Bản tin thời sự sáng 25/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phát hiện 42 tấn thải nguy hại từ xí nghiệp bóng đèn Điện Quang; xe thu phí không dừng phải trả tiền mặt do đứt cáp quang trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đề xuất Quốc hội bố trí ngân sách mua lại trạm thu phí BOT ở Đắk Lắk; Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ…

Phát hiện 42 tấn thải nguy hại từ xí nghiệp bóng đèn Điện Quang

Nhiều ngày khai quật trong khuôn viên xí nghiệp đèn Điện Quang, cảnh sát phát hiện 42 tấn chất thải nguy hại, trong đó gồm cả thủy ngân độc hại.

Vỏ bóng đèn được nghiền nát phát hiện dưới hầm của xí nghiệp

Vỏ bóng đèn được nghiền nát phát hiện dưới hầm của xí nghiệp

Ngày 24/4, Công an Đồng Nai hoàn tất việc khám nghiệm, khai quật các hầm bê tông chứa chất thải nguy hại bên trong xí nghiệp đèn ống của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (TP. Biên Hòa).

Trong số chất thải bị phát hiện, 17 tấn miếng thủy tinh nhiễm chất thải ở hầm ngoài sân và 15 tấn nước thải tại hầm bê tông trong xí nghiệp... Qua xét nghiệm nhanh, nước thải độ PH vượt 7 lần cho phép, còn vỏ bóng đèn chứa thủy ngân và lưu huỳnh, nếu không xử lý đúng quy định sẽ rất độc hại.

Lực lượng chức năng và xí nghiệp đèn ống thống nhất giao toàn bộ số chất thải trên cho một đơn vị xử lý chất thải nguy hại ở huyện Vĩnh Cửu thu gom. Lực lượng công an sẽ tiếp tục khai quật tại một số vị trí nghi vấn khác bên trong xí nghiệp để mở rộng điều tra.

Trước đó, các trinh sát môi trường bất ngờ ập vào khuôn viên xí nghiệp đèn ống, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và bắt quả tang các nhân viên đang xay nhuyễn bóng đèn không còn sử dụng để thải ra môi trường.

Xe thu phí không dừng phải trả tiền mặt do đứt cáp quang trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Trưa 24/4, những xe sử dụng dịch vụ thu phí không dừng (ETC) qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phải chuyển sang trả tiền mặt vì tuyến cáp quang trên cao tốc bị đứt, hệ thống ETC không giao dịch được.

Các làn thu phí ETC trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không thể hoạt động do đứt cáp quang vào trưa 24/4 . Ảnh: OFFB

Các làn thu phí ETC trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không thể hoạt động do đứt cáp quang vào trưa 24/4 . Ảnh: OFFB

Các làn thu phí ETC trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị đóng, chỉ mở 1 làn phát thẻ cho xe dán thẻ ETC đi vào và khi ra khỏi đường cao tốc sẽ trả tiền mặt.

Tình trạng trên khiến nhiều chủ xe dùng ETC bức xúc vì bị ùn ứ, chờ đợi trả tiền mặt khi xe đã sử dụng ETC và tài khoản thu phí có đủ tiền.

Lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), nhà đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, trong lúc cắt cỏ bên lề đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, công nhân đã để lưỡi máy cắt làm đứt tuyến cáp quang của đường cao tốc này tại đoạn đi lồi lên mặt đất.

Do cáp quang bị đứt, dữ liệu từ các trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không truyền về trung tâm điều hành của tuyến cao tốc này và không thể kết nối với hệ thống xử lý của nhà cung cấp dịch vụ ETC.

Đến 15h ngày 24/4, tuyến cáp quang được nối xong, việc thu phí ETC trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoạt động trở lại.

Đề xuất Quốc hội bố trí ngân sách mua lại trạm thu phí BOT ở Đắk Lắk

Sau khi xin di dời Trạm thu phí BOT Quang Đức không thành, tới đây Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ trình phương án báo cáo Quốc hội cho phép bố trí ngân sách nhà nước để hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư BOT tại Quốc lộ 14.

Trạm thu phí BOT Quang Đức ở thị xã Buôn Hồ

Trạm thu phí BOT Quang Đức ở thị xã Buôn Hồ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về vướng mắc Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km1738+148 - Km1763+610 qua thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT.

Thông báo nêu rõ, những khó khăn, bất cập của dự án trên và các dự án BOT khác đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý từ năm 2017. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có vướng mắc về quy định pháp luật nên đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Về cơ bản, các bộ, cơ quan dự họp có ý kiến thống nhất hướng giải quyết như đề xuất kiến nghị của Bộ GTVT theo phương án báo cáo Quốc hội cho phép bố trí ngân sách nhà nước để hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư BOT, nhằm xử lý dứt điểm bất cập của dự án.

Tuy nhiên, để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan dự họp, rà soát, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra tồn tại, bất cập của dự án; đề xuất phương án khắc phục và làm rõ thẩm quyền quyết định…

Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 4 (đoạn Km1738+148 - Km1763+610) đoạn qua tỉnh Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT, do Liên danh Công ty Kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Quang Đức - Công ty CP Đông Hưng Gia Lai - Công ty CP thủy điện Sê San 4A góp vốn, có tổng mức đầu tư 836 tỷ đồng. Dự án được phép thu phí từ ngày 10/11/2015 với thời gian dự kiến thu 15 năm. Đến ngày 1/11/2017, Bộ GTVT đồng ý để Trạm thu phí BOT Quang Đức giảm giá vé từ 6% đến 14% nhưng cho tăng thời gian thu phí hoàn vốn lên 16 năm.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ

Thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì vừa được Bộ Tài chính đề xuất giảm từ mức 20% hiện nay xuống 12%.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng động cơ, không pha chì giảm xuống 12%

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng động cơ, không pha chì giảm xuống 12%

Đây là một nội dung trong Dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Theo Bộ Tài chính, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của nước ta.

Việc giảm thuế MFN sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Đồng thời, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng cũng là hợp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ các thị trường truyền thống bị thiếu hụt. Việc này vẫn đảm bảo được dư địa đàm phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại, Bộ Tài chính cho hay.

Trên thực tế, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ, xăng không pha chì không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng.

Các doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu chủ yếu từ nguồn của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và phần còn lại được nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và khu vực ASEAN (áp dụng thuế suất FTA). Còn xăng nhập khẩu theo thuế suất MFN chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ của cả nước.

Vũng Tàu đốn bỏ, dời nhiều cây xanh làm điểm đậu xe

Cơ quan chức năng TP. Vũng Tàu đã đốn và di dời 55 cây xanh trên vỉa hè trên đường Lê Hồng Phong để làm các điểm đậu ôtô, xe máy.

Phối cảnh các điểm đậu xe trên đường Lê Hồng Phong

Phối cảnh các điểm đậu xe trên đường Lê Hồng Phong

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 TP. Vũng Tàu, dự án thực hiện trên đường Lê Hồng Phong lát đá hoa cương vỉa hè trên toàn tuyến dài 2,1 km, sơn các trụ đèn chiếu sáng, làm các đài hoa, vịnh đậu xe... với tổng kinh phí 76 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Để có không gian làm các vị trí đậu xe ở đoạn vỉa hè dài hơn 300 m bên hông khu chung cư 5 tầng của Vietsovpetro, từ đầu năm nay, đơn vị thi công đã đốn 39 cây viết, 2 cây bàng và 5 cây sao; 9 cây (trồng 27 - 28 năm trước) được dời đi nơi khác. Khi hình thành, các vị trí rộng gần 1.300 m2, đáp ứng 55 ôtô, 70 xe máy, xe đạp đậu cùng lúc. Theo phương án được duyệt, các điểm đậu xe sau này sẽ giao cho UBND Phường 7 quản lý và thu phí.

Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, toàn Thành phố có 17 điểm đậu xe, tập trung ở khu vực biển Bãi Trước và Bãi Sau. Do khu vực trung tâm rất thiếu bãi giữ, TP. Vũng Tàu sẽ cải tạo những vỉa hè phù hợp làm điểm đậu, giải quyết tình trạng ôtô đậu ở lòng đường gây mất an toàn giao thông như hiện nay. Thành phố đang cải tạo một số khu đất và dùng mặt bằng các trường học vào những ngày lễ, cuối tuần làm điểm đậu xe, giảm tình trạng ùn ứ khi khách du lịch đổ về đông.

Nước sông Mekong tăng cao bất thường giữa mùa khô

Mực nước sông Mekong gần đây tăng 20 - 30% so với cùng kỳ nhiều năm trước giúp các tỉnh miền Tây giảm hạn mặn, song chuyên gia nhận định sẽ để lại những tác động tiêu cực.

Nước sông Tiền đoạn qua Đồng Tháp, dâng cao thời gian gần đây

Nước sông Tiền đoạn qua Đồng Tháp, dâng cao thời gian gần đây

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long tăng dần, cao hơn trung bình nhiều năm, dự báo trong tháng 4 cao hơn 15 - 20%, hai tháng tiếp cao hơn 20 - 30%. Dòng chảy tăng bất thường do đập thủy điện ở Trung Quốc tăng xả.

Số liệu từ Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, mực nước thực đo cao nhất ngày 21/4 tại trạm Tân Châu (sông Tiền) là 1,45 m, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 0,4 m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 m. Tương tự, trạm Châu Đốc (sông Hậu) là 1,65 m, cao hơn cùng kỳ 0,5 m và cao hơn trung bình nhiều năm 0,7 m.

Theo Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc đã tăng 1.000 m3 mỗi giây lên 5.600 m3/s. Trong tháng 3/2022, tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này đạt khoảng 12,3 tỷ m3, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, trong điều kiện thời tiết bình thường như năm 2021, các đập thủy điện thượng nguồn tích đủ nước sẽ xả để phát điện vào mùa khô năm sau. Trước mắt, lượng nước này giúp giảm hạn mặn cho các tỉnh miền Tây, song để lại những tác động tiêu cực, lâu dài.

Cụ thể, việc xả lũ vào mùa khô sẽ khiến dòng chảy mùa lũ (tháng 7, 8, 9) yếu đi, khiến cát, phù sa - vốn đã bị các đập chặn lại một lượng đáng kể nay càng ít về Đồng bằng sông Cửu Long. Việc thiếu phù sa, cát làm tăng nguy cơ sạt lở ở miền Tây. Lũ biến mất bên cạnh đất đai bạc màu, nguồn thủy sản tự nhiên mùa lũ sẽ càng khan hiếm. Ngoài ra, xả lũ trong mùa khô từng đợt khiến mực nước biến động bất thường, hệ sinh thái bị rối loạn.

Chuyên đề