Bản tin thời sự sáng 26/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM không bắn pháo hoa dịp 2/9; tài khoản giao thông được nâng cấp thành ví điện tử; Bộ Tài chính bác đề xuất miễn thuế môi trường với nhiên liệu bay; Nha Trang muốn giữ một phần resort dọc biển phục vụ người dân; sẽ quy hoạch trạm dừng nghỉ trên cao tốc…

TP.HCM không bắn pháo hoa dịp 2/9

Lễ Quốc khánh năm nay TP.HCM không bắn pháo hoa mà sẽ thả khinh khí cầu kéo đại kỳ rộng 1.800 m2 lúc 8h trên sông Sài Gòn và tổ chức nhiều hoạt động khác.

Người dân TP.HCM xem bắn pháo hoa tại công viên bến Bạch Đằng

Người dân TP.HCM xem bắn pháo hoa tại công viên bến Bạch Đằng

Thông tin được Phó giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam cho biết, khi đề cập đến các sự kiện mừng Lễ Quốc khánh năm nay.

Cũng theo ông Nam, khinh khí cầu sẽ được thả ở đầu hầm vượt sông Sài Gòn (TP. Thủ Đức). Ngay sau đó, loạt hoạt động dù lượn và thể thao trên sông được tổ chức hai bên bờ đầu hầm vượt sông Sài Gòn và bến Bạch Đằng. Tối cùng ngày, Thành phố sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trên đường Nguyễn Huệ từ 20h - 22h30.

Thành phố cũng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tại TP. Thủ Đức và các Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ vào 1 - 2/9. Cùng với đó, từ 19/8 - 4/9, triển lãm kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi.

Ngoài ra, tối 27/8, từ 20h - 21h30, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng tổ chức buổi biểu diễn nhạc kèn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam.

Trong năm 2021, TP.HCM 4 lần không tổ chức bắn pháo hoa vào các dịp 30/4, 2/9, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nhằm hạn chế tụ tập đông người trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Đến 30/4 năm nay, Thành phố mới bắn pháo hoa trở lại.

Tài khoản giao thông được nâng cấp thành ví điện tử

Bộ Giao thông vận tải cho phép hai đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng nâng cấp tài khoản giao thông ETC thành ví điện tử, tạo tiện lợi cho người sử dụng.

Chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông qua các ví điện tử

Chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông qua các ví điện tử

Theo ông Nguyễn Danh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thu phí tự động VETC, Bộ Giao thông vận tải đã hướng dẫn VETC làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để hoàn tất thủ tục, đưa ví điện tử vào hoạt động trong 6 - 9 tháng tới.

Khi tài khoản giao thông trở thành ví điện tử, người dùng ETC sẽ có nhiều lợi ích. Ngoài thanh toán khi qua các trạm thu phí không dừng, chủ xe có thể thanh toán chi tiêu khác như trả phí đỗ xe, vào sân bay, cảng biển... Khi đó, dòng tiền trong tài khoản giao thông được sử dụng với nhiều mục đích.

Để tăng minh bạch, tài khoản giao thông sẽ tuân thủ quy định chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải về hoạt động ETC và quy định giám sát của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán.

Hiện nay, cả nước có 3,7 triệu xe đã được dán thẻ ETC và kích hoạt tài khoản giao thông, chiếm khoảng 82% trên tổng số 4,5 triệu xe cả nước.

Theo ước tính, tài khoản giao thông cả nước có số dư trên 300 tỷ đồng mỗi tháng. Chủ xe thường phải nạp tiền trước vào tài khoản để lưu thông qua trạm ETC và không được sử dụng tiền nhàn rỗi cho mục đích khác.

Bộ Tài chính bác đề xuất miễn thuế môi trường với nhiên liệu bay

Liên quan đến kiến nghị của Vietnam Airlines về việc giảm 100% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, Bộ Tài chính cho rằng, điều này không đảm bảo đúng bản chất của thuế bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính bác đề xuất miễn thuế môi trường với nhiên liệu bay

Bộ Tài chính bác đề xuất miễn thuế môi trường với nhiên liệu bay

Để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, thời gian qua Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành các nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay.

UBTVQH đã ban hành nghị quyết giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/202.

Ngày 31/12/2021, UBTVQH tiếp tục có nghị quyết giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2021 (giảm từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít).

Tiếp đó, ngày 6/7/2022, UBTVQH có nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2021. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã giảm xuống mức sàn trong khung thuế (còn 1.000 đồng/lít).

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường là mức điều chỉnh tối đa theo thẩm quyền của UBTVQH đã được Quốc hội giao tại Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Trường hợp cần giảm hơn nữa mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay thì cần phải trình Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường về 0 đồng sẽ không đảm bảo đúng bản chất của thuế bảo vệ môi trường…

Trong văn bản mới nhất trả lời kiến nghị về việc miễn 100% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay của Vietnam Airlines, Bộ Tài chính cho rằng, thuế bảo vệ môi trường nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Do đó Luật Thuế bảo vệ môi trường không quy định miễn thuế này.

Nha Trang muốn giữ một phần resort dọc biển phục vụ người dân

Chính quyền Nha Trang kiến nghị giữ một số công trình của resort dài 400 m dọc đường Trần Phú phải di dời, để phục vụ người dân và du khách.

Resort Ana Mandara nằm sát biển, dọc 400 m đường Trần Phú.

Resort Ana Mandara nằm sát biển, dọc 400 m đường Trần Phú.

Đề xuất vừa được chính quyền TP. Nha Trang gửi UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan phương án xử lý các công trình ở Khu du nghỉ dưỡng biển Ana Mandara. Trước đó, sau gần 30 năm hoạt động, đầu tháng 7 khu resort rộng hơn 28.000 m2 bị thu hồi mặt bằng ở bãi Dương, đường Trần Phú và chuyển tới dự án mới tại bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm).

Theo UBND TP. Nha Trang, resort thuộc phân khu 1 - khu trung tâm ven biển và phía nam sông Cái (từ cầu Trần Phú đến trục đường chính sân bay cũ). Nơi đây được phép làm điểm dịch vụ công cộng (mật độ xây dựng tối đa 5%) đan xen trong công viên để cung cấp dịch vụ cho khách tắm biển, vui chơi.

Ngoài ra, căn cứ đồ án quy hoạch phân khu phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng được phê duyệt năm 2014, resort thuộc quy hoạch đất công viên chuyên đề; mật độ xây dựng 10 - 15%, cao một tầng. Chính quyền Nha Trang cho rằng, việc tồn tại một số công trình sau khi khu nghỉ dưỡng dừng đón khách là phù hợp quy hoạch, không chia cắt không gian của người dân với biển.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, đề xuất của chính quyền Thành phố rất chính đáng. Bởi đường Trần Phú dài hơn 10 km, chạy dọc biển, rất cần thiết có các công trình công cộng phục vụ người dân, du khách. Tinh thần sẽ giữ lại các chòi ở resort để phục vụ giải khát, còn hồ bơi sẽ làm điểm tập bơi…

Sẽ quy hoạch trạm dừng nghỉ trên cao tốc

Bộ Giao thông vận tải cho biết đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có nội dung về trạm dừng nghỉ trên cao tốc.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp thông xe mà chưa có trạm dừng nghỉ

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp thông xe mà chưa có trạm dừng nghỉ

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt có nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông. Khi xây dựng quy hoạch này, Bộ sẽ thiết kế nội dung về trạm dừng nghỉ trên toàn quốc.

Hiện chỉ có Quy hoạch 2753/2014 về trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, không có trên cao tốc. Nhiều tuyến vì vậy chưa có trạm dừng nghỉ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ví dụ, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, địa phương chưa thống nhất được hình thức là đấu thầu chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ hay chỉ định cho nhà đầu tư tuyến cao tốc.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, địa phương thay đổi vị trí đặt trạm dừng nghỉ nên kéo dài thời gian làm thủ tục đầu tư. Ngày 1/9, tuyến cao tốc này thông xe, sẽ nối cầu Bạch Đằng - Đại Yên và Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài 176 km chạy dọc Quảng Ninh. Tuy nhiên, tuyến cao tốc không có trạm dừng nghỉ, trạm xăng khiến nhiều người lo lắng.

Một số cao tốc khác như Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã sử dụng nhiều năm nhưng đều chưa có trạm dừng nghỉ. Nguyên nhân là hạng mục này được chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền tách ra làm dự án riêng nên bị chậm triển khai so với dự án cao tốc.

Lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông kiến nghị Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch mạng lưới trạm dừng nghỉ cao tốc trên toàn quốc để tránh việc xây dựng manh mún tại từng địa phương.

Kiến nghị kéo dài đường sắt Bến Thành - Suối Tiên về đến Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Đồng Nai kiến nghị kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến Biên Hòa.

KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng

KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng

Sở Giao thông vận tải Đồng Nai vừa có văn bản đề xuất UBND Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương nghiên cứu đầu tư Dự án kéo dài tuyến đường sắt metro Bến Thành - Suối Tiên đến Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (tại phường An Bình, TP. Biên Hòa) với chiều dài khoảng 6 km.

Trước đó, theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường sắt metro Bến Thành - Suối Tiên được quy hoạch kéo dài từ ga Suối Tiên qua sông Đồng Nai đi dọc Quốc lộ 1 đến ngã ba chợ Sặt (thuộc phường Tân Biên, TP. Biên Hòa).

Về việc điều chỉnh này, theo Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy theo Quốc lộ 1 và nhà ga trung tâm ở Đồng Nai đặt tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, từ đó nối vào trung tâm TP. Biên Hòa sẽ thuận tiện cho kết nối giao thông của tỉnh Đồng Nai và phù hợp với quy hoạch.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có diện tích hơn 300 ha, hiện đang được tỉnh Đồng Nai thực hiện chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và trung tâm hành chính, chính trị của Tỉnh.

Chuyên đề