Khánh Hòa trả tiền ứng trước cho nhà đầu tư tại Cam Ranh
UBND tỉnh Khánh Hòa hoàn trả hàng trăm tỷ đồng nhà đầu tư ứng trước để xây dựng hạ tầng tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh do không phù hợp quy định.
Một góc khu du lịch thuộc Bắc bán đảo Cam Ranh |
Việc bãi bỏ hai nghị quyết (ban hành năm 2008 và 2014) về huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh vừa được HĐND Tỉnh thông qua.
Từ năm 2008, Tỉnh đã ban hành hai nghị quyết huy động vốn dưới hình thức "ứng trước tiền thuê đất của nhà đầu tư" để xây hạ tầng khu du lịch ở Cam Ranh. Chính quyền dự kiến huy động khoảng 1.000 tỷ đồng. Đổi lại doanh nghiệp được hoàn trả bằng cách trừ dần tiền thuê đất tại dự án, tính từ năm 2019.
Tuy nhiên, theo công văn của Bộ Tài chính hồi tháng 11/2022, việc tỉnh Khánh Hòa ứng trước tiền thuê đất để đầu tư cơ sở hạ tầng là chưa phù hợp Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Cơ quan này đề nghị, Tỉnh rà soát, thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Sau khi hai nghị quyết được bãi bỏ, UBND Tỉnh sẽ xây dự toán chi ngân sách địa phương, trong đó bố trí vốn để hoàn trả tiền thuê đất cho nhà đầu tư. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã được hoàn tiền. Riêng với những doanh nghiệp ứng trước tổng số tiền 200 tỷ đồng chưa được trả lại, Tỉnh lên kế hoạch hoàn trả trong năm 2024 và 2025, mỗi năm 100 tỷ đồng.
TP.HCM ra văn bản khẩn việc xử lý nhà đầu tư cầu Phú Mỹ
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Dự án Xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ do Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư đã có một số sai phạm, buộc phải nộp lại hơn 355,4 tỷ đồng cho Nhà nước.
Cầu Phú Mỹ |
UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn đề nghị Kiểm toán Nhà nước Khu vực IV ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) về việc thực hiện nộp lại tiền ngân sách nhà nước theo kết luận Kiểm toán Nhà nước đối với dự án BT xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã thông báo kết quả kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BT giai đoạn 2014 - 2018 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, Dự án Xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ do Công ty PMC làm nhà đầu tư có một số sai phạm, buộc phải nộp lại hơn 355,4 tỷ đồng cho Nhà nước.
Theo Tổ công tác thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước đối với dự án trên, tính đến tháng 6, số tiền Công ty PMC đã nộp ngân sách nhà nước chỉ là 12,7 tỷ đồng và còn nợ hơn 342,7 tỷ đồng.
Liên quan đến việc này, Cục Thuế TP.HCM đã áp dụng các biện pháp về thuế đối với PMC, trong đó có cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn. Biện pháp cưỡng chế này là do Công ty PMC có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.
Cùng với đó, Cục Thuế Thành phố cũng đã sử dụng mọi biện pháp đối với Công ty PMC do đơn vị này đang nợ thuế quá hạn số tiền hơn 37 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Tổ công tác kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại việc đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký kinh doanh đối với Công ty PMC cũng như hệ sinh thái của công ty này, báo cáo Thành phố có biện pháp chế tài…
57 nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế gần 4.000 tỷ đồng
6 tháng đầu năm nay, 57 nhà cung cấp nước ngoài gồm Google, Apple, Facebook, Netflix, Tiktok... đã nộp thuế gần 4.000 tỷ đồng, nhiều hơn mức nộp của cả năm 2022.
57 nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế gần 4.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Thông tin trên được đề cập trong báo cáo của Tổng cục Thuế vừa công bố. Theo đó, 57 doanh nghiệp này đều đã đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được vận hành từ tháng 3 năm ngoái.
Cụ thể, các nhà cung cấp này nộp thuế trong nửa đầu năm hơn 3.940 tỷ đồng, gồm khoảng 3.400 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử và 540 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay. Còn năm ngoái, các nhà cung cấp nước ngoài này nộp thuế gần 3.500 tỷ đồng, gồm 1.850 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử và gần 1.630 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay.
Bên cạnh đó, ngành thuế cho biết, số thu thuế từ thương mại điện tử trong 5 tháng đầu năm nay đạt 246 tỷ đồng, bằng 34% số thu của cả năm ngoái. Nguồn thu thuế này trong năm 2022 và 2021 lần lượt là 716 tỷ đồng và 261 tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan thuế đã ghi nhận số liệu từ 333 sàn thương mại điện tử, thông qua cổng thông tin thương mại điện tử vận hành từ cuối năm ngoái. Riêng quý I năm nay, có 64.300 cá nhân và 22.840 tổ chức kinh doanh trên sàn với 9 tỷ lượt giao dịch và tổng giá trị là 11.500 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cho biết đang xây dựng quy chế về khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu tiếp nhận được từ các sàn thương mại điện tử, nhằm quản lý thuế hiệu quả hơn.
Cơ quan này đang kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với một số người nộp thuế là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, các đơn vị là trung gian thanh toán, các công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam và một số nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
37 dự án nhà ở xã hội muốn vay gói 120.000 tỷ đồng
37 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ tại các địa phương đủ điều kiện và có nhu cầu vay khoảng 17.850 tỷ đồng từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
37 dự án nhà ở xã hội muốn vay gói 120.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết hiện có 105 dự án đã được cấp phép, đang đầu tư thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng.
Đến giữa tháng 7, có 37 dự án với tổng mức đầu tư trên 42.460 tỷ đồng, đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng cho biết, số dự án này sẽ được UBND các tỉnh rà soát, công bố trong thời gian tới.
Ngoài ra, 5 địa phương (Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Hà Tĩnh và Đà Nẵng) đã công bố danh mục 11 dự án đủ điều kiện, với nhu cầu vay 2.681 tỷ đồng từ gói 120.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cho biết, một số ngân hàng bắt đầu cho vay gói ưu đãi này.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, 5 năm qua đã có 41 dự án nhà ở xã hội, quy mô 19.516 căn được xây dựng. Hiện 294 dự án, quy mô gần 288.500 căn đang được các doanh nghiệp triển khai tại các địa phương.
Nửa đầu năm nay, 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công sẽ cung ứng cho thị trường 818.700 căn. Trong đó, nhà ở xã hội có 6 dự án quy mô 7.730 căn, tập trung tại Hải Phòng (4 dự án), Hà Nội và Lâm Đồng mỗi địa phương 1 dự án; còn 3 nhà ở công nhân tại Hải Phòng, Bình Định và Bắc Giang.
Bộ Xây dựng cho biết, cơ chế về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chọn chủ đầu tư và chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp tới đây sẽ được hoàn thiện khi cơ quan này trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).
TP.HCM rà soát hơn 2.000 trang mạng xã hội, trang tin điện tử
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM kiên quyết chấn chỉnh, xử lý hoặc chuyển Thanh tra Sở xử lý trang mạng xã hội, trang tin điện tử vi phạm. Ước tính hơn 120 trường hợp sẽ bị xử lý.
TP.HCM rà soát hơn 2.000 trang mạng xã hội, trang tin điện tử. Ảnh minh họa |
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa có báo cáo, đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024.
Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, từ đầu năm đến tháng 7/2023 phát hiện 468 tin, bài có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo.
Sở đã chuyển 76 tài khoản mạng xã hội nước ngoài đang đăng tải các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch để Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xử lý.
Rà soát chấn chỉnh tình trạng "báo hóa" tạp chí trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, Sở đã mời 7 đơn vị đến làm việc, phối hợp xử lý 4 trường hợp liên quan đến quảng cáo trên không gian mạng….
Trong năm 2023, Sở rà soát hơn 2.000 trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý hoặc đề xuất chuyển Thanh tra Sở xử lý theo quy định và ước tính sẽ xử lý hơn 120 trường hợp.
Dự kiến siết hàng loạt điều kiện với xe đưa đón học sinh
Bộ Giao thông vận tải đề xuất xe đưa đón học sinh bắt buộc có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn nhận diện, niên hạn sử dụng không quá 15 năm.
Xe đưa đón học sinh trường tiểu học Long Bình Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai) |
Theo Dự thảo Luật Đường bộ lần thứ năm đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Giao thông vận tải quy định, xe đưa đón học sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nếu đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, xe phải có dây đai an toàn hoặc ghế ngồi phù hợp lứa tuổi. Kính xe có thể nhìn rõ phía trong xe từ bên ngoài. Lái xe đưa đón học sinh có 2 năm kinh nghiệm.
Xe đưa đón học sinh có thể do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện. Các trường học muốn tổ chức đưa đón phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải địa phương, gồm: Hành trình; điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn đặc trưng. Nếu thông tin trên thay đổi, trường phải thông báo bổ sung.
Khi đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, các trường phải bố trí một quản lý mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, đảm bảo an toàn suốt chuyến đi. Nếu ôtô trên 24 chỗ đưa đón học sinh mầm non phải có hai quản lý. Các trường có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn. Xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong phân luồng, điều tiết giao thông…
Phát hiện 2 cơ sở ở TP.HCM, Đồng Nai sản xuất hàng tấn cà phê giả
Từ các xe chở cà phê bột đi tiêu thụ trên địa bàn được xác định là hàng giả, Công an tỉnh Đắk Lắk mở rộng xác minh được 2 cơ sở sản xuất cà phê giả ở TP.HCM và Đồng Nai.
Số lượng cà phê giả được Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện có nguồn gốc tại TP.HCM, Đồng Nai |
Chiều 23/7, thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phát hiện hai vụ vận chuyển cà phê bột giả từ TP.HCM, Đồng Nai đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, vào ngày 19/7, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra ô tô do Lê Văn Khoa (tỉnh Thanh Hóa) điều khiển trên Quốc lộ 26 hướng từ huyện Ea Kar về TP. Buôn Ma Thuột. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có chở khoảng 1,2 tấn cà phê bột, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Qua kiểm tra nhanh, cơ quan công an xác định toàn bộ số cà phê trên đều là hàng giả.
Từ những số cà phê giả trên, Công an tỉnh Đắk Lắk xác định cơ sở sản xuất cà phê Trọng Tín (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã sản xuất số cà phê này và cho nhân viên chở đi các tỉnh: Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Nông, Ninh Thuận… để tiêu thụ.
Tại cơ sở này, cơ quan chức năng thu giữ 9 kg cà phê bột, 8 bao nguyên liệu sản xuất cà phê, 8 thùng vỏ bao bì và toàn bộ máy móc sản xuất cà phê.
Tiếp đến, ngày 20/7, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện Ngô Công Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển ô tô chở theo nhân viên của Công ty TNHH Tân Vĩnh Kỳ (TP.HCM) đang bán 120 gói cà phê bột không có hóa đơn chứng từ cho một phụ nữ trên địa bàn huyện Krông Năng.
Trên xe, công an phát hiện có 620 kg cà phê bột nhưng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Số cà phê này nhanh chóng được kiểm nghiệm và xác định đều là hàng giả.
Từ vụ việc, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phối hợp khám xét tại cơ sở sản xuất cà phê Nhật Nguyên (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Qua đó, thu giữ khoảng 6 tấn cà phê bột, nguyên liệu sản xuất cà phê, vỏ bao bì và toàn bộ máy móc phục vụ việc sản xuất cà phê bột.