Huế tiếp tục di dời 1.239 hộ dân khỏi khu vực 1 của Kinh thành cố đô
Tỉnh Thừa Thiên Huế xúc tiến tiếp tục di dời khoảng 1.239 hộ dân, với khoảng 3.717 khẩu để giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Thượng Thành sau khi di dân giai đoạn 1. |
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Tỉnh đang xúc tiến việc mở rộng phạm vi đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế” (giai đoạn 2).
Trước đó, tại Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 18/4/2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế liên quan đến việc mở rộng phạm vi đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế”, Thủ tướng Chính phủ nhận định, việc triển khai giai đoạn 2 của đề án là cần thiết, để sớm quy hoạch, bảo tồn và phát huy hệ thống di tích Cố đô Huế.
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay, các đơn vị liên quan đang lập thủ tục để thực hiện mở rộng phạm vi đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế ...
Phạm vi thực hiện các khu vực khoảng 62,8 ha, với tổng số hộ khoảng 1.239 hộ (413 hộ chính và 826 hộ phụ), tổng số nhân khẩu khoảng 3.717 khẩu.
Dự kiến, đề án này sẽ triển khai vào cuối năm 2023 sau khi được Chính phủ cho phép áp dụng khung chính sách để thực hiện.
Theo đó, kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án (giai đoạn 2) dự kiến là 664 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 624 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện dọn dẹp mặt bằng sau khi di dời dân cư là 40 tỷ đồng.
Về phương án tái định cư, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc Hương Sơ với quy mô 83,7 ha, tạo quỹ đất trên 4.000 lô.
Khôi phục 4 tuyến cáp biển kết nối Internet Việt Nam với quốc tế
Cục Viễn thông cho biết, theo báo cáo của các nhà mạng, tính đến hết tháng 5, 4/5 tuyến cáp quang biển quốc tế gặp sự cố thời gian qua đã được sửa xong, khôi phục lại kênh truyền trên các tuyến.
Khôi phục 4 tuyến cáp biển kết nối Internet Việt Nam với quốc tế. Ảnh minh họa |
Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cũng cho hay, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã hoàn thành việc sửa chữa, khôi phục lại toàn bộ dung lượng trên tuyến trong tuần cuối của tháng 5.
AAG là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm SMW3, AAE-1, APG và IA (còn gọi là Liên Á).
Là tuyến cáp kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, AAG được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là 1 trong những tuyến cáp quan trọng và có giá thành tốt để các nhà mạng Việt Nam kết nối ra quốc tế.
Gần đây nhất, cáp biển AAG lần lượt gặp các sự cố vào tháng 2/2022 và tháng 6/2022 trên các cáp nhánh ở cả 2 hướng kết nối đi Hong Kong, Trung Quốc và Singapore. Với việc AAG được xác nhận đã khắc phục xong các sự cố, hiện tại, chỉ còn tuyến cáp biển APG vẫn đang gặp lỗi.
Hai tuyến cáp biển IA và SMW3 đã hoàn thành việc sửa chữa trong tháng 4. Tiếp đó, vào ngày 20/5, sự cố xảy ra cuối tháng 11/2022 trên phân đoạn S1H của tuyến cáp AAE-1 cũng đã được khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn dung lượng.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), việc 4 tuyến cáp biển IA, SMW3, AAE-1 và AAG hoàn thành sửa chữa, khôi phục hoạt động bình thường, chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam sẽ được cải thiện do có nhiều lựa chọn kết nối hơn và độ trễ tốt hơn như khi lưu lượng chạy phần lớn qua cáp đất liền.
Điều chỉnh vốn dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương
Sau khi điều chỉnh, nguồn vốn phân bổ cho Dự án thành phần 5, đường Vành đai 3 tại Bình Dương năm 2023 từ gần 500 tỷ đồng lên gần 750 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn trùng với đường Mỹ Phước Tân Vạn (Bình Dương) |
Ngày 1/6, HĐND tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 07 về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh này về kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Theo đó, Dự án thành phần 5: xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) là 497,029 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của dự án sau khi điều chỉnh mới là 747,867 tỷ đồng.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Bình Dương giao UBND tỉnh này bố trí đủ vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các công trình trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; dự án Vành đai 3; Vành đai 4; cao tốc TPHCM - Chơn Thành; đường ĐT 746, Bệnh viện đa khoa 1.500 giường.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6 km gồm Dự án thành phần 5: Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) và Dự án thành phần 6: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Tổng mức đầu tư của dự án, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 19.280 tỷ đồng, trong đó dự án xây lắp khoảng 5.752 tỷ đồng và dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 13.528 tỷ đồng. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 85,86 ha với khoảng 1.600 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, các đơn vị, địa phương liên quan đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để đạt tỷ lệ bàn giao 70% mặt bằng theo quy định. Theo kế hoạch, trong tháng 6/2023, Bình Dương sẽ khởi công xây dựng dự án để cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng cao nhất 10 năm
5 tháng, xuất khẩu gạo đạt 2 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng trưởng cao nhất cùng kỳ 10 năm.
Nông dân tại Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân |
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ 2013 cho đến nay.
Trong 4 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn, tương đương 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, Indonesia tăng mua gấp 26 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 517 USD một tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm nay xuất khẩu gạo gặp thuận lợi nhất. Trong đó, sản xuất thắng lớn khi cơ cấu giống lúa có nhiều chuyển biến, năng suất cao. Nhu cầu nhập khẩu tại thị trường cũ như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia, một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến. Ngoài ra, gạo thơm Việt Nam thực hiện xúc tiến thương mại thêm tại các thị trường ngách và ngày càng có vị thế riêng đã giúp bức tranh xuất khẩu gạo "thêm rực rỡ".
Việt Nam đang có thêm nhiều cơ hội khi sản lượng gạo của Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng vì El Nino khiến năng suất giảm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng cho biết, họ nhận đơn hàng dồn dập trong nhiều tháng qua nhưng nguồn cung gạo trong nước không đáp ứng đủ.
Lấy một phần công viên Hoàng Văn Thụ làm dự án cửa ngõ Tân Sơn Nhất
Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình (TP.HCM), bị cắt khoảng 1.600 m2 phục vụ thi công đường nối Phan Thúc Duyện - Cộng Hoà, giảm ùn tắc cửa ngõ Tân Sơn Nhất.
Nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, nơi làm hạng mục hầm chui thuộc dự án đường nối |
Phần đất nêu trên nằm bên phía tuyến Phan Thúc Duyện, đang được phá dỡ, làm đường tạm phục vụ thi công hạng mục hầm chui, thuộc dự án xây dựng đường nối. Hơn 300 cây xanh ở khu vực bị đốn hạ và di dời để triển khai dự án.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, để triển khai hạng mục trên, công trường sẽ chiếm dụng hai làn xe đường Phan Thúc Duyện. Việc lấy một phần đất công viên nhằm làm đường tạm cho xe chạy vì nơi này hay ùn tắc. Sau khi công trình hoàn thành, nhà thầu hoàn trả gần 700 m2 để trồng lại cây xanh, phần còn lại làm vỉa hè cho người đi bộ. Trước đó, cầu đi bộ trên tuyến được dỡ bỏ để phục vụ công trình.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dài hơn 4 km, khởi công tháng 12 năm ngoái với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục hầm chui tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện là gói thầu đầu tiên triển khai.
Tuyến đường này có điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối giao giữa các đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh. Công trình có quy mô làm tuyến đường chính rộng 25-48 m, 6 làn xe, cùng hai đoạn đường nhánh kết nối, một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe; hai hầm chui ở nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.
Công trình sẽ hoàn thành vào tháng 8/2024, giúp kết nối đồng bộ nhà ga T3 và giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hệ thống tại quận Tân Bình...
Khu vực làm hầm chui nằm gần vòng xoay Lăng Cha Cả - nơi tập trung nhiều tuyến đường như Phan Thúc Duyện, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hoà, Hoàng Văn Thụ.
Sắp có thủy phi cơ đưa du khách tới Cô Tô
Từ tháng 7 du khách có thể từ Hạ Long bay ra Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) bằng thủy phi cơ, vừa được ngắm cảnh từ trên cao, vừa rút ngắn thời gian di chuyển.
Máy bay mang số hiệu VN-B468 bay khảo sát tại đảo Cô Tô |
Các đơn vị liên quan đã khảo sát điều kiện cất hạ cánh đường bay từ đảo Tuần Châu - Hạ Long ra Cô Tô và huấn luyện bay cho phi công thủy phi cơ tại huyện Cô Tô.
Theo ông Nguyễn Bá Hải, Cơ trưởng Thủy phi cơ Công ty CP Hàng không Hải Âu, việc mở đường bay sẽ giúp giảm thời gian từ Hạ Long ra đảo Cô Tô còn 20 phút (trước đó 90 phút). Trong hành trình, du khách sẽ được ngắm vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu và toàn cảnh đảo Cô Tô từ trên cao.
Loại máy bay được dùng để đưa vào khai thác tuyến bay sẽ do hãng Cessna Caravan thuộc tập đoàn hàng không Textrol, Mỹ, sản xuất. Đây là máy bay một động cơ lớn nhất, an toàn nhất khi hạ cánh trên mặt nước (theo Cục Hàng không Liên bang và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), đạt tiêu chuẩn về ổn định, hiệu quả nhiên liệu và mức độ an toàn. Loại máy bay này cũng được đánh giá là có khả năng bay và hạ cánh tại bất kỳ vùng nước hay khu vực đường băng mặt đất nào.
Cô Tô hiện là điểm du lịch thu hút du khách của tỉnh Quảng Ninh. Trong năm tháng đầu năm 2023, huyện đảo đón gần 72.000 lượt khách, với số ngày lưu trú gần 157.000, thời gian lưu trú bình quân trên 2 ngày mỗi khách.
Việt Nam hồi hương thêm 80 người được giải cứu từ sòng bạc Philippines
Bộ Ngoại giao cho biết, trong ba ngày qua có thêm 80 công dân về nước an toàn sau cuộc giải cứu từ sòng bạc ở Philippines hồi tháng 5.
60 công dân Việt Nam từ Philippines về đến sân bay Tân Sơn Nhất |
140 công dân trong tổng số 437 người Việt Nam được giải cứu từ sòng bạc ở Philippines đã về nước an toàn, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết trong cuộc họp báo ngày 1/6.
Trong số đó, nhóm đầu tiên gồm 60 người về TP.HCM hôm 30/5, 80 người tiếp theo được hồi hương trong ba ngày qua. Các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục trao đổi với chính quyền Philippines để sớm đưa số công dân còn lại về nước an toàn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người.
Giới chức Philippines ngày 4/5 đột kích cơ sở đánh bạc do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở Pampanga, gần thủ đô Manila, giải cứu 1.090 người, trong đó có 437 công dân Việt Nam.
Các nạn nhân đến từ nhiều nước châu Á bị lừa bán sang Philippines, bị tịch thu hộ chiếu, giam lỏng và ép làm việc 18 tiếng một ngày, thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến. Ít nhất 12 nghi phạm cầm đầu mạng lưới đã bị bắt với cáo buộc buôn người.
Xuất hiện 'hố tử thần' trên đoạn Quốc lộ 1 tại tỉnh Phú Yên
Hố sâu khoảng 2,5 m, diện tích 16 m2, xuất hiện đoạn Quốc lộ 1 gần khu vực đèo Nại, thị xã Sông Cầu, ngày 1/6.
"Hố tử thần" xuất hiện ở Quốc lộ 1 |
Trưa ngày 1/6, đoạn Quốc lộ 1 qua thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh, xuất hiện hố chừng 0,25 m2. Tuy nhiên, khi kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện ở phía dưới có hố rộng khoảng 16 m2, sâu 2,5 m, nằm cách tim đường 8 m.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ 3 (thuộc Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đây là sự cố bất thường và gây nguy hiểm cho xe chạy qua. Đơn vị đã đưa thiết bị đào nền mặt đường để xác định nguyên nhân, có biện pháp xử lý cũng như rào chắn, lắp biển báo điều tiết giao thông đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên dài 134 km. Do lượng xe đông, vào mùa mưa tuyến thường xuyên hư hỏng, mặt đường chi chít ổ gà gây nguy hiểm cho người đi đường. Ngoài liên tục sửa chữa và dặm vá mặt đường, ở một số đoạn chính quyền địa phương phải đặt biển cảnh báo tai nạn.