Bản tin thời sự sáng 28/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là học sinh Hà Nội đi học trở lại từ ngày 2/3; Thái Bình khởi công tuyến đường bộ gần 2.600 tỷ đồng; từ 27/2, đường sắt chạy lại nhiều tàu khách; hơn 1.000 người dập đám cháy rừng tại Lai Châu; cán bộ phải kê khai tài sản theo quy định mới trước 31/3…

Học sinh Hà Nội đi học trở lại từ ngày 2/3

Hơn 2 triệu học sinh từ mầm non đến THPT ở Hà Nội đi học trở lại vào ngày 2/3, theo quyết định ngày 27/2 của UBND TP. Hà Nội.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy đeo khẩu trang khi đến lớp vào tháng 5/2020

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy đeo khẩu trang khi đến lớp vào tháng 5/2020

Riêng học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ trở lại trường học tập trung vào ngày 8/3. Sinh viên sẽ do trường đại học tự chủ quyết định, tuy nhiên Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hà Nội kiến nghị các trường bắt đầu cho học trở lại từ 15/3 để đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người cùng một thời điểm.

Ngày 2/3 sẽ là buổi học tập trung đầu tiên của học sinh thủ đô sau một tháng nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19, chuyển sang học online. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn khi học sinh đi học trở lại, gia đình cần phối hợp với nhà trường để đảm bảo an toàn.

Hiện, 61 tỉnh, thành đã thông báo thời gian đi học trở lại của học sinh, trong đó nhiều tỉnh cho các em đến trường được 1 - 2 tuần. Chỉ còn Hải Dương, Hải Phòng chưa có thông báo mới. Từ ngày 1/3, ngoài Hà Nội, học sinh một số địa phương khác như Hưng Yên, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình... cũng đến trường học tập trung buổi đầu tiên sau Tết Nguyên đán.

Thái Bình khởi công tuyến đường bộ gần 2.600 tỷ đồng

Sáng 27/2, tại Thái Bình, Dự án Đường bộ đi TP. Hải Phòng với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng được khởi công. Sáng cùng ngày cũng diễn ra sự kiện hợp long cầu Trà Lý.

Cầu Trà Lý qua sông Trà Lý nằm trong Dự án Tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh, thành phố

Cầu Trà Lý qua sông Trà Lý nằm trong Dự án Tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh, thành phố

Tuyến đường bộ đi TP. Hải Phòng dài 21,28 km, điểm đầu tại xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, đấu nối với đường dẫn cầu vượt sông Hóa và điểm cuối đấu nối với đường Võ Nguyên Giáp, xã Đông Mỹ, TP. Thái Bình. Theo thiết kế, đường rộng 22,5 m với 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.586 tỷ đồng, xây dựng theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), dự kiến hoàn thành năm 2023.

Cũng trong sáng 27/2, cầu Trà Lý được hợp long. Cầu Trà Lý nằm trên tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

Cầu vượt bắc qua sông Trà Lý nối hai xã Thái Đô, huyện Thái Thụy và Đông Trà, huyện Tiền Hải. Cầu rộng 12 m, dài 1.210 m. Trong đó, cầu chính gồm 5 nhịp có chiều dài 481 m, được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng, nhịp chính dài 135 m. Cầu dẫn mỗi bên 9 nhịp dầm SuperT (mỗi nhịp 40 m).

Sau gần 10 tháng thi công, doanh nghiệp đầu tư Dự án và nhà thầu thi công công trình đã hoàn thành các hạng mục và hợp long, vượt 8 tháng so với kế hoạch.

Từ 27/2, đường sắt chạy lại nhiều tàu khách

Ba đôi tàu từ TP.HCM đi Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phan Thiết và ngược lại được ngành đường sắt chạy tăng cường từ 27/2 để phục vụ khách.

Khách đi tàu tại ga Sài Gòn

Khách đi tàu tại ga Sài Gòn

Ở chặng TP.HCM đi Quy Nhơn (Bình Định), tối 27/2, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức chạy tàu SQN2, xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 20h, đến Quy Nhơn lúc 9h43. Chiều ngược lại, tàu SQN1 rời Quy Nhơn lúc 13h10 chiều 28/2, đến TP.HCM lúc 4h sáng hôm sau.

Chặng TP.HCM đi Phan Thiết (Bình Thuận), tàu SPT2 từ ga Sài Gòn đón khách các ngày từ 5 đến 7/3 vào lúc 6h45, đến Phan Thiết lúc 10h29. Chặng ngược lại, tàu SPT1 cũng xuất phát từ Phan Thiết các ngày nói trên lúc 13h20, đến Sài Gòn lúc 17h52.

Trên tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi, đôi tàu SE25 và SE26 cũng được chạy từ ngày 28/2. Trong đó, tàu SE26 theo kế hoạch xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 14h30, đến Quảng Ngãi lúc 6h29 sáng 29/2. Tàu SE25 từ ga Quảng Ngãi xuất phát lúc 12h ngày 1/3, đến ga Sài Gòn lúc 4h51 sáng hôm sau.

Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, từ ngày 1/3 trên tuyến TP.HCM - Hà Nội, hai đôi tàu SE3, SE4 và SE7, SE8 cũng được chạy lại. Tuyến đi Nha Trang, tàu chất lượng cao SNT2 từ ga Sài Gòn xuất phát vào thứ 6 hàng tuần, lúc 20h30; tàu SNT1 chiều ngược lại về TP.HCM rời ga Nha Trang vào 20h tối Chủ nhật mỗi tuần. Riêng tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng, đôi tàu SE21 và SE22 cũng được chạy lại từ ngày 1 đến 7/3.

Các đoàn tàu nói trên trước đó chạy thường xuyên, nhưng khi dịch bùng phát đã bị giảm tần suất, điều chỉnh phù hợp lịch chạy, một số tàu phải hủy.

Hơn 1.000 người dập đám cháy rừng tại Lai Châu

Chính quyền huy động hơn 1.000 người gồm công an, quân đội, kiểm lâm... dập đám cháy rừng ở bản Nậm Dê, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu).

Tỉnh Lai Châu huy động hơn 1.000 người tham gia chữa cháy

Tỉnh Lai Châu huy động hơn 1.000 người tham gia chữa cháy

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, cho biết, đến 2h sáng 27/2, đám cháy rừng tại bản Nậm Dê đã cơ bản được khống chế sau nhiều lần bùng phát.

Trước đó, lửa lan ra từ tại một bụi cây trên nương rẫy. Ngọn lửa sau đó bùng phát dữ dội khiến người dân không thể dập tắt nên vội vàng báo lực lượng chức năng.

Tỉnh Lai Châu đã huy động hơn 1.000 người, gồm cả lực lượng chi viện của cảnh sát cơ động Công an tỉnh, bộ đội của Ban Chỉ huy quân sự tỉnh để dập lửa.

Lúc 23h ngày 26/2, đám cháy được khoanh vùng, tuy nhiên ít phút sau do gió lớn, ngọn lửa bùng phát trở lại và lan ra khu vực bên ngoài. Các lực lượng địa phương tổ chức dập lửa xuyên đêm.

Nơi xảy ra vụ cháy nằm ở độ cao hơn 1.300 m so với mặt biển, nhiều cây bụi, thảm thực vật, lau sậy và gió thổi mạnh nên lửa lan nhanh, gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy.

Nhà chức trách đang kiểm kê diện tích thiệt hại do vụ cháy; nguyên nhân ban đầu được xác định do một số người dân bất cẩn khi đốt nương làm rẫy.

Cán bộ phải kê khai tài sản theo quy định mới trước 31/3

Các cơ quan phải hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu trước ngày 31/3, theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Cán bộ phải kê khai tài sản theo quy định mới trước 31/3

Cán bộ phải kê khai tài sản theo quy định mới trước 31/3

Ngày 27/2, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này vừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định 130.

Các cơ quan được yêu cầu lập danh sách cán bộ, công chức, sĩ quan công an, quân đội và người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước..., để yêu cầu thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.

Người có nghĩa vụ kê khai nộp 2 bản cho tổ chức và phải hoàn thành trước ngày 31/3. Theo ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), số người phải kê khai lần đầu khoảng 3,5 đến 4 triệu người.

Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài...

Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hiệu lực vào 20/12/2020. Nhưng vì tính chất phức tạp, số lượng người phải kê khai nhiều, có nhiều điểm mới nên được triển khai từ đầu năm 2021.

Theo quy định hiện hành, việc kê khai tài sản, thu nhập gồm kê khai lần đầu áp dụng cho những người trong danh sách nêu trên; kê khai bổ sung được thực hiện khi xuất hiện biến động về tài sản, thu nhập trong năm giá trị từ 300 triệu đồng trở lên; kê khai hàng năm được thực hiện đối với những người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên (diện thu hẹp hơn so với kê khai lần đầu)...

TP.HCM: Metro số 5 giai đoạn 2 được nghiên cứu để tư nhân đầu tư

Metro số 5 giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc mới), dài 14,5 km được nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), thay vì nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Metro số 5 giai đoạn 2 được nghiên cứu để tư nhân đầu tư

Metro số 5 giai đoạn 2 được nghiên cứu để tư nhân đầu tư

Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim Bank) vừa có thư gửi UBND TP.HCM đề nghị được nghiên cứu đầu tư dự án này ở giai đoạn 2 theo phương thức PPP. Việc nghiên cứu sẽ thực hiện trên 3 mặt kỹ thuật, tài chính và pháp lý để đảm bảo tính khả thi. Ngân hàng này sẽ cấp vốn để cập nhật nghiên cứu tiền khả thi khi chuyển đổi đầu tư bằng nguồn vốn ODA sang PPP.

Metro số 5 giai đoạn 2 trước đây được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ nghiên cứu tiền khả thi. Tổng vốn cho Dự án khoảng 2,1 tỷ USD. Trước đó, có hai nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm, muốn làm Dự án.

Theo quy hoạch, Metro số 5 của TP.HCM dài hơn 24 km, lộ trình: Bến xe Cần Giuộc mới - Quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn.

Nguyên Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương bị bắt

Mở rộng điều tra vụ án 43 ha đất vàng tại Bình Dương vào tay tư nhân gây thiệt hại hơn trăm tỷ đồng, Bộ Công an bắt thêm 3 người, trong đó có nguyên Cục trưởng Cục Thuế.

Ông Lê Văn Trang, nguyên Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương

Ông Lê Văn Trang, nguyên Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương

Ngày 27/2, ông Lê Văn Trang, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương; Võ Thanh Bình, nguyên Cục phó, và một phó phòng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an bắt tạm giam 4 tháng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Cảnh sát cũng thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của các bị can, thu giữ tài liệu liên quan hành vi sai phạm.

Theo thiếu tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn của Bộ Công an, động thái này được thực hiện trong quá trình mở rộng điều tra các sai phạm trong chuyển nhượng khu đất 43 ha tại Bình Dương, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Khu đất do Tổng công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý, nằm ngay mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và đường Võ Văn Kiệt, gần Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - vị trí đắc địa bậc nhất tỉnh này.

Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố 7 người thuộc Tổng công ty này gồm: Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Trần Nguyên Vũ, Tổng giám đốc; Huỳnh Thanh Hải, nguyên Phó Tổng giám đốc; Lý Thanh Châu, Phó Tổng giám đốc; Đỗ Thị Thanh Thúy, Kế toán trưởng; Huỳnh Công Phát, nguyên thành viên Hội đồng thành viên, nguyên Phó Tổng giám đốc và Nguyễn Thế Sự, Trưởng ban Kiểm soát Công ty.

Chuyên đề