ ở tối thiểu khi đăng ký thường trú nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Không thu phí 9.100 đồng/lượt từ tài xế taxi tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất

Lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khẳng định, cách thu phí taxi theo lượt với mức phí 9.100 đồng/lượt, Cảng sẽ không thu trực tiếp từ các tài xế theo từng chuyến, mà thu từ doanh nghiệp kinh doanh taxi theo tháng.

Taxi truyền thống di chuyển vào đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất

Taxi truyền thống di chuyển vào đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất

Vào giữa tháng 3/2023, Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất có gửi văn bản tới các hãng xe taxi mời hợp tác khai thác vị trí, mặt bằng cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô tại Cảng.

Trong kế hoạch lựa chọn đơn vị hạng mục, thay vì cho thuê vị trí làn xe với giá 47 - 55 triệu đồng/tháng như trước đây, Ban Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang đưa ra phương án thu phí theo lượt, với giá sàn bỏ thầu là 9.100 đồng/lượt xe 4 - 9 chỗ ngồi ở 18 vị trí đón khách ở làn C nhà ga quốc nội và ga quốc tế 4 vị trí làn B. Việc thu phí dự kiến được áp dụng thu theo lượt kể từ ngày 1/4/2023.

Lãnh đạo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng cho biết, mức phí 9.100 đồng/lượt không thu trực tiếp từ các tài xế theo từng chuyến. Sân bay có hệ thống kiểm đếm số lượt xe và hãng xe cũng có cách tính riêng. Cuối tháng, mỗi hãng sẽ thông báo tổng số lượt xe ra vào sân bay đón khách để tính mức phí chung cho cả tháng mà hãng xe phải chi trả để khai thác vị trí, mặt bằng đón khách tại sân bay.

Theo thông tin từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, vào sáng ngày 29/3, Cảng sẽ chính thức mở thầu, khi đó nếu các hãng taxi nào đồng thuận với mức phí và phương án thu phí theo lượt sẽ nộp hồ sơ tham gia. Cảng sẽ xét duyệt hồ sơ thầu để thống nhất thực hiện việc thay đổi thu phí và mức phí theo thông báo từ giữa tháng 3 sẽ áp dụng từ ngày 1/4 tới đây.

Khởi tố đối tượng phá rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Ba Bể

Liên quan đến vụ phát phá trái phép rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Ba Bể mới đây, Công an tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định khởi tố một đối tượng.

Hiện trường vụ phát phá trái phép rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) được phát hiện hồi đầu tháng 3

Hiện trường vụ phát phá trái phép rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) được phát hiện hồi đầu tháng 3

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn vừa ra Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Văn Du (quê quán xã An Khang, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; hiện trú tại thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại Khoản 1, Điều 243 Bộ luật Hình sự.

Từ kết quả điều tra, xác định, ngày 2/3/2023, Trần Văn Du đã thuê Ngô Văn Sùng, Thào Văn San, Vừ Văn Sậu, Vừ Văn Sùng, Dương Văn Tu, Vừ Văn Hùng và Dương Văn Dẩu (cùng trú tại thôn Cốc Slông, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) phá 2.850 m2 rừng đặc dụng tại lô 9, 10, 11 Khoảnh 1, Tiểu khu 77 thuộc thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn với số tiền công là 300.000đ/người/ngày.

Hiện, vụ việc đang được Cơ quan Công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

TP.HCM thu giữ hơn 26 tấn đường không có hạn sử dụng

Quản lý thị trường TP.HCM vừa tạm giữ 530 bao đường của một hộ kinh doanh ở Quận 6 vì không có hạn sử dụng và hóa đơn chứng từ.

530 bao đường tinh luyện không có hạn sử dụng

530 bao đường tinh luyện không có hạn sử dụng

Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế và các bên liên quan kiểm tra hộ kinh doanh đường ở Cao Văn Lầu, Phường 2, Quận 6.

Qua đó, nhà chức trách phát hiện 530 bao (26,5 tấn) đường tinh luyện các loại, phần lớn có xuất xứ Thái Lan nhưng trên bao bì không có ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Sản phẩm cũng chỉ có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Tổng giá trị lô hàng theo giá niêm yết hơn 450 triệu đồng. Hiện, toàn bộ hàng hóa đang bị tạm giữ để xử lý theo quy định. Đây là vụ thu giữ đường lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Hồi tháng 2, quản lý thị trường Thành phố cũng đã phát hiện hai lô đường nhập lậu tại các hộ kinh doanh ở Quận 6. Trong đó, tạm giữ 22,25 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất và 16,8 tấn đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ từ 2 hộ kinh doanh.

Cục Quản lý thị trường Thành phố cho biết, năm nay, cơ quan này tăng cường kiểm tra, giám sát để siết chặt hơn các hành vi kinh doanh trái phép không chỉ trên các địa bàn truyền thống mà cả online.

Chuyên đề