Bản tin thời sự sáng 27/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội xây dựng hai phương án bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; hơn 14.000 thuốc hết hạn đăng ký lưu hành năm 2023; dùng 54 tài khoản để thao túng mã TNI, một người bị phạt hơn nửa tỷ đồng; Chủ tịch Hà Nội đề nghị khởi điểm 100 triệu đồng khi đấu giá biển số ô tô; đề nghị kỷ luật 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi liên quan đấu thầu thuốc…

Hà Nội xây dựng hai phương án bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Bộ Tư lệnh Thủ đô được giao xây dựng hai phương án bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có thể hai điểm hoặc 31 điểm.

Hà Nội đang lên phương án bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Hà Nội đang lên phương án bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Trong cuộc họp về kế hoạch triển khai các hoạt động của thành phố dịp Tết Quý Mão, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng hai phương án bắn pháo hoa để báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy.

Những năm trước đại dịch Covid-19, dịp Tết Nguyên đán TP. Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa 31 điểm ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã (quận Hoàn Kiếm có hai điểm bắn đều ở Hồ Gươm), kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Năm 2020, để phòng dịch nên Hà Nội chỉ tổ chức bắn ở một điểm công viên Thống Nhất và tường thuật trực tiếp trên hệ thống truyền hình của Thành phố để nhân dân theo dõi.

Năm 2021, kế hoạch ban đầu tổ chức bắn pháo hoa một điểm tại công viên Thống Nhất, nhưng sau đó Thành phố hủy để phòng, chống dịch Covid 19.

Hơn 14.000 thuốc hết hạn đăng ký lưu hành năm 2023

Hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn vào ngày 31/12, năm 2023 có 3.741 giấy hết hạn, nguy cơ thiếu thuốc dai dẳng.

Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM kiểm tra thuốc tại kho dược

Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM kiểm tra thuốc tại kho dược

Theo tờ trình của Bộ Y tế gửi Chính phủ để trình Quốc hội, số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 là rất lớn. Việc này gây ra nguy cơ thiếu thuốc trầm trọng dai dẳng nếu không nhanh chóng xử lý, bởi số cần gia hạn chiếm 2/3 lượng thuốc đang được cung ứng trên thị trường.

Trong số hơn 21.000 thuốc còn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành và đang được cung ứng thì có đến gần 14.000 thuốc cần được cấp phép lại. Hiện tại, khả năng thẩm định, xử lý hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành của Bộ Y tế giải quyết được khoảng 500 hồ sơ/tháng.

Bộ Y tế cho biết, dự kiến đến hết năm 2022 sẽ gia hạn được khoảng 5.000 hồ sơ theo quy định gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Luật Dược. Như vậy, sau ngày 31/12 sẽ có khoảng 10.000 hồ sơ chưa kịp xử lý gia hạn giấy đăng ký lưu hành. Trong đó có rất nhiều thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu, thuốc hiếm không được lưu hành trên thị trường.

Nếu không gia hạn kịp thời, doanh nghiệp dược phải dừng sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc làm. Bệnh viện không được đảm bảo thuốc sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, như ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên...

Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2023 đến trước ngày 31/12/2024 mà chưa kịp giải quyết thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thì được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đã cấp đến hết ngày 31/12/2024. Đề xuất này nhằm bảo đảm kịp thời nguồn cung ứng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế công bố danh mục thuốc được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch.

Dùng 54 tài khoản để thao túng mã TNI, một người bị phạt hơn nửa tỷ đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố xử phạt 550 triệu đồng đối với ông Nguyễn Ngọc Long (ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vì thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu TNI.

UBCK xử phạt ông Nguyễn Ngọc Long 550 triệu đồng vì sử dụng 54 tài khoản liên tục mua, bán

UBCK xử phạt ông Nguyễn Ngọc Long 550 triệu đồng vì sử dụng 54 tài khoản liên tục mua, bán

Theo cơ quan này, ông Long đã sử dụng 54 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu TNI. Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, UBCKNN cho biết không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Long.

TNI là cổ phiếu của Công ty CP Thành Nam (tập đoàn đa ngành trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư khu du lịch, khách sạn, nông sản...), được niêm yết từ cuối tháng 5/2017 trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Cuối năm 2021, cổ phiếu TNI từng có đợt tăng giá mạnh, từ thị giá chỉ hơn 5.500 đồng vọt lên 13.700 đồng/cổ phiếu chỉ trong một tháng. Tuy nhiên, cổ phiếu này nhanh chóng lao dốc. Hiện tại, cổ phiếu TNI chỉ còn giao dịch ở mức giá 2.650 đồng. Vốn hóa thị trường của Thành Nam tương ứng chỉ còn 139 tỷ đồng.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị khởi điểm 100 triệu đồng khi đấu giá biển số ô tô

Ông Trần Sỹ Thanh đề nghị nâng mức khởi điểm khi đấu giá biển số xe ô tô lên 100 triệu đồng ở Hà Nội và TP.HCM, 50 triệu đồng ở các tỉnh thành còn lại.

Ông Trần Sỹ Thanh đề nghị nâng mức khởi điểm khi đấu giá biển số xe ô tô lên 100 triệu đồng ở Hà Nội và TP.HCM

Ông Trần Sỹ Thanh đề nghị nâng mức khởi điểm khi đấu giá biển số xe ô tô lên 100 triệu đồng ở Hà Nội và TP.HCM

Thảo luận tại tổ sáng 26/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ủng hộ đấu giá biển số ô tô để tránh đầu cơ. Tuy nhiên, ông cho rằng, dự thảo quy định mức khởi điểm đấu giá ở Hà Nội, TP.HCM 40 triệu đồng, các địa phương còn lại 20 triệu đồng là thấp. Nếu bước giá 5 triệu đồng thì đấu giá mấy ngày mới đến giá thật?.

Theo Chủ tịch Hà Nội, những nơi như Hà Nội, TP.HCM nên để mức giá khởi điểm 100 triệu đồng, các tỉnh còn lại thì 50 triệu. Cùng với đó, bước đấu giá tại Hà Nội nên là 20, 40, 50 triệu đồng. Như vậy "có khi chỉ 10 phút là đấu giá xong".

Nên giao HĐND địa phương quyết định mức giá khởi điểm, bước giá khi đấu giá biển số ô tô. Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định giá tối thiểu. Ông Thanh cũng đề nghị tiền thu từ đấu giá biển số xe đưa về ngân sách địa phương.

Theo dự thảo nghị quyết, biển số đấu giá nền trắng, chữ, số màu đen và chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Việc đấu giá được thực hiện trực tuyến, mức khởi điểm chia làm hai vùng (vùng 1 gồm Hà Nội và TP.HCM là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại là 20 triệu đồng).

Ngày 7/11, dự thảo nghị quyết về đấu giá biển số sẽ được các đại biểu thảo luận hội trường và Quốc hội xem xét thông qua chiều 15/11.

Đề nghị kỷ luật 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi liên quan đấu thầu thuốc

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật khiển trách 2 cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh này do liên quan việc mua sắm trang thiết bị, đấu thầu thuốc chữa bệnh và vật tư y tế trên địa bàn Tỉnh.

Đề nghị kỷ luật 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi liên quan đấu thầu thuốc

Đề nghị kỷ luật 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi liên quan đấu thầu thuốc

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy, ông Nguyễn Tấn Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, Bí thư Đảng ủy Sở Y tế (nhiệm kỳ 2015 - 2020), nguyên Giám đốc Sở Y tế (giai đoạn 2014 - 2018) đã có vi phạm, khuyết điểm liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đầu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014 - 2018.

Với trách nhiệm là Giám đốc Sở Y tế (giai đoạn 2014 - 2018), ông Đức chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên là lãnh đạo Sở, các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở Y tế thực hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật về mua sắm trang bị y tế và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn Tỉnh.

Đối với ông Nguyễn Xuân Mến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy, ông Mến có những vi phạm, khuyết điểm. Với trách nhiệm là Bí thư Đảng ủy Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi (nhiệm kỳ 2020 - 2025), ông Mến chịu trách nhiệm người đứng đầu về những khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy Sở Y tế.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm Phó Giám đốc Sở Y tế (từ tháng 6/2007 đến tháng 10/2017), ông Mến cùng chịu trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo sở và chịu một phần trách nhiệm với Giám đốc Sở Y tế trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2019.

Với trách nhiệm Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi (từ tháng 3/2019 đến tháng 4/2022), ông Mến không kịp thời chỉ đạo, xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; không kịp thời tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19...

300 chuyến xe khách rời bỏ bến Miền Đông mới

Gần 300 chuyến xe không hoạt động ở bến Miền Đông mới như kế hoạch khiến lượng khách nơi đây chưa như kỳ vọng sau khi có thêm 79 tuyến dời về.

Khách mua vé ở bến xe Miền Đông mới sau khi 79 tuyến xe được dời qua

Khách mua vé ở bến xe Miền Đông mới sau khi 79 tuyến xe được dời qua

Thông tin được một lãnh đạo bến xe Miền Đông mới, TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, khi đề cập đến hoạt động của đơn vị sau 15 ngày bến có thêm 79 tuyến, nâng tổng số tuyến qua đây lên hơn 100.

Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, suốt hai năm, bến rất ế khách vì khá xa trung tâm và thiếu xe kết nối. Từ ngày 11/10, Thành phố chuyển 79 tuyến với khoảng 1.600 xe từ bến cũ về bến xe Miền Đông mới với kỳ vọng hành khách qua đây đông hơn.

Theo đó, nếu đúng kế hoạch, 79 tuyến mới với 1.600 xe sẽ phải có hơn 500 chuyến xe hoạt động mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi dời qua bến mới các tuyến này chỉ còn 206 chuyến, tức giảm gần 300 chuyến xe. Những xe này chủ yếu chạy các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định.

Trước tình hình đó, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco - đơn vị quản lý bến xe Miền Đông mới) cho biết đã kiến nghị Sở Giao thông vận tải chưa cho các đơn vị trong danh sách phải dời sang bến xe Miền Đông mới đăng ký mở các tuyến mới. Đồng thời, Samco cũng muốn Thành phố sớm cấm ô tô giường nằm và xe có sức chứa, kích thước tương đương vào trung tâm; xử lý triệt để "xe dù, bến cóc" để bến xe Miền Đông mới hoạt động hiệu quả hơn.

Trước đó, để tạo thuận tiện ra vào bến xe Miền Đông mới, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức 4 tuyến buýt kết nối trực tiếp. Ngoài ra, hai xe buýt cũng được bố trí để chở khách miễn phí từ bến cũ qua bến mới.

Đề xuất thay thế cây hoa sữa, lát hoa trên đường Nguyễn Chí Thanh

UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đề xuất đánh chuyển hàng cây hoa sữa, lát hoa trên đường Nguyễn Chí Thanh để thay bằng cây hoa ban.

Hàng cây hoa sữa bung nở trên đường Nguyễn Chí Thanh

Hàng cây hoa sữa bung nở trên đường Nguyễn Chí Thanh

Hiện cây xanh bóng mát tuyến đường Nguyễn Chí Thanh gồm nhiều loại, đa số là hoa sữa, lát hoa và một số không phải cây đô thị do người dân tự trồng. Hàng hoa sữa với mật độ dày gây ảnh hưởng đến khu dân cư mỗi mùa hoa nở.

Vì thế, UBND quận Đống Đa đã đề xuất Sở Xây dựng phương án thay thế cây xanh khi chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. Cụ thể, khoảng 80 cây hoa sữa cùng hàng chục cây lát hoa sẽ được chuyển đến công viên, vườn hoa trên địa bàn, trồng thay thế bằng cây hoa ban. Mục đích là tạo điểm nhấn kiến trúc, hạn chế ảnh hưởng đến người dân.

Trong văn bản trả lời đầu tháng 10, Sở Xây dựng đề nghị quận Đống Đa không dịch chuyển cây lát hoa để tránh lãng phí. Với cây hoa sữa, Sở lưu ý xem xét, đánh giá mật độ cây trồng cho phù hợp, tránh mùi hoa sữa tỏa nồng nặc. Trường hợp cây hoa sữa có khối lượng lớn có thể trồng tại vùng ảnh hưởng bán kính 500 m ở khu xử lý chất thải Xuân Sơn.

Cho rằng việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, Sở Xây dựng đề nghị quận Đống Đa thông tin rộng rãi để việc thay thế cây được người dân ủng hộ.

Cây xanh trên tuyến Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần được đánh chuyển và gây ra các ý kiến trái chiều. Năm 2015, khi Hà Nội triển khai đề án thay thế khoảng 6.700 cây trên 190 tuyến phố tại 10 quận nội thành, hàng trăm cây hoa sữa, keo... trên đường Nguyễn Chí Thanh được chặt hạ, đánh chuyển. Trước sự phản đối của dư luận, Thành phố đã tạm dừng đề án.

Bình Thuận giữ lại rừng ngập mặn giữa lòng Phan Thiết

UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất phương án huỷ dự án xây khu đô thị trong quy hoạch công viên Hùng Vương để giữ lại rừng ngập mặn 32 ha giữa lòng TP. Phan Thiết.

Rừng ngập mặn Phan Thiết rộng hơn 32 ha đang được xem xét bảo vệ

Rừng ngập mặn Phan Thiết rộng hơn 32 ha đang được xem xét bảo vệ

Nội dung được đề cập trong báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tại khu vực công viên Hùng Vương do Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận gửi Thường trực Tỉnh ủy, ngày 26/10.

Rừng ngập mặn Phan Thiết có từ lâu đời, nằm giữa ba phường: Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài với tổng diện tích khoảng 32 ha. Sau thời gian bị phá nuôi tôm, khoảng 16 năm trở lại đây, khu rừng này đã tái sinh tạo nên mảng xanh rộng lớn với nhiều loại cây kiểu rừng ngập mặn: mắm, đước, bần... phát triển mạnh. Trong rừng cũng có nhiều loài đặc sản như tôm đất, ba khía, lịch, dộp xanh, cá nước lợ... Gần đây, nhiều loài chim, cò cũng về trú ngụ nơi đây, tạo nên hệ sinh thái đa dạng.

Năm 2019, tỉnh Bình Thuận có chủ trương san lấp rừng ngập mặn, lấy mặt bằng làm khu đô thị mới gồm hai phần: khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ (12 ha) và công viên mới (20 ha). Tuy nhiên, giữa năm ngoái, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ mới chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án và yêu cầu các đơn vị liên quan điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, UBND Tỉnh thống nhất chọn phương án quy hoạch mới không có phân khu đô thị thương mại du lịch trong công viên Hùng Vương như trước. Công viên văn hóa đa chức năng sẽ hình thành dựa trên những điều kiện hiện trạng của khu vực với hệ sinh thái là trung tâm.

Việc giữ lại khu sinh thái rừng ngập mặn Phan Thiết được kỳ vọng sẽ phục vụ hoạt động nghiên cứu, tham quan, dã ngoại và thu hút du khách tìm hiểu hệ sinh thái đặc trưng vùng đất ven biển như: Rú Chá (Thừa Thiên - Huế), Đầm Nại (Ninh Thuận), U Minh Thượng (Kiên Giang), Cần Giờ (TP.HCM).

Giả danh ngân hàng nhắn tin lừa đảo

Băng nhóm tội phạm mỗi ngày phát tán hàng nghìn tin nhắn giả danh ngân hàng để lừa chiếm quyền quản trị tài khoản, sau đó chiếm đoạt tiền.

Bộ phát tán tin nhắn bị thu giữ trong một vụ án

Bộ phát tán tin nhắn bị thu giữ trong một vụ án

Từ tháng 9 đến nay, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, phát hiện nhiều đường dây tội phạm xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu, chuyên phán tán tin nhắn lừa đảo.

Kẻ chủ mưu cấu kết với hệ thống chân rết là người Việt Nam, sử dụng thiết bị công nghệ cao sản xuất ở nước ngoài để lập giả trạm thu, phát sóng di động của doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Bộ thiết bị của nhóm này có thể giả mạo đầu số tin nhắn của các cơ quan, tổ chức.

Khi thu thập được thông tin thuê bao di động và thiết bị, mỗi ngày chúng phát tán thành công từ 40.000 đến 80.000 tin nhắn trên một bộ thiết bị. Nội dung thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ tài chính toàn cầu có mức phí sử dụng 3-6 triệu đồng. Kẻ giả mạo sau đó gửi kèm đường link như vietinbank.com.vn-vp.top hoặc vpbank.com.vn-vb.top... để khách truy cập.

Nhà chức trách cho hay, thực chất đây là tin nhắn giả mạo ngân hàng. Khi nạn nhân truy cập đường link, kẻ xấu sẽ chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền.

Để tránh bị phát hiện, chúng thường xuyên thay đổi chỗ ở và mọi liên lạc đều qua các tài khoản mạng xã hội. Lừa đảo xong, chúng xóa sạch mọi dữ liệu.

Hiện, công an đã phá 7 vụ án, bắt 10 nghi phạm tại Hà Nội và TP.HCM, Quảng Ngãi, Đồng Nai và thu giữ 16 bộ thiết bị giả trạm phát sóng.

Chuyên đề