Bản tin thời sự sáng 25/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là VN-Index thủng mốc 1.000 điểm, thấp nhất hai năm; Bộ Công an yêu cầu nhiều tỉnh cung cấp hồ sơ vụ 'chuyến bay giải cứu'; Hà Nội giao 5 huyện lập đề án lên quận; Bộ GTVT giải ngân đạt trên 30.000 tỷ đồng; người có thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ làm thủ tục bay nhanh;…

VN-Index thủng mốc 1.000 điểm, thấp nhất hai năm

VN-Index thủng mốc 1.000 điểm ngay sáng đầu tuần, tiếp tục lao dốc trong phiên chiều bởi áp lực bán quyết liệt và đóng cửa sát 986 điểm, thấp nhất hai năm.

VN-Index thủng mốc 1.000 điểm ngay sáng đầu tuần

VN-Index thủng mốc 1.000 điểm ngay sáng đầu tuần

Phiên giảm sâu cuối tuần trước không chỉ "dập tắt" nỗ lực hồi phục mà còn cho thấy những người cầm cổ phiếu vẫn bi quan, sẵn sàng bán tháo khi thị trường điều chỉnh mạnh. Điều này, theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, khiến mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm trở nên mong manh.

Thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần trong sắc xanh khi dòng tiền tìm đến các mã vốn hoá lớn. Tuy nhiên, trạng thái này chỉ xuất hiện trong tích tắc bởi bên bán ngay sau đó đẩy mạnh xả hàng. Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP.HCM đảo chiều giảm và đến lúc nghỉ trưa đã mất 23 điểm, xuống 996 điểm.

Biên độ giảm bị nới rộng trong phiên chiều khi nhà đầu tư đua nhau bán tháo các mã vốn hoá lớn. Dòng tiền bắt đáy yếu ớt không thể giúp thị trường đảo chiều trước giờ đóng cửa. VN-Index chốt phiên tại 986,15 điểm, mất gần 34 điểm so với tham chiếu.

Phiên ngày 24/10 không chỉ nối dài mạch giảm bốn phiên liên tiếp mà còn đánh dấu lần đầu tiên VN-Index đóng cửa dưới mốc 1.000 điểm trong vòng hai năm qua. Trước đó, ngày 11/10, chỉ số lao dốc còn 998 điểm nhưng đến cuối phiên thu hẹp biên độ giảm nên lấy lại được mốc này.

Bộ Công an yêu cầu nhiều tỉnh cung cấp hồ sơ vụ 'chuyến bay giải cứu'

Bộ Công an yêu cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Nam... cung cấp hồ sơ về việc tổ chức "chuyến bay giải cứu", lựa chọn khách sạn, resort cách ly.

Một chuyến bay đưa công dân từ Châu Âu về nước

Một chuyến bay đưa công dân từ Châu Âu về nước

Yêu cầu do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an gửi đến UBND nhiều địa phương nhằm phục vụ điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan khi thực hiện các chuyến bay giải cứu.

Với việc lựa chọn khách sạn, resort là địa điểm cách ly, Bộ Công an yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ các đơn vị đã nộp để xin là địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam hồi hương trên các chuyến bay tự trả phí. Thống kê các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của khách sạn, resort xin là địa điểm cách ly.

Về chủ trương xin cách ly, Bộ Công an yêu cầu các tỉnh cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp đăng ký; nêu rõ lý do doanh nghiệp nào được cấp và không được cấp chủ trương cách ly. Hồ sơ doanh nghiệp nộp xin chủ trương đưa chuyên gia, công nhân về nước để cách ly tại địa phương cũng bị yêu cầu thống kê.

Với hai trường hợp trên, cơ quan điều tra đề nghị cung cấp tài liệu cụ thể, thể hiện quá trình giải quyết, từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn địa điểm cách ly, chủ trương cách ly. Danh sách cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ như cán bộ đề xuất, ký trình, ký ban hành và người tham gia giải quyết từng hồ sơ của doanh nghiệp.

Đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly, Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi đã được tổ 5 Bộ cấp phép thực hiện.

Người phát ngôn Bộ Công an từng cho biết, có gần 2.000 "chuyến bay giải cứu" người Việt từ nước ngoài về trong các đợt Covid-19. Có chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỷ đồng.

Hà Nội giao 5 huyện lập đề án lên quận

Các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng được UBND TP. Hà Nội ủy quyền lập đề án thành lập quận, phường trực thuộc.

Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, nối quận Long Biên với huyện Đông Anh

Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, nối quận Long Biên với huyện Đông Anh

Theo quyết định vừa công bố ngày 24/10, UBND TP. Hà Nội giao 5 huyện thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập đề án. Sở Tài chính bố trí vốn lập đề án và hướng dẫn các huyện thủ tục, trình tự thanh quyết toán. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ theo dõi, tham mưu Thành phố giải quyết vướng mắc trong quá trình lập đề án.

Thời hạn UBND TP. Hà Nội ủy quyền cho các huyện trên lập đề án lên quận từ nay đến hết 31/12/2025.

Theo chương trình Thành ủy Hà Nội ban hành trước đó, 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021 - 2025 gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026 - 2030 gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.

Trong 5 huyện định hướng lên quận, Đông Anh có quy mô lớn nhất với diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000, gồm 23 xã, một thị trấn. Tiếp đến là Gia Lâm gần 115 km2, dân số 280.000, 20 xã và 2 thị trấn.

Hoài Đức có diện tích 82 km2, dân số trên 230.000, gồm 19 xã và một thị trấn. Đan Phượng rộng hơn 77 km2, dân số trên 174.000, gồm 15 xã và một thị trấn. Thanh Trì có diện tích nhỏ nhất trong số 18 huyện, thị xã của Hà Nội, với hơn 63 km2, dân số trên 200.000, gồm 15 xã và một thị trấn.

Qua quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội từ chỗ chỉ có 4 quận lõi gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã tăng lên 12 quận như ngày nay (thêm 8 quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân).

Bộ GTVT giải ngân đạt trên 30.000 tỷ đồng

Lũy kế đến hết tháng 10/2022, Bộ GTVT ước giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Hết tháng 10/2022, Bộ GTVT ước giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Hết tháng 10/2022, Bộ GTVT ước giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ GTVT, trong 10 tháng năm 2022, Bộ GTVT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo đó, đối với công tác chuẩn bị đầu tư, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT dự kiến đầu tư xây dựng 66 dự án khởi công mới. Đến nay, đã phê duyệt, trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư 58/66 dự án, gồm: 4/4 dự án quan trọng quốc gia, 6/10 dự án nhóm A và 48/52 dự án nhóm B, C.

Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ chủ trương đầu tư các dự án còn lại của 8 dự án, gồm: 4 dự án nhóm A và 4 dự án nhóm B, C.

Đối với việc triển khai kế hoạch đầu tư công, Bộ GTVT đã giao chi tiết 100% vốn theo đúng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao với số vốn 50.328 tỷ đồng.

Lũy kế đến hết tháng 10/2022, Bộ GTVT ước giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với việc quyết toán dự án hoàn thành, lũy kế đến nay đã duyệt 69 dự án/hạng mục công trình với tổng giá trị là 47.284 tỷ đồng.

Người có thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ làm thủ tục bay nhanh

Người sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ được tự động nhận diện khuôn mặt khi làm thủ tục, rút ngắn thời gian hơn hiện nay.

Hành khách làm thủ tục bay tại Nội Bài

Hành khách làm thủ tục bay tại Nội Bài

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ thử nghiệm ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip bằng phương pháp nhận dạng khuôn mặt hành khách trước khi ứng dụng chính thức trên toàn quốc. Dự kiến, việc thử nghiệm tại sân bay Nội Bài kéo dài 6 tháng, từ tháng 4/2023.

Theo đó, khu vực làm thủ tục và kiểm tra an ninh hàng không sẽ có một làn dành riêng cho hành khách có căn cước công dân gắn chip. Tại đây có thiết bị đọc thẻ căn cước để tự động nhận diện khuôn mặt thay vì nhân viên sân bay kiểm tra giấy tờ thủ công như hiện nay.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, việc áp dụng công nghệ đọc thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục cho hành khách, giảm bớt tình trạng quá tải tại sân bay và hạn chế tình trạng hành khách sử dụng giấy tờ giả.

Căn cước công dân gắn chip là loại căn cước được gắn thêm một mã QR nằm ở góc trên mặt trước của thẻ và con chip ở mặt sau thẻ. Hai thành phần này giúp thẻ căn cước công dân có thể tích hợp thêm các thông tin cá nhân như hộ khẩu, bảo hiểm, bằng lái xe, số chứng minh nhân dân cũ...; mã hóa các dữ liệu cá nhân cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, đặc điểm nhận dạng.

1,2 triệu liều vaccine Covid trẻ em được Australia hỗ trợ đã về đến Việt Nam

Ngày 24/10, thêm 1,2 triệu liều vaccine Covid cho trẻ em được Australia hỗ trợ về đến Hà Nội cùng 5 xe tải lạnh chuyên chở vaccine.

Số vaccine Covid cho trẻ em do Australia hỗ trợ về Hà Nội

Số vaccine Covid cho trẻ em do Australia hỗ trợ về Hà Nội

Đại diện Đại sứ quán Australia cho biết, như vậy trong vòng gần hai tháng, 4,2 triệu liều vaccine Covid đã được nước này hỗ trợ Việt Nam, trong đó có 3 triệu liều Pfizer cho người lớn (hồi tháng 9) và 1,2 triệu liều cho trẻ em đợt này. Số vaccine cho người lớn đã được chuyển cho Hà Nội và TP.HCM.

Bà Rana Flowers, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, số vaccine này nhằm đảm bảo tổ chức tiêm vét cho trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi.

Như vậy, 1,2 triệu liều vaccine Pizer trẻ em của Australia sẽ bù đắp thiếu vaccine ở các địa phương. Thời gian qua, nhiều địa phương phản ánh thiếu vaccine Covid tiêm cho trẻ nhỏ. Cuối tháng 9, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM thông báo sắp hết vaccine Covid tiêm cho trẻ nên tốc độ tiêm ngừa ở trẻ giảm.

Việt Nam triển khai tiêm vaccine Covid cho trẻ 5 - 11 tuổi từ tháng 4. Tính đến ngày 23/10, tổng số mũi vaccine đã tiêm là 16,7 triệu, trong đó tiêm mũi một tỷ lệ 89%, mũi hai đạt 62%.

Tỉnh Quảng Trị thông xe tuyến tránh tạm qua đoạn đứt gãy trên Quốc lộ 15D

Việc thông xe tuyến tránh tạm qua đoạn bị đứt gãy, sụt lún từ Km7+745 đến Km7+900 trên Quốc lộ 15D qua thôn La Lay, xã A Ngo, huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị), được thực hiện sớm hơn 1 ngày so với dự kiến là ngày 25/10.

Hiện trường vụ sạt, lún nghiêm trọng trên Quốc lộ 15D.

Hiện trường vụ sạt, lún nghiêm trọng trên Quốc lộ 15D.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Trị cho biết, từ 17 giờ ngày 24/10 đã thông xe tuyến tránh tạm qua đoạn bị đứt gãy, sụt lún từ Km7+745 đến Km7+900 trên Quốc lộ 15D.

Việc thông xe tuyến tránh tạm qua đoạn bị đứt gãy, sụt lún từ Km7+745 đến Km7+900 trên Quốc lộ 15D, được thực hiện sớm hơn 1 ngày so với dự kiến là ngày 25/10.

Trước đó, rạng sáng 16/10 xảy ra sự cố trên Quốc lộ 15D do mưa lớn khiến mặt đường đứt gãy, sụt lún sâu từ 5 - 8m, dài 155 m.

Sự cố này khiến giao thông đi lại giữa Việt Nam - Lào qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đóng ở thôn La Lay, xã A Ngo bị ách tắc hoàn toàn.

Tỉnh Quảng Trị đã cử lực lượng chốt chặn nghiêm cấm người, phương tiện qua lại; đồng thời di dời khẩn cấp 34 hộ với 165 nhân khẩu và cán bộ, nhân viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế La Lay đến nơi trú tránh an toàn.

Ngày 18/10, sau khi thống nhất phương án khắc phục sự cố trên Quốc lộ 15D với Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Quảng Trị đã huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị khẩn trương triển khai thi công tuyến đường tạm để đảm bảo đến ngày 25/10 thông xe.

Phương án khắc phục sự cố trên Quốc lộ 15D đã được Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất gồm làm đường tạm rộng 5,5 m phía trên vết nứt đỉnh cung trượt 6 m; yêu cầu thi công liên tục 3 ca/ngày để thông xe từng chiều với Cửa khẩu quốc tế La Lay, thời gian thi công từ ngày 18 - 25/10.

Cùng với thi công đường tạm, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT Quảng Trị huy động lực lượng thi công đoạn nắn tuyến (tránh cung trượt) với chiều dài 100 - 120 m, hoàn thành trước ngày 10/11.

Chuyên đề