Bản tin thời sự sáng 25/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất đầu tư 4 nút giao lớn ở TP.HCM; Tỉnh ủy Lâm Đồng đưa vụ tòa nhà đồi Cù Đà Lạt vào diện theo dõi; lấy đất sân bay Long Thành làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; kiến nghị bổ sung gần 1.600 tỷ đồng cho dự án cải tạo kênh dài nhất TP.HCM…

Đề xuất đầu tư 4 nút giao lớn ở TP.HCM

Cầu vượt sẽ được xây dựng tại các nút giao lớn ở thành phố như ngã bảy Điện Biên Phủ, ngã sáu Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị... để giảm ùn tắc.

Vòng xoay ngã 7 nút giao giữa các tuyến đường Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong nên thường ùn tắc vào giờ cao điểm

Vòng xoay ngã 7 nút giao giữa các tuyến đường Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong nên thường ùn tắc vào giờ cao điểm

Đây là nhóm dự án trọng điểm vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất UBND Thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn 2024 - 2028. Kinh phí cho mỗi công trình khoảng 400 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố.

Ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong (quận 3, 10) và ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 5, 10) là hai nút giao lớn ở nội đô Thành phố. Hai nút giao này có dạng vòng xoay, ở giữa là tượng đài Công Nhân và An Dương Vương. Hiện, mật độ xe các đường dẫn vào nút giao ngày càng lớn nên những nơi này thường xuyên ùn ứ.

Cầu vượt được xây tại 2 khu vực này sẽ gồm các nhánh băng qua nút giao, giúp giảm giao cắt như hiện nay. Hướng đi của các nhánh cầu sẽ được tính toán phù hợp khi bước vào giai đoạn nghiên cứu cụ thể các dự án.

Hai nút giao trên từng được TP.HCM dự tính đầu tư nhiều năm trước theo phương án cầu vượt thép. Tuy nhiên, các công trình chưa triển khai vì thiếu vốn và cần nghiên cứu để hạn chế ảnh hưởng mỹ quan.

Cùng với hai giao lộ trên, Sở Giao thông vận tải cũng đề xuất sớm xây cầu vượt giảm kẹt ở nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Cầu dự kiến dài 500 m, rộng 2 - 4 làn, cho xe 2 chiều theo hướng đường Nguyễn Oanh băng qua đường Phan Văn Trị.

Ngoài ra, ở ngoại thành cầu vượt cũng được dự kiến đầu tư nút giao Quốc lộ 1 - đường số 7 - 8 (quận Bình Tân) theo 2 phương án cầu vượt hoặc hầm chui, dài khoảng 400 m, rộng 2 - 4 làn, xe chạy 2 chiều theo đường 7 - 8.

Tỉnh ủy Lâm Đồng đưa vụ tòa nhà đồi Cù Đà Lạt vào diện theo dõi

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Lâm Đồng đưa vụ việc sai phạm tại công trình tòa nhà câu lạc bộ golf đồi Cù vào diện theo dõi, chỉ đạo giải quyết.

Hai công trình xây ở đồi Cù, trong đó tòa nhà 4 tầng bên trái hình bị xác định xây không phép, toà mái vòm nằm phía sau xây vượt phép

Hai công trình xây ở đồi Cù, trong đó tòa nhà 4 tầng bên trái hình bị xác định xây không phép, toà mái vòm nằm phía sau xây vượt phép

Nội dung được nêu trong thông cáo báo chí sau Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do quyền Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học chủ trì, ngày 24/7.

Toà nhà câu lạc bộ sân golf Đồi Cù gồm 2 công trình tổng diện tích xây dựng hơn 20.000 m2, bị phát hiện sai phạm xây dựng hơn 1 năm trước. Gần đây chính quyền dự tính tháo dỡ toà nhà trong 2 tháng, kinh phí 32 tỷ đồng, song chưa thực hiện được do tranh chấp hợp đồng giữa các nhà thầu thi công dự án. Các đơn vị này có đơn kiện gửi tòa án.

Liên quan Dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định công trình xây trên 5.600 m2 đất rừng phòng hộ - theo quy định không được làm dự án sân golf. Đơn vị này cũng nhận "sơ suất" khi đã đề xuất cho chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất nói trên ở đồi Cù. Từ đó, UBND Lâm Đồng trình để HĐND ban hành nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng.

Mới đây, chính quyền Lâm Đồng thu hồi quyết định công nhận 29,5 ha đất trồng thông trong sân golf đồi Cù là rừng phòng hộ ban hành vào năm 2016, với lý do "chưa đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định". Tỉnh khẳng định việc này không liên quan đến xử lý vi phạm tại công trình tòa nhà ở đồi Cù.

Lấy đất sân bay Long Thành làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Khu vực 187 ha quy hoạch nhà ga T3 sân bay Long Thành giai đoạn 2 được các đơn vị liên quan thống nhất lấy đất làm dự án cao tốc qua địa bàn.

Thi công san nền lấy đất trong sân bay Long Thành

Thi công san nền lấy đất trong sân bay Long Thành

Chiều 24/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, Cảng vụ hàng không miền Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các chủ đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thống nhất việc lấy đất ở khu vực giai đoạn 2 sân bay Long Thành để thi công cao tốc.

Khu vực 187 ha thuộc một phần của diện tích gần 1.799 ha do Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai sử dụng, đã được UBND Tỉnh thu hồi. Do Dự án giai đoạn 2 sân bay Long Thành chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên không có cơ sở giao đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam và các chủ đầu tư.

Hiện diện tích phần đất nói trên do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai quản lý. Vì vậy, các đơn vị liên quan đã thống nhất báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, quyết định cho phép khai thác vật liệu san lấp từ nhà ga T3 sân bay Long Thành phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trước đó, chính quyền Đồng Nai có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị được sử dụng đất ở nhà ga T3 để thi công cao tốc qua địa bàn. Theo tỉnh này, việc dùng đất đắp nền ở sân bay giúp giảm giá thành cho tuyến đường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, quyết định việc sử dụng khối lượng đất chưa sử dụng của giai đoạn 2 sân bay để thi công dự án cao tốc.

Khởi công giữa tháng 6/2023, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, quy mô 4 -6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn một dài 16 km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; đoạn hai dài 18,2 km do Bộ Giao thông vận tải phụ trách và Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng đoạn 3 dài 19,5 km.

Ước tính của chủ đầu tư, dự án cao tốc đi qua Đồng Nai cần hơn 5,3 triệu m3 đất. Ngoài đất ở sân bay Long Thành, Đồng Nai đang hoàn thiện thủ tục cấp phép đất đắp ở 2 mỏ Tân Cang và Phước Bình phục vụ dự án.

Kiến nghị bổ sung gần 1.600 tỷ đồng cho dự án cải tạo kênh dài nhất TP.HCM

Chủ đầu tư kiến nghị tăng gần 1.600 tỷ đồng cho Dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát do bổ sung thêm một số cây cầu và nhiều hạng mục khác.

Một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên qua quận Bình Tân đang được cải tạo

Một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên qua quận Bình Tân đang được cải tạo

Đề xuất vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) gửi UBND Thành phố. Dự án tăng nhu cầu vốn do quá trình triển khai, Chủ đầu tư nhận thấy cần đầu tư thêm nhiều hạng mục để đảm bảo đồng bộ với hạ tầng dọc dòng kênh.

Trong tổng vốn dự kiến tăng thêm, gần 762 tỷ đồng phân bổ cho xây dựng các công trình. Trong đó, nhiều cầu băng ngang kênh được xây thêm kết nối hai bờ, như: cầu Hồng Ký nối quận Bình Tân, huyện Bình Chánh (hơn 247 tỷ đồng); cầu rạch Đá Hàn, quận 12 (118 tỷ đồng); hai cầu đi bộ. Ngoài ra, khoảng 75 vị trí lấy nước phòng cháy chữa cháy dọc kênh Tham Lương; cửa xả thoát nước; hệ thống thu gom rác thải cũng được bổ sung.

Chủ đầu tư cũng dự kiến mở rộng thêm không gian công viên cây xanh, cảnh quan, tiện ích hai bờ với tổng kinh phí thực hiện hơn 233 tỷ đồng. Riêng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng được đề xuất bổ sung khoảng 293 tỷ đồng. Phần còn lại dùng để đầu tư một số hạng mục khác cùng kinh phí dự phòng.

Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP.HCM với gần 32 km, qua 7 quận, huyện ở thành phố, gồm: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh.

Dự án cải tạo dòng kênh này trước đó có tổng vốn 8.200 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2023 với các hạng mục lớn như: kè bêtông hai bờ, nạo vét lòng kênh và làm đường rộng 7 - 12 m mỗi bên. Công trình cũng gồm 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, ba cây cầu, cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh...

Đèo Prenn cửa ngõ Đà Lạt bị sạt lở

Mưa lớn kéo dài khiến đèo Prenn, cửa ngõ Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), bị sạt lở, đất đá từ taluy dương tràn xuống mặt đường, nguy cơ mất an toàn cho xe chạy qua đèo.

Ta luy dương đèo Prenn đoạn ở phường 3 bị sạt lở

Ta luy dương đèo Prenn đoạn ở phường 3 bị sạt lở

Tại đường tiếp giáp đèo dẫn vào Tổ dân phố 18, Phường 3, đoạn taluy dương dài khoảng 20 m, cao 10 m bị sạt lở, đất đá rơi xuống bên dưới. Xuyên suốt đèo Prenn, nhiều vị trí bị lở ở nhiều mức độ khác nhau. Ở những nơi đất đá tràn xuống đường được cơ quan chức năng dọn dẹp; một vài nơi đất đá đổ xuống làm mương thoát nước mép đường.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Đồng, trên tuyến có một số vị trí mái taluy dương cao 2 - 3 m được đào đắp, song chưa xây tường chắn. Những nơi này địa chất đất, đá không liền khối, rời rạc, rất dễ xảy ra sạt trượt khi ngậm thấm nước do mưa kéo dài.

Sở GTVT đề nghị Ban Quản lý dự án giao thông Tỉnh (Chủ đầu tư) nghiên cứu xây kè, tường chắn bê tông hoặc rào lưới chắn để giảm nguy cơ đất đá lăn xuống đèo. Ngoài ra, Chủ đầu tư được yêu cầu hốt dọn đất đá sạt trượt từ taluy dương làm tắc nghẽn mương dọc; khơi thông để tránh ngập úng, nước chảy ra mặt đường và thường xuyên kiểm tra tuyến đường để kịp thời phát hiện hư hỏng để khắc phục.

Đèo Prenn dài 7,27 km nối Quốc lộ 20 - đường huyết mạch từ khu vực Đông Nam Bộ lên Đà Lạt. Tháng 2/2023, đường qua đèo được đầu tư 552 tỷ đồng mở rộng gấp đôi với 4 làn ôtô, vận tốc thiết kế 60 km/h.

Bảo tàng Alexandre Yersin ở Nha Trang sẽ là nơi nghiên cứu khoa học

Bảo tàng Alexandre Yersin được thiết kế hiện đại, là trung tâm lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giới thiệu những di sản của danh nhân này.

Phối cảnh Bảo tàng Yersin và vị trí xây dựng công trình nằm dọc biển

Phối cảnh Bảo tàng Yersin và vị trí xây dựng công trình nằm dọc biển

Thông tin nằm trong đề cương, nhiệm vụ lập đề án xây dựng Bảo tàng Alexandre Yersin, vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.

Vị trí xây dựng bảo tàng được đề xuất ở khu vực Nhà khách 378 (thuộc Bộ Công an), giáp Công viên Yersin, trên đường Trần Phú, với tổng diện tích hơn 5.700 m2. Thời gian thực hiện công trình từ năm 2024 - 2030. Bảo tàng sẽ là công trình kiến trúc độc đáo ở tỉnh, trung tâm lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sưu tầm, trưng bày giới thiệu những di sản văn hóa của danh nhân này.

Alexandre Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại Lavaud, hạt Vaud, Thụy Sĩ. Năm 1891, ông đến Nha Trang sống và làm việc cho đến ngày mất 1/3/1943. Thời gian ở đây, ông có nhiều công trình y học giá trị, đáng chú ý là phát hiện bệnh dịch hạch.

Ông là người sáng lập Viện Pasteur ở Nha Trang (1895), Hà Nội (1925, hiện là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và Đà Lạt (1936, hiện là Công ty vaccine Pasteur Đà Lạt). Trước đó, Viện Pasteur Sài Gòn được bác sĩ Albert Calmette thành lập năm 1891. Đây là các đơn vị y tế, khoa học hàng đầu trong nghiên cứu phòng chống dịch, dịch tễ học... Hiện, những kỷ vật của ông được lưu giữ Viện Pasteur Nha Trang.

Gỡ vướng mặt bằng thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan trong tháng 9/2024

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan được đề nghị hoàn thành trong tháng 9 năm nay, đảm bảo Dự án có thể về đích năm 2025 theo đúng yêu cầu.

Nhiều đoạn mặt bằng dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan còn vướng khiến việc thi công gặp khó

Nhiều đoạn mặt bằng dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan còn vướng khiến việc thi công gặp khó

Thông tin tình hình triển khai Dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, TP. Đà Nẵng đã vào cuộc tích cực, bàn giao được hơn 10 km mặt bằng, đạt 87%.

Tuy nhiên, thực tế mặt bằng sạch để thi công chỉ được khoảng 6km (đạt 52%) và còn tình trạng "xôi đỗ", khó thi công đồng bộ.

Trong đó, một số hộ dân ở xã Hòa Sơn chưa đồng ý di dời tới các khu tái định cư có sẵn của TP. Đà Nẵng; Khoảng 3 km đường nước phía phải tuyến đang di dời được 300 m, 2 vị trí điện cao thế 220 KV triển khai thủ tục di dời chậm.

"Vướng mắc mặt bằng là một trong những nguyên nhân lớn khiến sản lượng thi công Dự án đến nay mới đạt khoảng 131 tỷ đồng, đạt 15,2% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch", Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin, đồng thời cho biết, bên cạnh vấn đề mặt bằng, nhà thầu cũng đang gặp khó khăn trong việc mua vật liệu đá.

Theo tính toán, nhu cầu vật liệu đá thi công dự án khoảng 350.000 m3. Riêng năm 2024, nhu cầu cần khoảng 190.000 m3.

Mặc dù vậy, các mỏ trên địa bàn cơ bản đã hết trữ lượng khai thác năm 2024 do triển khai nhiều dự án.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư) đã gửi văn bản đề nghị địa phương cấp phép tăng công suất khai thác đối với một số mỏ đá để cung cấp cho Dự án. Song, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã họp và có ý kiến dự án không có trong danh mục được áp dụng nâng công suất mỏ theo cơ chế đặc thù.

Tháo gỡ các vướng mắc trên, đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT đề nghị Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB, đôn đốc đẩy nhanh di dời điện cao thế hoàn thành trong tháng 9/2024.

Tháo dỡ 26 biệt thự ở Măng Đen do “xây sai địa điểm”

Huyện Kon Plông vừa yêu cầu thu hồi 39 lô đất, tháo dỡ 26 biệt thự ở thị trấn Măng Đen do 'xây sai địa điểm, chưa hoàn thiện pháp lý'.

39 biệt thự bị chính quyền địa phương thu hồi

39 biệt thự bị chính quyền địa phương thu hồi

Động thái của UBND huyện Kon Plông nhằm khắc phục hậu quả theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum.

Đây là các lô biệt thự được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Plông giới thiệu địa điểm sai quy định tại thị trấn Măng Đen và người dân xây dựng, kinh doanh khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghĩa vụ tài chính. Diện tích mỗi lô biệt thự 800 - 1.500 m2, tổng diện tích 39 lô thuộc diện thu hồi gần 40.200 m2. Nhiều lô biệt thự đã đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, 26 lô chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp sổ đỏ đã xây công trình trên đất. Cơ quan chức năng yêu cầu tự giác tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng trong quý III. Nếu chủ công trình không tháo dỡ, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan vụ việc, một số cán bộ đã bị kỷ luật. Cơ quan chức năng tiếp tục xử lý trách nhiệm những người liên quan theo kết luận thanh tra.

Trước đó, tháng 6/2023, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum xác định, từ năm 2010, thực hiện nghị quyết về việc xúc tiến, ưu đãi đầu tư ở địa bàn, chính quyền Kon Plông giới thiệu địa điểm đất xây dựng biệt thự cho 30 hộ gia đình, cá nhân. Sau khi mở rộng chính sách ưu đãi, có 84 trường hợp được thông báo, giới thiệu địa điểm xây dựng biệt thự.

20% vụ uy hiếp an toàn bay ở Tân Sơn Nhất do rọi đèn laser, flycam

Máy bay bị rọi tia laser hoặc tổ lái phát hiện flycam khi cất, hạ cánh ở Tân Sơn Nhất diễn ra phổ biến, uy hiếp an toàn, theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

20% vụ uy hiếp an toàn bay ở Tân Sơn Nhất do rọi đèn laser, flycam. Ảnh minh họa

20% vụ uy hiếp an toàn bay ở Tân Sơn Nhất do rọi đèn laser, flycam. Ảnh minh họa

Thông tin vừa được cơ quan trên đưa ra tại Hội nghị sơ kết đảm bảo an toàn đường cất hạ, cánh sân bay Tân Sơn Nhất nửa đầu năm 2024. Tình trạng khoang lái máy bay bị chiếu đèn laser hoặc phát hiện các thiết bị bay không người lái (flycam/drone) được thống kê chiếm khoảng 20,3% số vụ nguy cơ gây mất an toàn khi các chuyến bay cất, hạ cánh.

Theo Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, việc chiếu tia laser vào máy bay khi cất, hạ cánh có thể gây tổn thương mắt phi công. Đèn khiến phi công dễ mất phương hướng, mất kiểm soát tạm thời máy bay, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không.

Tình trạng trên đã diễn ra từ nhiều năm trước và ngày càng tăng, không chỉ ở Tân Sơn Nhất mà còn tại các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Chu Lai (Quảng Nam)... Hiện, đây là một trong những hành vi cấm, có thể bị phạt 30 - 40 triệu đồng. Riêng việc sử dụng flycam đang trở nên phổ biến dù nhiều khu vực cấm hoặc hạn chế bay, nhất là quanh Tân Sơn Nhất.

Để ngăn ngừa tình trạng trên, ông Đặng Ngọc Cương, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đề nghị Bộ Tư lệnh TP.HCM báo cáo Bộ Quốc Phòng sớm triển khai sơ đồ những nơi cấm và hạn chế bay ở Thành phố, nhất là khu vực tiếp cận hạ cánh của máy bay.

Trước đó, các đơn vị cũng phối hợp tuyên truyền người dân khu vực gần sân bay, đồng thời siết cấp phép tổ chức sự kiện sử dụng đèn chiếu công suất lớn tại những nơi ảnh hưởng hoạt động bay. Ngoài ra, phía cảng cũng đang phối hợp đơn vị liên quan xử lý các trường hợp nuôi thả chim có khả năng ảnh hưởng đến an toàn bay...

Tân Sơn Nhất là cảng hàng không lớn nhất nước, mỗi ngày bình quân khoảng 600 chuyến bay đi và đến; cao điểm có thể lên tới hơn 900 chuyến. Thống kê nửa đầu năm nay, tổng lượng khách qua sân bay này đạt hơn 20,2 triệu lượt, tăng 0,23% so cùng kỳ năm 2023 với khoảng 122.798 lượt cất, hạ cánh.

Chuyên đề