Bản tin thời sự sáng 2/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm nhận 1,1 tỷ đồng từ Việt Á; giá xăng, dầu giảm 100 - 400 đồng mỗi lít; TP.HCM dừng dự án BOT 1.557 tỷ đồng nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc; Cục Hàng không thực hiện điều phối slot chuyến bay tránh để chậm, hủy chuyến…

Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm nhận 1,1 tỷ đồng từ Việt Á

Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt và Trưởng phòng Tài chính Kế toán Lê Thị Bích Tuyến được xác định nhận 1,1 tỷ đồng để giúp Việt Á trúng thầu.

Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt

Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt

Chiều 1/7, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố ba vụ án liên quan đến Công ty Việt Á. Một vụ ở CDC Hà Nội, một vụ ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, một vụ tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.

Tại CDC Hà Nội, hai bị can Việt và Tuyến đã nhận 1,1 tỷ đồng để đưa thông số kỹ thuật kit test của Việt Á vào gói thầu, giúp công ty này trúng thầu hai dự án cung cấp kit xét nghiệm. Việc này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9 tỷ đồng.

Ngày 10/6, Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trương Quang Việt và bà Lê Thị Bích Tuyến về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Việt được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc CDC Hà Nội vào đầu tháng 2, sau gần 2 năm làm Phó Giám đốc phụ trách. Ông Việt đứng đầu CDC Hà Nội trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người tiền nhiệm là ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt trong vụ bê bối liên quan "thổi giá" thiết bị xét nghiệm, sau đó nhận hình phạt 10 năm tù.

Giá xăng, dầu giảm 100 - 400 đồng mỗi lít

Sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON 92 giảm 410 đồng, RON 95-III giảm 110 đồng, còn dầu diesel hạ 400 đồng.

Giá xăng, dầu giảm 100-400 đồng mỗi lít, sau 7 lần tăng liên tiếp

Giá xăng, dầu giảm 100-400 đồng mỗi lít, sau 7 lần tăng liên tiếp

Với việc điều chỉnh này từ Liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 1/7, giá xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng còn xăng RON 95-III về mức 32.760 đồng. Đây là đợt giảm giá đầu tiên sau 7 lần giá xăng tăng liên tiếp từ cuối tháng 4.

Giá dầu đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 400 đồng, còn 29.610 đồng một lít. Dầu hoả giảm 430 đồng một lít, còn 28.350 đồng. Dầu mazut có mức giá mới 19.720 đồng một kg, tương đương mức giảm 1.010 đồng.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm 0,8 - 6,6%. Ví dụ, mỗi thùng RON 95 giảm 0,87%, còn 154,84 USD. Dầu diesel hạ về 167,39 USD mỗi thùng, tương đương giảm gần 3%.

Trên cơ sở này, cơ quan điều hành tiếp tục dừng chi từ Quỹ bình ổn. Thay vào đó ở kỳ này, nhà điều hành trích vào Quỹ trở lại với E5 RON 92 là 100 đồng một lít, còn RON 95-III và dầu diesel không trích vào Quỹ. Mức trích vào Quỹ với dầu hoả và dầu mazut lần lượt là 300 đồng và 800 đồng một lít, kg.

Theo số liệu cập nhật trước 15h ngày 1/7, Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại một số doanh nghiệp tiếp tục âm, như Petrolimex âm quỹ gần 149 tỷ đồng.

Hiện số dư Quỹ bình ổn xăng dầu còn lại ít, nên việc trích lập lại vào quỹ với một số loại xăng, dầu nhằm khôi phục lại số dư Quỹ và có dư địa điều hành giá tới đây khi thị trường còn bất ổn.

TP.HCM dừng dự án BOT 1.557 tỷ đồng nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc

Sau nhiều năm đình trệ, TP.HCM đã quyết định ngừng thực hiện dự án nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 2,7 km, tổng đầu tư hơn 1.557 tỷ đồng theo hợp đồng BOT.

Một số hạng mục làm đường nối Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc bị bỏ hoang cỏ mọc.

Một số hạng mục làm đường nối Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc bị bỏ hoang cỏ mọc.

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở, ngành và đơn vị liên quan về dự án nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương ngừng thực hiện Dự án Xây dựng đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương làm việc, trao đổi nghiệp vụ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn các thủ tục liên quan về ngừng thực hiện Dự án theo quy định.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án theo quy định.

TP.HCM cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) khẩn trương làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thu thập thông tin, tài liệu liên quan Dự án và xác định phần khối lượng đã thực hiện. Sau đó, báo cáo Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM theo đúng quy định.

Sau khi được giao nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư, Ban Giao thông khẩn trương nghiên cứu thực hiện tiếp dự án theo hình thức BOT và xem xét hướng tiếp cận kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện.

TP.HCM lưu ý chi phí đầu tư gồm phần chi phí thanh toán hợp pháp mà nhà đầu tư đã thực hiện và phần chi phí đầu tư phần còn lại của Dự án; trình cấp thẩm quyền xem xét, hoàn thành trong quý III/2022.

Cục Hàng không thực hiện điều phối slot chuyến bay tránh để chậm, hủy chuyến

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không về việc có giải pháp xử lý chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè.

Cục Hàng không thực hiện điều phối Slot chuyến bay tránh để chậm, hủy chuyến.

Cục Hàng không thực hiện điều phối Slot chuyến bay tránh để chậm, hủy chuyến.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn ký nêu rõ, hiện nay, qua phản ánh của các phương tiện thông tin và người dân cho thấy hoạt động tại một số cảng hàng không đang quá tải, tình trạng chậm, hủy chuyến có xu hướng tăng cao, sản lượng vận chuyển vượt công suất thiết kế của nhà ga hành khách, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Điều đó gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách, giao thông tiếp cận nhà ga ùn tắc, gây bức xúc cho hành khách cũng như dư luận xã hội...

Để khắc phục các tình trạng nêu trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thực hiện công tác điều phối Slot (giờ cất, hạ cánh) chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật (giám sát, quản lý sử dụng slot của các hãng hàng không, thu hồi Slot theo quy định...), đặc biệt là tại các cảng hàng không xảy ra tình trạng quá tải như Nội Bài, Tân Sơn Nhất nhằm tránh ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.

Ngoài ra, Cục Hàng không chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực và thực hiện các giải pháp nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, chất lượng phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè năm 2022; tuyên truyền, thông tin tới hành khách, người dân về chuyến bay, thời gian làm thủ tục,... một cách đầy đủ và kịp thời; khuyến khích hành khách sử dụng quầy thủ tục tự động (kios check-in) hoặc các hình thức làm thủ tục trực tuyến khác để giảm tải cho khu vực làm thủ tục tại cảng hàng không.

Hà Nội thu hàng chục tỷ đồng trông giữ xe mỗi năm

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang quản lý gần 32.000 m2 các điểm trông giữ xe, thu về 46 tỷ đồng trong năm 2021.

Năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thu và nộp vào ngân sách 46 tỷ đồng từ trông giữ xe

Năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thu và nộp vào ngân sách 46 tỷ đồng từ trông giữ xe

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo cho biết, theo quy định, Sở được Thành phố cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe trên các tuyến đường thành phố quản lý. Mức thu phí theo Nghị quyết 06 của HĐND và toàn bộ số phí thu được nộp vào ngân sách thành phố.

Thành phố không phải bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để tổ chức trông giữ xe. Ngược lại, ngân sách thành phố thu được một khoản phí từ việc trông giữ xe dưới lòng đường, hè phố hàng năm, khác với TP.HCM.

Đến nay, tổng diện tích trông giữ xe các đơn vị của Thành phố đang quản lý là 31.700 m2 trên 134 tuyến phố. Quận, huyện quản lý tổng diện tích trông giữ xe là hơn 91.000 m2. Năm 2021, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thu và nộp vào ngân sách 46 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay là hơn 20 tỷ.

Để tránh thất thoát nguồn thu, ông Trần Hữu Bảo cho biết, Thanh tra Sở hàng năm đều phối hợp Công an Thành phố, Sở Tài chính, các quận, huyện xử lý đơn vị trông giữ xe trên địa bàn vi phạm. Các lỗi phổ biến là trông xe không xuất vé, trông sai thời gian, phạm vi...

Chuyên đề