Sáng 26/8, sáng ngày thứ 6 liên tiếp không có ca mắc Covid-19 mới
Sáng ngày 26/8, Bộ Y tế cho biết, không có ca mắc mới Covid-19 nào được ghi nhận, 592 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 15 bệnh nhân tiên lượng rất nặng và nguy cơ tử vong cao.
Sáng ngày thứ 6 liên tiếp không có ca mắc Covid-19 mới |
Tính đến 6h ngày 26/8, Việt Nam có tổng cộng 687 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 547 ca. Tính từ 18h ngày 25/8 đến 6h ngày 26/8, không có ca mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 71.821 người. Trong đó, 1.963 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.237 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 49.621 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 592/1029 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 52 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 67 ca, số ca âm tính lần 3 là 37 ca. Đến nay, số ca tử vong ở nước ta là 27 trường hợp.
Thủ tướng dự Diễn đàn Kinh doanh ASEAN Standard Chartered 2020
Chiều 25/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh ASEAN Standard Chartered 2020 qua 22 điểm cầu trực tuyến và phát trên các mạng truyền thông quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 tại Hội nghị |
Với chủ đề “Khai phá tiềm tăng ASEAN”, Diễn đàn thu hút sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp và tổ chức đến từ châu Á, Trung Đông, châu Âu và Hoa Kỳ vào các phiên thảo luận về những xu hướng đang nổi có thể định hình tương lai của khu vực.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc tại phiên đầu tiên với chủ đề “Khai phá cơ hội tăng trưởng từ trong và sau dịch Covid-19” diễn ra vào chiều ngày 25/8. Diễn đàn sẽ kết thúc vào ngày 27/8.
Thủ tướng nêu rõ: Thế giới và ASEAN đang chứng kiến sự bùng phát và tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Nền kinh tế ASEAN đang phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế nặng nề.
Trước những trở ngại to lớn, chưa có tiền lệ này, Cộng đồng ASEAN đã tự tin thể hiện bản lĩnh mạnh mẽ, sự nỗ lực và tinh thần tự cường, đồng thời chủ động hợp tác với các đối tác thông qua triển khai các nghị quyết họp cấp Bộ trưởng kinh tế với Hoa Kỳ, Australia, EU và các Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN và ASEAN +3 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đến nay, ASEAN, với quy mô GDP gần 3.000 tỷ USD, dân số trên 630 triệu người, thu nhập ngày càng tăng, là thị trường đủ lớn cho các tham vọng kinh doanh của nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế. Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày càng thuận lợi thông thoáng. Việt Nam hiện có hơn 32.000 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn hơn 380 tỷ USD từ 140 quốc gia, đối tác.
Bệnh viện Đà Nẵng hết phong tỏa
Sau 30 ngày phải cách ly vì ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19, Bệnh viện Đà Nẵng được gỡ lệnh phong toả lúc 16h chiều 25/8.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng xúc động reo hò và rơi nước mắt khi cơ sở này hết phong tỏa |
Quyết định gỡ phong toả Bệnh viện Đà Nẵng được đưa ra sau tròn 30 ngày cách ly, khi cơ sở y tế này đáp ứng được các tiêu chí sau 14 ngày không có ca dương tính trong bệnh viện; các trang thiết bị, phòng hộ, vật tư y tế dùng cho bệnh nhân đã an toàn; môi trường không khí được làm sạch.
Sau khi gỡ lệnh phong toả, khoảng 340 y bác sĩ phía trong được về nhà và tự cách ly 14 ngày. Hơn 10 bệnh nhân nặng còn nằm lại bệnh viện tiếp tục được chăm sóc, điều trị. Hàng trăm nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng đang được tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang và Bệnh viện Phổi vẫn chưa được về nhà.
Chiều ngày 25/8, Bệnh viện Đà Nẵng đã xét nghiệm nCoV độc lập cho khoảng 800 nhân viên y tế, là những người đã được cách ly bên ngoài bệnh viện tối thiểu 14 ngày. Nếu có kết quả âm tính, họ sẽ vào bệnh viện làm việc từ ngày 26/8.
Khánh Hòa xây đập ngăn mặn 760 tỷ đồng
Tỉnh Khánh Hòa xây đập ngăn mặn trên sông Cái với vốn đầu tư 760 tỷ đồng, đảm bảo nguồn nước ngọt cho 500.000 dân và 2.000 hecta sản xuất nông nghiệp.
Phối cảnh đập ngăn mặn trên sông Cái, Nha Trang |
Theo Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa Châu Ngô Anh Nhân, cho biết đang hoàn thiện các thủ tục đấu thầu để kịp khởi công dự án xây đập ngăn mặn trên sông Cái vào cuối tháng 9.
Dự án này được UBND Khánh Hòa phê duyệt cuối năm 2017, với tổng vốn đầu tư gần 760 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương cấp 212 tỷ đồng, số còn lại là vốn đối ứng của địa phương.
Đập ngăn mặn trên sông Cái được xây cách cầu đường sắt 75 m và cách cầu Trần Phú hơn 4 km, nối khu dân cư phường Ngọc Hiệp qua đường Ngô Đến. Công trình được xây theo dạng đập trụ đỡ, đóng mở bằng 5 cửa van, có âu thuyền... Phía trên đập làm cầu giao thông dài 400 m, gồm 10 nhịp, mỗi nhịp dài 33 m, rộng 26 m.
Đập ngăn mặn trên sông Cái dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Khi đưa vào hoạt động, công trình được kỳ vọng sẽ ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn sông Cái vào mùa khô và thoát lũ mùa mưa; đảm bảo nguồn nước ngọt cho 500.000 dân Nha Trang, một phần huyện Diên Khánh và 2.000 hecta sản xuất nông nghiệp.
TPHCM: Thanh toán sai hàng trăm tỷ ở dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ
Không đấu thầu chọn nhà đầu tư, phê duyệt quyết toán sai lệch hàng trăm tỷ đồng... được cho là những sai phạm tại Dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ.
Tuyến đường dẫn cầu Phú Mỹ kết nối trực tiếp với nút giao Mỹ Thủy ra vào cảng Cát Lái (Quận 2) và Phú Hữu (Quận 9) hồi đầu tháng 8 |
Nội dung này được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại Dự án Xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ - một trong nhiều dự án thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tại TP.HCM.
Khởi công năm 2008 với mức đầu tư 1.275 tỷ đồng và hoàn thành năm 2013, Dự án gồm: đường Vành đai phía Đông, từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc (hơn 379 tỷ đồng); đường trên cao nối từ nút giao thông khu A Nam Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ (hơn 563 tỷ đồng); nút giao thông khu A Nam Sài Gòn (hơn 332 tỷ đồng).
Năm 2008, UBND TP.HCM chuyển thực hiện dự án từ vốn ngân sách nhà nước sang hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BT...
Lúc lựa chọn nhà đầu tư, TPHCM không đấu thầu mà chỉ định Công ty BOT Cầu Phú Mỹ (sau này là Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ - PMC) thực hiện, trong khi đơn vị này chưa lập hồ sơ đề xuất gửi UBND Thành phố và xác minh năng lực tài chính. Việc này không đúng quy định.
Đặc biệt, PMC không lập, trình UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư trước khi thực hiện... Ngoài ra, theo kiểm toán nhà nước, PMC đã chỉ định nhà thầu xây dựng khi chưa đủ điều kiện pháp lý.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, chi phí đầu tư Dự án được UBND Thành phố phê duyệt quyết toán hồi tháng 7/2018 còn nhiều sai sót, chênh lệch hơn 368 tỷ đồng…
Kiểm toán Nhà nước cũng đề cập tại Dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình; thanh toán 1.339,5 tỷ đồng cho nhà đầu tư khi chưa phê duyệt điều chỉnh tổng vốn đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng BT là sai quy định...
Quảng Trị cho nhà hàng, quán cà phê hoạt động trở lại
Sau 15 ngày cách ly xã hội, tỉnh Quảng Trị quyết định nới lỏng và cho phép nhà hàng, quán cà phê, các di tích… mở cửa từ 19h tối 25/8.
Người dân trong khu phong tỏa trên địa bàn Quảng Trị nhận nước uống tiếp tế từ bên ngoài |
Chiều 25/8, tại cuộc họp của UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch Tỉnh cho biết việc nới lỏng giãn cách xã hội để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Các cơ sở thương mại dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, cà phê, khu tập luyện thể thao, di tích... được hoạt động nhưng phải có biện pháp phòng dịch theo quy định. Các dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi giải trí, karaoke, quán bar, vũ trường tiếp tục đóng cửa.
Vận chuyển hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Tỉnh vẫn duy trì năm tổ kiểm soát ở cửa ngõ ra vào và thực hiện nghiêm khai báo y tế.
Bình Dương: Thu giữ 21 tấn găng tay, quần áo chống dịch đã qua sử dụng
Quản lý thị trường Bình Dương vừa thu giữ 21 tấn găng tay, áo chống dịch đã qua sử dụng đang được tái chế chuẩn bị xuất bán ra thị trường.
Găng tay cao su qua sử dụng được rải dưới nền nhà, chuẩn bị sơ chế lại thì bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, thu giữ |
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng cảnh sát kinh tế, môi trường, Sở Y tế tỉnh Bình Dương kiểm tra một tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế tại khu dân cư thuộc thị trấn Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).
Theo đó, 4 dãy nhà trọ với khoảng trên 20 phòng có chứa tang vật. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện vài chục công nhân tại cơ sở này đang tái chế găng tay, quần áo bảo hộ đã qua sử dụng thuộc diện rác thải y tế.
Lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ hơn 20 tấn găng tay đã phân loại, chưa sơ chế, hơn 1 tấn găng tay, áo chống dịch đã qua sử dụng đã sơ chế và 156 thùng găng tay y tế thành phẩm không ghi nhãn (156.000 chiếc) chuẩn bị xuất bán ra thị trường.
Vụ việc đang được quản lý thị trường Bình Dương và các cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.