Không khí Hà Nội ở mức rất xấu
Hệ thống quan trắc không khí của Hà Nội phủ một màu đỏ thể hiện chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu, có 4 nơi mức rất xấu, sáng 27/12.
Bầu trời Hà Nội bao phủ lớp sương mù |
9h, cả 35 trạm quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hiển thị AQI mức 100 - 300, tương đương mức kém đến rất xấu. Trong đó chủ yếu ở mức xấu, 4 trạm mức rất xấu gồm số 36 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm AQI 239; đường Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm 212; Cầu Diễn - Nam Từ Liêm 204, Tứ Hiệp - Thanh Trì 202. Càng về trưa, chỉ số AQI có dấu hiệu xấu hơn.
Với AQI ở mức rất xấu, cơ quan môi trường cảnh báo người bình thường nên hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời; nếu phải ra ngoài cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Nhóm người nhạy cảm nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh.
Cùng lúc này hệ thống tổng hợp chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ ba thế giới với chỉ số AQI là 204, trong đó trạm tại Tây Hồ cao nhất 239. Trang này dự báo, ngày 28/12 khi tốc độ gió tăng lên 18 km/h, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ giảm đáng kể.
Hệ thống tổng hợp thiết bị quan trắc chất lượng không khí cá nhân Pam Air ghi nhận hàng chục điểm chỉ số AQI vượt 300, cảnh báo nguy hiểm, mọi người nên ở trong nhà. Theo hệ thống này, cá biệt có điểm đo tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh chỉ số AQI lên 413, quận Thanh Xuân 379, Đội Cấn (Ba Đình) 376.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới và UBND TP. Hà Nội cho rằng, hơn 40% dân số Thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới quy định.
Dữ liệu ghi lại từ bản đồ vệ tinh cho thấy, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng trong những tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 2) do ảnh hưởng của khí hậu, hướng gió và việc đốt rơm rạ.
Khoảng 1/3 bụi mịn PM 2.5 có trong không khí xung quanh đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong khi 2/3 còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài như các tỉnh lân cận, Đồng bằng sông Hồng và ô nhiễm xuyên biên giới.
Chuyển cơ quan điều tra các doanh nghiệp gian lận gần 700 tỷ tiền hoàn thuế
Cục Thuế tỉnh Đồng Nai vừa chuyển hồ sơ các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) sang cơ quan điều tra.
Cục Thuế Đồng Nai phát hiện nghi vấn gian lận gần 700 tỷ tiền hoàn thuế VAT |
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thiết bị điện LiOA Đồng Nai (TP. Biên Hòa) với 589 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang (huyện Cẩm Mỹ) với 90 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp trên có dấu hiệu vi phạm sử dụng hóa đơn đầu vào ở các lĩnh vực thiết bị điện, nông sản. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đang củng cố hồ sơ đối với Công ty M.V có đầu vào là hạt nhựa, dây nhựa với số tiền 30 tỷ đồng.
Năm 2023, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã xử lý 2.200 hồ sơ yêu cầu hoàn thuế với tổng số tiền được hoàn là trên 14.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới, cơ quan này đẩy mạnh các ứng dụng hỗ trợ của ngành, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tập hợp phân tích dữ liệu từ hóa đơn điện tử. Từ đó, kịp thời cảnh báo các doanh nghiệp rủi ro, có dấu hiệu mua bán bất hợp pháp hóa đơn đến các cơ quan thuế địa phương trên cả nước biết để phối hợp xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Gần 900 tuyến đường ở TP.HCM đủ điều kiện 'cho thuê' vỉa hè
Gần 900 đường chia theo 5 khu vực trên địa bàn thành phố có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên đủ điều kiện cho sử dụng một phần để giữ xe, kinh doanh… có thu phí.
Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 1, được kẻ vạch, sắp xếp chỗ để xe tự quản |
Danh sách vừa được Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM nêu trong công văn hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn từ 1/1/2024. Những tuyến khác nếu đủ điều kiện, các địa phương sẽ tiếp tục cập nhật.
Trong đó, có 207 tuyến thuộc khu vực 1 ở các quận: 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 277 tuyến ở khu vực 2 gồm các quận: 2 - nay thuộc thành phố Thủ Đức (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), 6, 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố), 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.
248 tuyến thuộc khu vực 3 ở các quận 8, 9 (cũ), 12, Thủ Đức (cũ), Tân Phú, Gò Vấp; 125 tuyến thuộc khu vực 4 ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi; và 11 tuyến thuộc huyện Cần Giờ - khu vực 5.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT, vỉa hè thuộc diện "cho thuê" phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ôtô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000 - 100.000 đồng/m2.
Theo trình tự cấp phép và thu phí, Sở GTVT sẽ đảm nhận những tuyến do cơ quan này quản lý. Quận, huyện sẽ thực hiện với các đường do địa phương quản lý. Theo Sở GTVT, việc thu phí cũng sẽ được thành phố áp dụng công nghệ, hạn chế dùng tiền mặt. Phương pháp này giúp tăng tính minh bạch, không phát sinh thêm nhân sự. Sở GTVT đang hoàn thiện đề xuất xây dựng phần mềm quản lý, sau đó sẽ công khai mức phí, phương thức thu, phương án khai thác... để người dân nắm thông tin cũng như giám sát.
Thưởng Tết cao nhất ở Hà Nội là 205 triệu đồng
Mức thưởng Tết Giáp Thìn cao nhất ở Hà Nội thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 205 triệu đồng, bằng một nửa so với năm trước.
Thưởng Tết cao nhất ở Hà Nội là 205 triệu đồng |
Ngày 27/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội báo cáo tình hình lương năm 2023, kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Quý Mão của 4 khối: công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ; công ty cổ phần có vốn chi phối của Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ, mức thưởng cao nhất Tết Giáp Thìn 20 triệu đồng, thấp nhất 500 nghìn đồng mỗi người, tương đương mức thưởng năm trước.
Đối với công ty cổ phần có góp vốn chi phối của Nhà nước, mức thưởng cao nhất 29,8 triệu, thấp nhất là 500 nghìn đồng, trong khi năm trước lần lượt là 35 triệu đồng và 550 nghìn đồng mỗi người.
Sau 3 năm liên tiếp đứng đầu, mức thưởng Tết của khối doanh nghiệp dân doanh năm nay giảm mạnh, cao nhất 90 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng, trong khi năm trước là 400 triệu đồng và 500.000 đồng mỗi người.
Mức thưởng khối doanh nghiệp FDI cũng giảm so với năm trước nhưng đứng đầu các khối, cao nhất là 205 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng, trong khi năm trước là 280 triệu đồng và 500 nghìn đồng mỗi người.
Thưởng Tết không phải là khoản cứng có trong quy định của luật lao động, không bắt buộc có mà phụ thuộc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiền thưởng Tết ở Hà Nội phần nào phản ánh thực trạng khó khăn của nền kinh tế trong năm qua khi mức cao nhất bằng nửa của năm ngoái.
Đến nay cả nước có khoảng 30 tỉnh thành công bố mức thưởng Tết Nguyên đán, trong đó cao nhất gần 5,7 tỷ đồng thuộc về doanh nghiệp vốn đầu tư Nhật Bản ở Long An, mức thấp nhất 20.000 đồng tại Cà Mau.
Xây khu tái định cư 1.000 căn cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Khu tái định cư thứ 2 của Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai tại xã Long Phước, huyện Long Thành, với quy mô 1.000 hộ dân.
Xe xúc, cẩu tại lễ khởi công dự án |
Ngày 27/12, UBND tỉnh Đồng Nai khởi công Dự án Khu tái định cư Long Phước rộng 34 ha. Đây là khu tái định cư thứ 2 của Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau Khu tái định cư Long Đức 30 ha quy mô hơn 800 căn triển khai đầu năm nay.
Khu tái định cư Long Phước rộng 34 ha, sau khi hoàn thành sẽ bố trí 1.048 lô đất với diện tích 80 - 125 m2, đáp ứng chỗ ở cho 4.000 - 4.500 người. Tổng mức đầu tư của Dự án gần 365 tỷ đồng, thời gian xây dựng trong 420 ngày.
Dự án nói trên được thực hiện trong bối cảnh tiến độ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn Đồng Nai chậm so với kế hoạch do công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, gồm cả các khu tái định cư.
Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km (riêng đoạn qua Đồng Nai dài 34 km), quy mô 4 - 6 làn xe, tổng đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Để triển khai Dự án, Đồng Nai thu hồi gần 400 ha của hơn 2.000 hộ dân ở TP. Biên Hòa và huyện Long Thành.
Thời gian tới, Đồng Nai xây thêm hai khu tái định cư tại phường Tam Phước, Phước Tân (TP. Biên Hòa) phục vụ chỗ ở cho hộ dân nằm trong dự án cao tốc.
Khởi tố cựu Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận
Cựu Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cùng các đồng phạm đã làm trái quy định pháp luật, gây thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng.
Công trình kiên cố hóa kênh mương hệ thống thủy lợi hồ Núi Đất - Suối Le, huyện Hàm Tân.. |
Sáng 27/12, VKSND tỉnh Bình Thuận cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với 4 bị can về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố ông Nguyễn Hoàng Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận), ông Hoàng Đức Hậu (nguyên Giám đốc Công ty Thi công cơ giới), ông Vũ Thông Phán (nguyên Phó Phòng kỹ thuật Công ty Khai thác thủy lợi Bình Thuận) và ông Trương Thanh Lương (nguyên cán bộ kỹ thuật Công ty Thi công cơ giới) về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo hồ sơ vụ án, Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận là doanh nghiệp nhà nước. Ngày 20/7/1996, công ty được đổi tên thành Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận. Đến ngày 2/2/2012, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc chuyển tên từ Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận thành Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận.
Từ năm 2002 đến năm 2015, với vai trò là người đứng đầu công ty, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, cùng Hoàng Đức Hậu, Vũ Thông Phán và Trương Thanh Lương để xảy ra một số vi phạm quy định về đầu tư công trình làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, tại gói thầu số 4 của công trình kiên cố hóa kênh mương hệ thống thủy lợi hồ Núi Đất - Suối Le, huyện Hàm Tân, mặc dù biết rõ được khối lượng thi công thực tế của đơn vị thi công nhưng các bị can vẫn cố ý thực hiện làm sai lệch kết quả giám sát thi công, thông đồng với nhau làm trái quy định pháp luật để nghiệm thu khối lượng cao hơn thực tế, gây thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng.
Hiện số tiền thiệt hại này đã được hoàn trả cho Nhà nước. Vụ án đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Bị phạt 36.000 đôla Singapore vì bán thực phẩm trái phép từ Việt Nam
Vận hành trái phép 2 kho lạnh và nhập khẩu trái phép một số sản phẩm thịt và hải sản từ Việt Nam, Viet-Sin Grocery bị phạt 36.000 đôla Singapore.
Hình ảnh một số tang vật được phát hiện |
Thông tin được Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) công bố. Viet-Sin Grocery đăng ký kinh doanh tại Singapore từ năm 2020. Theo SFA, công ty này đã 3 lần vi phạm việc vận hành kho lạnh và nhập khẩu trái phép một số sản phẩm thịt và hải sản từ Việt Nam.
Ngày 26/4/2022, SFA tìm thấy 1.784 kg thịt, thực phẩm chế biến từ thịt và hải sản trong một kho lạnh không có giấy phép vào tại Gambas Crescent. Tiếp đó, ngày 15/3/2023, SFA phát hiện kho lạnh khác hoạt động không phép tại Woodlands Close, lưu trữ khoảng 1.240 kg thịt, thực phẩm chế biến từ thịt và hải sản.
Mới nhất, khoảng 37 kg sản phẩm thịt các loại đã bị phát hiện đang phân phối tại một cửa hàng tạp hóa ở Woodlands. Hai kho lạnh và cửa hàng tạp hóa nói trên đều do công ty Viet-Sin điều hành. Các sản phẩm nêu trên được xác nhận là nhập khẩu từ Việt Nam, không có giấy phép nhập khẩu hợp lệ và có nguồn gốc chưa được công nhận. SFA đã thu giữ toàn bộ tang vật.
Theo quy định của Singapore, các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu của SFA và được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền. Mỗi lô hàng phải khai báo và kèm theo giấy phép nhập khẩu hợp lệ. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến trái phép các sản phẩm thịt từ nguồn cung không được cấp phép hoặc tàng trữ sản phẩm thịt để bán, nhưng không có giấy phép hợp lệ sẽ bị phạt đến 100.000 đôla Singapore, hoặc/và ngồi tù tới 3 năm, tùy mức độ vi phạm.
Để đảm bảo uy tín và hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm thường xuyên cập nhật thông tin quy định và lựa chọn các đối tác cho phù hợp.
Cơ quan này lưu ý Singapore có các quy định rất chặt chẽ về quá trình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, quy định về dán nhãn, các chất phụ gia, các thành phần ngẫu nhiên xuất hiện. Việc nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa, động vật tươi sống, thịt, cá được đánh giá là "rủi ro cao" và được SFA kiểm soát kỹ.