Bản tin thời sự sáng 27/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị dỡ phong tỏa tài sản của cựu lãnh đạo TP.HCM liên quan các vụ án; nhà đầu tư ngoại liên tục rút tiền khỏi chứng khoán; ngân hàng sẽ giảm 0,5% lãi suất khoản vay cũ; Tiền Giang đầu tư 200 tỷ đồng nâng cấp đê biển Gò Công…

Đề nghị dỡ phong tỏa tài sản của cựu lãnh đạo TP.HCM liên quan các vụ án

Bộ Công an vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về việc đề nghị dỡ phong tỏa đối với khu đất vàng thuộc sở hữu, đứng tên 7 cựu cán bộ, lãnh đạo Thành phố liên quan vụ án đã xét xử.

Khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM

Khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM

Theo đó, trong quá trình điều tra, để đảm bảo thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát và việc thi hành án trong các vụ án: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại khu đất 15 Thi Sách (phường Bến Nghé, Quận 1); Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1); Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại khu đất 8 - 12 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, Quận 1), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng tạm dừng giao dịch chuyển nhượng toàn bộ tài sản do 7 bị can sở hữu, đứng tên.

Đến nay, các vụ án trên đã được đưa ra xét xử theo đúng quy định pháp luật và bản án đã có hiệu lực. Vừa qua, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội và Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có công văn xác nhận 7 người trên đã thi hành xong các nghĩa vụ theo quyết định thi hành án.

Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của 7 người này, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng không tiếp tục thực hiện việc tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đối với toàn bộ tài sản thuộc sở hữu, đứng tên của họ.

Nhà đầu tư ngoại liên tục rút tiền khỏi chứng khoán

Phiên cuối tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán gần 1.200 tỷ đồng, trong khi chỉ mua 840 tỷ, qua đó nối dài mạch bán ròng năm phiên liên tiếp.

Phiên cuối tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán gần 1.200 tỷ đồng

Phiên cuối tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán gần 1.200 tỷ đồng

VHM chịu áp lực bán mạnh nhất ngày 26/5 với hơn 100 tỷ đồng. Tiếp đến là VND, HSG, CTG với giá trị xả hàng dao động 45 - 60 tỷ đồng.

Tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán khoảng 5.560 tỷ đồng trong khi mua vào chưa đến 3.200 tỷ đồng, tức giá trị bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng. Dòng tiền của khối ngoại chủ yếu rút khỏi cổ phiếu ngành chứng khoán, ngân hàng, thép và bất động sản.

Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến ở cổ phiếu STG vào cuối tuần trước, đây là tuần thứ 8 liên tiếp khối ngoại rút ròng bất chấp thị trường đón nhiều thông tin tích cực như Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất điều hành, một số doanh nghiệp bất động sản tái khởi động dự án.

Động thái bán quyết liệt của khối ngoại là một trong những nguyên nhân khiến VN-Index mắc kẹt dưới vùng giá 1.070 điểm. Chỉ số duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch phiên cuối tuần, nhưng trong khoảng 15 phút cuối thì nhanh chóng đảo chiều xuống dưới tham chiếu. Chỉ số đóng cửa tại 1.063 điểm, giảm chưa đến 1 điểm so với ngày 25/5 và giảm 4 điểm so với cuối tuần trước.

Thanh khoản thị trường ngày 26/5 chưa đến 11.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với ngày 25/5, xuống mức thấp nhất trong nửa tháng trở lại đây.

Ngân hàng sẽ giảm 0,5% lãi suất khoản vay cũ

Các ngân hàng thương mại dự kiến giảm 0,3 - 0,5% lãi suất cho vay với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ ngày 29/5.

Các ngân hàng thương mại dự kiến giảm 0,3 - 0,5% lãi suất cho vay với tất cả khách hàng hiện hữu

Các ngân hàng thương mại dự kiến giảm 0,3 - 0,5% lãi suất cho vay với tất cả khách hàng hiện hữu

Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ. Động thái này diễn ra sau cuộc họp giữa lãnh đạo các nhà băng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

NHNN gần đây thường xuyên tổ chức các cuộc họp với ngân hàng thương mại, yêu cầu những đơn vị neo lãi suất cao và chênh lệch lớn so với đầu vào có sự điều chỉnh để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Trước đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước và một vài nhà băng tư nhân đã chủ động giảm lãi suất đồng loạt với các khoản vay cũ. Cụ thể, Vietcombank đã có hai đợt giảm lãi suất với các khoản vay hiện hữu, áp dụng từ đầu năm tới hết tháng 7. Agribank giảm 0,5% lãi suất với khoản vay trung, dài hạn từ 15/5 đến hết 30/9. Tại nhóm tư nhân, ACB giảm từ 0,5% đến 2% cho khách hàng cũ có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất.

Theo báo cáo của Chính phủ, bình quân lãi suất cho vay mới ba tháng đầu năm là 9,3%, nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.

NHNN hôm 25/5 đã giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5%/năm. Đây là lần thứ hai nhà điều hành giảm trần lãi suất huy động từ đầu năm tới nay. Trước đó, đầu tháng 4, trần lãi suất tiền gửi 1 - 6 tháng điều chỉnh từ 6% xuống 5,5%. Ngày 14/3, NHNN cũng giảm 1% các loại lãi suất điều hành gồm tái chiết khấu và cho vay qua đêm.

Theo NHNN, đó là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay.

NCB muốn bán cổ phần Bamboo Airways với giá hơn 5.500 đồng một cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) muốn bán 203 triệu cổ phần Bamboo Airways với giá hơn 5.500 đồng mỗi cổ phiếu.

Tính đến đầu tháng 5, số cổ phần NCB sở hữu tương đương 11% vốn của Bamboo Airways

Tính đến đầu tháng 5, số cổ phần NCB sở hữu tương đương 11% vốn của Bamboo Airways

Nội dung này đang được NCB xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông bằng văn bản. Ngân hàng này cho biết, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý số cổ phần Bamboo Airways để sớm thu hồi vốn.

Trong số 203 triệu cổ phần này, một số là tài sản đảm bảo của FLC cho các khoản vay của Bamboo Airways tại NCB. Ngoài NCB, FLC và cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng từng dùng cổ phần của Bamboo Airways để thế chấp cho các khoản vay tại OCB, Sacombank.

Theo phương án NCB đề xuất, giá chuyển nhượng 203 triệu cổ phần Bamboo Airways bằng dư nợ gốc và lãi của khoản vay thế chấp, cộng thêm lãi phát sinh trong thời gian chờ nhận thanh toán. Phương thức chuyển nhượng là thỏa thuận.

Ngân hàng cho biết, giá trị chuyển nhượng số cổ phần trên tạm tính đến ngày 28/4 bằng 20% vốn điều lệ của NCB tại báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán. Đến hết năm ngoái, NCB có vốn điều lệ khoảng 5.600 tỷ đồng. Như vậy, giá chuyển nhượng tạm tính của 203 triệu cổ phần Bamboo Airways mà NCB đang nắm khoảng 1.120 tỷ đồng, tương ứng 5.518 đồng/cp.

"Việc chuyển nhượng theo phương thức thoả thuận, với giá chuyển nhượng như đề xuất sẽ giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện, sớm thu hồi đủ vốn cho NCB", Ngân hàng giải thích trong tờ trình cổ đông.

Tính đến đầu tháng 5, số cổ phần NCB sở hữu tương đương 11% vốn của Hãng hàng không Bamboo Airways. Sắp tới, Bamboo Airways dự kiến phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần, tương ứng tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng. Trong đó, 772 triệu cổ phần phát hành, tương ứng giá trị 7.720 tỷ đồng để hoán đổi cho chủ nợ, 378 triệu cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược. Hiện tại, vốn điều lệ của hãng bay này là 18.500 tỷ đồng.

Tiền Giang đầu tư 200 tỷ đồng nâng cấp đê biển Gò Công

Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2, tổng vốn 200 tỷ đồng được triển khai nhằm bảo vệ 35.000 ha đất canh tác cùng tài sản hàng chục nghìn hộ.

Máy xúc thi công Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công

Máy xúc thi công Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công

Ngày 26/5, ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, sau nhiều lần tạm ngưng do thời tiết không thuận lợi (mùa gió chướng nên sóng lớn), Dự án vừa được tái khởi động.

Công trình gồm ba hạng mục: đê giảm sóng dài 5,4 km; nâng cấp đoạn kè rọ đá bảo vệ bãi rác xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông và gia cố kè bằng đá hộc; phần cống dưới đê.

Dự án có tổng kinh phí 200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương, dự kiến hoàn thành sau hai năm. Khi hoàn thành, công trình sẽ hạn chế tình trạng sạt lở, khôi phục diện tích đất đã bị xói lở và có thể bảo vệ bờ biển khi có bão cấp 10.

Đê biển Gò Công hình thành từ hơn 90 năm trước từ con đê nhỏ bảo vệ lúa một vụ. Sau nhiều năm bị thiên tai, nhất là ảnh hưởng các cơn bão lớn, công trình bị xuống cấp, nhiều diện tích rừng phòng hộ bị mất, đe dọa đời sống người dân.

Phạt Công ty Hóa chất Việt Trì gần 1 tỷ đồng vì gây ra sự cố chất thải

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định xử phạt gần 1 tỷ đồng đối với Công ty CP Hóa chất Việt Trì (trụ sở chính ở phố Sông Thao, phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) do có hành vi vi phạm gây sự cố chất thải cấp cơ sở.

Trụ sở Công ty CP Hóa chất Việt Trì

Trụ sở Công ty CP Hóa chất Việt Trì

Theo văn bản công bố công khai thông tin vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, công ty này đã có hành vi vi phạm gây sự cố chất thải cấp cơ sở, quy định tại Nghị định 45/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 2 đến dưới 4 trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 800 m3/ngày (24 giờ)...

Hình thức xử phạt chính bằng tiền và áp dụng khắc phục hậu quả với tổng số tiền là 985.538.222 đồng, đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở trong thời hạn 4 tháng 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Công ty phải báo cáo kết quả khắc phục hậu quả trước ngày 30/6/2023. Thời gian công khai thông tin là 30 ngày.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư