Bản tin thời sự sáng 28/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chính thức chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu; Bộ Giao thông vận tải kiến nghị 2 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đầu tư công; ngày 10/12 xét xử vụ vi phạm về đấu thầu xảy ra tại CDC Hà Nội; khai trương tuyến phà TP.HCM - Vũng Tàu…

Chính thức chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo đó, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ kéo dài 7 ngày.

Nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ kéo dài 7 ngày

Nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ kéo dài 7 ngày

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ tết từ ngày 10/2/2021 đến hết ngày 16/2/2021 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Đây cũng là phương án được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất trước đó. Với phương án này, việc nghỉ vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật vừa phù hợp vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn, số ngày nghỉ sau Tết bao gồm 3 ngày Tết và 2 ngày nghỉ bù (thứ bảy - Chủ nhật).

Công chức, viên chức chủ động thời gian đi lại, giao thông vận tải hành khách cũng đỡ bị áp lực vào thời gian trước Tết.

Cũng trong quyết định, Thủ tướng đã đồng ý phương án nghỉ lễ Quốc khánh năm 2021 sẽ bổ sung 1 ngày nghỉ liền kề sau ngày 2/9. Với phương án này, dịp nghỉ lễ Quốc khánh, công chức, viên chức được nghỉ 4 ngày từ ngày thứ năm 2/9 đến ngày Chủ nhật 5/9. Trong đó có 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh và 2 ngày nghỉ hàng tuần. Số ngày nghỉ này thuận tiện cho các hoạt động kỷ niệm, chào mừng ngày Quốc khánh, chuẩn bị vào năm học mới, đi du lịch và một số hoạt động khác của người dân.

Kiến nghị chuyển 2 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam không lựa chọn được nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) gồm Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã được kiến nghị chuyển sang dùng vốn đầu tư công.

Huy động máy móc triển khai thi công đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Huy động máy móc triển khai thi công đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua nội dung Dự thảo Báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Theo đó, 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư PPP sau đấu thầu gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Theo Dự thảo Báo cáo của Chính phủ, việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với hai dự án thành phần này rất cấp thiết, bởi khi chuyển sang đầu tư công, hai dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi đó, đến nay, cả hai dự án đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt khoảng 92%.

Mặt khác, khi chuyển đổi sang đầu tư công, hai dự án sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.

Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước.

Về nguồn vốn đầu tư, hai dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 5.201 tỷ đồng) và Nghi Sơn - Diễn Châu (tổng mức đầu tư 7.300 tỷ đồng) khi chuyển sang đầu tư công sẽ sử dụng nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Ngày 10/12 xét xử vụ vi phạm về đấu thầu xảy ra tại CDC Hà Nội

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định Nguyễn Nhật Cảm đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế, ấn định mức giá gói thầu là 9,5 tỷ đồng.

Một số bị cáo trong vụ án

Một số bị cáo trong vụ án

Sáng 27/11, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định vào ngày 10/12 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày.

Trong vụ án này, ngoài bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội), còn có 9 bị cáo phải hầu Tòa gồm: Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hoàng Kim Thư, Lê Xuân Tuấn (cán bộ CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy, Nguyễn Thanh Tuyền cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, với động cơ vụ lợi, từ đầu tháng 2/2020, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh thuộc các công ty tư nhân kinh doanh vật tư y tế để nâng giá mua các máy, thiết bị y tế thuộc Gói thầu số 15 cho CDC Hà Nội trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường; câu kết với bị cáo Nguyễn Trần Duy gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định Gói thầu số 15 theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu.

Sau đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm chỉ đạo và giao cho các nhân viên dưới quyền thuộc CDC Hà Nội hợp thức hóa toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để Công ty MST trúng thầu theo đúng giá thỏa thuận từ trước, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Khai trương tuyến phà TP.HCM - Vũng Tàu

Sau nhiều lần trễ hẹn, tuyến phà biển đầu tiên từ TP.HCM đi Vũng Tàu sẽ vận hành trong tháng 12/2020.

Phà Thriving 8 được khai thác cho hành trình TP.HCM - Vũng Tàu

Phà Thriving 8 được khai thác cho hành trình TP.HCM - Vũng Tàu

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An cho biết, bến phà ở Cần Giờ và Vũng Tàu đang tích cực thi công để kịp tiến độ vận hành vào tháng 12 tới. Do quá trình đấu thầu, xây dựng mất nhiều thời gian dẫn đến Dự án trễ hẹn.

Tuyến phà biển có cự ly khoảng 15 km, hành trình khoảng 30 phút - nhanh hơn so với nhiều loại hình giao thông khác từ TP.HCM đi Vũng Tàu.

Phà biển được thiết kế hai thân theo công nghệ Australia với chiều dài 45 m, rộng 10 m, công suất 2.900 mã lực, tốc độ tối đa 24 hải lý/giờ, đáp ứng cả việc chở khách và hàng hóa.

Có hai phà cỡ lớn chở được 350 người, 20 ôtô, 100 xe máy, hàng hóa hoạt động. Mỗi ngày sẽ có khoảng 24 chuyến, mỗi chuyến cách nhau 60 phút.

Phà biển xuất phát từ bến đò Tắc Suất ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM đến bến Vũng Tàu ở gần trụ sở Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu tại địa chỉ Phường 1, TP. Vũng Tàu.

Bỏ quy định ô tô dưới 9 chỗ phải lắp bình cứu hỏa

Sau 4 năm có hiệu lực, quy định ô tô dưới 9 chỗ phải lắp bình cứu hỏa được bãi bỏ từ ngày 10/1/2021.

Xe ôtô từ 4 chỗ đến 9 chỗ sẽ không bắt buộc trang bị bình cứu hoả

Xe ôtô từ 4 chỗ đến 9 chỗ sẽ không bắt buộc trang bị bình cứu hoả

Ngày 27/11, đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn thuộc Bộ Công an cho biết, nội dung trên được thể hiện trong Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Quy định bắt buộc ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa được Chính phủ ban hành năm 2014. Bộ Công an sau đó hướng dẫn chi tiết, quy định các loại xe từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột loại dưới 4 kg, bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg.

Mục đích của quy định này là giúp người dân nhận thức và tự trang bị để phòng tránh tổn thất lớn khi cháy nổ.

Nay Nghị định 136/2020 không bắt buộc ô tô 4 chỗ đến 9 chỗ ngồi phải trang bị bình cứu hỏa; còn các phương tiện trên 9 chỗ ngồi vẫn phải lắp bình cứu hỏa, phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất và đặc điểm hoạt động.

Bốn năm trước, khi quy định ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa có hiệu lực, một số bình cứu hỏa mini để trong xe đã phát nổ do đặc thù khí hậu Việt Nam. Ngoài ra, nhiều hãng xe không thiết kế nơi để bình cứu hỏa gây khó khăn cho tài xế.

Kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng

Đây là một trong những nội dung Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Sở giao dịch vàng sẽ giúp tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước và quốc tế để đảm bảo không có chênh lệch lớn về giá như hiện nay

Sở giao dịch vàng sẽ giúp tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước và quốc tế để đảm bảo không có chênh lệch lớn về giá như hiện nay

Yếu tố cơ bản và quan trọng nhất của Sở giao dịch vàng là tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước và quốc tế để đảm bảo không có chênh lệch lớn về giá như hiện nay, cũng như thị trường có tính thanh khoản cao, đẩy lùi hoạt động xuất nhập khẩu vàng lậu đang diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, để Sở giao dịch vàng phát huy tác dụng và không bị lợi dụng, cần có cơ sở pháp lý chặt chẽ như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng, hạn mức giao dịch, tỷ lệ ký gửi, quy trình thanh toán bù trừ, điều kiện thành viên...

Thời điểm năm 2012, thị trường vàng có nhiều bất ổn, tình trạng các cơn sốt vàng thường xuyên xảy ra nên Nghị định 24/2012/NĐ-CP vào thời điểm đó là phù hợp và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên đến nay, sau 8 năm, thị trường vàng đã cơ bản ổn định và một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành theo hướng hội nhập quốc tế nên nhiều quy định tại nghị định này không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới của Chính phủ.

Chuyên đề