Bản tin thời sự sáng 26/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bão Molave đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm; hơn 19.000 tỷ đồng làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Hải Phòng khắc phục sự cố tàu thủy đâm cầu quay xe lửa; TP.HCM tiếp tục cấm xe qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh…

Bão Molave đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm

Dự báo trong 24 giờ tới, bão Molave (Bão số 9) di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/giờ), giật cấp 14.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/giờ), giật cấp 14.

Hồi 1 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão Molave ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 350km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135km/giờ), giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên), từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 114,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (115 - 150km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.

Hơn 19.000 tỷ đồng làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài hơn 53 km, tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Sơ đồ dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Sơ đồ dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Văn phòng Chính phủ vừa đề nghị các bộ, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến đối với tờ trình về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa gửi Thủ tướng.

Theo tờ trình, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, theo hình thức đối tác công - tư (PPP) - hợp đồng BOT. Trong đó 34,2 km qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là 19,5 km. Điểm đầu cao tốc nối đường tránh Quốc lộ 1A qua TP. Biên Hòa, điểm cuối giao với đường vành đai TP. Bà Rịa (thuộc Quốc lộ 56).

Quy mô cao tốc sẽ phân kỳ bốn đoạn, trong đó đoạn Biên Hòa - Long Thành có quy mô 4 làn xe; các đoạn Long Thành - Tân Hiệp, Tân Hiệp - Phú Mỹ cùng có quy mô 6 làn xe, đoạn Phú Mỹ - nút giao Quốc lộ 56 có 4 làn. Trên toàn tuyến có 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cây cầu đường ngang vượt cao tốc.

Theo tính toán sơ bộ, tổng diện tích đất để xây cao tốc khoảng 588,5 ha; tổng vốn thực hiện dự án hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 9.100 tỷ đồng; bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư hơn 5.900 tỷ đồng.

Dự kiến quý I/2023, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ khởi công, hoàn thành vào năm 2025. Nhà đầu tư được phép thu phí trong thời gian dự kiến 24 năm 6 tháng.

Hải Phòng khắc phục sự cố tàu thủy đâm cầu quay xe lửa

Cầu quay xe lửa Tam Bạc bị tàu thủy đâm biến dạng khiến tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng ngưng trệ gần một ngày.

Tuyến xe lửa Hà Nội - Hải Phòng hoạt động trở lại từ sáng 25/10

Tuyến xe lửa Hà Nội - Hải Phòng hoạt động trở lại từ sáng 25/10

Ngày 25/10, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết tuyến đường sắt trên cầu quay Tam Bạc đã được các đơn vị trong ngành khắc phục tạm thời.

Trước đó, lúc 9h40 ngày 24/10, tại Km 99+250 tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, cabin tàu chở hàng chạy hướng sông Lạch Tray cắt qua sông Tam Bạc ra sông Cấm đã đâm va vào dầm cầu, làm biến dạng và xô lệch các dầm cầu bằng thép.

Để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu và hành khách, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) phối hợp cùng nhà chức trách Hải Phòng kiểm tra, lập biên bản hiện trường; phong tỏa ngay khu gian Thượng Lý; tổ chức sửa chữa, khắc phục tạm thời.

Đến 0h20 ngày 25/10, việc sửa chữa hoàn thành, đảm bảo tàu hỏa lưu thông qua cầu với tốc độ 5 km/h an toàn. Tuyến đường thủy nội địa trên tuyến sông Tam Bạc cũng trở lại bình thường.

Hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả lũ đón bão Molave

Tối 25/10, hồ Kẻ Gỗ xả với lưu lượng 250 m3/s và dự kiến tăng lưu lượng xả lên 300 đến 400 m3/s vào hôm nay để đón lũ do bão Molave (Bão số 9).

Hồ Kẻ Gỗ xả lũ qua hai cửa tràn chiều 21/10

Hồ Kẻ Gỗ xả lũ qua hai cửa tràn chiều 21/10

Đại diện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (đơn vị vận hành hồ Kẻ Gỗ) cho biết, ngày 22/10 đến nay, hồ luôn xả ở mức 100 đến 200 m3/s. Lúc 19h ngày 25/10, mực nước hồ Kẻ Gỗ ở cao trình 30,28 m, tương ứng với dung tích 282 triệu m3 (thiết kế là 345 triệu m3), lưu lượng xả qua hai cửa tràn duy trì ở mức 250 m3/s.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, việc hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả tràn là để đón lũ do bão Molave. Cơn bão này dự kiến gây mưa từ 300 đến 700 mm ở khu vực Hà Tĩnh hôm 28/10.

Chiều nay khi đi vào vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, bão Saudel suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trong khi đó, bão Molave tăng lên cấp 10, hai ngày tới bão di chuyển hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, vào Biển Đông và tiếp tục mạnh lên cấp 11.

Hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, gồm một đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m3, là một trong những hồ đập lớn nhất cả nước. Nước từ hồ theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250 km, tưới cho hơn 21.000 ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.

TP.HCM tiếp tục cấm xe qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh

Từ ngày 29/10 đến 23/4/2021, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cấm xe qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, để sửa tuyến đường cùng tên dài 3,2 km.

Xe chạy qua cầu Nguyễn Hữu Cảnh hồi đầu tháng 10

Xe chạy qua cầu Nguyễn Hữu Cảnh hồi đầu tháng 10

Dải phân cách ngăn hai phần làn ôtô trên đường Điện Biên Phủ, đoạn qua giao lộ đường Nguyễn Văn Thương, được tháo dỡ để tạo điểm quay đầu cho hướng đi mới.

Ôtô từ cầu Sài Gòn vào trung tâm thành phố không được rẽ phải để qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh mà theo đường Điện Biên Phủ, quay đầu tại giao lộ với đường Nguyễn Văn Thương, sau đó chạy vào đường bên hông cầu vượt để qua đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Đối với xe máy, từ cầu Sài Gòn đi thẳng đường Điện Biên Phủ rồi quay đầu tại ngã tư Hàng Xanh. Sau đó, các xe rẽ phải vào hẻm 602 Điện Biên Phủ (Nguyễn Văn Thương nối dài) để qua Nguyễn Hữu Cảnh.

Việc tổ chức hướng đi mới này trước đó được Sở Giao thông vận tải áp dụng từ ngày 3/10 khi cầu cấm xe 6 tháng để sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuy nhiên, sau khi cấm được 4 ngày, cầu đã cho xe chạy lại do có phương án thi công mới. Hiện, nhà thầu rào chắn đoạn đường hơn 200 m, từ trước toà nhà The Manor đến chân cầu vượt để thi công.

Triển khai tháng 10 năm ngoái với tổng đầu tư gần 473 tỷ đồng, Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh qua địa bàn Quận 1 và Bình Thạnh giúp giải quyết ngập cho khu vực. Công trình hiện đạt 35% tổng khối lượng với việc hoàn thành đoạn 1,2 km từ giao lộ với đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm 1. Theo kế hoạch, đoạn còn lại từ cầu Thủ Thiêm 1 đến đường dẫn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành trong năm nay và toàn bộ các hạng mục khác xong trong trong tháng 4/2021.

Chuyên đề