TP.HCM: Đề xuất đấu giá quyền sử dụng đất hơn 300.000 m2 tại Thủ Thiêm
Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủ Thiêm đề xuất được đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư với lô đất 314.000 m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
TPHCM đề xuất được đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư với lô đất 314.000 m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm |
Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa đề xuất với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM về việc lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với một khu chức năng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2).
Theo đề xuất, Khu chức năng số 2c (diện tích khoảng 314.000 m2) nằm ở vùng lõi trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được quy hoạch là Khu phức hợp thể thao, giải trí gồm các hạng mục như: nhà thi đấu đa năng, công viên thể thao - giải trí. Đến nay, khu đất đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Dự kiến sau khi trúng đấu giá, nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ như: đường điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc, bờ kè kênh rạch… rồi bàn giao lại cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố là đơn vị được đề xuất giao xử lý việc đấu giá quyền sử dụng đất. Trung tâm sẽ chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan để lập phương án, hồ sơ đấu giá, trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Công ty Nhôm Toàn Cầu có dấu hiệu chuyển giá hàng nghìn tỷ đồng
Theo Kiểm toán Nhà nước, thông qua việc nâng giá thuê kho bãi một cách bất hợp lý, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang cho một công ty khác tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Công ty PTL là cho thuê kho bãi và Công ty đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi để chứa nhôm nguyên liệu |
Ngày 22/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chuyển Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an), đề nghị điều tra hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đây là công ty TNHH hai thành viên trở lên với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phần vốn góp của ông Jakky Cheung là 120 tỷ đồng (tỷ lệ 80%) và giá trị phần vốn góp của ông Nguyễn Tài là 30 tỷ đồng (tỷ lệ 20%).
Đầu năm 2017, ông Nguyễn Tài và Công ty TNHH Praise Trend ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp. Qua đó, ông Nguyễn Tài chuyển nhượng một phần vốn góp 15% vốn điều lệ trong Công ty PTL, giá trị vốn góp 22,5 tỷ đồng cho Công ty TNHH Praise Trend. Từ đó, Praise Trend đã sở hữu 95% phần vốn góp tại Công ty PTL, giá trị 142,5 tỷ đồng.
Qua thông tin và tình hình chuyển nhượng vốn của ông Nguyễn Tài, KTNN nhận thấy, khi chuyển nhượng 75% vốn góp, ông Nguyễn Tài có dấu hiệu chuyển nhượng vốn với giá chuyển nhượng thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng.
Liên quan đến dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế tại Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, kết quả kiểm toán cho biết, hoạt động kinh doanh chính và duy nhất của Công ty PTL là cho thuê kho bãi và Công ty đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi để chứa nhôm nguyên liệu.
Thông qua việc nâng giá thuê kho bãi một cách bất hợp lý, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang Công ty PTL tổng số tiền ít nhất khoảng 2.680 tỷ đồng (bằng 78,72% tổng số tiền thuê kho bãi giai đoạn 2015 - 2019).
Qua nắm bắt thông tin, KTNN cho rằng, ông Jakky Cheung đại diện vốn của Công ty TNHH Praise Trend cũng chính là Giám đốc Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu. Như vậy, hành vi chuyển giá giữa các công ty này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, mục đích cuối cùng là chuyển tiền bất hợp pháp từ Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu ra nước ngoài.
Giá vàng trong nước tăng phi mã lên gần 55 triệu đồng/lượng
Do giá vàng thế giới tăng mạnh lên 1882 USD/ounce, tăng 16 USD/ounce so với sáng ngày 23/7 nên các doanh nghiệp vàng trong nước cũng điều chỉnh tăng mạnh tới 54,8 triệu đồng/lượng.
Chiều ngày 23/7, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng mạnh nhất, tăng 1,7 triệu đồng so với đầu giờ sáng |
Chiều ngày 23/7, cả hai thương hiệu vàng trong nước vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh từ 900.000 đến 1,7 triệu đồng mỗi lượng so với đầu giờ sáng.
Tính đến 18 giờ chiều ngày 23/7, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng mạnh nhất và cũng là doanh nghiệp mua vào và bán ra cao nhất, giá từ 52,50 - 54,80 triệu đồng/lượng, tăng 1,7 triệu đồng so với đầu giờ sáng.
Tiếp đến là Công ty Vàng bạc đá quý Doji cũng điều chỉnh tăng 1,3 triệu đồng so với phiên sáng 23/7, doanh nghiệp này kết thúc phiên giao dịch quanh mức từ 53,35 - 54,35 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý điều chỉnh tăng 1,1 triệu đồng/lượng, giao dịch quanh mức 53,40 - 54,40 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long từ 52,23 - 53,13 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng mỗi lượng.
Các chuyên gia cho rằng, tại những thời điểm "cơn sốt vàng" bên có lợi nhất vẫn là giới kinh doanh vàng và khuyến cáo người dân cần bình tĩnh và có nhu cầu thật sự hãng mua vào. Thực tế chứng minh, mỗi lần thị trường có biến động, các nhà kinh doanh vàng thường nới rộng khoảng cách giữa mua và bán để đảm bảo sự an toàn.
Bên cạnh đó, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 1.882 USD/ounce, tăng 16 USD/ounce so với sáng ngày 23/7 (theo giờ Việt Nam).
Mức giá này xấp xỉ 52,76 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá trong nước, thấp hơn vàng SJC 2,04 triệu đồng/lượng, trong khi phiên trước vàng thế giới vẫn theo sát giá vàng trong nước./.
Yêu cầu tạm ngừng thi công để kiểm tra, rà soát tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài
Cục Hàng không Việt Nam vừa có Công văn số 3003/CHK-QLC gửi Cảng vụ hàng không miền Trung, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam chỉ đạo về việc tạm ngừng thi công, kiểm tra, rà soát việc bảo đảm an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công nền đất và móng cọc nhà ga, thí nghiệm cọc nhà ga dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài tại Thừa Thiên - Huế.
Cụ thể, trong các ngày 18, 19 và 20/7, xuất hiện tình trạng bụi đất do quá trình thi công tại Dự án “Xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài” |
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tạm ngừng thi công, kiểm tra, rà soát việc bảo đảm an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công nền đất và móng cọc nhà ga, thí nghiệm cọc nhà ga dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2.
Cụ thể, trong các ngày 18, 19 và 20/7, xuất hiện tình trạng bụi đất do quá trình thi công hạng mục nền đất, móng cọc nhà ga, thí nghiệm cọc nhà ga Dự án “Xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài” làm che phủ, hạn chế tầm nhìn của tàu bay và các phương tiện, ảnh hưởng đến môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khai thác tại sân bay Phú Bài.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Cảng hàng không miền Trung nhanh chóng triển khai các thủ tục thông báo cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công tạm ngừng thi công dự án. Chủ đầu tư và đơn vị thi công chỉ được phép tiếp tục thi công khi đã làm rõ được nguyên nhân, có biện pháp khắc phục và được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận.
Bắt quyền Trưởng phòng Ban Dân tộc Nghệ An liên quan đến đề án trăm tỷ
Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Nguyễn Tâm Long - quyền Trưởng phòng chính sách Ban Dân tộc Nghệ An liên quan đến đề án trăm tỷ.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt và khám xét nơi làm việc của ông Long. |
Cuối giờ chiều 23/7, tại trụ sở Ban dân tộc tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Nghệ An đã đọc lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Tâm Long (SN 1974) quyền Trưởng phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An vì liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện đề án hỗ trợ và phát triển người dân tộc Ơ Đu.
Trước sự chứng kiến của cán bộ VKSND tỉnh, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Tâm Long Quyền Trưởng phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
Trước đó, vào tối 21/7, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Kim Văn Bốn (SN 1982), cán bộ Phòng chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
Theo hồ sơ, quá trình thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga Mi (huyện Tương Dương), ông Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lập khống hồ sơ một số hạng mục để rút tiền của đề án. Số tiền ông Bốn bị cáo buộc chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương là 90% và 10% ngân sách đối ứng địa phương).