Bản tin thời sự sáng 26/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất khai thác chuyến bay nội địa bình thường từ đầu năm 2022; giá xăng giảm mạnh đến 1.000 đồng mỗi lít; Khánh Hòa đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vaccine đầu tiên; Hà Nội nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt; có thể lùi thời hạn xóa sổ thẻ từ ATM cuối năm nay.

Đề xuất khai thác chuyến bay nội địa bình thường từ đầu năm 2022

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tăng tần suất chuyến bay nội địa trong tháng 12 và tiến tới khai thác bình thường từ đầu năm 2022.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất khai thác bình thường chuyến bay nội địa từ đầu năm 2022.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất khai thác bình thường chuyến bay nội địa từ đầu năm 2022.

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam giải thích đề xuất trên nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách tăng cao trên các đường bay nội địa. Cơ quan này kiến nghị đường bay trục Hà Nội - TP.HCM/Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng khai thác 16 chuyến khứ hồi mỗi ngày trong nửa đầu tháng 12. Trong đó, Vietnam Airlines 5 chuyến, Vietjet Air 5 chuyến, Bamboo Airways 3 chuyến, Pacific Airlines 2 chuyến, Vietravel Airlines một chuyến.

Nửa cuối tháng 12, dự kiến có 20 chuyến khứ hồi mỗi ngày trên đường bay trục. Các chặng bay nội địa còn lại khai thác không quá 9 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Từ năm 2022, toàn bộ đường bay nội địa trên cả nước được khai thác bình thường như trước đợt dịch thứ tư (tháng 4/2021).

Hiện các đường bay trục bị giới hạn tần suất, chỉ khai thác 6 chuyến khứ hồi, các chặng bay khác tối đa 4 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, quy định hạn chế tần suất bay được áp dụng đến ngày 30/11 khiến các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch mùa đông, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Việc hạn chế tần suất đường bay trục khiến các hãng đang bán vé giá cao, hạn chế đưa ra khuyến mại, gây bức xúc về giá vé cho hành khách.

Giá xăng giảm mạnh đến 1.000 đồng mỗi lít

Từ 15h ngày 25/11, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 750 đồng, RON 95 giảm 1.090 đồng, các mặt hàng dầu đồng loạt hạ 330 - 440 đồng.

Giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm

Giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm

Theo điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, ngày 25/11, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm giá bán lẻ xăng, dầu trong nước sau 5 lần tăng giá liên tiếp. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 về mức 22.910 đồng (giảm 750 đồng); giá xăng RON 95 giảm 1.090 đồng, còn 23.900 đồng một lít.

Giá các mặt hàng dầu đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 330 đồng, còn 18.380 đồng một lít. Dầu hoả giảm 440 đồng một lít, còn 17.190 đồng. Dầu madut tối đa 16.470 đồng một kg, tương đương mức giảm 350 đồng.

Như vậy, sau 5 lần tăng giá liên tiếp, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã có kỳ giảm đầu tiên theo đà đi xuống của giá thế giới...

Tại kỳ này, cơ quan điều hành dừng chi từ Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON 95 và các mặt hàng dầu. Riêng mặt hàng xăng E5 RON 92 mức chi từ Quỹ giảm 500 đồng so với kỳ điều hành ngày 10/11, còn 300 đồng một lít.

Cùng đó, liên Bộ cũng tăng mức trích quỹ với hầu hết các mặt hàng, trừ xăng E5 RON 92. Cụ thể, mức trích quỹ ở kỳ này với xăng RON 95 và dầu hoả là 300 đồng một lít; dầu diesel trích 150 đồng mỗi lít vào quỹ và dầu madut là 500 đồng một kg.

Khánh Hòa đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vaccine đầu tiên

43 du khách Hàn Quốc sử dụng hộ chiếu vaccine đã đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh.

Du khách làm thủ tục, khai báo y tế và đi bằng luồng riêng khi nhập cảnh vào sân bay

Du khách làm thủ tục, khai báo y tế và đi bằng luồng riêng khi nhập cảnh vào sân bay

Chuyến bay của hãng hàng không Bamboo Airways chở 293 hành khách, trong đó có 43 khách du lịch đi theo chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine từ sân bay Incheon, Hàn Quốc. Đây là những người nước ngoài đầu tiên tới Khánh Hòa du lịch kể từ khi có dịch Covid-19.

Tại sân bay, du khách đi bằng lối riêng để thực hiện các thủ tục nhập cảnh, sàng lọc sức khỏe và cài đặt ứng dụng PC-Covid trước khi được đưa về nơi nghỉ dưỡng tại Vinpearl Resort & Spa Long Beach Nha Trang ở Bãi Dài trong khu vực riêng biệt. Đây là một trong những nơi đã được phép đón khách quốc tế của Khánh Hòa.

Trong thời gian 7 ngày, họ sẽ nghỉ dưỡng, đảm bảo không tiếp xúc với cộng đồng, không ảnh hưởng đến hoạt động của các du khách nội địa. Họ cũng sẽ được trải nghiệm tham quan những nơi khác trong Tỉnh theo tour khép kín do công ty du lịch tổ chức.

Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, đây là một trong những sự kiện mở đầu cho chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine của địa phương, và là khởi đầu quan trọng trong quá trình phục hồi du lịch. Toàn Tỉnh hiện có 36 cơ sở đáp ứng điều kiện đón khách quốc tế, trong đó có 25 cơ sở lưu trú biệt lập tại Bãi Dài, 6 khu, điểm du lịch, 1 cơ sở mua sắm và 4 đơn vị lữ hành chuyên nghiệp.

Dự kiến khởi công 9 km Dự án Vành đai 3 TP.HCM vào quý I/2022

Dự án 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3, tổng vốn 5.300 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý I/2022, giúp tăng kết nối TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Dự án 1A và 1B, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Dự án 1A và 1B, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi (cơ quan thay Bộ Giao thông vận tải quản lý Dự án) cho biết, hiện hồ sơ thiết kế Dự án đã được phê duyệt. Cơ quan này đang chờ nhà tài trợ xem xét và phê duyệt hồ sơ mời thầu, dự kiến phát hành tháng 12 năm nay, khởi công đầu năm sau.

Dự án 1A kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Vốn thực hiện công trình từ nguồn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước. Trước đó, công trình dự tính khởi công năm 2021, nhưng nhiều đầu việc cần được nhà tài trợ chấp thuận.

Giai đoạn một, Dự án làm đường rộng 20 - 26 m cho 6 làn xe, vận tốc 80 km/h. Khi hoàn thành, tuyến đường giúp rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch, Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương; tạo thuận lợi vận chuyển hàng hoá, hành khách...

Vành đai 3 TP.HCM dài hơn 90 km chạy qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km đã đầu tư hoàn thành.

Hà Nội nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt

Ngoài việc tiếp tục duy trì làn đường ưu tiên tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, từ nay đến năm 2025, Hà Nội tổ chức 9 làn ưu tiên, 5 làn trong giai đoạn 2026 - 2030.

BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được tổ chức làn đường ưu tiên

BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được tổ chức làn đường ưu tiên

UBND TP. Hà Nội vừa trả lời về kiến nghị xem xét hiệu quả của tuyến buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa.

Trong văn bản, UBND TP. Hà Nội cho rằng, từ những ưu điểm của tuyến BRT, Thành phố sẽ đánh giá, nghiên cứu và đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt tại tuyến đường có nhiều làn xe; số lượng tuyến và lưu lượng xe buýt lớn; làn đường ưu tiên phù hợp công tác tổ chức giao thông.

Với những tiêu chí trên, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội nghiên cứu tổ chức 9 làn đường ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công và tuyến đường Võ Văn Kiệt.

Giai đoạn 2026 - 2030, Thành phố sẽ có thêm 5 tuyến đường được nghiên cứu, tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nhổn - Hồ Tùng Mậu; Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín; Trần Duy Hưng - Hòa Lạc; Mỹ Đình - sân bay Nội Bài; Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo Quốc lộ 1 cũ.

Ngoài làn đường ưu tiên cho tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, Hà Nội hiện có một tuyến đường dành riêng cho xe buýt thường, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ.

Tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, đến cuối năm 2016 mới bắt đầu khai thác. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã.

Tổng đầu tư của Dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Dự kiến giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong cả năm 2022 để hỗ trợ ngành hàng không.

Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo để trình Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội về Dự án Nghị quyết thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 1/1 đến hết 31/12/2022.

Theo quy định hiện hành, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là 3.000 đồng một lít (bằng mức trần trong khung thuế). Với mức đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay cho năm sau, tức sẽ còn 1.500 đồng một lít.

Trước đó, để hỗ trợ cho ngành hàng không, mức thuế này đã được giảm 30% về 2.100 đồng một lít, hiệu lực từ tháng 8/2020 đến hết năm nay. Việc đề xuất tăng mức giảm thuế từ 30% lên 50% theo Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ hơn nữa cho ngành hàng không.

Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là khoản thu khi sử dụng nhiên liệu bay. Tuy nhiên thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải hàng không phải hạn chế hoạt động, có lúc gần như đóng băng nên chính sách giảm thuế trong giai đoạn vừa qua chưa phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, cần tiếp tục giảm thuế nhiên liệu bay trong năm 2022 để hỗ trợ ngành hàng không trong giai đoạn bình thường mới.

Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Vận tải hàng không là ngành có vị trí quan trọng trong nền kinh tế - xã hội. Bên cạnh chức năng chính là vận chuyển hành khách, hàng hóa, ngành này gián tiếp thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường theo Bộ Tài chính giúp giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh suy yếu dòng tiền, âm thanh khoản. Việc giảm thuế cũng có tác động gián tiếp khuyến khích các ngành kinh tế khác như thương mại, dịch vụ, du lịch...

Có thể lùi thời hạn xóa sổ thẻ từ ATM cuối năm nay

Thay vì phải chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM từ sang thẻ chip trước 31/12, các nhà băng có thể được Ngân hàng Nhà nước cho phép lùi hạn áp dụng.

Thẻ ATM có gắn chip của một ngân hàng

Thẻ ATM có gắn chip của một ngân hàng

Theo Thông tư 41 ban hành năm 2018, hạn chót 31/12/2021, 100% thẻ nội địa lưu hành phải là thẻ chip. Điều này có nghĩa là sau thời gian trên, toàn bộ thẻ ATM từ sẽ không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc. Nhưng trên thực tế, một số ngân hàng vẫn chưa xong lộ trình chuyển đổi và chưa sẵn sàng về mặt hạ tầng.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, các ngân hàng đã xin lùi hạn áp dụng chuyển đổi toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều cản trở. Cơ quan này đang xem xét đề xuất và có thể ban hành văn bản cho phép lùi hạn áp dụng trong thời gian tới.

Hiện nay, thẻ ngân hàng nội địa đang tồn tại dưới hai loại song song: thẻ từ và thẻ có gắn chip. Thẻ từ là loại thẻ lưu hành phổ biến từ trước đến nay. Loại thẻ này có chứa dải băng từ trên mặt sau, dữ liệu được lưu cố định trên dải từ và chỉ được mã hóa một lần, do đó dễ bị sao chép, kém an toàn và bảo mật.

Trong khi đó, thẻ có gắn chip xuất hiện sau tại Việt Nam và có tính bảo mật tốt hơn. Loại thẻ này có gắn một vi mạch trên bề mặt thẻ, hoạt động như một chiếc máy tính thu nhỏ. Thông tin trên thẻ khó có khả năng sao chép hơn so với thẻ từ.

Dịch Covid-19 khiến khách hàng ít giao dịch tại quầy, các nhà băng cũng tất bật ứng phó với tác động của dịch bệnh. Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip yêu cầu khách hàng tới trực tiếp ngân hàng và có chữ ký xác nhận, vì thế các nhà băng cũng khó triển khai một cách đồng loạt, đặc biệt trước tác động của đại dịch.

Tới nay, mới chỉ có một số ngân hàng hoàn thành 100% việc chuyển đổi thẻ chip gồm MB, LienVietPostBank, VietBank, Standard Chartered, Hongleongbank, IBK TPHCM, IBK Hà Nội...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư