Bản tin thời sự sáng 28/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tuyến đại lộ từ TP. Thanh Hóa đi Sầm Sơn được mở rộng lên 70 m; tỷ lệ đặt vé nhiều đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh thành dịp Tết rất cao; Ngân hàng ACB lãi trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng; Tiền Giang đầu tư 2.000 tỷ đồng xây đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định…

Tuyến đại lộ từ TP. Thanh Hóa đi Sầm Sơn được mở rộng lên 70 m

Đại lộ Nam Sông Mã dài hơn 17 km sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe cơ giới, có dải phân cách giữa, vỉa hè… với tổng vốn đầu tư toàn tuyến gần 4.000 tỷ đồng.

Phương tiện cơ giới được nhà thầu tập kết chuẩn bị thi công Dự án

Phương tiện cơ giới được nhà thầu tập kết chuẩn bị thi công Dự án

Ngày 27/1, UBND TP. Sầm Sơn khởi công Dự án đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn hai, bắt đầu từ phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa đến phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn. Trong đó, đoạn qua Sầm Sơn dài 5,8 km, đoạn qua TP. Thanh Hóa dài 11,4 km. Cùng với Quốc lộ 47, đây là tuyến giao thông huyết mạch thứ hai cho xe ra vào thành phố biển Sầm Sơn hiện nay.

Đoạn khởi công ở Sầm Sơn là dự án thành phần dài 1,9 km thuộc các phường Quảng Châu và Quảng Tiến với số vốn hơn 330 tỷ đồng từ ngân sách.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, đại lộ Nam Sông Mã sẽ hoàn thành nâng cấp giai đoạn hai. Ước tính để mở rộng tuyến đường, TP. Thanh Hóa sẽ chi ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng, TP. Sầm Sơn chi gần 940 tỷ đồng.

Đại lộ Nam Sông Mã sẽ được nâng cấp từ hiện trạng 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ lên thành 8 làn xe cơ giới với bề rộng 67 - 70 m, trong đó mặt đường 28 m, dải phân cách giữa rộng 16 m và vỉa hè hai bên rộng 16 m. Ngoài ra còn có hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, thoát nước... Thời gian hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng khoảng cuối năm 2025.

Tỷ lệ đặt vé nhiều đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh thành dịp Tết rất cao

Chặng bay từ TP.HCM đi, đến các tỉnh, thành trước và sau Tết có tỷ lệ đặt chỗ cao, trải đều trong các ngày từ 2 - 9/2 và giảm dần từ các ngày sau Tết Âm lịch 2024.

Nhiều chặng bay từ TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp kín chỗ

Nhiều chặng bay từ TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp kín chỗ

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, các chặng bay từ TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp kín chỗ mặc dù các hãng hàng không liên tục bổ sung tăng chuyến.

Cụ thể, chặng TP.HCM - Buôn Ma Thuột có tỷ lệ đặt chỗ dao động từ 82 - 100%, TP.HCM - Đà Nẵng từ 79 - 95%, TP.HCM - Hải Phòng từ 87- 93%, TP.HCM - Thừa Thiên Huế từ 86 - 98%, TP.HCM - Pleiku từ 84 - 98%, TP.HCM - Tuy Hòa từ 80 - 83%, TP.HCM - Thanh Hóa từ 83 - 92%, TP.HCM - Quy Nhơn từ 82 - 100%, TP.HCM - Chu Lai từ 80 - 97%, TP.HCM - Quảng Bình từ 88 - 106%, TP.HCM - Vinh từ 86 - 94%.

Chiều về từ các sân bay địa phương đến TP.HCM có nhiều chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao, một số chặng đã bán hết vé trong một số ngày cao điểm sau Tết Âm lịch (từ 11 - 19/2, tức mùng 4 - 10 tháng Giêng).

Đơn cử, chặng Buôn Ma Thuột - TP.HCM dao động từ 75 - 100%, Cà Mau - TP.HCM từ 77 - 100%, Hải Phòng - TP.HCM từ 83 - 94%, Huế - TP.HCM từ 91 - 96%, Pleiku - TP.HCM từ 94 - 100%, Tuy Hòa - TP.HCM 80 - 99%, Thanh Hóa - TP.HCM 83 - 98%, Quy Nhơn - TP.HCM từ 86 - 102%, Chu Lai - TP.HCM từ 93 - 99%, Đồng Hới - TP.HCM từ 86 - 105%, Vinh - TP.HCM từ 85 - 95%.

Tại đường bay trục TP.HCM - Hà Nội có tỷ lệ đặt trước trong giai đoạn từ 1 - 9/2 (tức 22 - 30 tháng Chạp) ở mức trung bình, từ 56 - 82%, trong đó các ngày 3 - 4/2 và 7/2 đạt trên 80%.

Chiều ngược lại ở giai đoạn này, tỷ lệ đặt chỗ chỉ đạt từ trên 40% đến hơn 60%. Giai đoạn từ 13 - 18/2 (tức 4 - 9 tháng Giêng), đường bay Hà Nội - TP.HCM có tỷ lệ đặt chỗ cao. Ngoại trừ ngày 13/2 tỷ lệ này đạt trên 51%, các ngày còn lại đều trên 80%, trong đó các ngày 17 - 18/2 tỷ lệ là 93 - 94%.

“So với tuần trước, các hãng hàng không tiếp tục bổ sung thêm các chuyến bay từ TP.HCM tới các sân bay địa phương và ngược lại trên các chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao với 324 chuyến tăng thêm, tương ứng gần 61.000 ghế,” lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin thêm.

Ngân hàng ACB lãi trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng

Lãi đột biến từ mua bán chứng khoán đầu tư là nguyên nhân chính giúp ACB ghi nhận mức lãi kỷ lục trong năm 2023.

ACB đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra tại Đại hội đồng cổ đông

ACB đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra tại Đại hội đồng cổ đông

Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB (HoSE: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt trên 20.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Tính riêng quý IV/2023, nhà băng này đã ghi nhận hơn 7.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết mảng kinh doanh của ngân hàng đều tăng trưởng trong quý vừa qua.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý IV/2023 giảm gần 2,6%, đóng góp 6.289 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 21,5% xuống còn 927 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm mạnh 90% còn gần 14 tỷ.

Tuy nhiên, điểm sáng là khoản lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư trong quý IV/2023 tăng mạnh lên gần 1.360 tỷ đồng, từ mức nền thấp chỉ gần 3 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Cũng trong quý cuối cùng của năm 2023, ACB trích lập dự phòng chi phí rủi ro tín dụng gần 322 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí hoạt động trong kỳ, ngân hàng này thu về khoản lãi trước thuế hơn 5.043 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập cũng tăng tương ứng, đạt hơn 4.000 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, ACB lãi trước thuế gần 20.100 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm trước. Kết quả lợi nhuận này đã hoàn thành 100% kế hoạch cổ đông ngân hàng đề ra và còn là mức lãi trước thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACB.

Tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản của ACB mở rộng 18% so với đầu năm, chạm mức gần 718.800 tỷ đồng. Quy mô tín dụng đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng gần 18% so với đầu năm và cao hơn mức 13,7% bình quân ngành.

Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 10 năm trở lại đây của ACB, chỉ nhờ chính sách cho vay linh hoạt với tình hình thị trường.

Tiền Giang đầu tư 2.000 tỷ đồng xây đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định

Nhằm kiện toàn hạ tầng giao thông, kết nối thành phố Mỹ Tho - đô thị trung tâm tỉnh với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang đầu tư gần 2.000 tỷ đồng triển khai Dự án Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương là 1.350 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Tỉnh.

Thiết bị thi công Gói thầu xây lắp phân đoạn 1 thuộc Dự án Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định

Thiết bị thi công Gói thầu xây lắp phân đoạn 1 thuộc Dự án Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang - đơn vị được giao làm Chủ đầu tư cho biết, khi đưa vào sử dụng, Dự án giúp hoàn thiện kiến thiết hạ tầng giao thông thủy bộ kết nối Tiền Giang - Long An và khu vực các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án kết hợp chỉnh trang đô thị Mỹ Tho cũng như góp phần phòng, chống sạt lở hai bờ sông Bảo Định. Bên cạnh đó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống triều cường, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân trong vùng Dự án thuộc phạm vi hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Đồng thời, thúc đẩy liên kết phát triển du lịch bền vững giữa tỉnh Tiền Giang và Long An, đặc biệt là du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Dự án bao gồm nhiều hạng mục công trình như xây dựng tuyến đường giao thông dọc hai bờ sông Bảo Định có tổng chiều dài gần 10.000 m, trong đó tuyến giao thông bờ phía Bắc sông Bảo Định dài trên 6.700 m và tuyến đường bờ Nam dài trên 3.200 m.

Trên toàn tuyến xây dựng 3 cầu bê tông dự ứng lực, xây dựng bờ kè bê tông cốt thép dự ứng lực bảo vệ bờ sông với tổng chiều dài 10.280 m, đồng thời bố trí hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng cho toàn tuyến, xây dựng 3 công viên cùng với mảng không gian xanh dọc theo tuyến đường hai bên bờ tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp và văn minh.

Theo Chủ đầu tư, dự kiến thời gian triển khai thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2027.

Dừng mở rộng đường ven đồi Cù, Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tạm dừng thực hiện Dự án mở rộng đường Trần Quốc Toản chạy dọc hồ Xuân Hương do đang rà soát đầu tư, xây dựng.

Đường Trần Quốc Toản chạy dọc hồ Xuân Hương và đồi Cù

Đường Trần Quốc Toản chạy dọc hồ Xuân Hương và đồi Cù

Nội dung trên được nêu trong văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp ký ban hành.

Dự án được UBND TP. Đà Lạt đề xuất hồi tháng 9/2023, dài hơn 1,5 km, vốn đầu tư 55 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuyến đường khi triển khai sẽ chuyển mục đích sử dụng hơn 3,3 ha đất phía sân golf đồi Cù.

Đồi Cù rộng hơn 62 ha, nằm cạnh thắng cảnh hồ Xuân Hương. Năm 1920, người Pháp thiết kế nơi đây thành sân golf, một thời gian nơi này được sử dụng vào mục đích khác. Đến năm 1994, địa điểm này trở thành sân golf. Đồi Cù là một trong ít địa điểm ở trung tâm Đà Lạt có nhiều mảng xanh, ít bị đô thị hóa, bê tông hóa.

Hồi tháng 3/2023, chính quyền TP. Đà Lạt phát hiện Công ty CP Hoàng Gia Đà Lạt xây dựng hai công trình sai và không phép quy mô lớn ở đồi Cù. Chủ đầu tư sau đó bị xử phạt 240 triệu đồng và phải tháo dỡ công trình vi phạm.

Bắt nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe ở Lào Cai

Phạm Trường Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai vừa bị cơ quan chức năng bắt giữ để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Nơi ở của bị can Phạm Trường Minh tại TP. Lào Cai

Nơi ở của bị can Phạm Trường Minh tại TP. Lào Cai

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, Phạm Trường Minh, Phó Trưởng phòng Thanh tra, khảo thí Trường Cao đẳng Lào Cai (nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ngoài nơi làm việc, cơ quan chức năng cũng tiến hành khám xét nơi ở của bị can tại Tổ 17, phường Bắc Lệnh, TP. Lào Cai.

Phạm Trường Minh bị tạm giữ để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chuyên đề