Bản tin thời sự sáng 24/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Moody's hạ bậc tín nhiệm của FE Credit; chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình với CSGT, xử nghiêm xe khách vi phạm; không xây bãi xe ngầm 7 tầng ở sân golf trung tâm Đà Lạt; người dân gặp khó khăn khi hơn 100 cây xăng ở Bình Dương ngưng hoạt động…

Moody's hạ bậc tín nhiệm của FE Credit

Khó khăn của lĩnh vực tài chính tiêu dùng là lý do Moody’s hạ bậc xếp hạng của FE Credit từ mức ổn định Ba3 xuống B1 - rủi ro tín dụng ở mức cao.

Moody’s hạ bậc xếp hạng của FE Credit từ mức ổn định Ba3 xuống B1

Moody’s hạ bậc xếp hạng của FE Credit từ mức ổn định Ba3 xuống B1

Việc điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm của FE Credit, theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s), do khả năng thanh toán kém đi khi chất lượng tài sản suy yếu, kèm với rủi ro thanh khoản gia tăng.

Đơn vị xếp hạng cho biết, FE Credit có phân khúc khách hàng chính là những cá nhân có thu nhập thấp, là đối tượng chịu tổn thương lớn với những biến động tiêu cực của kinh tế vĩ mô nên khả năng trả nợ giảm xuống thấp trong thời gian qua.

Dù vậy, Moody's kỳ vọng FE Credit sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ hai cổ đông lớn là ngân hàng mẹ VPBank (với xếp hạng tín nhiệm gần nhất giữ nguyên ở mức ổn định Ba3) và Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG, xếp hạng tín nhiệm ở mức A1).

Thông cáo của Moody's cho biết, điều này có thể giúp giảm thiểu một phần rủi ro về khả năng thanh toán và thanh khoản của FE Credit. Điều này cũng là lý do xếp hạng CFR (Corporate Family Rating - đánh giá tín nhiệm dựa trên mối tương quan với các thành viên trong cùng tập đoàn) của FE Credit cao hơn mức xếp hạng độc lập.

Chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình với CSGT, xử nghiêm xe khách vi phạm

Cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình với Cục Cảnh sát giao thông để xử lý xe khách vi phạm an toàn giao thông (ATGT).

Trong 3 tháng đầu năm đã có hơn 3.000 phương tiện xe khách vi phạm tốc độ. Ảnh minh họa

Trong 3 tháng đầu năm đã có hơn 3.000 phương tiện xe khách vi phạm tốc độ. Ảnh minh họa

Tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, hàng tháng, đơn vị này đều có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường theo dõi, kiểm tra và trích xuất dữ liệu trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Trong đó, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục và các trường hợp không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông theo quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải và nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.

Tính đến hết tháng 3/2023, đã có gần 940.000 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Số liệu thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm, hệ thống đã ghi nhận hơn 3 triệu lần xe vi phạm tốc độ, tỷ lệ số lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000 km xe chạy là 0,81 lần/1.000 km, giảm 1,82% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 3 tháng đầu năm, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 3.000 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên/tháng; Chấn chỉnh, nhắc nhở đối với hơn 8.300 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.

Không xây bãi xe ngầm 7 tầng ở sân golf trung tâm Đà Lạt

Chính quyền Lâm Đồng không đồng ý đề xuất xây bãi xe ngầm 7 tầng, trung tâm thương mại ở sân golf đồi Cù của Công ty CP Hoàng Gia ĐL.

Sân golf đồi Cù, TP. Đà Lạt, nơi doanh nghiệp đề xuất làm bãi đậu xe ngầm

Sân golf đồi Cù, TP. Đà Lạt, nơi doanh nghiệp đề xuất làm bãi đậu xe ngầm

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương không đồng ý đề xuất xây bãi xe ngầm 7 tầng, trung tâm thương mại ở sân golf đồi Cù do những hạng mục này chưa có trong quy hoạch và quan điểm của Tỉnh là "không chạy theo nhà đầu tư".

Trước đó, Công ty CP Hoàng Gia ĐL (chủ sân golf đồi Cù, chủ sở hữu nhiều công trình du lịch ở Đà Lạt) đề xuất làm khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phức hợp, hai khu hầm đậu xe 7 tầng ở sân golf rộng 62,4 ha giữa TP. Đà Lạt để phục vụ kinh tế đêm. Vị trí dự án giáp Hồ Xuân Hương, gần đoạn giao giữa đường Trần Quốc Toản - Đinh Tiên Hoàng.

Dự án còn lại là mở rộng đường Trần Quốc Toản, đoạn từ nút giao Trần Nhân Tông đến nút giao đường Đinh Tiên Hoàng. Sau khi hoàn thành, doanh nghiệp sẽ giao lại cho TP. Đà Lạt quản lý, phục vụ cộng đồng.

Hai dự án trên chiếm khoảng 15,6 ha đất, đang được quy hoạch là đất rừng và đất cơ sở thể dục thể thao. Doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng cho điều chỉnh quy hoạch và nhiều thủ tục pháp lý làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án.

Công ty CP Thương mại dịch vụ Đông Á bị phạt 220 triệu đồng vì vi phạm xả thải gây ô nhiễm

UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Công ty CP Thương mại dịch vụ Đông Á phải cải tạo hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải sau xử lý trước khi xả thải ra môi trường phải đạt quy chuẩn kỹ thuật.

Công ty CP Thương mại dịch vụ Đông Á bị phạt 220 triệu đồng vì vi phạm xả thải gây ô nhiễm. Ảnh minh họa

Công ty CP Thương mại dịch vụ Đông Á bị phạt 220 triệu đồng vì vi phạm xả thải gây ô nhiễm. Ảnh minh họa

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết, UBND tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định xử phạt hành chính Công ty CP Thương mại dịch vụ Đông Á (có trụ sở tại phường Đề Thám, TP. Thái Bình) về vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức xử phạt 220 triệu đồng.

Trước đó, tháng 3/2023, Đoàn Kiểm tra liên ngành (gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - Công an Tỉnh và chính quyền địa phương) do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại một trang trại tổng hợp của Công ty CP Thương mại dịch vụ Đông Á.

Qua kiểm tra, lấy mẫu nước với kết quả phân tích nhiều thông số vượt quá quy chuẩn cho phép. Trong đó, lưu lượng nước thải khoảng 19 m3/ngày đêm có thông số Coliform vượt 16,66 lần; thông số TSS vượt 1,21 lần QCVN62-MT:2016/BTNMT cột A quy định giá trị C của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Với các vi phạm nêu trên, Công ty CP Thương mại dịch vụ Đông Á bị xử phạt 220 triệu đồng và phải chi trả kinh phí trưng cầu, giám định, phân tích mẫu nước thải.

Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Công ty phải cải tạo hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải sau xử lý trước khi xả thải ra môi trường phải đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải chăn nuôi. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2023.

Trong thời gian cải tạo hệ thống xử lý nước thải, Công ty phải có biện pháp thu gom đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.

Người dân gặp khó khăn khi hơn 100 cây xăng ở Bình Dương ngưng hoạt động

Ngày 23/4, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết lý do cả trăm cửa hàng xăng dầu trên địa bàn ngưng hoạt động khiến người dân gặp khó khi đi đổ xăng.

Nhiều cây xăng đóng cửa gây khó khăn cho người dân khi tìm chỗ đổ xăng

Nhiều cây xăng đóng cửa gây khó khăn cho người dân khi tìm chỗ đổ xăng

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Dương có 447 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có 344 cửa hàng đang hoạt động, còn lại 103 cửa hàng đóng cửa.

Trong số 103 cửa hàng xăng dầu đóng cửa thì có 21 cửa hàng không đủ điều kiện được cấp phép nên đã chuyển đổi công năng; 82 cửa hàng đang hoàn thiện hồ sơ về phòng cháy chữa cháy, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ở sang đất thương mại để đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động trở lại.

Trước nỗi lo của người dân Bình Dương về việc thiếu nhiên liệu, lãnh đạo Sở Công Thương Tỉnh khẳng định, mặc dù số cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động nhiều nhưng vẫn đảm bảo đủ nguồn cung. Cụ thể, Bình Dương có 5 kho xăng dầu với trữ lượng 66.200 khối; có 2 nhà cung cấp xăng dầu lớn là Xăng dầu Sông Bé và Thanh Lễ với mức dự trữ luôn ổn định, đảm bảo cung ứng nguồn hàng từ nửa tháng trở lên.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết thêm, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, được cấp lại giấy phép đủ điều kiện hoạt động.

Đầu tư gần 800 tỷ đồng xóa 160 điểm đen tai nạn giao thông

Trong kế hoạch bảo trì năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam được bố trí gần 800 tỷ đồng để xử lý hơn 160 điểm đen và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT).

Điểm quay đầu xe Quốc lộ 1A phía Bắc cầu Nguyệt Viên, TP. Thanh Hóa trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương mỗi khi quay xe để vào Thành phố

Điểm quay đầu xe Quốc lộ 1A phía Bắc cầu Nguyệt Viên, TP. Thanh Hóa trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương mỗi khi quay xe để vào Thành phố

Đánh giá về kết quả thực hiện bảo đảm an toàn giao thông đường bộ trong quý I, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, TNGT đường bộ trong 3 tháng đầu năm đã giảm sâu về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Cụ thể, cả nước xảy ra hơn 2.300 vụ, làm chết hơn 1.400 người, bị thương hơn 1.500 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 424 vụ, giảm 230 người chết, giảm 145 người bị thương.

Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Cục đã triển nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông như nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phương tiện và người lái, đẩy mạnh kiểm soát tải trọng xe, xử lý điểm đen TNGT.

Nói riêng về xử điểm đen TNGT, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2023, Bộ GTVT đã phê duyệt kinh phí khoảng 790 tỷ đồng để xử lý 161 công trình điểm đen và điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Trong đó, có hơn 417 tỷ đồng cho các công trình chuyển tiếp từ năm 2022 và 363 tỷ đồng xử lý 21 công trình mới trong năm 2023.

Cục đã chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, các Sở GTVT khẩn trương xử lý, hoàn thành các điểm đen TNGT chuyển tiếp từ năm 2022; đang xem xét cho phép xử lý 8 điểm đen, 3 điểm tiềm ẩn TNGT do các Khu Quản lý đường bộ, Sở GTVT trình. Đồng thời, tiếp tục rà soát, ưu tiên xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông.

Chiếm đoạt tiền tỷ bằng chiêu nhượng lại gói thầu

Trần Anh Tuấn nói dối sẽ nhường lại một gói thầu công trình trị giá 5,6 tỷ đồng với điều kiện trích lại 18%, nhằm chiếm đoạt tiền.

Bị can Trần Anh Tuấn

Bị can Trần Anh Tuấn

Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) cho biết đã khởi tố Tuấn, trú phường Hưng Dũng, TP. Vinh, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, Tuấn nói dối với một giám đốc công ty xây dựng rằng có nhiều mối quan hệ nên được một công ty giao toàn bộ gói thầu dự án trị giá 5,6 tỷ đồng vừa trúng tại Nghệ An.

Tuấn hứa nhường lại gói thầu trên, với điều kiện trích 18% tổng giá trị. Tin lời Tuấn, vị giám đốc đã chuyển 1,2 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, nhận được tiền, Tuấn tiêu xài cá nhân. Khi nạn nhân biết đã bị lừa, yêu cầu trả lại tiền thì Tuấn chỉ hoàn 100 triệu đồng rồi cắt liên lạc.

Chuyên đề