Bản tin thời sự sáng 26/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM kiến nghị tiêm vaccine Pfizer cho trẻ 12 - 17 tuổi; ngày 26/10, giá xăng có thể tăng mạnh; Bộ Tài chính đề nghị SCIC tập trung thoái vốn Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong; đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc Quốc Cường Gia Lai; đầu tư 390 tỷ đồng xây nhà ga hàng hóa công suất 100.000 tấn/năm tại Cát Bi…

TP.HCM kiến nghị tiêm vaccine Pfizer cho trẻ 12 - 17 tuổi

Sở Y tế TP.HCM ngày 25/10 gửi văn bản đề nghị Viện Pasteur TP.HCM chấp thuận cho phép sử dụng vaccine của Pfizer tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi, trong khi chờ Bộ Y tế hướng dẫn.

Vaccine Pfizer là loại vaccine được TP.HCM kiến nghị tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi

Vaccine Pfizer là loại vaccine được TP.HCM kiến nghị tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi

Theo văn bản này, Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể loại vaccine cũng như hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Trong khi chờ Bộ Y tế hướng dẫn, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Viện Pasteur TP.HCM chấp thuận cho phép sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi và hướng dẫn, tập huấn chuyên môn.

Để đảm bảo căn cứ chuyên môn khi tổ chức tiêm vaccine cho nhóm trẻ này, Sở Y tế mong Viện trưởng Viện Pasteur sớm xem xét và có ý kiến chỉ đạo để TP.HCM có cơ sở thực hiện.

Trước đó, vào ngày 22/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã ban hành kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn Thành phố.

Theo thống kê, hiện TP.HCM có khoảng 780.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi sinh sống hoặc học tập. Về hình thức triển khai, ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tại các cơ sở cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Vaccine Pfizer (tên gọi khác Comirnaty) được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt ngày 12/16 để phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, do Pfizer/BioNTech sản xuất.

Vaccine Pfizer cũng là loại duy nhất Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm cho nhóm trẻ em 12 - 15 tuổi, nếu nguồn cung cấp đủ và trẻ dễ bị diễn biến nặng khi mắc Covid-19.

Ngày 26/10, giá xăng có thể tăng mạnh

Giá nhiên liệu trên thế giới biến động mạnh nên kỳ điều chỉnh ngày 26/10, nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn và thuế phí, xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước có thể tăng 1.420 đồng/lít và 1.940 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 1.420 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 1.940 đồng/lít

Tại kỳ điều hành ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 1.420 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 1.940 đồng/lít

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM, giá xăng thế giới những ngày qua tăng rất mạnh. Nếu không tác động đến quỹ bình ổn và giữ nguyên các loại thuế phí hiện tại, ở kỳ điều hành ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 1.420 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 1.940 đồng/lít.

Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng tăng 1.140 đồng/lít; dầu hỏa tăng 970 đồng/lít và dầu mazut tăng 180 đồng/kg.

Đây có thể là lần tăng thứ 4 liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng qua. Như vậy, nếu giá xăng ngày 26/10 tăng đúng như dự báo, mỗi lít có thể tiến gần với 25.000 đồng - mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Ngược lại, nếu cơ quan quản lý trích và sử dụng Quỹ bình ổn theo tỷ lệ 50/50 (tức 50% sử dụng quỹ, 50% giảm), giá xăng sẽ điều chỉnh quanh mức 700 - 800 đồng một lít. Còn giá dầu tăng 200 - 600 đồng một lít.

Tính từ ngày 11/11/2020, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 16 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 7.798 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 8.178 đồng/lít.

Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể sẽ tăng ít hơn. Tuy nhiên, chuyên gia không nghiêng về phương án này bởi mức chi quỹ bình ổn giá xăng đang khá cao (với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 950 đồng/lít).

Hiện tại, giá bán lẻ mặt hàng xăng trên thị trường đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, với xăng E5 RON 92 là 21.683 đồng/lít, với xăng RON 95 là 22.879 đồng/lít.

Bộ Tài chính đề nghị SCIC tập trung thoái vốn Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong

Đây là các doanh nghiệp được Bộ Tài chính yêu cầu SCIC tập trung triển khai thoái vốn. Tiền thu về phải được nộp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12.

Bộ Tài chính yêu cầu SCIC tập trung triển khai thoái vốn tại Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong trước ngày 20/12

Bộ Tài chính yêu cầu SCIC tập trung triển khai thoái vốn tại Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong trước ngày 20/12

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) về việc triển khai thoái vốn năm 2021 theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, cơ quan quản lý tài khóa yêu cầu SCIC tập trung triển khai thoái vốn tại 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng công ty CP Bảo Minh (BMI) và Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).

Bộ Tài chính cũng yêu cầu tiền thu từ hoạt động thoái vốn 3 doanh nghiệp kể trên phải được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 để nộp ngân sách Nhà nước.

Hiện SCIC đang sở hữu 3,26% vốn tại Tập đoàn Bảo Việt, tương đương 221 tỷ đồng; 50,7% vốn tại Công ty Bảo Minh, tương đương 463 tỷ đồng và 37,1% vốn tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, tương đương 437 tỷ đồng.

Theo danh sách doanh nghiệp SCIC dự kiến triển khai bán vốn năm 2021, Tập đoàn Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong cũng là 3 trong số 88 doanh nghiệp thuộc nhóm 1 - nhóm triển khai bán vốn ngay năm nay.

Ngoài 3 doanh nghiệp kể trên, danh sách dự kiến bán vốn của SCIC năm nay còn một loạt cái tên đáng chú ý như Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) với tỷ lệ sở hữu của SCIC là 36%, tương đương vốn Nhà nước sở hữu 2.309 tỷ đồng; 99,79% vốn tại Tổng công ty Sông Đà (SJG) với giá trị 4.486 tỷ đồng; 53,49% vốn tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (VGT), tương đương 2.674 tỷ đồng…

Ước tính, tổng vốn Nhà nước nắm giữ tại 88 doanh nghiệp thuộc diện triển khai bán vốn ngay năm 2021 theo danh sách của SCIC vào khoảng 16.700 tỷ đồng.

Đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc Quốc Cường Gia Lai

Ngoài xác định lại thiệt hại 2 dự án bị bán rẻ, cơ quan điều tra được VKS đề nghị làm rõ trách nhiệm của "các cá nhân" thuộc Quốc Cường Gia Lai...

Dự án dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong, Quận 7
Dự án dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong, Quận 7

VKSND TP.HCM vừa trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM điều tra bổ sung 5 vấn đề liên quan đến sai phạm trong việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng 2 dự án Khu dân cư Phước Kiển và Ven Sông với giá rẻ cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai), gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

VKS đề nghị cơ quan điều tra định giá lại tài sản để xác định chính xác giá trị tại thời điểm Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai ký, hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển (tháng 5/2018) và một phần Dự án Khu dân cư Ven Sông (tháng 11/2017). Đồng thời, xác định giá vào thời điểm khởi tố vụ án tháng 9/2019. Từ đó xác định chính xác tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong vụ án.

VKS cũng yêu cầu cơ quan điều tra, xác định và kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc Quốc Cường Gia Lai trong vụ án.

Ngoài ra, Công an TP.HCM cũng phải làm rõ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, cấp giấy chứng nhận cho các cá nhân tại khối A, khu IV thuộc Dự án Khu dân cư Ven Sông đã được Quốc Cường Gia Lai đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng như thế nào; xác định trách nhiệm dân sự của các cá nhân liên quan đến hậu quả thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước.

Cơ quan công tố còn yêu cầu xác định trách nhiệm của bà Thái Thị Bích Liên (nguyên Chánh Văn phòng Thành uỷ TP.HCM, hiện là Bí thư Quận 4) và ông Phạm Nhớ Hồng Thương (Phó Trưởng phòng Quản lý - Đầu tư, kinh doanh vốn, VP Thành uỷ TP.HCM).

Động thái này của VKSND TP.HCM được đưa ra sau khi nghiên cứu hồ sơ, kết luận về vụ án mà Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM chuyển sang, đề nghị truy tố nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang và 9 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đầu tư 390 tỷ đồng xây nhà ga hàng hóa công suất 100.000 tấn/năm tại Cát Bi

Nhà ga hàng hóa với công suất 100.000 tấn/năm được xây dựng tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có tổng vốn đầu tư 390 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV.

Nhà ga hàng hóa với công suất 100.000 tấn/năm được xây dựng tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi

Nhà ga hàng hóa với công suất 100.000 tấn/năm được xây dựng tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi

UBND TP. Hải Phòng vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) là nhà đầu tư của Dự án xây dựng Nhà ga hàng hóa, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Về quy mô, Dự án dự kiến sử dụng diện tích đất 64.150 m2, công suất 100.000 tấn hàng hóa/năm và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lưu giữ, kho bãi hàng hóa cho các hãng hàng không nội địa và quốc tế.

Dự án có những hạng mục gồm: Nhà ga hàng hóa 2 tầng; các khu chức năng ga hàng hóa, văn phòng, các công trình phụ trợ, kỹ thuật; sân đỗ ôtô, giao thông nội bộ, cây xanh và công trình phụ trợ.

Công trình dự kiến khởi công trong quý I/2022 với tổng vốn đầu tư 390 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV và giải ngân theo tiến độ dự án. Thời hạn hoạt động của Dự án 50 năm.

UBND TP. Hải Phòng yêu cầu ACV có trách nhiệm triển khai Dự án theo đúng quy hoạch, tiến độ đăng ký; tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy, chuyển giao công nghệ...

Mỹ tặng Việt Nam thêm hơn 2,6 triệu liều vaccine Pfizer

Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam thông báo COVAX vừa chuyển giao cho Việt Nam thêm 2.633.670 liều vaccine Pfizer/BioNTech do Mỹ trao tặng.

Tổng số vaccine Covid-19 Mỹ tài trợ Việt Nam cho đến nay lên 12,1 triệu liều Pfizer

Tổng số vaccine Covid-19 Mỹ tài trợ Việt Nam cho đến nay lên 12,1 triệu liều Pfizer

Trong số đó, hơn 1,3 triệu liều về tới Hà Nội vào ngày 24/10 và hơn 1,3 triệu liều đến TP.HCM vào ngày 25/10. Đây là lần thứ sáu Mỹ trao tặng Việt Nam vaccine thông qua cơ chế COVAX, nâng tổng số vaccine Covid-19 Mỹ tài trợ Việt Nam cho đến nay lên 12,1 triệu liều.

Mỹ đã trợ giúp Việt Nam kể từ khi đại dịch bắt đầu và đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 30,2 triệu USD nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19; hỗ trợ công nghệ giải trình tự gien giúp Việt Nam phát hiện các biến thể của virus đang lưu hành...

Mỹ cũng cung cấp thiết bị xét nghiệm Covid-19 và thiết bị bảo quản vắc xin; hỗ trợ củng cố hệ thống chăm sóc bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam, đặc biệt ở TP.HCM và các tỉnh lân cận chịu ảnh hưởng nặng, bằng việc cung cấp các thiết bị như máy thở, máy làm giàu ôxy và bình ôxy lỏng cho bệnh nhân.

Bình Định xin đón khách quốc tế từ tháng 11

Mong muốn phục hồi kinh tế sau Covid-19, tỉnh Bình Định xin Thủ tướng cho đón du khách quốc tế từ tháng 11.

Bình Định dự kiến đón du khách quốc tế từ đầu tháng 11 với thị trường chính từ Đông Bắc Á, Nga, Mỹ...

Bình Định dự kiến đón du khách quốc tế từ đầu tháng 11 với thị trường chính từ Đông Bắc Á, Nga, Mỹ...

Theo đề án thí điểm đón du khách quốc tế do Chủ tịch UBND Bình Định Nguyễn Phi Long trình Thủ tướng và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ngày 25/10, Tỉnh muốn phục hồi và phát huy thế mạnh của thị trường du lịch, đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.

Bình Định dự kiến đón du khách quốc tế từ đầu tháng 11 với thị trường chính từ Đông Bắc Á, Nga, Mỹ và một số quốc gia châu Âu có thỏa thuận song phương với Việt Nam. Khách quốc tế đến Bình Định theo chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tổ chức, đã nhập cảnh và du lịch ở các địa phương khác trong nước.

Các địa điểm dự kiến mở cửa du lịch là trung tâm TP. Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai (gồm các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội), xã đảo Nhơn Châu (TP. Quy Nhơn) và thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát).

Theo đề án, du khách cần tiêm đủ liều vaccine Covid-19. Với vaccine hai mũi thì thời gian tiêm liều cuối ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến ngày nhập cảnh, hoặc người nhập cảnh có giấy xác nhận đã điều trị khỏi bệnh, và thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 6 tháng. Du khách cần có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được chứng nhận âm tính vào ngày đầu nhập cảnh.

Đến nay, Bình Định có 679.000 người tiêm vaccine mũi 1, chiếm 63,5% dân số trên 18 tuổi, trong đó có 81.200 người tiêm mũi 2, chiếm 7,6% dân số trưởng thành. Bình Định là một trong những tỉnh thực hiện trạng thái "bình thường mới" sớm nhất sau chỉ đạo của Chính phủ. Đây là tỉnh đầu tiên mở lại spa, massage, karaoke... từ ngày 15/10.

CSGT không giải quyết sang tên đổi chủ xe mất giấy tờ chuyển nhượng từ 1/1/2022

Từ ngày 1/1/2022, người dân chạy xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục chuyển tên trong giấy đăng ký xe sang tên của mình.

CSGT sẽ giải quyết sang tên, đổi chủ xe mất giấy tờ chuyển nhượng qua nhiều đời chủ đến hết 31/12/2021

CSGT sẽ giải quyết sang tên, đổi chủ xe mất giấy tờ chuyển nhượng qua nhiều đời chủ đến hết 31/12/2021

Ngày 25/10, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM (PC08) cho biết, từ nay đến cuối năm (31/12), người dân có thể làm thủ tục sang tên xe không có giấy tờ chuyển nhượng, xe qua nhiều đời chủ. Từ 1/1/2022, CSGT không giải quyết thủ tục này.

Theo đó, người sử dụng xe đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe để làm thủ tục sang tên, mang nộp Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định; giấy chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có). Giấy tờ có ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp, cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe.

Phòng CSGT TP.HCM lưu ý người đang sử dụng xe phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên. Đồng thời kê khai cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của xe, quá trình mua bán, giao nhận xe; khai và nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.

Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ xe giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ôtô sang tên trong cùng tỉnh và môtô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư