Bản tin thời sự sáng 25/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Xây dựng thanh tra quỹ đất nhà ở xã hội tại 11 địa phương; ngày 25/11, giá xăng có thể giảm mạnh sau 5 lần tăng giá liên tiếp; Kiên Giang đề xuất cơ chế đặc thù cho Phú Quốc; 4 địa phương thống nhất kiến nghị Trung ương hỗ trợ 83.000 tỷ đồng làm Vành đai 3 TP.HCM; Hội kiến trúc sư chưa đồng thuận nâng Dinh tỉnh trưởng ở Đà Lạt…

Bộ Xây dựng thanh tra quỹ đất nhà ở xã hội tại 11 địa phương

Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, TP.HCM… nằm trong danh sách thanh tra diện rộng về quỹ đất nhà ở xã hội và phí bảo trì chung cư.

11 địa phương sẽ nằm trong danh sách thanh tra diện rộng về quỹ đất nhà ở xã hội

11 địa phương sẽ nằm trong danh sách thanh tra diện rộng về quỹ đất nhà ở xã hội

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2022. Theo Kế hoạch, Bộ sẽ thanh tra 11 tỉnh thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An hai chuyên đề diện rộng.

Với chuyên đề thứ nhất, đối tượng thanh tra gồm chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn.

Chuyên đề hai, đối tượng thanh tra sẽ là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội với các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (quan tâm đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp).

Hồi đầu tháng, Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề xuất đưa hai vấn đề này vào chuyên đề thanh tra diện rộng năm 2022. Đây là hai nhóm nội dung được dư luận quan tâm thời gian qua.

Tại nhiều chung cư đã xảy ra tình trạng tranh chấp gay gắt về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, gây méo mó thị trường, ảnh hưởng trật tự. Với quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, cơ quan quản lý cũng nhận được phản ánh nhiều bất cập khi một số nơi phê duyệt, điều chỉnh đồ án quy hoạch chưa bố trí quỹ đất cho loại hình nhà ở này, nhiều dự án còn không bố trí đất.

Ngày 25/11, giá xăng có thể giảm mạnh sau 5 lần tăng giá liên tiếp

Theo các doanh nghiệp đầu mối, giá nhiên liệu trên thế giới những ngày qua lao dốc nên kỳ điều hành ngày 25/11 mỗi lít xăng có thể giảm trên 1.000 đồng.

Ngày 25/11, giá xăng có thể giảm mạnh

Ngày 25/11, giá xăng có thể giảm mạnh

Dữ liệu của Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tính đến ngày 17/11 với xăng RON 92 và RON 95 giảm lần lượt 7-8% so với kỳ điều hành trước đó, lần lượt xuống 93,34 USD và 95,89 USD.

Giá dầu hoả cũng quay đầu giảm, có thời điểm ở mức 88 USD một thùng trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đồng minh đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đối với một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn.

Trong phiên giao dịch ngày 23/11, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,4% xuống còn 76,44 USD một thùng. Cùng lúc, giá dầu thô Brent cũng hạ 0,28% về 79,49 USD một thùng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết, diễn biến dầu trên thế giới đang điều chỉnh giảm mạnh nên kỳ điều hành vào thứ 5 tuần này, giá xăng sẽ giảm quanh mức 1.000 - 1.200 đồng một lít. Còn giá dầu giảm 300 - 400 đồng một lít.

Trong trường hợp, nhà điều hành vừa trích Quỹ bình ổn vừa cho giảm giá, giá xăng sẽ giảm khoảng 500 - 600 đồng mỗi lít. Còn giá dầu sẽ không tác động bởi Quỹ mà cho giảm giá theo thị trường.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, sau 5 lần tăng giá liên tiếp, nhiều hàng hóa đang chịu sức ép khá lớn nên kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính có thể cho giảm giá theo thị trường và không sử dụng Quỹ.

Tại kỳ điều hành 10/11, mỗi lít xăng tăng 550 - 660 đồng lên sát 25.000 đồng; dầu hoả và diesel giữ nguyên giá trong khi dầu mazut giảm.

Kiên Giang đề xuất cơ chế đặc thù cho Phú Quốc

6 nhóm chính sách ưu đãi được UBND tỉnh Kiên Giang gửi tới Chính phủ để thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Phú Quốc.

Đảo Phú Quốc

Đảo Phú Quốc

Theo tờ trình của Kiên Giang gửi Chính phủ, tỉnh này cho rằng, cơ chế ưu đãi nên xây dựng theo các nhóm chính sách toàn diện để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách trên cơ sở thực tế, tạo tính đột phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh hiện có để phát triển kinh tế xã hội cho thành phố Phú Quốc xứng tầm khu vực, quốc tế.

6 nhóm chính sách ưu đãi được chính quyền Kiên Giang đề xuất nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố Phú Quốc như chính sách về hạ tầng; quản lý phát triển nguồn lực; ưu đãi về tài chính, phát triển lĩnh vực văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng và đầu tư, hợp tác quốc tế...

Tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế phân quyền, giao quyền cho thành phố Phú Quốc để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, chi phí đi lại cho nhà đầu tư.

Trước đề xuất này của tỉnh Kiên Giang, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ rà soát cơ chế phát triển thành phố Phú Quốc hiện tại, và nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm một số cơ chế đặc thù cho thành phố này.

Cũng theo tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới, nhưng tới nay cơ chế, chính sách phát triển nơi này chưa vượt trội so với nhiều khu kinh tế khác trên cả nước.

5 năm qua chưa có cơ chế đặc thù nhưng Phú Quốc đã trở thành một cực phát triển của tỉnh Kiên Giang. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố này đạt hơn 141.600 tỷ đồng, thu hút được 321 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 340.300 tỷ đồng.

4 địa phương thống nhất kiến nghị Trung ương hỗ trợ 83.000 tỷ đồng làm Vành đai 3 TP.HCM

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An - 4 địa phương có Vành đai 3 đi qua, thống nhất kiến nghị Trung ương hỗ trợ 83.300 tỷ đồng đầu tư khép kín tuyến đường.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Báo cáo UBND TP.HCM liên quan Dự án Vành đai 3, Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đã hoàn thiện dự thảo để Thành phố xem xét, trình Thủ tướng kết quả nghiên cứu và phương án đầu tư tuyến đường này.

Vành đai 3 TP.HCM dài hơn 90 km, có vai trò quan trọng giúp kết nối, phát triển kinh tế, xã hội cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau 10 năm được phê duyệt, toàn tuyến hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài khoảng 16 km đã được đầu tư. Mới đây, Dự án thành phần 1A dài gần 9 km, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được phê duyệt và đã xác định nguồn vốn đầu tư.

Theo nghiên cứu phương án đầu tư Vành đai 3 của Bộ GTVT, giai đoạn hoàn thiện tuyến đường sẽ có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/h và đường song hành hai bên. Trong đó, giai đoạn một sẽ triển khai giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh, làm trước 4 làn cao tốc cùng đường song hành, tổng mức đầu tư gần 83.300 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn một, việc đầu tư Vành đai 3 dự tính chia thành hai dự án thành phần. Trong đó, dự án một sẽ giải phóng mặt bằng, làm đường song hành (gồm các tuyến nối) và hạ tầng kỹ thuật, tổng mức đầu tư hơn 52.400 tỷ đồng. Dự án thành phần hai làm tuyến chính là cao tốc với 4 làn xe, dài hơn 76 km, tổng đầu tư gần 33.000 tỷ đồng.

Hiện, các địa phương thống nhất kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư Dự án, trong bối cảnh cả 4 tỉnh thành chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt Covid-19 thứ tư. Tổng nguồn vốn gần 83.300 tỷ đồng muốn được hỗ trợ sẽ dùng để đầu tư toàn bộ giai đoạn một của Dự án, gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, xây 4 làn cao tốc (gồm các nút giao, đường song hành).

Hội kiến trúc sư chưa đồng thuận nâng Dinh tỉnh trưởng ở Đà Lạt

Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, chính quyền Lâm Đồng cần nghiên cứu, thực hiện chặt chẽ quy trình pháp lý trước khi quyết định quy hoạch liên quan Dinh tỉnh trưởng.

Dinh tỉnh trưởng nằm trên ngọn đồi cao ở trung tâm TP Đà Lạt

Dinh tỉnh trưởng nằm trên ngọn đồi cao ở trung tâm TP Đà Lạt

Động thái vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản xin ý kiến về quy hoạch xây dựng hệ thống khách sạn 10 tầng cùng với nâng Dinh tỉnh trưởng lên 28 m.

Đây là phương án được Tỉnh chọn nằm trong 3 thiết kế đã lấy ý kiến người dân, chuyên gia cách đây một năm. Theo phương án, Dinh được giữ nguyên và nâng cấp thành Bảo tàng Đà Lạt ở vị trí mới (nâng cao 28 m), mở cửa cho mọi người tham quan. Nơi đây còn xây dựng, phát triển tổ hợp khách sạn 10 tầng gồm các tiện ích dịch vụ, thương mại, trung tâm hội nghị 1.500 chỗ...

Hai phương án còn lại là xây tòa cao ốc ôm trọn xung quanh Dinh và xây tòa cao ốc phía trước Dinh.

Theo Hội kiến trúc sư, năm 2020 khi chính quyền Lâm Đồng đưa ra 3 phương án kiến trúc tại đồi Dinh tỉnh trưởng, Hội từng đề nghị không xây khách sạn ở đây. Đến nay, hồ sơ kèm các phương án mà Tỉnh gửi vẫn như cũ nên Hội chưa đủ cơ sở nghiên cứu để tham gia ý kiến mới. Tỉnh cần nghiên cứu thận trọng, thực hiện chặt chẽ quy trình pháp lý có giải pháp phù hợp nhất.

Hội Kiến trúc sư cũng mong muốn Lâm Đồng rà soát, lý giải đầy đủ nội dung thể hiện theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ tướng năm 2014. Việc lập và phê duyệt quy hoạch phải thực hiện trên cơ sở tuân thủ Luật Di sản văn hóa. Công trình khách sạn đồi Dinh cần tuân theo quy trình chuẩn của Luật Xây dựng và Luật Kiến trúc.

Đề xuất chưa khai tử xe thô sơ, ba bánh tại TP.HCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất giữ nguyên hoạt động xe cơ giới 3 bánh, thô sơ 3 - 4 bánh, tức kế hoạch hạn chế, dần "khai tử" loại xe này sau năm 2025 chưa thực hiện.

Một xe ba gác máy chạy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh

Một xe ba gác máy chạy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh

Nội dung vừa được Sở Giao thông vận tải (GTVT) gửi Công an TP.HCM cùng UBND các quận huyện, TP. Thủ Đức, trước việc Thành phố đã có kế hoạch điều chỉnh hoạt động, tiến đến chấm dứt hoàn toàn xe cơ giới 3 bánh, thô sơ 3 - 4 bánh trên địa bàn sau 4 năm tới.

Sở GTVT đề xuất loại xe trên được giữ nguyên hoạt động theo quyết định 08/2013 của UBND TP.HCM, đang áp dụng. Tuy nhiên, sở đề nghị công an Thành phố và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm của loại xe này.

Ngành giao thông Thành phố đánh giá nhu cầu sử dụng xe cơ giới 3 bánh, thô sơ 3 - 4 bánh là có thật, bởi tính cơ động cao, thuận tiện chở hàng ở các tuyến đường, hẻm nhỏ... Vì vậy, việc hạn chế rồi tiến đến chấm dứt hoạt động loại xe này ảnh hưởng nhu cầu, thói quen người sử dụng, nhất là người thu nhập thấp.

Ngoài ra, trước tình hình Covid-19 bùng phát như vừa qua, Sở GTVT cho rằng, việc điều chỉnh hoạt động loại xe trên sẽ không nhận được ủng hộ của người đang dùng các phương tiện trên để mưu sinh.

Trước đó, trong kế hoạch, TP.HCM dự tính giai đoạn 2021 - 2022 cấm toàn bộ loại xe này chạy vào khu trung tâm, cùng một số tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình)... Từ năm 2022 - 2025, xe cơ giới 3 bánh, thô sơ 3 - 4 bánh bị hạn chế hoạt động, với các khung giờ ngắn hơn ở nhiều khu vực. Sau năm 2025, loại xe này bị cấm hoàn toàn ở Thành phố.

Chuyên đề