Bản tin thời sự sáng 2/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thu giữ nhiều tiền, vàng, sổ đỏ trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn; lực giảm rất mạnh tới 3,5 triệu đồng, vàng miếng SJC chìm nghỉm về đáy gần 40 ngày; TP.HCM tổng kiểm tra phòng cháy ở nhà trọ; đấu giá thành công loạt lô đất, 3 huyện ở Hà Nội thu về gần 330 tỷ đồng…

Thu giữ nhiều tiền, vàng, sổ đỏ trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn

Bộ Công an thu giữ hơn 300 tỷ đồng, 2 triệu USD, 500 lượng vàng, hơn 1.000 sổ đỏ của các bị can liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Bộ Công an thu giữ hơn 300 tỷ đồng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn

Bộ Công an thu giữ hơn 300 tỷ đồng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn

Thông tin trên được Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, chiều 1/6.

Hiện ngoài 23 người đã bị khởi tố, Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ để mở rộng điều tra, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn bị khởi tố ngày 26/2 với việc bắt ông Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu Pháo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn). Ba tháng qua, nhiều cán bộ đã bị bắt. Trong đó, Vĩnh Phúc có 4 lãnh đạo cấp cao là cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Phó Bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh, cựu Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Khước, bị điều tra cáo buộc Nhận hối lộ.

Tại Quảng Ngãi, C03 bắt Chủ tịch tỉnh Đặng Văn Minh, cựu Chủ tịch tỉnh Cao Khoa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, cùng nhiều cán bộ dưới quyền về tội Nhận hối lộ hoặc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ Công an đánh giá, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn là loại tội phạm mới với thủ đoạn lợi dụng quan hệ thân thiết với người có chức vụ cao, quyền hạn lớn để gây tác động, ảnh hưởng đến cán bộ cơ sở nhằm trục lợi. Cán bộ cơ sở bị tấn công bằng "đạn bọc đường" mà không phát hiện ra nên mất sức đề kháng.

Trong vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, ông Tuyên cho biết, đã khởi tố 8 bị can, thu hồi hơn 40 tỷ đồng, đang mở rộng điều tra. Vụ án này và vụ Phúc Sơn vừa được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Vụ án tại Tập đoàn Thuận An được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố hôm 15/4 khi bắt Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng giám đốc, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Liên quan vụ án, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Ba tuần trước, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang bị tạm giam với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Lực giảm rất mạnh tới 3,5 triệu đồng, vàng miếng SJC chìm nghỉm về đáy gần 40 ngày

So với đỉnh giá 92,4 triệu đồng ngày 10/5, giá vàng SJC hiện giảm mạnh tới 8,9 triệu đồng/lượng (chiều bán ra), cộng thêm khoản chênh lệch thì người mua vàng có thể lỗ trên 12 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng miếng SJC niêm yết từ 81 - 83,5 triệu đồng/lượng tính đến 15h ngày 1/6

Giá vàng miếng SJC niêm yết từ 81 - 83,5 triệu đồng/lượng tính đến 15h ngày 1/6

Sau khi giảm mạnh ở phiên trước, ngày 1/6, giá vàng miếng SJC tiếp tục lao dốc từ 2,4 đến 3,5 triệu đồng/lượng, hiện chỉ còn 83,5 triệu đồng/lượng.

Tính đến 15 giờ ngày 1/6, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết từ 81 - 83,5 triệu đồng/lượng, giảm 3,5 triệu đồng/lượng.

Tương tự, Công ty Doji Hà Nội và Công ty Doji TP.HCM thông báo giá mua vàng SJC ở mức 80,95 triệu đồng/lượng và bán ra là 83,5 triệu đồng/lượng, giảm mạnh tới 2,45 triệu đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Cùng với đó, Công ty Vàng bạc Phú Quý và Công ty VietnamGold SJC cũng giảm 2,4 triệu đồng/lượng, giao dịch quanh mức 81 - 83,5 triệu đồng/lượng.

Hiện chênh lệch giá mua/giá bán được các doanh nghiệp để ở mức rất cao, khoảng 2,5 triệu đồng/lượng, tiếp tục đẩy rủi ro về phía người mua vàng.

Với mức giá không quá 83,5 triệu đồng, vàng miếng SJC đang giao dịch tại vùng thấp nhất kể từ ngày 23/4/2024.

Biến động mạnh của giá vàng diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ bán vàng miếng với giá chỉ định cho Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank để các ngân hàng này phân phối cho người dân, thay vì đấu thầu như trước.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng giảm khá mạnh khoảng 20 - 30 USD/ounce xuống mức 2.325 USD/ounce, tương đương khoảng 71,5 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện hành, chưa bao gồm thuế, phí.

TP.HCM tổng kiểm tra phòng cháy ở nhà trọ

Công an TP.HCM sẽ tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy ở các khu trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini, đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm.

Công an TP.HCM sẽ xử lý 100% hành vi sai phạm về phòng cháy, chữa cháy

Công an TP.HCM sẽ xử lý 100% hành vi sai phạm về phòng cháy, chữa cháy

Nội dung trên được Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Phó phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an TP.HCM, nêu tại họp báo kinh tế - xã hội.

Theo ông Quang, 5 tháng đầu năm, trên địa bàn xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10 người, bị thương 4 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 5 tỷ đồng. Các vụ cháy xảy ra tại nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và công ty, doanh nghiệp. Nguyên nhân gây cháy là sự cố trong sử dụng thiết bị điện, vi phạm các quy định an toàn phòng cháy, bất cẩn trong sinh hoạt...

Trước tình hình này, Phòng PC07 và công an các địa phương thực hiện tổng rà soát, kiểm tra phòng cháy các cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini, nhà ở tập thể, chung cư cũ.

Công an Thành phố sẽ xử lý 100% hành vi sai phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định. Các cơ sở vi phạm phải khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cuối năm 2022, địa bàn có 60.470 nhà trọ do người dân tự xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở. Trong đó, có 34.800 nhà trọ được xây theo dãy phòng cho thuê riêng biệt và 25.670 nhà trọ là nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê.

Riêng loại hình chung cư mini, số liệu của Công an Thành phố vào cuối năm ngoái là 42.200 căn. Về mô hình "hộp ngủ" (sleep box), Thành phố rà soát có 67 nhà ở riêng lẻ tổ chức thành dạng này, đa số tiềm ẩn nguy cơ, khó thoát hiểm, rủi ro về tính mạng khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Đấu giá thành công loạt lô đất, 3 huyện ở Hà Nội thu về gần 330 tỷ đồng

Từ đầu năm 2024 đến nay, 3 huyện ở Hà Nội là Phú Xuyên, Mê Linh, Quốc Oai đã tổ chức đấu giá hàng loạt lô đất, thu về gần 330 tỷ đồng.

Một số huyện vùng ven ở Hà Nội sẽ tiếp tục đấu giá đất trong tháng 6/2024

Một số huyện vùng ven ở Hà Nội sẽ tiếp tục đấu giá đất trong tháng 6/2024

Ngày 1/6, theo thông tin từ UBND huyện Phú Xuyên, đơn vị vừa tổ chức đấu giá 21 trong tổng số 31 lô đất rộng 2.664,71 m2 tại thôn Bái Đô (xã Tri Thủy), thôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ), thôn Tư Sản (xã Phú Túc)…

21 lô đất này có tổng giá khởi điểm hơn 33 tỷ đồng. Phiên đấu giá ngày 25/5 cho kết quả, tổng giá trị thu về là 47 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền thu chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá đấu thực là hơn 13,5 tỷ đồng.

Giá khởi điểm của các lô đất này là gần 10 - 15,1 triệu đồng/m2. Các khu đất này đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và kết nối với hạ tầng sẵn có trong khu dân cư liền kề tại trung tâm các địa phương.

Đối với các lô đất còn lại, UBND huyện Phú Xuyên dự kiến sẽ đấu giá tiếp vào tháng 6/2024.

Tương tự, huyện Quốc Oai vào cuối tháng 4/2024 cũng đấu giá thành công 34 thửa đất tại 3 dự án. Kết quả thu về 152,9 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm 26,9 tỷ đồng.

Trong đó, giá trúng đấu giá cao nhất là 74,1 triệu đồng/m2, chênh lệch với giá khởi điểm hơn 21 triệu đồng/m2 (thửa đất A9 thuộc Dự án ĐG 08 thôn Khánh Tân, xã Sài Sơn). Giá trúng đấu giá thấp nhất là 28 triệu đồng/m2, cao hơn mức giá khởi điểm hơn 3 triệu đồng/m2.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, tháng 3/2024, đơn vị cũng phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc Gia tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 30 thửa đất tại điểm X2 (Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh) và khu Quán Chợ (thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc), thu về ngân sách hơn 130 tỷ đồng, cao hơn 60 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Theo đó, 4 thửa đất tại điểm X2 có diện tích từ 125 - 129 m2, giá khởi điểm từ 26 - 27 triệu đồng/m2. 26 thửa đất đấu giá tại khu Quán Chợ có diện tích từ 100 - 143 m2, giá khởi điểm từ 19 - 22,5 triệu đồng/m2.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, 3 huyện ở Hà Nội là Phú Xuyên, Mê Linh, Quốc Oai đã tổ chức đấu giá hàng loạt lô đất thành công, thu về gần 330 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng gỡ vướng quy hoạch dự án của Novaland ở Đồng Nai

Bộ Xây dựng vừa có hướng dẫn điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Biên Hòa đến năm 2030, góp phần đồng bộ các quy hoạch để gỡ vướng cho dự án của Novaland tại phân khu C4.

Một góc phân khu nhà phố song lập tại Aqua City

Một góc phân khu nhà phố song lập tại Aqua City

Bộ Xây dựng vừa thông tin đã nhận văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị có ý kiến với hồ sơ Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 TP. Biên Hòa đến năm 2030 (phạm vi tại một phần Khu đô thị phía Tây đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu).

Bộ Xây dựng cho biết, Thủ tướng đã thống nhất giao UBND Tỉnh phê duyệt các nội dung Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Biên Hòa. Do đó, Tỉnh không cần lấy ý kiến thống nhất của Bộ trước khi duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lưu ý UBND tỉnh Đồng Nai cần rà soát nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Biên Hòa.

Cụ thể, Tỉnh cần xem xét thu hẹp phần đất bị thu hồi mà đông dân cư tập trung, chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa làm thủ tục giao đất cho nhà đầu tư một cách phù hợp.

Bộ Xây dựng cho biết, đã chuyển đến UBND tỉnh Đồng Nai văn bản của Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai (Chủ đầu tư Dự án Đồng Nai Waterfront) về việc chưa đồng thuận với phương án dự kiến điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Biên Hòa. Tỉnh Đồng Nai cần lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân ảnh hưởng trực tiếp trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch, không để khiếu kiện và tranh chấp kéo dài.

Bộ Xây dựng đề nghị rà soát và xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng liên quan đến các dự án tại phân khu C4. Nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch cũng cần làm rõ việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án thuộc phân khu trên.

Phân khu C4 có diện tích khoảng 1.500 ha, gồm toàn bộ xã Long Hưng và một phần phía Tây Nam của phường Tam Phước - cù lao Phước Hưng. Khu vực này tập trung nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn như Aqua City, WaterFront, khu dân cư Long Hưng, khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp cù lao Phước Hưng... Đây đều là dự án thành phần của Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng do các công ty con thuộc Novaland làm chủ đầu tư.

Trung Nam Group nộp hơn 21 tỷ đồng nợ thuế

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã hoàn thành nghĩa vụ nộp hơn 21 tỷ đồng tiền thuế. Do đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tâm Thịnh đã được cơ quan hải quan hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế

Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam từ ngày 1/6.

Thông báo cho biết, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

Trước đó, Trung Nam nợ quá hạn tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa trên 21 tỷ đồng và bị áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Đại diện Trung Nam Group cho biết, khoản nợ thuế hơn 21 tỷ đồng liên quan tới Dự án Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW ở Ninh Thuận.

Hiện, sản lượng điện phát lên lưới từ năm 2020 thuộc phần công suất 172 MW của doanh nghiệp chưa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán. Chưa kể, tiền điện thanh toán về chậm khiến dòng tiền của doanh nghiệp giai đoạn này gặp nhiều khó khăn.

Trung Nam Group thành lập từ năm 2004, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính là năng lượng, xây dựng, hạ tầng, bất động sản và công nghiệp thông tin điện tử.

Công ty bổ sung ngành năng lượng tái tạo từ năm 2018 và đưa mảng này trở thành nguồn thu chính. Hiện Trung Nam Group là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành điện năng lượng tái tạo khi sở hữu nhiều dự án quy mô lớn, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng và quy mô tài chính khổng lồ.

Lãnh đạo công ty chứng khoán bị cấm giao dịch 2 tháng vì mua chui cổ phiếu

Do có hành vi giao dịch ngoài khoảng thời gian công bố thông tin theo quy định, Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Everest bị phạt tiền và đình chỉ giao dịch 2 tháng.

Chủ tịch Chứng khoán Everest bị phạt 75,4 triệu đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch 2 tháng

Chủ tịch Chứng khoán Everest bị phạt 75,4 triệu đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch 2 tháng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hải Châu (trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) gần 75,4 triệu đồng và cấm giao dịch 2 tháng do có hành vi giao dịch ngoài khoảng thời gian công bố thông tin theo quy định.

Cụ thể, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố thông tin ông Nguyễn Hải Châu, Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Everest (HNX: EVS), đăng ký mua 1,2 triệu cổ phiếu EVS từ ngày 8 đến 30/11/2022. Tuy nhiên, ngày 7/11/2022, ông Châu đã mua hơn 1 triệu cổ phiếu EVS, tương ứng hơn 7,6 tỷ đồng theo thị giá.

Vào thời điểm ông Châu mua cổ phiếu EVS, giá cổ phiếu này chỉ hơn 7.000 đồng/đơn vị. Sau khi công bố thông tin mua vào, giá cổ phiếu tăng liên tục lên gần 9.000 đồng/đơn vị.

Ngoài việc phạt tiền 75,4 triệu đồng theo quy định, UBCKNN còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 2 tháng đối với ông Châu. Thời hạn áp dụng từ lúc quyết định xử phạt này có hiệu lực.

Chứng khoán Everest tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Đại Dương, được thành lập vào năm 2006. Công ty cung cấp tất cả dịch vụ liên quan đến chứng khoán cơ bản bao gồm môi giới, bảo lãnh phát hành, lưu ký chứng khoán, tự doanh chứng khoán, đầu tư và tư vấn tài chính. Cổ phiếu EVS niêm yết trên HNX từ tháng 5/2019.

Theo báo cáo quản trị Công ty, tại thời điểm 31/12/2023, ông Nguyễn Hải Châu sở hữu 6,5 triệu cổ phiếu EVS, tương ứng 3,94% vốn điều lệ. Các cá nhân, tổ chức liên quan đến ông Châu không sở hữu cổ phần tại Chứng khoán Everest.

Dự án nâng cấp đường 25B từ huyện Nhơn Trạch ra Quốc lộ 51 vướng quy hoạch

Ngày 1/6, theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, Dự án Nâng cấp đường 25B đoạn từ Trung tâm huyện Nhơn Trạch ra Quốc lộ 51, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch đang gặp vướng mắc do có sự sai khác về quy mô mặt cắt ngang của Dự án so với quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, làm chậm tiến độ thẩm định hồ sơ.

Dự án Nâng cấp đường 25B đoạn từ Trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch ra Quốc lộ 51 thuộc địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch đang gặp vướng mắc do chưa đồng bộ các quy hoạch
Dự án Nâng cấp đường 25B đoạn từ Trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch ra Quốc lộ 51 thuộc địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch đang gặp vướng mắc do chưa đồng bộ các quy hoạch

Ngoài ra, trên tuyến có hệ thống hạ tầng kỹ thuật rất phức tạp, cần có phương án di dời hoặc xử lý giao cắt; đặc biệt là đường ống cấp nước D200, D600, D800..., tuyến ống dẫn khí thấp áp và hệ thống điện trung hạ thế.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang phối hợp cùng địa phương, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật nêu trên thống nhất phương án xử lý đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án.

Về vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch.

Về các vướng mắc liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, kiến nghị Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Nhơn Trạch cùng các đơn vị liên quan phối hợp cùng Ban Quản lý dự án sớm thống nhất phương án xử lý các vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật hiện hữu; UBND Tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cống chui dân sinh tại lý trình Km3+576...

Cải tạo vỉa hè đại lộ từ trung tâm tới cầu Sài Gòn

Vỉa hè đường Điện Biên Phủ rộng gần 10 m, tổng chiều dài hơn 5 km tại quận Bình Thạnh, TP.HCM được cải tạo, giúp chỉnh trang đô thị ở nội thành, sau đó tính toán thu phí.

Đường Điện Biên Phủ đoạn qua quận Bình Thạnh

Đường Điện Biên Phủ đoạn qua quận Bình Thạnh

Việc nâng cấp vỉa hè đang được quận Bình Thạnh thực hiện đồng loạt cả hai bên tuyến, đoạn từ cầu Điện Biên Phủ tới cầu Sài Gòn, qua các phường 15, 17, 21, 22 và 25. Đoạn này dài khoảng 2,5 km, chia làm hai bên với tổng chiều dài 5 km.

Lớp gạch vỉa hè cũ được đơn vị thi công cào bóc, thay thế bằng gạch terrazzo kích thước 40x40 và gạch con sâu, độ dày khoảng 3 cm. Bó vỉa và quanh các bồn cây xanh; ngầm hoá hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện nước, viễn thông...) cũng được cải tạo đồng bộ. Hiện, một số đoạn đã cơ bản thi công hoàn thành, giúp tuyến đường thông thoáng hơn.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh (Chủ đầu tư), công trình nâng cấp vỉa hè đường Điện Biên Phủ khởi công hồi đầu năm nay, tổng mức đầu tư khoảng 31,4 tỷ đồng. Sau 5 tháng thi công, Dự án hiện đạt 60% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới.

"Thời gian thực hiện hợp đồng tới cuối năm nay nhưng chúng tôi vận động đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành trong tháng 9, rút ngắn tiến độ 3 tháng", đại diện Chủ đầu tư nói.

Cũng theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh, vỉa hè đường Điện Biên Phủ nhiều năm qua không được cải tạo, sửa chữa nên bị hư hỏng, cộng với xe thường xuyên chạy lên dẫn đến càng xuống cấp. Sau khi công trình hoàn thành sẽ giúp chỉnh trang, tạo diện mạo mới cho đô thị ở khu vực.

Ngoài ra, địa phương đang tính toán phương án cho sử dụng một phần vỉa hè ở những tuyến đường đủ điều kiện trên địa bàn, để tổ chức các hoạt động ngoài mục đích giao thông có thu phí, theo chủ trương chung của TP.HCM.

Bắt thêm 3 nữ thủ quỹ, kế toán của Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe ở Lào Cai

Công an tỉnh Lào Cai vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, đồng thời khám xét nơi ở, nơi làm việc của 3 bị can trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai.

Cơ quan chức năng đọc quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Thị Hải Lý

Cơ quan chức năng đọc quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Thị Hải Lý

Theo đó, 3 bị can bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Đinh Thị Hải Lý (Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - thiết bị, Trường Cao đẳng Lào Cai, kiêm phụ trách kế toán Trung tâm; Bùi Thị Liên, thủ quỹ Trung tâm; Đinh Thị Huyền Trang, kế toán Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ - Trường Cao đẳng Lào Cai.

Trước đó, với cùng tội danh trên, vào ngày 26/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tỉnh đã ra quyết định khởi tố, bắt giữ Phạm Trường Minh, Phó Trưởng phòng Thanh tra - Khảo thí, nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai.

Chuyên đề