Bản tin thời sự sáng 26/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Công an quận Hoàn Kiếm cho phép trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội hoạt động trở lại; cơ quan công an và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo nóng về loạt ứng dụng chui; việc tạm dừng tước giấy phép với 5 doanh nghiệp xăng dầu là không phù hợp; bồi thường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM cao nhất 40 triệu đồng/m2

Công an quận Hoàn Kiếm cho phép trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội hoạt động trở lại

Qua kiểm tra, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận thấy, trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội đã được khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy theo nội dung đã nêu trước đó, để được đi vào hoạt động.

Trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội đã được khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội đã được khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Trong thông báo chiều 25/11, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, hai ngày trước nhận được văn bản của Sở Nội vụ Hà Nội về việc đảm bảo các điều kiện phòng cháy chữa cháy tại trụ sở. Công an quận sau đó đã tổ chức kiểm tra và nhận thấy trụ sở cơ quan Sở Nội vụ đã được khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đi vào hoạt động.

Theo đại diện Sở Nội vụ, năm 2015, trụ sở của đơn vị được sửa chữa, cải tạo. Đến nay, một số hạng mục như máy bơm nước, họng nước... chưa phù hợp với tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy. Trước yêu cầu của lực lượng chức năng, Sở đã nhanh chóng khắc phục.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Nội (PC07) cho biết thêm, trụ sở Sở Nội vụ vi phạm các lỗi thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế. Đơn cử, hai cầu thang bộ dạng hở, cải tạo tầng tum thành nhà ăn tầng 7, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo và không có hệ thống cấp nước ngoài nhà.

Cơ quan công an và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo nóng về loạt ứng dụng chui

Nhà đầu tư được khuyến cáo thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên những app giao dịch chưa được cấp phép. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Xuất hiện nhiều đơn vị, tổ chức kêu gọi đầu tư, cung cấp dịch vụ đầu tư mà chưa được cấp phép. Ảnh minh họa

Xuất hiện nhiều đơn vị, tổ chức kêu gọi đầu tư, cung cấp dịch vụ đầu tư mà chưa được cấp phép. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa phát đi thông báo khuyến cáo nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được Ủy ban cấp phép.

Theo cơ quan quản lý, gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, ứng dụng (app) giao dịch, sử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hỗ trợ nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán, có dấu hiệu hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không được Ủy ban cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Một số cái tên được UBCKNN điểm danh gồm Tititada, Anfin, Infina… Cơ quan này cho rằng, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Trong thông báo nói trên, UBCKNN cũng cung cấp danh sách 81 công ty chứng khoán được cấp phép để nhà đầu tư theo dõi. Đây không phải là lần đầu tiên UBCKNN lên tiếng về vấn nạn cung cấp dịch vụ "chui" về đầu tư chứng khoán.

Trong một động thái có liên quan, Công an TP. Hà Nội cho biết, đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên không gian mạng có dấu hiệu giả mạo website các công ty chứng khoán để giao dịch chứng khoán.

Công an TP. Hà Nội đề nghị UBCKNN, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội (HNX) tăng cường cảnh báo đến các công ty chứng khoán thành viên và các công ty chứng khoán trên địa bàn TP. Hà Nội, chỉ đạo các công ty chứng khoán thực hiện cảnh báo liên tục, thường xuyên phương thức, thủ đoạn phạm tội nêu trên đến khách hàng bằng nhiều hình thức (email, sms, trực tiếp tại quầy, trên app của công ty...).

Việc tạm dừng tước giấy phép với 5 doanh nghiệp xăng dầu là không phù hợp

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), việc tạm dừng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bằng thông báo của Thanh tra Bộ Công Thương là không phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại.

Tổng cục Hải quan chưa cho phép 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tiếp tục kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu

Tổng cục Hải quan chưa cho phép 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tiếp tục kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ Công Thương.

Theo Tổng cục Hải quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc mặc dù từ ngày 6/9/2022, có 5 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được tạm dừng áp dụng hình thức phạt bổ sung tước giấy phép, nhưng chưa được hải quan cho phép tiếp tục hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét để các thương nhân đầu mối trên được tiếp tục kinh doanh, phục vụ sản xuất và đời sống người dân...

Về việc này, Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 6/9, Tổng cục Hải quan nhận được Công văn số 750 của Thanh tra Bộ Công Thương gửi kèm theo 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để biết và xử lý đối với các công ty là đối tượng xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 13/9, Tổng cục Hải quan tiếp tục nhận được Thông báo số 771 của Thanh tra Bộ Công Thương về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu - nhập khẩu của 5 thương nhân đầu mối.

Tổng cục Hải quan cho rằng, việc tạm dừng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bằng thông báo của Thanh tra Bộ Công Thương là không phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại.

Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đã có các công văn trao đổi với Bộ Công Thương, nhưng không nhận được ý kiến trả lời của Bộ Công Thương. Do đó, Tổng cục Hải quan không có văn bản chỉ đạo thông quan đối với các doanh nghiệp này.

Bồi thường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM cao nhất 40 triệu đồng/m2

Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM dài hơn 47 km, có tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 397 ha, với 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 663 hộ phải giải tỏa trắng. Chi phí bồi thường dự kiến thấp nhất gần 19 triệu đồng/m2, cao nhất 40 triệu đồng/m2.

Công nhân cắm cọc giải phóng mặt bằng Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Thủ Đức

Công nhân cắm cọc giải phóng mặt bằng Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Thủ Đức

Thông tin trên được đề cập trong công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hồ Chí Minh gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Chủ đầu tư).

Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM thi công trên địa bàn TP. Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Theo dự toán của các địa phương tuyến đường đi qua, giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư với đất ở là 18,7 - 40,1 triệu đồng/m2. Giá bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề với đất trồng cây lâu năm là 3,8 - 8,2 triệu đồng/m2. Ngoài ra, giá bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề với đất trồng cây hàng năm dự kiến từ 3,2 - 6 triệu đồng/m2.

Sở TN&MT cho biết, đây là giá đền bù tạm tính, khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các địa phương cùng đơn vị tư vấn độc lập sẽ thẩm định cụ thể trước khi trình Hội đồng thẩm định giá đất và UBND TP.HCM phê duyệt.

Hà Nội sẽ thu hồi nhà, đất bị chiếm dụng, cho thuê trái phép trong năm 2023

Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện còn 838 địa điểm nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở (gọi là quỹ nhà chuyên dùng).

Việc quản lý nhà nước đối với quỹ nhà chuyên dùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài

Việc quản lý nhà nước đối với quỹ nhà chuyên dùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài

Với tổng diện tích nhà 178.148 m2 và diện tích đất 155.156 m2, quỹ nhà này chủ yếu được xác lập khi thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa của Nhà nước những năm 1960, một phần quỹ nhà được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các địa điểm nhà tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa).

Qua rà soát, kiểm tra của các đơn vị chức năng, UBND TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc quản lý nhà nước đối với quỹ nhà chuyên dùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài. Nhiều trường hợp sai phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật; hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế thấp không tương xứng với giá trị và số lượng nhà đất.

Cụ thể, việc theo dõi, ghi số các địa điểm nhà, đất đã ký hợp đồng thuê nhà, các địa điểm chưa ký hợp đồng thuê nhà chưa đảm bảo đầy đủ; việc thiết lập, bổ sung hoàn thiện hồ sơ đối với từng địa điểm nhà thuê chưa được quan tâm, tiến độ chậm nên nhiều điểm nhà, đất chưa có hồ sơ.

Đáng chú ý, việc kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng không được duy trì thường xuyên. Nhiều trường hợp có vi phạm (cho thuê lại, liên doanh liên kết, chuyển ở, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận)…

Để khắc phục những tồn tại và bất cập trên, nhất là tình trạng khai thác, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng sai mục đích, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, trước mắt, phải thống kê, phân loại quỹ nhà chuyên dùng theo nhóm và mức độ vi phạm; lập kế hoạch xử lý, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, trong năm 2023, các ngành chức năng phải hoàn thành việc truy thu các khoản nghĩa vụ tài chính còn nợ đọng và thu hồi toàn bộ các địa điểm nhà, đất bị chiếm dụng, cho thuê trái phép.

Đất, đá thải xuống hồ Thác Bà của Công ty CP Khoáng sản Simco - Fansipan là không phép

Lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái kiểm tra phát hiện Công ty CP Khoáng sản Simco - Fansipan có hoạt động sai quy định.

Đổ thải sai quy định, Công ty CP Khoáng sản Simco - Fansipan bị UBND tỉnh Yên Bái xử phạt 200 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 2 tháng

Đổ thải sai quy định, Công ty CP Khoáng sản Simco - Fansipan bị UBND tỉnh Yên Bái xử phạt 200 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 2 tháng

Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, Công ty CP Khoáng sản Simco - Fansipan được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 2644 (21/11/2014), để thực hiện Dự án Khai thác đá hoa trắng tại mỏ Mông Sơn VII; địa chỉ ở thôn Làng Cạn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái). Diện tích mỏ được cấp phép là trên 17 ha; công suất 200.000 tấn/năm; thời hạn đến năm 2044.

Qua công tác kiểm tra đã phát hiện công ty này có hoạt động sai quy định. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định xử phạt.

Quyết định số 1300/QĐ-XPHC tháng 8/2022 của UBND tỉnh Yên Bái đã xử phạt hành chính công ty này với số tiền 200 triệu đồng, do các vi phạm: đổ thải không đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt; thông tin, số liệu trên bản đồ, mặt cắt thể hiện không đầy đủ theo quy định và sai với thực tế hiện trạng. Đồng thời đình chỉ hoạt động 2 tháng, yêu cầu đổ thải đúng quy định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Khoáng sản Simco - Fansipan thừa nhận, trong quá trình làm đường lên mỏ, xây dựng cơ bản đã làm đất, đá thải xuống hồ Thác Bà; đổ thải sai quy định do diện tích đổ thải ban đầu không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện đơn vị đã cơ bản khắc phục xong và đang làm việc với các ngành chức năng, tiến hành các thủ tục pháp lý để mở rộng diện tích đổ thải.

TP.HCM sẽ lập Ban chỉ đạo giải quyết các dự án treo

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thành phố sẽ lập tổ công tác để sớm hoàn thành dự án treo ở 22 địa phương và nâng cấp thành Ban chỉ đạo để điều phối, giám sát.

Một dự án treo ở huyện Củ Chi, TP.HCM nhiều năm chưa được giải quyết

Một dự án treo ở huyện Củ Chi, TP.HCM nhiều năm chưa được giải quyết

Nội dung trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu tại buổi làm việc với quận Bình Tân chiều 25/11, nhằm giải quyết dứt điểm các dự án treo nhiều năm ở địa phương và Thành phố.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố sẽ đề nghị 21 địa phương lập tổ công tác giải quyết các vướng mắc ở dự án treo như Bình Tân đã làm. Về phía Thành phố, Sở Nội vụ lập tổ riêng, dành 2 - 3 tháng rà soát các nhóm vấn đề tồn đọng của dự án treo và thêm chừng đó thời gian tìm cách giải quyết rồi bàn giao công việc cho cơ quan chủ trì. Tổ này tương lai sẽ được nâng cấp thành Ban chỉ đạo để giải quyết các khó khăn ở các dự án đình trệ nhiều năm.

Trước đó, quận Bình Tân kiến nghị việc sớm giải quyết các dự án kéo dài như Khu dân cư Vĩnh Lộc; Khu công nghiệp Vĩnh Lộc; Khu dân cư Phúc Lâm C; Khu dân cư - Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh; Dự án bãi chôn lấp Bàu Cát...

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, về vấn đề các dự án treo, một mình Sở không thể giải quyết, và đề xuất lập tổ công tác để tháo gỡ dứt điểm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2016 đến nay, HĐND TP.HCM đã thông qua tổng cộng 1.445 dự án thu hồi đất các loại. Trong số này, 402 dự án đã hoàn thành (28%), 741 dự án đang thực hiện (51%), và 302 dự án treo (21%)...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư