Bản tin thời sự sáng 27/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hợp long cầu Trần Hoàng Na gần 800 tỷ đồng bắc qua sông Cần Thơ; Hà Giang cần thêm 1.000 tỷ đồng cho cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; tiếp tục hỗ trợ tiền cho lao động mất việc; ngày 26/8 mất điện toàn đảo Cát Bà…

Hợp long cầu Trần Hoàng Na gần 800 tỷ đồng bắc qua sông Cần Thơ

Cầu vòm thép Trần Hoàng Na dài gần 600 m, rộng 23 m, bắc qua sông Cần Thơ, liên kết Quốc lộ 1A với trung tâm Thành phố được hợp long ngày 26/8, sau 3 năm thi công.

Hợp long nhịp dọc phía thượng lưu cầu Trần Hoàng Na

Hợp long nhịp dọc phía thượng lưu cầu Trần Hoàng Na

Trưa ngày 26/8, đoạn dầm dọc bằng thép cuối cùng dài 53 m, nặng 150 tấn được đơn vị thi công dùng hai cẩu 150 - 200 tấn cùng sà lan 2.000 tấn vận chuyển, lắp đặt vào nhịp giữa cầu Trần Hoàng Na (phía thượng lưu).

Nhà thầu sẽ tiếp tục thi công và hợp long đoạn vòm thép hình chữ X, trọng lượng hơn 300 tấn giữa cầu vào giữa tháng 9. Sau khi cân chỉnh, cố định, ngày 19 - 20/9, nhà thầu sẽ lắp đặt dầm dọc cùng kích thước, trọng lượng còn lại của cầu Trần Hoàng Na bên phía hạ lưu.

Giao thông thủy trên sông Cần Thơ, đoạn qua khu vực cầu Trần Hoàng Na bị hạn chế trong 3 đợt hợp long. Theo Ban Quản lý dự án ODA (chủ đầu tư), đến nay, cầu Trần Hoàng Na đã hoàn thành 88%. Cầu dẫn hai bờ, dải phân cách giữa, gờ lan can và tường chắn hộp đã hoàn thành.

Dự án cầu Trần Hoàng Na có vận tốc thiết kế 60 km/h, tổng mức đầu tư 791 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, khởi công tháng 9/2020. Công trình dự kiến hoàn thành tháng 7/2022 nhưng bị chậm tiến độ, sau đó được gia hạn đến cuối năm 2023.

Trong tổng chiều dài cầu gần 600 m, có 3 nhịp chính bằng thép. Trong đó, nhịp giữa chính dài 150 m, hai nhịp hai bên cùng dài 49 m. Hơn 4.000 tấn thép được nhập khẩu từ Hàn Quốc để xây 3 nhịp chính này.

Trần Hoàng Na là cây cầu thứ ba bắc qua sông Cần Thơ kết nối khu đô thị Nam Cần Thơ diện tích hơn 1.800 ha (quận Cái Răng) với quận trung tâm Ninh Kiều, sau cầu Quang Trung và Hưng Lợi.

Hà Giang cần thêm 1.000 tỷ đồng cho cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, do khó khăn trong việc huy động nguồn vốn nên đến nay, ngân sách địa phương mới cân đối được khoảng 1.000 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Hà Giang mới cân đối được khoảng 1.000 tỷ đồng cho cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh minh họa

Hà Giang mới cân đối được khoảng 1.000 tỷ đồng cho cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc hỗ trợ nguồn vốn cho Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1, quy mô 2 làn xe), đoạn qua tỉnh Hà Giang.

Theo Bộ GTVT, Dự án được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2198/QĐ-UBND ngày 5/12/2022, chiều dài 27,45 km, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 4 làn xe.

Dự án có tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: ngân sách trung ương hỗ trợ 1.154 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí 2.044 tỷ đồng, hoàn thành năm 2025. Dự án đã khởi công vào tháng 5/2023 và đang triển khai thi công.

Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, do khó khăn trong việc huy động nguồn vốn nên đến nay, ngân sách địa phương mới cân đối được khoảng 1.000 tỷ đồng cho Dự án.

"Để bố trí đầy đủ nguồn vốn đầu tư Dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chủ động rà soát, cân đối nguồn lực theo kinh phí đã được phê duyệt; Trường hợp không thể cân đối được cho Dự án, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia hỗ trợ Dự án. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai", Bộ GTVT nêu rõ.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 104,5 km, là dự án giao thông nhóm A, nằm trong Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân cấp cho UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án đầu tư.

Tiếp tục hỗ trợ tiền cho lao động mất việc

Theo Quyết định số 7785/QĐ-TLĐ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người động vừa được ban hành, Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tục hỗ trợ người bị giảm giờ làm, ngừng việc, mất việc từ ngày 1/4 đến 31/12 với số tiền 1 - 3 triệu đồng từ kinh phí công đoàn.

Tổng liên đoàn lao động tiếp tục hỗ trợ người bị giảm giờ làm, ngừng việc

Tổng liên đoàn lao động tiếp tục hỗ trợ người bị giảm giờ làm, ngừng việc

Người thụ hưởng phải đóng kinh phí công đoàn trước 1/4, có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp trước lúc bị ảnh hưởng ít nhất 30 ngày với người ngừng việc, 90 ngày với người mất việc.

Lao động bị giảm giờ làm hoặc ngừng việc trên 14 ngày mà tổng thu nhập bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu vùng (3,32 - 4,68 triệu đồng) thì được hỗ trợ 1 triệu đồng. Người tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương (trừ lý do cá nhân) nhận hỗ trợ 2 triệu đồng.

Lao động mất việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ 3 triệu đồng, trừ người đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định, bị sa thải, thử việc không đạt yêu cầu.

Người mất việc, giảm giờ làm từ 1/10/2022 đến hết 31/3/2023 đã nộp hồ sơ mà công đoàn chưa thẩm định hoặc ra quyết định hỗ trợ thì thực hiện tiếp.

Trước ngày 15 hằng tháng, công đoàn cơ sở rà soát và nhắc doanh nghiệp tổng hợp danh sách người đủ điều kiện hưởng hỗ trợ để gửi lên trên. Công đoàn nhận hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2024, giải ngân hạn cuối ngày 31/3/2024. Tổng kinh phí dự kiến 145 tỷ đồng.

Đây là chính sách nối tiếp của gói hỗ trợ hồi tháng 1/2023. Qua nửa năm giải ngân, hơn 81.600 lao động được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 114,5 tỷ đồng.

Người mất việc tập trung ở phía Nam như TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Hậu Giang. 75% trong số đó thuộc doanh nghiệp FDI; khoảng 8% là lao động nữ trên 35 tuổi, 5% đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

150 tỷ đồng xây kè chống sạt lở hai khu vực nguy hiểm ở TP.HCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị xây kè chống sạt lở hai đoạn bờ sông ở TP. Thủ Đức và huyện Nhà Bè, tổng chiều dài hơn 500 m, kinh phí 150 tỷ đồng.

Hiện trường một vụ sạt lở ven rạch Giồng - sông Kinh Lộ (huyện Nhà Bè, TP.HCM)

Hiện trường một vụ sạt lở ven rạch Giồng - sông Kinh Lộ (huyện Nhà Bè, TP.HCM)

Phương án trên vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân, tổ chức ở ven bờ. Hai địa điểm dự kiến xây kè đều đang có mức độ sạt lở nguy hiểm trên địa bàn.

Trong đó, có khoảng 400 m ở bờ trái rạch Giồng - sông Kinh Lộ, thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Khu vực này đang có 22 hộ sinh sống. Vị trí còn lại bên sông Đồng Nai, sát Trạm Cảnh sát đường thuỷ Cát Lái, thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức. Đoạn này dài khoảng 145 m, bờ sông đang bị xói lở, hàm ếch, xuất hiện nhiều vết nứt, ảnh hưởng trực tiếp đến trụ sở của trạm cảnh sát.

Sở Giao thông vận tải tính toán, trong tổng kinh phí xây kè chống sạt lở cho hai khu vực trên, phần giải phóng mặt bằng chiếm hơn 26 tỷ đồng, xây lắp khoảng 90 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý, dự phòng... Thời gian thực hiện Dự án từ nay đến năm 2025.

Gần đây, trên địa bàn TP.HCM xảy ra nhiều vụ sạt lở ảnh hưởng hàng loạt hộ dân, tổ chức. Hồi tháng 6, đoạn bờ kè ở bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, dài 120 m bị lún sụt làm nhiều nhà dân bị nứt, Thành phố phải di dời khẩn cấp 15 hộ.

Thống kê ở TP.HCM hiện có 32 vị trí nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng khoảng 1.328 hộ dân. Trong đó, nhiều nhất là TP. Thủ Đức với 8 điểm. Kế đến là Nhà Bè, Cần Giờ, mỗi huyện có 7 vị trí. Huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, mỗi địa phương có 4 điểm...

Ngày 26/8 mất điện toàn đảo Cát Bà

Đảo Cát Bà (TP. Hải Phòng) bị mất điện khoảng 2 ngày sau khi tàu hàng làm đứt đường điện 35 KV ở khu vực cửa Lạch Huyện.

Đường dây 35 KV cấp điện cho đảo Cát Bà bị đứt

Đường dây 35 KV cấp điện cho đảo Cát Bà bị đứt

Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng cho biết, hồi 16h10 ngày 26/8, đường dây 35 KV ở cột vượt biển luồng Lạch Huyện cấp điện cho đảo Cát Bà bị tàu hàng va vào làm đứt. Sự cố khiến toàn bộ đảo Cát Bà bị mất điện.

UBND huyện đảo Cát Hải đang phối hợp các ngành chức năng làm rõ và xử lý vụ việc, dự kiến 17h ngày 28/8, đảo Cát Bà sẽ được cấp điện trở lại.

Theo UBND huyện Cát Hải, thời điểm này, du khách đến đảo Cát Bà không còn quá đông dịp cuối tuần như cách đây 1 tháng. Tuy nhiên, việc mất điện trong 2 ngày sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của khoảng 20.000 người dân trên đảo. Khách sạn, nhà nghỉ sẽ phải sử dụng máy phát để cấp điện phục vụ du khách trong thời gian này.

Tháo dỡ 12 biệt thự sai phép ở Nha Trang

Các công trình xây sai phép tại Dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) sẽ bị chính quyền tháo dỡ trong tháng 9.

Những biệt thự xây sai phép phải tháo dỡ

Những biệt thự xây sai phép phải tháo dỡ

Chiều 26/8, ông Nguyễn Công Danh, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường, cho biết, trong các công trình xây sai phép, 5 biệt thự sẽ bị tháo dỡ từ ngày 10/9, dự kiến trong tháng 9 sẽ hoàn thành.

Tổng chi phí tháo dỡ chiều cao 5 biệt thự hết hơn 9,7 tỷ đồng, đã được chính quyền TP. Nha Trang bố trí. Hiện chủ 2 công trình đã tự giác tháo dỡ phần vi phạm. Chính quyền sẽ cưỡng chế tháo dỡ 7 biệt thự còn lại trong tháng 10.

Dự án Ocean View Nha Trang do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thiên Nhân II xây từ năm 2009, gồm 69 lô biệt thự, mật độ xây dựng 40 - 60%, xây không quá 3 tầng. Tuy nhiên, 15 căn đã xây sai quy hoạch, trong đó có công trình xây đến 8 tầng, mật độ xây dựng 100%.

Sau khi phát hiện xây sai phép, từ cuối năm 2021, chính quyền TP. Nha Trang đã yêu cầu tháo dỡ, song đến nay mới có 3 công trình hoàn thành tháo dỡ phần vi phạm. Ông Nguyễn Công Danh cho biêt, việc tháo dỡ chậm hoàn thành do chưa được bố trí nguồn kinh phí cưỡng chế.

Vừa qua, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất thời gian thực hiện cưỡng chế các công trình này đến hết năm 2024, rút ngắn 2 giai đoạn tháo dỡ. TP. Nha Trang sẽ ứng kinh phí tháo dỡ, sau đó thu hồi từ chủ công trình. Nếu chủ công trình không chấp hành sẽ bị phong tỏa tài khoản, lô đất ngừng giao dịch.

Chủ tịch LDG bị phạt hơn nửa tỷ đồng vì chậm công bố tin bán cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phạt Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG Nguyễn Khánh Hưng hơn 520 triệu đồng vì "bán chui" 2,6 triệu cổ phiếu.

Ủy ban Chứng khoán vừa phạt Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng hơn 520 triệu đồng. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán vừa phạt Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng hơn 520 triệu đồng. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Nguyễn Khánh Hưng. Ngoài phạt tiền, ông Hưng còn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.

Tại phiên giao dịch ngày 15/8, ông Hưng đã bán 2,6 triệu cổ phiếu LDG mà không thực hiện công bố thông tin trước khi giao dịch. Chủ tịch HĐQT LDG giải thích, từ ngày 8/8 đến 15/8, ông có một số chuyến công tác xa nên đã thực hiện "thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ" và giao cho thư ký công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, do thư ký là nhân sự mới, chưa nắm quy định nên đã dẫn đến sai sót, chậm trễ trong quá trình công bố thông tin. Ngay sau khi phát hiện các sai sót, ông Hưng đã yêu cầu xử lý bổ sung để đảm bảo đúng quy định và dừng mọi giao dịch sau đó.

Chủ tịch LDG cũng khẳng định, việc giao dịch cổ phiếu này thuộc về cá nhân ông, không phải là giao dịch cổ phiếu do Công ty sở hữu và không liên quan đến các quyền lợi của LDG. Đồng thời, giao dịch này cũng không liên quan đến các quyền lợi giữa Công ty với đối tác, khách hàng.

Tại phiên họp thường niên của Công ty LDG hôm 23/8, ông Hưng cũng xin lỗi cổ đông và khẳng định không có âm mưu gì trong việc này. Chủ tịch LDG nói rằng, thời gian qua, ông và các lãnh đạo Công ty đã phải dùng tài sản cá nhân để giúp đỡ Công ty trong lúc khó khăn.

Chuyên đề