Sẽ chuyển toàn bộ cổ phiếu sang giao dịch tại HoSE
329 mã cổ phiếu niêm yết trên HNX sẽ được chuyển sang HoSE, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2025.
329 mã cổ phiếu niêm yết trên HNX sẽ được chuyển sang HoSE |
Chuyển toàn bộ cổ phiếu sang giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) trong thời gian tới là nội dung đã được quy định tại Thông tư số 57/2021 của Bộ Tài chính.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69/2023, sửa đổi bổ sung với nhiều điểm mới về việc cơ cấu quản lý sản phẩm cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Theo quy định mới, toàn bộ 329 mã cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ được chuyển sang niêm yết tại HoSE, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2025.
Từ giữa năm 2025, cụ thể là 1/7/2025, HNX sẽ không tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu mới của tổ chức. Chậm nhất đến hết ngày 31/12/2026, toàn bộ 859 mã cổ phiếu trên UPCoM - thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần chưa niêm yết - sẽ được chuyển cho HoSE.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện, trong vòng 3 năm tới, HoSE sẽ đón thêm cổ phiếu từ sàn HNX và UPCoM chuyển sang. HoSE sẽ tập trung vào các sản phẩm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, còn HNX tập trung vào thị trường trái phiếu và phái sinh.
Hàng chục khách sạn ở Nha Trang xây vượt tầng, trây ỳ tháo dỡ
Ngày 26/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND TP. Nha Trang, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong và các địa phương khác khẩn trương kiểm tra xử lý đối với các công trình vi phạm. Trước đó, Sở Xây dựng đã có danh sách và rà soát việc xử lý vi phạm đối với 40 công trình do sở này cấp phép.
Khách sạn Mường Thanh Luxury tự ý cải tạo tầng 46 thành 10 căn hộ (chưa xử phạt). |
Phần lớn các khách sạn trong danh sách vi phạm nằm ở những vị trí đắc địa ở thành phố du lịch Nha Trang, nổi bật là 2 khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh.
Mường Thanh Luxury Nha Trang (số 60 Trần Phú) tự ý cải tạo tầng 46 thành 10 căn hộ (chưa xử phạt) và khách sạn căn hộ cao cấp Oceanus (tòa OC2, khu bãi Dương) vi phạm tại tầng 41 - tầng kỹ thuật nhưng lại bố trí thêm 4 căn hộ (đã nộp phạt nhưng chưa khắc phục vi phạm).
Tương tự, khách sạn Vịnh Thiên Đường (số 48C, đường Lê Quý Đôn) nâng 1 tầng; khách sạn New Sun (số 2A/4, đường Hùng Vương) nâng 1 tầng tum thang; khách sạn Sun City (số 4, đường Tôn Đản) nâng 4 tầng; khách sạn Crown (số 2, đường Dã Tượng) nâng 1 tầng; khách sạn Novotel (số 50, đường Trần Phú) nâng 2 tầng; khách sạn Lucky Sun (số 100, đường Trần Phú) xây thêm 5 tầng, khách sạn Mipec Hotel Nha Trang (số 62, đường Trần Phú) sai do thay đổi công năng các tầng.
Đối với những công trình vi phạm này, phần lớn đều đã nộp phạt vi phạm hành chính nhưng chưa khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, trong lần rà soát đợt này, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa còn phát hiện một số khách sạn vi phạm như tự ý thay đổi công năng, công trình như khách sạn Le Soleil (số 12, đường Tôn Đản), khách sạn của Công ty TNHH Hoàn Cầu resort Vịnh Kim Cương, khách sạn Barcelona, khách sạn Galiot…
Doanh nghiệp có thể không bị khống chế trần chi phí lãi vay 30%
Bộ Tài chính đề xuất sửa Nghị định 132 theo hướng bỏ khống chế chi phí lãi vay 30% của doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Giao dịch tại một ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội |
Nội dung trên được nêu tại dự thảo tờ trình báo cáo Chính phủ của Bộ Tài chính về sự cần thiết sửa đổi Nghị định 132 năm 2020 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Nghị định 132 quy định, trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay trên 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay, giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó, chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết - cơ sở xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp - không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ...
Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng nhưng các đơn vị này không điều hành, kiểm soát, góp vốn, không quyết định với doanh nghiệp đi vay nên về bản chất không phải là các bên có quan hệ liên kết.
Do đó, Bộ báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định 132 để loại trừ việc xác định quan hệ liên kết với trường hợp ngân hàng bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp vay vốn. Ở đây, ngân hàng được xác định không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay. Các khoản vay bao gồm cả khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết.
Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, khi vay ngân hàng, doanh nghiệp sẽ không phải xác định quan hệ liên kết dù khoản vay vượt 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn.
Dự kiến, Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Nghị định vào quý I/2024 để trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định vào quý III sau đó.
Hợp long cầu hơn 100 tỷ đồng kết nối trung tâm huyện Lục Yên với Quốc lộ 70 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Cầu Tô Mậu (xã Tô Mậu, huyện Lục Yên) giúp kết nối trực tiếp tỉnh Yên Bái với tỉnh Hà Giang, đồng thời kết nối trung tâm huyện Lục Yên với Quốc lộ 70 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Hợp long cầu Tô Mậu |
Ngày 26/11, tỉnh Yên Bái tổ chức hợp long cầu Tô Mậu (xã Tô Mậu, huyện Lục Yên). Cầu Tô Mậu được đầu tư xây dựng với kinh phí 115 tỷ đồng được khởi công vào tháng 1/2023.
Dự án có điểm đầu dự án tại lý trình Km 8+371 trên TL171, thuộc địa phận xã Tô Mậu và điểm cuối tại lý trình Km 9+051, TL171, thuộc địa phận xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên.
Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái. Liên danh Công ty TNHH Vận tải đầu tư xây dựng TLK, Công ty TNHH Hiệp Phú đảm nhiệm thi công.
Cầu có chiều dài 159 m, đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 523 m. Cầu được thiết kế vĩnh cửu gồm 3 nhịp dầm, kết cấu khung bê tông cốt thép dự ứng lực.
Đơn vị thi công đã hoàn thành mố M1, mố M2, trụ T1, trụ T2; khối đúc hẫng K1 - K7 trụ T1; khối đúc hẫng K1 - K7 trụ T2; khối hợp long biên M1 - T1, khối hợp long biên M2 - T2. Hiện, nhà thầu đang nỗ lực triển khai thi công để hợp long nhịp T1- T2, gia công xe đúc gờ lan can và kéo cáp cầu.
Về đường dẫn hai đầu cầu, đơn vị thi công đang triển khai đào đất, đắp nền và đúc cấu kiện cống, thi công hệ thống cống qua đường, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/12 năm nay. Nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, máy móc làm việc 3 ca, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Cầu Tô Mậu mới hoàn thành sẽ thay thế cho cây cầu cũ đã xuống cấp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội huyện Lục Yên.
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Công ty TNHH Vận tải và Đầu tư xây dựng TLK cho biết, ngay sau khi họp long, đơn vị tiến hành hoàn thiện lan can, đường nối 2 cầu, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/12/2023. Khánh thành cầu trong tháng 1/2024.
Nửa đầu tháng 11/2023, xuất nhập khẩu giảm hơn 5 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2023 (1 - 15/11) đạt 29,43 tỷ USD.
Nửa đầu tháng 11/2023, xuất nhập khẩu giảm hơn 5 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2023 (1 - 15/11) đạt 29,43 tỷ USD, giảm 14,7% (tương ứng giảm 5,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2023.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2023 đạt 14,66 tỷ USD, giảm 18,7% (tương ứng giảm 3,36 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 10/2023.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/11, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 306,06 tỷ USD, giảm 6,4% tương ứng giảm 20,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 11/2023 đạt 10,55 tỷ USD, giảm 19,2% (tương ứng giảm 2,51 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 10/2023.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 222,94 tỷ USD, giảm 7,6% (tương ứng giảm 18,39 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ này đạt 14,77 tỷ USD, giảm 10,5% (tương ứng giảm 1,73 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2023.
Như vậy, tính đến hết 15/11/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 281,62 tỷ USD, giảm 11,7% (tương ứng giảm 37,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,55 tỷ USD, giảm 11% (tương ứng giảm 1,18 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 10/2023.
Bệnh viện mới đầu tư 170 tỷ đồng ở Gia Lai chấm dứt hoạt động
Do vướng mắc một số thủ tục liên quan đến đất đai nên từ khi hoàn thành đến nay, Bệnh viện Bình An Gia Lai vẫn chưa đi vào hoạt động và có quyết định chấm dứt hoạt động theo Luật Đầu tư.
Bệnh viện Bình An Gia Lai chấm dứt hoạt động |
Ngày 26/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết vừa có thông báo về việc chấm dứt hoạt động Dự án Bệnh viện Bình An Gia Lai.
Nguyên nhân là do nhà đầu tư đã có quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 48 của Luật Đầu tư 2020. Công ty TNHH Bệnh viện Bình An Gia Lai (Chủ đầu tư Dự án) chịu trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý Dự án đầu tư theo quy định.
Bệnh viện Bình An Gia Lai trước đó là khu điều trị dịch vụ chất lượng cao được triển khai đầu tư, xây dựng năm 2017 dưới hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP) giữa doanh nghiệp tư nhân và Bệnh viện Đa khoa Tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 170 tỷ đồng.
Đến năm 2020, khu điều trị dịch vụ chất lượng cao được nhượng lại cho Công ty TNHH Bệnh viện Bình An Gia Lai và đổi tên dự án thành Bệnh viện Bình An Gia Lai. Tuy nhiên, do vướng mắc một số thủ tục liên quan đến đất đai nên từ khi hoàn thành đến nay, bệnh viện này vẫn chưa đi vào hoạt động.
Công khai loạt doanh nghiệp nợ bảo hiểm hàng tỷ đồng ở Hà Nội
Ngày 26/11, Bảo hiểm Xã hội quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vừa công khai loạt doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tổng số tiền nợ đến hết tháng 10 vừa qua là hơn 71 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài lên đến hàng tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo Bảo hiểm Xã hội quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), hiện trên địa bàn Quận còn tình trạng nhiều doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ của người lao động và làm ảnh hưởng đến tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về vấn đề này.
Do đó, để kịp thời đôn đốc các doanh nghiệp trong việc chấp hành nghĩa vụ đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng các quy định của pháp luật, Bảo hiểm Xã hội quận Hai Bà Trưng đề nghị công khai danh sách các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên tính đến ngày 21/11.
Trong danh sách hơn 500 doanh nghiệp vừa được công khai, có thể kể tới một số đơn vị có số nợ bảo hiểm lớn như: Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Thương mại VCCI nợ hơn 2,9 tỷ đồng; Công ty CP Kỹ thuật và Xây dựng Long Giang nợ hơn 1,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Mô hình Việt nợ hơn 1,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Media Tenor Việt Nam nợ hơn 2,5 tỷ đồng...
Theo ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội, từ nay đến hết năm 2023, đơn vị sẽ đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất và cập nhật kết quả thanh tra vào phần mềm quản lý của ngành bảo hiểm xã hội; tập trung thanh tra, kiểm tra tại đơn vị có số chậm đóng lớn, thời gian chậm đóng kéo dài, tăng số tiền thu hồi nợ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi chậm đóng, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Vi phạm quy định công bố thông tin về trái phiếu, Becamex Bình Phước bị xử phạt
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước. Trong đó, phạt 70 triệu đồng do có hành vi vi phạm hành chính không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Becamex - Bình Phước bị phạt 70 triệu đồng |
Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với các thông tin bao gồm: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2021; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2021; Báo cáo tài chính năm 2020; Báo cáo tài chính bán niên 2021.
Bên cạnh đó, Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước gửi nội dung công bố thông tin không đúng thời hạn cho HNX đối với các thông tin bao gồm: Công bố thông tin về việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021; Báo cáo tài chính năm 2021.
Được biết, Công ty CP Phát triển hạ tầng Kỹ thuật Becamex - Bình Phước là Chủ đầu tư của Dự án Khu công nghiệp và dân cư Becamex - Bình Phước. Dự án có tổng diện tích hơn 4.633 ha, với cơ cấu sử dụng đất khu công nghiệp là 2.448,27 ha, đất quy hoạch khu dân cư hơn là 2.185 ha.
Trong đó, diện tích quy hoạch thuộc xã Thành Tâm hơn 2.067 ha, Minh Thành trên 1.982 ha, Nha Bích 133,6 ha và thị trấn Chơn Thành hơn 454 ha. Dự án phát triển theo mô hình liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 20.000 tỷ đồng.