Bản tin thời sự sáng 25/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam sẽ nhận hơn 800.000 liều vắc xin từ Covax bị chậm lại trong 3 tuần; sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở thêm làn cho xe công nghệ; dự án lấn vịnh Nha Trang bị cưỡng chế; TP.HCM tiếp tục đàm phán doanh nghiệp quảng cáo trên xe buýt…

Việt Nam sẽ nhận hơn 800.000 liều vắc xin từ Covax bị chậm lại trong 3 tuần

Kế hoạch phân phối vắc xin từ Covax bị chậm lại nên trong 3 tuần tới, Việt Nam chỉ nhận được hơn 800.000 liều.

Covax sẽ cung cấp 1,37 triệu liều vắc xin AstraZeneca, song theo kế hoạch điều chỉnh mới

Covax sẽ cung cấp 1,37 triệu liều vắc xin AstraZeneca, song theo kế hoạch điều chỉnh mới

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, do chậm trễ trong sản xuất vắc xin Covid-19 được phân phối thông qua Covax nên việc giao hàng dự kiến đến tất cả các quốc gia bị chậm lại, số lượng phân phối vắc xin đợt đầu cũng giảm so với trước.

Tại Việt Nam, theo dự kiến vào ngày 25/3, Covax sẽ cung cấp 1,37 triệu liều vắc xin AstraZeneca, song theo kế hoạch điều chỉnh mới, Việt Nam chỉ nhận được 811.200 liều. Số lô vắc xin này sẽ về trong 3 tuần tới.

Dù vậy, Covax vẫn cam kết cung cấp đủ cho Việt Nam 4,176 triệu liều trong các đợt từ nay đến cuối tháng 5.

Theo bà Ranna, số lượng đợt đầu này ít hơn so với công bố trước đó do Covax tính toán lại, dựa trên tỉ lệ phân phối công bằng lượng vắc xin hiện có đến tất cả 92 quốc gia thành viên.

Ngoài ra, hiện nay các hãng dược mới đang ở giai đoạn đầu sản xuất vắc xin nên cần thời gian để mở rộng quy mô, tối ưu hoá quy trình sản xuất.

Theo dự kiến, trong năm nay, Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ Covax, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua.

Tuy nhiên kế hoạch phân phối 60 triệu liều có thể bị đẩy lùi một phần sang năm 2022.

Ngoài AstraZeneca, ngày 23/3, Việt Nam tiếp tục phê duyệt khẩn cấp thêm vắc xin Sputnik của Nga để phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19.

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở thêm làn cho xe công nghệ

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở thêm làn E cho khách thuận tiện đón xe công nghệ, hãng phải bố trí người điều phối đảm bảo trật tự và tránh ùn ứ.

Khách chờ đón taxi ở làn D sân bay Tân Sơn Nhất

Khách chờ đón taxi ở làn D sân bay Tân Sơn Nhất

Theo ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, làn này bố trí phía trong nhà xe TCP đối diện ga quốc nội sân bay. Trước mắt đơn vị thống nhất với ứng dụng gọi xe Be cho ôtô đón khách tại làn này, dự kiến từ tháng 4. Hãng sẽ phải bố trí nhân sự điều phối, đảm bảo trật tự, kiểm soát giá cả tương tự các hãng taxi hoạt động tại đây. Hãng Grab đang chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu đón khách ở sân bay.

Đại diện hãng công nghệ Be cũng xác nhận đạt được thỏa thuận để đón khách ở sân bay. Be dự kiến phương án điều phối khi khách đặt xe, tài xế mới được di chuyển từ ngoài vào bãi đệm bố trí ở ga quốc tế và dừng chờ. Khi khách ra tới làn E và xác nhận vị trí, tài xế mới chạy đến đón nhằm tránh phải chờ lâu, gây ùn ứ và không đúng quy định dừng quá 3 phút tại sân bay.

Hiện, Sở Giao thông vận tải đề nghị Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các bên liên quan tiếp tục phối hợp đảm bảo trật tự giao thông tại sân bay. Sở cũng đề nghị tăng xe buýt hoạt động tại đây và nghiên cứu xây cầu đi bộ hoặc hầm chui trước ga quốc nội để giảm ùn tắc. Dự kiến tháng 4 này, nhà xe TCP được lắp thêm hai thang máy để thuận tiện cho khách đón xe công nghệ ở phía trên lầu.

Dự án lấn vịnh Nha Trang bị cưỡng chế

Chủ đầu tư dự án lấp hơn 2 ha vịnh Nha Trang trái phép, chậm tiến độ trong nhiều năm bị cơ quan chức thu hồi đất và cưỡng chế.

Chính quyền Nha Trang cưỡng chế dự án xây công viên văn hóa, giải trí và thể thao trên đường Phạm Văn Đồng

Chính quyền Nha Trang cưỡng chế dự án xây công viên văn hóa, giải trí và thể thao trên đường Phạm Văn Đồng

Ngày 24/3, chính quyền Nha Trang cưỡng chế Dự án xây công viên văn hóa, giải trí và thể thao trên đường Phạm Văn Đồng, do Công ty Nha Trang Sao đầu tư. Hàng rào tôn dài hơn 500 m vây quanh bãi đất trống bị máy xúc tháo dỡ.

Theo UBND TP. Nha Trang, việc cưỡng chế diễn ra trong hai ngày, sau đó sẽ giao lại khu đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của Tỉnh quản lý.

Dự án rộng hơn 10 ha, nằm giữa Hòn Chồng và Hòn Đỏ, với tổng mức đầu tư 33 triệu USD, được UBND Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 3/2012 và khởi công năm 2014. Nơi đây sẽ xây khu vui chơi, quảng trường, khách sạn, bến tàu..., dự kiến hoàn thành năm 2016.

Cuối năm 2015, UBND Khánh Hòa phát hiện chủ đầu tư lấp hơn 22.000 m2 vịnh Nha Trang, ra quyết định xử phạt 225 triệu đồng. Một năm sau, Công ty Nha Trang Sao chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu, dừng thi công.

Đến năm 2019, UBND Tỉnh đã thu hồi Dự án, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với công ty này vì chậm tiến độ.

Theo UBND Khánh Hòa, khu đất sẽ quy hoạch làm công viên, phục vụ cộng đồng.

TP.HCM tiếp tục đàm phán doanh nghiệp quảng cáo trên xe buýt

Không đồng ý đề xuất ngưng quảng cáo trên xe buýt, chính quyền TP.HCM yêu cầu sở ngành đàm phán với doanh nghiệp gia hạn hợp đồng cho đến khi có đề án mới.

Xe buýt cho thuê quảng cáo vào đón khách tại bến xe Miền Đông

Xe buýt cho thuê quảng cáo vào đón khách tại bến xe Miền Đông

Động thái này được đưa ra theo kiến nghị của Sở Tài chính, sau khi Sở Giao thông vận tải đề xuất tạm ngưng đấu giá quảng cáo trên xe buýt để điều chỉnh theo đà phát triển vận tải công cộng và nhu cầu quảng cáo tại TP.HCM.

Chính quyền Thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan tham mưu điều chỉnh phương án quảng cáo phù hợp với tình hình phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nhu cầu khai thác quảng cáo thực tế.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải đề xuất ngưng đấu giá quảng cáo trên xe buýt vì chưa hiệu quả. Từ năm 2017 đến 2019, Thành phố chỉ chọn được một đơn vị trúng đấu giá với 25/101 tuyến buýt, đạt tỷ lệ 24%.

Việc quảng cáo trên thân xe buýt đã được một số tỉnh thành làm từ nhiều năm nay, hàng năm thu về khoản tiền không nhỏ. Song ở TP.HCM, việc quảng cáo trên xe buýt gây nhiều tranh cãi suốt thời gian dài vì chính quyền Thành phố lo ngại ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Giữa năm 2009, UBND Thành phố cấm quảng cáo trên xe buýt.

TP.HCM hiện có hơn 2.300 xe buýt trên 137 tuyến, bao gồm cả trợ giá và không trợ giá. Theo tính toán nếu toàn bộ xe buýt được thuê quảng cáo ngoài thân, mỗi năm Thành phố thu về hơn 100 tỷ đồng, góp phần giảm trợ giá cho loại hình này. Hiện, trung bình mỗi năm TP.HCM chi hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ xe buýt.

Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ tàu chở hơn 700 tấn quặng trái phép

Một tàu sắt phương tiện thủy nội địa đã bị Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ do vận chuyển trên 700 tấn quặng đất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Số quặng hơn 700 tấn chở trên tàu đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông thủy, Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ

Số quặng hơn 700 tấn chở trên tàu đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông thủy, Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ

Theo Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Ninh ngày 24/3, lực lượng tuần tra trên biển phát hiện tại luồng sông Đá Bạc, thuộc xã Yên Đức, thị xã Đông Triều 1 tàu vỏ sắt số hiệu BKS VP-1290, chở hơn 700 tấn quặng đất một cách bất thường.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Long (trú tại thôn Việt Hưng, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) khai nhận số quặng lẫn đất trên được mua từ cảng Sơn Tây (Hà Nội) đưa về thị xã Đông Triều để bán kiếm lời.

Toàn bộ hơn 700 tấn quặng đất (chưa rõ chủng loại), không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp đã được Phòng Cảnh sát đường thủy Quảng Ninh lập hồ sơ tạm giữ phương tiện để xác minh xử lý theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề