Bản tin thời sự sáng 2/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế thẩm định hồ sơ vaccine Sinopharm; HoSE ngừng giao dịch từ trưa ngày 1/6; Bộ Công an đã hoàn tất 50 triệu hồ sơ CCCD gắn chip; giảm tần suất chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất trong 2 tuần; đề xuất thí điểm xe điện 2 bánh kết nối với buýt BRT ở Hà Nội vào đầu quý 3/2021…

Bộ Y tế thẩm định hồ sơ vaccine Sinopharm

Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, ngày 1/6 cho biết đang xem xét hồ sơ của vaccine Covid-19 do Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất để cấp phép khẩn cấp có điều kiện.

Vaccine Covid-19 của hãng dược Sinopharm. Ảnh: CGTN

Vaccine Covid-19 của hãng dược Sinopharm. Ảnh: CGTN

Các chuyên gia đang khẩn trương thẩm định hồ sơ, làm việc cả vào ngày nghỉ cuối tuần, theo đại diện Cục Quản lý Dược. Một số nội dung trong hồ sơ còn cần bổ sung, vì vậy Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc.

Vaccine Covid-19 của Sinopharm được Trung Quốc cấp phép vào ngày 24/12/2020, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp trong tháng 5. Ngày 27/5, hãng này công bố kết quả nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn ba trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, cho biết vaccine có hiệu quả 78,1% trong ngăn ngừa các ca Covid-19 có triệu chứng và 73,5% các ca không triệu chứng.

Tính đến đầu tháng 5, khoảng 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang sử dụng vaccine Covid-19 của Sinopharm. Tổng số liều đã cung cấp là 200 triệu, sau vaccine của các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna.

Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp 2 vaccine Covid-19 AstraZeneca (Anh) và Sputnik V (Nga). Trong đó, vaccine AstraZeneca đang được triển khai tiêm trong nước cho nhóm ưu tiên ở tuyến đầu chống dịch. Tổng số liều đã tiêm là hơn 1,1 triệu, tỷ lệ người đã tiêm ít nhất một liều, chiếm khoảng 1% dân số

HoSE ngừng giao dịch từ trưa ngày 1/6

Với lý do thanh khoản tăng đột biến, gây "báo động với an toàn hệ thống", HoSE vừa chủ động ra quyết định dừng giao dịch ngay đầu phiên chiều.

Đồ thị VN-Index dừng lại sau phiên sáng ngày 1/6

Đồ thị VN-Index dừng lại sau phiên sáng ngày 1/6

Thông báo về việc dừng giao dịch được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) gửi các công ty chứng khoán chiều ngày 1/6.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 1/6, giá trị giao dịch chứng khoán tại Sở TP.HCM vượt mức 21.700 tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống, văn bản của HoSE cho biết. Được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, Sở quyết định dừng giao dịch ngày 1/6.

Đây là lần đầu tiên HoSE chủ động ra quyết định "ngắt cầu dao". Những lần hệ thống dừng trước đây, chủ yếu do các lỗi phát sinh bị động trong quá trình giao dịch. Giá đóng cửa của chứng khoán ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng.

Thanh khoản của thị trường tăng vọt những phiên gần đây, sau khi VN-Index vượt 1.300 điểm. Hai phiên gần nhất, chỉ riêng buổi sáng, giá trị giao dịch của HoSE đã lên gần 1 tỷ USD, con số mà trước đây phải giao dịch trong cả phiên.

Dòng tiền ồ ạt tham gia thị trường khiến số lượng lệnh đặt tăng đột biến ngay từ đầu phiên. Bảng giá ngay trong các phiên sáng đã xảy ra tình trạng nghẽn, chậm phản hồi. Như phiên sáng 31/5 và sáng ngày 1/6, nhiều nhà đầu tư phản ánh bảng giá ở công ty chứng khoán "có vấn đề" từ lúc thị trường mở cửa. Tại một số công ty chứng khoán, giá trên bảng điện thay đổi rất chậm và cột thanh khoản đứng yên. Mức giá giao dịch của cổ phiếu cũng không khớp với các lệnh mua, bán hiển thị.

Bộ Công an đã hoàn tất 50 triệu hồ sơ CCCD gắn chip

Tính đến ngày 1/6, lực lượng công an cả nước đã thu nhận được 50 triệu hồ sơ CCCD gắn chip điện tử.

Bộ Công an dã hoàn tất 50 triệu hồ sơ CCCD gắn chip điện tử

Bộ Công an dã hoàn tất 50 triệu hồ sơ CCCD gắn chip điện tử

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, tính đến ngày 1/6, lực lượng công an cả nước đã thu nhận được 50 triệu hồ sơ CCCD và trên 80% thông tin dữ liệu về dân cư đã được “làm sạch”. Dự kiến đến ngày 20/6, trên 80 triệu người dân sẽ được cấp số định danh cá nhân.

Đặc biệt, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/7 và triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bộ, ngành đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật về kết nối dữ liệu.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, đây là những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, phản ánh sự quyết tâm cao của toàn lực lượng công an, sự hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

Thời gian tới, công an các địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu của hai dự án theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh công tác “làm sạch” dữ liệu và thường xuyên duy trì dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.

Cùng với đó, các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ và chất lượng công việc của cán bộ, chiến sỹ; đồng thời thận trọng, kiểm tra chặt chẽ quy trình trong công tác “làm sạch” dữ liệu cũng như tuân thủ các nguyên tắc, quy định về bảo mật, an toàn dữ liệu trong thực hiện nhiệm vụ của hai dự án.

Giảm tần suất chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất trong 2 tuần

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Hàng không Việt Nam giới hạn số chuyến bay nội địa đến, đi sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong 2 tuần tới.

Thực hiện công tác khử trùng máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Thực hiện công tác khử trùng máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các cảng vụ hàng không liên quan việc khai thác các chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Theo đó, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 và Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng khai thác các chuyến bay nội địa đến sân bay Tân Sơn Nhất theo kế hoạch đã ban hành kèm Công văn 2278 ngày 31/5.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 1/6 đến 14/6/2021, các hãng khai thác tối đa 63 chuyến bay khứ hồi tới Tân Sơn Nhất mỗi ngày với 16 đường bay nội địa. Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 28 chuyến, Vietjet 20 chuyến, Pacific Airlines 3 chuyến, Bamboo Airways 11 chuyến và Vietravel Airlines 1 chuyến.

Trước đó, ngày 31/5, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn hỏa tốc yêu cầu kéo dài thời hạn dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến hết ngày 14/6/2021 (giờ Việt Nam) thay vì đến hết ngày 4/6/2021.

Đề xuất thí điểm xe điện 2 bánh kết nối với buýt BRT ở Hà Nội vào đầu quý 3/2021

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa nhận được đề xuất cho thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối xe buýt nhanh - BRT. Hành trình để thí điểm mô hình này là giữa nhà chờ xe buýt BRT tại La Khê với Trung tâm Thương mại Aeon mall Hà Đông.

Xe đạp công cộng tại các thành phố phát triển. Ảnh minh họa

Xe đạp công cộng tại các thành phố phát triển. Ảnh minh họa

Đơn vị đề xuất mô hình trên là trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Theo đề xuất này, đơn vị thực hiện dự kiến triển khai kế hoạch vào đầu quý III/2021.

Để thực hiện kế hoạch này, đơn vị đề xuất sẽ sử dụng khoảng 50 xe điện 2 bánh của Công ty Honda Việt Nam và 10 xe đạp điện có trợ lực của Công ty QIQ Việt Nam.

Các xe sẽ được bố trí ở 2 điểm đỗ tại nhà chờ xe buýt nhanh BRT tại La Khê (Hà Đông) và Trung tâm Thương mại Aeon mall Hà Đông. Khi thực hiện, hành khách từ Trung tâm Thương mại Aeon mall Hà Đông nếu có nhu cầu sử dụng xe buýt nhanh BRT hoặc ngược lại có thể sử dụng xe điện 2 bánh cho lộ trình hơn 2 km này. Việc kết nối để đặt xe điện sẽ thông qua nhân viên hỗ trợ trực tiếp hoặc cài đặt app của chương trình vào điện thoại.

Thời gian thí điểm được đơn vị đề xuất đưa ra là đến cuối năm 2023, sau đó sẽ đánh giá lại để nhân rộng ra các địa điểm khác. Trong thời gian thí điểm, hành khách được sử dụng xe điện 2 bánh miễn phí.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được đề xuất trên và xét thấy đề xuất cũng phù hợp với chủ trương của Thành phố trong việc khuyến khích sử dụng phương tiện sạch, giảm xe cá nhân. Từ thực tế này, Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo UBND Thành phố xem xét, cho ý kiến về đề xuất này.

Dừng 12 chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ TP.HCM

12 chốt kiểm soát phòng chống Covid-19 ở các cửa ngõ TP.HCM dừng hoạt động từ 17h ngày 1/6, sau 15 ngày tái lập.

Dừng 12 chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ TP.HCM

Dừng 12 chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ TP.HCM

Chỉ đạo trên được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đề cập trong văn bản vừa gửi các sở ngành liên quan. Tổ trưởng các chốt, trạm kiểm dịch được căn cứ tình hình thực tế rút lực lượng kiểm soát tại các chốt, đảm bảo trật tự, an toàn.

Lãnh đạo thành phố giao UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện cân nhắc, chủ động thành lập các chốt, trạm kiểm dịch phòng chống Covid-19 trên địa bàn phù hợp thực tế địa phương. Trường hợp cần hỗ trợ lực lượng kiểm soát, địa phương đề xuất cụ thể để UBND Thành phố xem xét.

Trước đó, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngày 14/5, UBND TP.HCM đã có quyết định tái lập 12 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ hoạt động 24/24h để phòng dịch gồm: trạm thu phí Long Phước, cao tốc Trung Lương, cầu Đôi (đường Trần Văn Giàu), đường Ba Làng, đường Xuyên Á (Quốc lộ 22), cầu Phú Cường, cầu Vĩnh Bình, cầu vượt Sóng Thần, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 50, Quốc lộ 1A và cầu Đồng Nai.

Ngoài ra, các quận huyện và TP.Thủ Đức cũng lập hơn 50 chốt kiểm soát dịch tại các tuyến đường nhỏ lẻ từ các tỉnh vào địa bàn TP.HCM.

Đóng nút giao đường Tố Hữu - Lê Văn Lương để thi công hầm chui

Ngày 1/6, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cấp giấy phép cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội rào chắn, và đồng ý phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công giai đoạn 2 công trình xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3.

Nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu nhìn từ trên cao

Nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu nhìn từ trên cao

Theo đó, với giai đoạn rào chắn thử nghiệm: Đóng nút giao đường Tố Hữu - Lê Văn Lương trên đường Vành đai 3 (Khuất Duy Tiến). Phạm vi mặt đường còn lại phía Tố Hữu, Lê Văn Lương lần lượt là 17m, 21m, diện tích chiếm dụng mặt đường 861,5 m2. Các phương tiện lưu thông trên đường Tố Hữu có nhu cầu đi Lê Văn Lương phải rẽ phải ra đường Khuất Duy Tiến và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến.

Các phương tiện lưu thông trên đường Lê Văn Lương có nhu cầu đi Tố Hữu phải rẽ phải ra đường Khuất Duy Tiến và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến.

Các phương tiện lưu thông trên trục đường Khuất Duy Tiến có nhu cầu rẽ trái đi Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu phải đi thẳng qua nút giao, quay đầu tại hai điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu.

Thời gian rào chắn và phân luồng giao thông thử nghiệm bắt đầu từ 23 giờ ngày 1/6.

Sau thời gian thử nghiệm, từ ngày 5/6, nếu được đánh giá thống nhất ngoài hiện trường của Liên ngành Sở Giao thông vận tải - Công an Thành phố, đơn vị thi công sẽ tiến hành rào chắn trên đường Tố Hữu, Lê Văn Lương phục vụ thi công công trình.

Chuyên đề