Bản tin thời sự sáng 24/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là từ 1/7, người dân được đấu giá biển số ô tô của 63 tỉnh, thành; điều tra việc thao túng cổ phiếu API, IDJ và APS; Saigontourist khởi kiện hãng taxi sử dụng nhãn hiệu Saigontourist; 15 triệu cổ phiếu của công ty Shark Thủy bị bán giải chấp; thanh tra phát hiện nhiều sai phạm về đất sân golf ở Yên Bái…

Từ 1/7, người dân được đấu giá biển số ô tô của 63 tỉnh, thành

Từ 1/7, toàn bộ dải biển số ô tô đang có của 63 tỉnh, thành phố sẽ được đưa ra đấu giá. Người dân được quyền lựa chọn, cạnh tranh để sở hữu biển số theo mong muốn.

Mỗi phiên đấu giá sẽ có một số lượng biển nhất định, tùy thuộc vào số lượng đăng ký xe của từng địa phương

Mỗi phiên đấu giá sẽ có một số lượng biển nhất định, tùy thuộc vào số lượng đăng ký xe của từng địa phương

Từ ngày 1/7, Nghị quyết thí điểm về đấu giá biển số ô tô của Quốc hội chính thức có hiệu lực. Người dân sẽ được quyền lựa chọn, cạnh tranh để sở hữu biển số ô tô theo mong muốn.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho biết, công tác chuẩn bị cho các phiên đấu giá đang được gấp rút hoàn thiện. Toàn bộ cơ sở vật chất, nhân lực đã sẵn sàng để người dân bắt đầu làm thủ tục đấu giá.

Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, ngày 13/6 vừa qua, Cục đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ Công an về nghiệp vụ đấu giá tài sản và công tác giám sát đấu giá.

"Dự kiến từ ngày 1/7, Cục CSGT đưa danh sách biển số trong dãy số chuẩn bị cấp của 63 địa phương công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục CSGT và trang thông tin trực tuyến của tổ chức đấu giá để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia. Sau khi thực hiện các thủ tục, phiên đấu giá đầu tiên sẽ diễn ra", vị đại diện Cục CSGT nói.

Về kho biển số được đưa ra đấu giá trong phiên đầu tiên, đại diện Cục CSGT cho biết, dải biển số ô tô của 63 tỉnh, thành phố sẽ được đưa ra đấu giá. Cục CSGT đang rà soát để xác định ở mỗi địa phương, thời điểm bắt đầu đấu giá sẽ ở dải biển số bao nhiêu, 100% biển số của dải số đó sẽ được tính toán đưa ra để người dân tham gia đấu giá.

"Mỗi phiên đấu giá sẽ có một số lượng biển nhất định, tùy thuộc vào số lượng đăng ký xe của từng địa phương. Các biển không được lựa chọn đấu giá sau đó sẽ được trả về để bấm ngẫu nhiên", đại diện Cục CSGT thông tin.

Theo đại diện Cục CSGT, việc đấu giá biển số ô tô được thực hiện hoàn toàn trên mạng Internet. Trong mỗi phiên đấu giá có nhiều cuộc đấu giá khác nhau cho mỗi biển số.

Điều tra việc thao túng cổ phiếu API, IDJ và APS

Công an TP. Hà Nội vừa khởi tố vụ án để điều tra hành vi thao túng chứng khoán với ba mã cổ phiếu API, IDJ và APS.

Công an TP. Hà Nội điều tra việc thao túng cổ phiếu API, IDJ và APS. Ảnh minh họa

Công an TP. Hà Nội điều tra việc thao túng cổ phiếu API, IDJ và APS. Ảnh minh họa

Quyết định khởi tố vụ án Thao túng thị trường chứng khoán được Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội thực thi. Hiện chưa có người nào bị khởi tố, cơ quan điều tra chưa cung cấp chi tiết về sai phạm.

Vụ án xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), Công ty CP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Ba mã cổ phiếu trên thuộc "họ APEC", trong phiên ngày 3/6, API tăng 3,3%, IDJ tăng 3,1% và APS tăng 2,9%.

Sau khi xảy ra sự việc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu ba công ty trên thực hiện công bố thông tin và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.

Saigontourist khởi kiện hãng taxi sử dụng nhãn hiệu Saigontourist

Saigontourist taxi thuộc Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist, là một trong 2 hãng taxi bị tạm dừng kinh doanh hoạt động vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hãng taxi của Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist sử dụng nhãn hiệu Saigontourist

Hãng taxi của Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist sử dụng nhãn hiệu Saigontourist

Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV vừa nộp đơn khởi kiện Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist.

Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV - Saigontourist là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM, có tên nước ngoài là Saigontourist Group, tên viết tắt là Saigontourist. Tháng 1/2004, Tổng công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền với nhãn hiệu "Saigontourist", màu sắc xanh dương, trắng.

Sau nhiều lần gia hạn thời gian sử dụng nhãn hiệu "Saigontourist", đến nay, giấy chứng nhận vẫn có giá trị.

Saigontourist là thương hiệu lớn về du lịch, nhà hàng, khách sạn…, nhiều năm liền được công nhận là thương hiệu quốc gia. Từ năm 1999 đến nay Tổng công ty Du lịch Sài Gòn luôn dùng nhãn hiệu Saigontourist trong các hồ sơ, văn bản, hợp đồng, trên các phương tiện truyền thông…

Còn Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist tiền thân là công ty nhà nước trực thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Năm 2005, công ty này trở thành công ty cổ phần với pháp nhân hoàn toàn độc lập và không còn liên quan gì đến Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.

Tuy nhiên, hiện công ty này vẫn sử dụng nhãn hiệu "Saigontourist" và sử dụng tên thương mại "Sài Gòn Tourist" trong hoạt động kinh doanh khách sạn, du lịch, nhà hàng, dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển như taxi.

Để bảo vệ nhãn hiệu, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã nhiều lần yêu cầu Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền đối với tên thương mại và nhãn hiệu "Saigontourist". Phía Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist cũng cam kết chấm dứt việc này nhưng vẫn chưa thực hiện.

15 triệu cổ phiếu của công ty Shark Thủy bị bán giải chấp

Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt dự kiến bán khoảng 15 triệu cổ phiếu Apax Holdings, tương đương khoảng 18% vốn.

Nhiều công ty chứng khoán đã bán giải chấp cổ phiếu Apax Holdings. Ảnh minh họa

Nhiều công ty chứng khoán đã bán giải chấp cổ phiếu Apax Holdings. Ảnh minh họa

Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố về việc thực hiện bán chứng khoán cầm cố của khách hàng là người có liên quan của người nội bộ đối với cổ phiếu Apax Holdings (IBC) do Tập đoàn Giáo dục Egroup sở hữu.

Cụ thể, công ty chứng khoán này dự kiến bán 15 triệu cổ phiếu IBC tương đương khoảng 18% vốn của Apax Holdings. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 22/6 đến 12/7. Phương thức giao dịch thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Trước đó, các công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) và Chứng khoán Bảo Việt đã bán giải chấp hơn 13 triệu cổ phiếu Apax Holdings. Do bị giải chấp lượng lớn cổ phần, lượng sở hữu của Egroup đã giảm nhanh từ gần 49,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 59,76%) xuống còn gần 36,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 44,11%).

Tỷ lệ này khiến Egroup không còn là công ty mẹ tại Apax Holdings (trừ trường hợp Egroup chứng minh vẫn chi phối Hội đồng quản trị).

Ngoài Egroup, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy cũng bị bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC vào cuối năm ngoái, qua đó bị giảm sở hữu về còn 5,1 triệu đơn vị, tương ứng nắm giữ 6,17% vốn Apax Holdings.

Với cổ phiếu IBC, mã chứng khoán này đã bị HoSE chuyển từ kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 23/5. Nhà đầu tư chỉ có thể giao dịch cổ phiếu này trong phiên chiều của ngày giao dịch.

Thời gian qua, Apax Leaders vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Thông tin về các giải pháp và thời hạn trả nợ/gạt nợ cho nhà đầu tư, ông Thủy cho biết trong kịch bản tích cực nhất, thời điểm Egroup có thể bắt đầu thanh toán được nợ cho nhà đầu tư phải 3 - 5 năm tới. Thời gian này, Công ty vẫn tìm sản phẩm như bất động sản, đồ gia dụng... để nhà đầu tư gạt nợ.

Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm về đất sân golf ở Yên Bái

Thanh tra phòng chống tham nhũng, quản lý, sử dụng đất ở Yên Bái năm 2010 - 2020, Thanh tra Chính phủ chỉ ra Dự án Tổ hợp sân golf Ngôi sao Yên Bái được cấp phép sai quy hoạch.

Dự án sân golf Ngôi sao Yên Bái

Dự án sân golf Ngôi sao Yên Bái

Theo kết luận thanh tra, UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Đồ án quy hoạch Khu du lịch sinh thái hồ Đầm Hậu thuộc xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, trong đó có diện tích khu sân golf là 160 ha (vượt 60 ha). Việc này bị đánh giá là chưa đúng với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Tháng 11/2014, UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty CP Sân golf Ngôi sao Yên Bái để thực hiện Dự án. Sân golf dự kiến có diện tích sử dụng đất là 195 ha với tổng mức đầu tư trên 680 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thanh tra phát hiện thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư, Dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Đặc biệt, diện tích đất vượt 95 ha là chưa phù hợp với Quy hoạch sân golf Việt Nam do Thủ tướng phê duyệt.

Hơn nữa, việc sử dụng một số ô đất nằm trong khu vực sân golf làm đất ở biệt thự là chưa phù hợp với quy hoạch…

Năm 2015, Công ty CP Sân golf Ngôi sao Yên Bái khởi công xây dựng nhưng thanh tra cho rằng, khi đó chưa có mặt bằng xây dựng, giấy phép xây dựng nên chưa phù hợp với Luật Xây dựng…

UBND tỉnh Yên Bái sau đó ban hành các quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Đầm Hậu và chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp sân golf Ngôi sao Yên Bái.

Để xảy ra các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và Phó Chủ tịch UBND Tỉnh phụ trách các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Công ty CP Sân golf Ngôi sao Yên Bái...

Thanh tra đề nghị UBND tỉnh Yên Bái kiểm điểm rõ trách nhiệm và xác định tiền thuê đất của Dự án, thu nộp về ngân sách nhà nước theo quy định.

Becamex IDC muốn huy động tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu

Năm ngoái, doanh nghiệp này cũng có kế hoạch phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu nhưng chưa thực hiện được do thị trường có nhiều thông tin bất lợi.

Kết thúc quý I/2023, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Becamex IDC khoảng 16.488 tỷ đồng, chiếm 34% tổng nguồn vốn

Kết thúc quý I/2023, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Becamex IDC khoảng 16.488 tỷ đồng, chiếm 34% tổng nguồn vốn

HĐQT Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC (BCM) vừa thông qua phương án phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong năm nay. Hiện doanh nghiệp chưa công bố phương án phát hành cũng như mục đích và kế hoạch sử dụng vốn.

Đáng chú ý, kế hoạch huy động vốn này tương tự với kế hoạch đã được HĐQT BCM thông qua năm ngoái. Cụ thể, trong năm 2022, Becamex IDC đã thông qua kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, tuy nhiên do kênh huy động vốn từ trái phiếu gặp nhiều thông tin không thuận lợi, do đó Becamex IDC quyết định không phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2022.

Đầu tháng 6, Tổng công ty này cũng thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm và dự kiến phát hành trong tháng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm thuộc sở hữu của Becamex.

Lô trái phiếu này có lãi suất tối thiểu dự kiến cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 13%/năm, cứ ba tháng trả lãi một lần. Mức lãi suất của các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ bằng tổng của 3,5% và lãi suất sản phẩm tiết kiệm trung dài hạn linh hoạt VND kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng MBBank, nhưng không thấp hơn 13%/năm.

Dòng tiền thanh toán trái phiếu sẽ được trả bằng nguồn thu từ Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, các dự án khác thuộc Becamex IDC và nguồn thu hợp pháp khác từ hoạt động kinh doanh của Tổng công ty.

Phía doanh nghiệp cho biết mục đích phát hành lô trái phiếu lần này nhằm thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc và lãi đến hạn các khoản nợ trái phiếu của công ty.

Kết thúc quý I/2023, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Becamex IDC khoảng 16.488 tỷ đồng, chiếm 34% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 5.638 tỷ đồng và nợ vay dài hạn gần 10.850 tỷ đồng.

Bắt tạm giam chủ mưu nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm 78-02D

Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đăng kiểm Bách Việt Ngô Thị Thu Hằng được xác định là chủ mưu, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Thị Thu Hằng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Thị Thu Hằng

Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đăng kiểm Bách Việt về tội “Nhận hối lộ,” quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Bị can Ngô Thị Thu Hằng được xác định là chủ mưu trong vụ án, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D (địa chỉ tại Km48 +450, Quốc lộ 25, thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Kết quả điều tra xác định, từ ngày 12/10/2020 đến ngày 10/10/2022, Ngô Thị Thu Hằng đã tổ chức cho lãnh đạo, tổ đăng kiểm, nhân viên nghiệp vụ và bộ phận kế toán Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhận tiền từ các chủ xe cơ giới với tổng số tiền nhiều tỷ đồng để thực hiện không đúng quy trình kiểm định.

Ngô Thị Thu Hằng được xác định là người hưởng lợi nhiều nhất từ số tiền nhận hối lộ và là bị can chủ mưu trong vụ án, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng này.

Trước đó, ngày 16/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã tống đạt các quyết định khởi tố đối với 4 bị can về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Tạm giữ tàu chở 15.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Sáng 23/6, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã dẫn giải tàu vỏ sắt không số hiệu, chở 15.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc, xuất xứ, về cảng Hải đoàn 11 tại khu vực bán đảo Đình Vũ, Hải Phòng để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo.

Tàu chở dầu không rõ nguồn gốc bị lực lượng Cảnh sát biển tạm giữ

Tàu chở dầu không rõ nguồn gốc bị lực lượng Cảnh sát biển tạm giữ

Đêm 22/6, tại khu vực biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, tổ công tác Bộ Tư lệnh Vùng đã phát hiện một tàu vỏ sắt không số hiệu có biểu hiện nghi vấn và tiến hành kiểm tra phương tiện.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 2 thuyền viên, trong đó có ông Phạm Văn Dương, quê quán xã Hợp Đức, huyện Thanh Hà (Hải Dương) là đại diện phương tiện. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu đang chở khoảng 15.000 lít dầu DO (theo khai báo). Toàn bộ số dầu trên không có hoá đơn giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Theo khai báo của ông Phạm Văn Dương, số dầu này được mua trôi nổi từ một phương tiện không rõ số hiệu tại khu vực trên, khi đang trên đường vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ thì bị kiểm tra, tạm giữ.

Hiện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã hoàn tất hồ sơ ban đầu, ra quyết định tạm giữ phương tiện, tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hàng loạt ô tô dán quảng cáo 'lô đề' bị đề nghị xử lý

Nhiều ô tô kinh doanh vận tải hành khách ở TP.HCM dán quảng cáo "lô đề", "cá độ" bóng đá… bị yêu cầu gỡ bỏ và xem xét xử lý.

Cảnh sát giao thông kiểm tra một xe dán quảng cáo với nội dung cá độ

Cảnh sát giao thông kiểm tra một xe dán quảng cáo với nội dung cá độ

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa yêu cầu 4 hợp tác xã vận tải Hoàng Long, Minh Huy, Thăng Long, Cơ giới Nam Sài Gòn chấn chỉnh tình trạng để nhiều ôtô dán quảng cáo với những nội dung cá độ, lô đề. Sở sẽ lập kế hoạch thanh tra đột xuất những đơn vị vận tải không đảm bảo quy định về quảng cáo.

Động thái này được đưa ra sau khi Công an TP.HCM phát hiện nhiều ô tô kinh doanh vận tải dán nội dung trái văn hóa, vi phạm quy định khi diện tích quảng cáo chiếm quá 50% bề mặt mỗi bên xe. Hiện, một trong 4 đơn vị vi phạm nói trên là Hợp tác xã Dịch vụ du lịch vận tải Thăng Long đã yêu cầu 54 tài xế gỡ bỏ các quảng cáo sai quy định. Những đơn vị còn lại cần báo kết quả xử lý cho Sở trước ngày 25/6.

Theo quy định, sản phẩm quảng cáo không được gắn ở mặt trước, sau và trên nóc ô tô. Hai bên hông xe được dán quảng cáo nhưng không quá 50% diện tích. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt 2 - 5 triệu đồng. Riêng trường hợp quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội bị phạt 5 - 10 triệu đồng.

Chuyên đề