Thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế giá trị gia tăng
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.
Thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế giá trị gia tăng |
Chiều tối 26/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích ban hành Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Dự án Nghị quyết, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
TP.HCM sẽ làm Metro Bến Thành - Tham Lương bằng vốn ngân sách
Thành phố sẽ triển khai tuyến Metro số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương dài hơn 11 km bằng ngân sách thay vì vốn ODA như kế hoạch.
Hướng tuyến Metro số 2 |
Phương án triển khai tuyến tàu điện Bến Thành - Tham Lương được nêu trong thông báo kết luận của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM. Đây là dự án metro thứ hai của Thành phố, sau tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chuẩn bị chạy thương mại vào ngày 22/12.
Ban cán sự đảng UBND TP.HCM thống nhất chủ trương sử dụng ngân sách Thành phố để triển khai các phần việc tiếp theo của Dự án thay vì dùng vốn ODA từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) như tính toán trước đây; đồng thời bổ sung công trình kết nối tuyến tàu điện này với Metro số 1 tại ga Bến Thành, Quận 1.
Chính quyền Thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) phối hợp các bên liên quan hoàn thiện phương án thực hiện. Trong đó, các đơn vị cần đánh giá tác động toàn diện về những vấn đề phát sinh, đồng thời xác định Metro số 2 là dự án thí điểm các cơ chế từ Đề án phát triển đường sắt đô thị, theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Để chuẩn bị cho việc triển khai, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM được giao phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án huy động vốn phù hợp. Việc này cần báo cáo lại UBND TP.HCM trước 30/11.
Metro Bến Thành - Tham Lương có mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, dài hơn 11 km, trong đó hơn 9 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot. Tuyến tàu điện này qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, kết nối khu trung tâm về cửa ngõ phía Tây Bắc. Dự án được phê duyệt cách đây hơn chục năm, qua nhiều lần điều chỉnh, hiện dự kiến hoàn thành năm 2030.
SCB dừng dịch vụ Internet Banking từ ngày 12/12
SCB khuyến nghị khách hàng cá nhân nên sử dụng dịch vụ SCB Mobile Banking để không làm gián đoạn các giao dịch trực tuyến.
SCB thông báo dừng dịch vụ Internet Banking cho khách hàng cá nhân kể từ ngày 12/12 |
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa gửi thông báo tạm dừng triển khai dịch vụ Internet Banking (qua trình duyệt website) dành cho khách hàng cá nhân kể từ ngày 12/12.
Ngân hàng này đồng thời khuyến nghị khách hành sử dụng dịch vụ SCB Mobile Banking (qua ứng dụng điện thoại, máy tính bảng) để tiếp tục thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Ngân hàng đồng thời lưu ý khách hàng cần sử dụng giấy tờ tùy thân là căn cước công dân có gắn chip để đăng ký và sử dụng dịch vụ này.
Thời gian gần đây, SCB liên tục điều chỉnh, tạm ngừng nhiều dịch vụ, tiện ích. Trước đó, ngân hàng này cũng thông báo tạm ngừng xếp hạng Hội viên SCB Premier mới từ ngày 10/11; tạm ngừng áp dụng chính sách ưu đãi đặc quyền cho Hội viên SCB Premier từ ngày 10/12. Việc thu phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ của khách hàng từ tháng 12 được áp dụng theo chính sách hiện hành của SCB.
Ngoài ra, Ngân hàng cũng nhiều lần điều chỉnh hạn mức giao dịch chuyển tiền nhanh NAPAS 247. Trong lần điều chỉnh mới nhất (18/11), SCB áp dụng hạn mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/thẻ/ngày đối với giao dịch rút tiền trong nước và 10 triệu đồng/lần/ngày/khách hàng đối với giao dịch chuyển tiền nhanh Napas 247.
Không chỉ tạm ngừng một số dịch vụ, SCB còn liên tục đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch trên toàn quốc. Mới nhất vào đầu tháng 11, SCB đóng cửa 9 phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành. Còn trong tháng 10, SCB đã chấm dứt hoạt động 11 phòng giao dịch.
Như vậy tính từ hồi tháng 6 năm ngoái đến nay, Ngân hàng đã chấm dứt tổng cộng 130 phòng giao dịch. Quy mô phòng giao dịch của SCB đang bị thu hẹp đáng kể sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Về phía SCB, Ngân hàng luôn khẳng định việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch sẽ không làm ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch chính thức khác của SCB.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện phương án xử lý đối với ngân hàng SCB trong tháng 12.
Mỗi lượng vàng giảm gần 2 triệu đồng
Vàng miếng và nhẫn trơn giảm gần 2 triệu đồng một lượng trong hai ngày đầu tuần.
Ngân hàng bán vàng ở Hà Nội |
Từ chiều 25/11 đến sáng 26/11, các thương hiệu kinh doanh vàng trong nước nhiều lần điều chỉnh biểu giá vàng theo diễn biến đi xuống của thị trường quốc tế.
Sáng 26/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 82,8 - 85,3 triệu đồng, giảm 1,3 triệu đồng so với cuối chiều 25/11. Giá loại vàng này tại 4 ngân hàng quốc doanh cũng về 85,3 triệu một lượng.
Nhẫn trơn cũng hạ khoảng 1 triệu đồng một lượng so với cuối chiều 25/11. Mức chênh giá mua và bán tại các thương hiệu lớn được nới rộng lên từ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi lượng.
Tại SJC, nhẫn trơn xuống 82,7 - 84,7 triệu đồng. DOJI niêm yết giá mua bán ở 82,3 - 84,6 triệu một lượng, còn tại PNJ quanh 83,1 - 84,6 triệu đồng.
Như vậy trong hai phiên giao dịch đầu tuần, mỗi lượng vàng miếng và nhẫn trơn giảm gần 2 triệu đồng một lượng.
Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng hạ gần 100 USD, neo quanh 2.625 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 80,7 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện quanh 3,5 - 4,5 triệu đồng một lượng.
Đề xuất miễn thuế thu nhập khi bán tín chỉ carbon
Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập với chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu cho cá nhân và doanh nghiệp.
Cồn Chim tại hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đầm Thị Nại (Bình Định) |
Tại tờ trình Chính phủ về xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Bộ Tài chính cho rằng cần bổ sung quy định về miễn, giảm thuế phù hợp với một số ngành, lĩnh vực để phù hợp điều kiện mới.
Theo đó, Bộ này đề xuất nghiên cứu miễn thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành. Trước đó, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp cũng được đề nghị miễn thuế với hoạt động này.
Nhà chức trách cũng đề xuất miễn thuế với thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau phát hành và tiền lãi từ trái phiếu này. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc miễn thuế trong các trường hợp này.
Động thái này nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững, hướng tới thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị khí hậu COP26.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Một số nước có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon, như Thái Lan. Trong khi đó, Malaysia, Trung Quốc miễn thuế này với chứng chỉ giảm phát thải. Còn Mexico, Ấn Độ, Mỹ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh.
Hiện thế giới có thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc). Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa. Thị trường tín chỉ carbon này đạt cột mốc mới khi các quốc gia đạt thỏa thuận về các quy tắc, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP29 tại Azerbaijan.
Còn thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.
Tại Việt Nam, dự kiến tới 2028 thị trường tín chỉ carbon chính thức mới vận hành, theo Nghị định 06/2022 về quy định giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Khánh Hòa thu ngân sách vượt dự toán năm 2024 hơn 10%
Tính đến 25/11, tỉnh Khánh Hòa thu ngân sách nhà nước đạt hơn 18.400 tỷ đồng, vượt hơn 10% so với dự toán được Hội đồng Nhân dân Tỉnh giao.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 mới đi vào hoạt động,đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Khánh Hòa |
So với cùng kỳ năm 2023, số thu ngân sách tỉnh Khánh Hòa tăng 36%. Trong số thu ngân sách hơn 18.400 tỷ đồng, thu nội địa đạt hơn 15.800 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu hơn 2.500 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị, địa phương phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt 20.073 tỷ đồng, vượt dự toán Chính phủ giao năm 2024.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát các nguồn thu để tham mưu UBND Tỉnh có giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025; phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ công tác làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố để đôn đốc các nguồn thu nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Các đơn vị, địa phương tập trung cải cách hành chính, tạo thuận lợi, thông thoáng giúp các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp ngân sách Nhà nước. Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao về thu ngân sách nhà nước ở lĩnh vực đất đai.